Đầu
năm 1965, sau nghỉ tết Ất Tỵ chúng tôi lên trường nhận kế hoạch đi thực tập.
Tôi được phân công về thực tập tại Trường phổ thông cấp III Bình Giang tại thị
trấn Kẻ Sặt. Khuôn viên nhà trường khá rộng và ở ngay đầu thị trấn. Các phòng
học cũng đã được xây gach và lợp ngói khá khang trang. Giữa hai dãy nhà học là
một bãi cỏ rộng mênh mông như sân đá bóng, lại chưa có cây cối gì nên trông khá
trơ trọi và huyếch hoác.
Ngôi
nhà hành chính ở sát ngay cổng trường. Đó là nơi làm việc của Ban Giám hiệu.
Ngay bên cạnh thấy có một phòng nhỏ bố trí cho một cặp vợ chồng giáo viên ở.
Hiệu trưởng nhà trường là ông Ẩm (tôi không nhớ họ) người bé nhỏ, một cán bộ chính trị do Huyện ủy Bình Giang cử
sang đảm nhiệm chứ không phải là giáo viên.
Tôi
không còn nhớ đoàn thực tập của chúng tôi năm đó có những môn nào về trường
này, chỉ còn nhớ nhóm văn của chúng tôi thì có anh Hoàng Nguyện, chị Hồng Liên
là cán bộ đi học. Anh Hoàng Nguyện vốn là Hiệu trưởng trường cấp II thị trần
Nam Sách cử đi học. Còn chị Hồng Liên là cán bộ giáo viên ở Hải Phòng cử đi. Họ
đều là những người đã trưởng thành, có gia đình có quyền chức, có lương…Bọn
“bạch diện thư sinh” chúng tôi có Lê Lương Hậu, người Hiệp Lực Ninh Giang cùng
khóa cấp III Hồng Quang với tôi nhưng khác lớp; Phạm Hữu Cư người Trung Am Vĩnh
Bảo Hải Phòng, học sinh cấp III Ngô Quyền
và tôi. Lê Lương Hậu tuổi con Trâu (Đinh Sửu, 1937) hơn tôi những 5
tuổi. Lúc ấy hắn cũng có vợ. Vợ hắn là một cô giáo trẻ đang dạy tại Trường cấp
II Tứ Cường Thanh Miện cách Kẻ Sặt gần 20 cây số. Nhưng hễ có ngày nghỉ là hắn
lập tức cuốc bộ ngay về với vợ. Phạm Hữu Cư tuổi con hùm (Mậu Dần, 1938), nhưng
tình duyên trắc trở hơn. Hắn cũng có vợ rồi nhưng “đánh tháo” chưa được. Chuyện
riêng tư của hắn là tôi biết được qua nguồn khác chứ hắn thì giữ kín như bưng.
Chúng
tôi được bố trí trọ trong nhà dân xóm đạo toàn tòng ngay bên cạnh nhà thờ Sặt.
Ông chủ nhà chúng tôi trọ là một ông trùm đạo, người già trông hơi khô khan và
khắc khổ. Tối nào bọn trẻ con trong xóm đạo cũng đến nhà ông đọc kinh đến 9 giờ
mới nghỉ.Tôi không nhớ tên ông chủ nhưng lại nhớ tên con gái nhà ông . Cũng
chẳng dám hỏi, nhưng qua một lần nghe mẹ cô ấy gọi thì biết cô ấy tên là Sửu. Đó
là một cô gái mới lớn, lầm lũi và e thẹn. Cô ấy chuyên chăn một con trâu cái,
sừng kềnh càng và cũng khá to. Có thể gọi được là trâu mộng. Sáng nào cũng thấy
cô ấy lầm lũi dắt trâu đi chăn. Không nghe thấy cô ấy nói và cũng không mấy khi
nhìn thấy mặt. Vậy mà hình ảnh “cô Sửu chăn trâu” lại để lại ấn tượng trong tôi
đến tận bây giờ?
Chúng
tôi có hai nội dung phải thực tập. Thứ nhất là giảng dạy. Tôi còn nhớ bài giảng
đầu tiên của tôi lên lớp là bài Thư lại
dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Soạn giáo án xong phải đưa cho giáo viên
hướng dẫn thực tập xem xét góp ý. Người hướng dẫn tôi là thày Nguyễn Văn Bắc.
Nghe nói trước đây thày cũng “tiến bộ” lắm, đã là thư ký riêng cho một cán bộ
cốp, nhưng sau do dính líu vào một cô vợ thành phần mà bị sổ toẹt phải hạ xuống
làm giáo viên trơn. Thày trắng trẻo, hiền lành, nhỏ nhẹ, tính tình rất dễ chịu
nhưng giảng dạy thì tẻ nhạt ít sinh khí.
Thày
Bắc duyệt giáo án xong thì đến khâu giảng thử ở tổ cho mọi người góp ý thêm.
Chưa kể trước đó tôi cũng đã tự mình giảng thử mấy lần rồi. Vậy mà đêm trước
buổi lên lớp đầu tiên vẫn cứ bồn chồn thao thức không sao ngủ được. Tôi cứ nằm
trong chăn tự giảng thầm một mình không biết bao nhiêu lần nữa. Phải tới lúc
mệt quá tôi mới ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau trời lại rét căm căm. Kẻng báo tôi
đã đứng trực sẵn ở cửa lớp. Các em học sinh ở mấy bàn cuối lục tục ngồi dồn lên
các bàn trên để nhường chỗ cho các thày dự giờ. Tôi bước vào lớp sau ba tiếng
kẻng. Một không khí trang trọng khác thường làm tôi hơi căng thẳng và lúng
túng. Các khâu thủ tục như giới thiệu, kiểm tra sĩ sỗ, kiểm tra bài cũ tôi làm
rất qua loa chiếu lệ cốt để cho có. Vì lo cháy giáo án nên tôi nhanh chóng bước
vào khâu giảng bài mới. Có thể là chưa
được tự nhiên nhưng do quá thuộc bài nên tôi đã diễn giảng khá trơn tru và sôi
nổi. Học trò rất chú ý lắng nghe. Có lẽ vì thế mà tiết dạy được đáng giá khá
tốt.
Những
kỷ niệm này đã được tôi ghi lại bằng một bài thơ ngay lúc đó. Đó là bài Đêm trước buổi lên lớp đầu tiên:
Giảng tập mấy lần bài đã thuộc
Tưởng rằng đi ngủ cũng yên tâm
Ai ngờ thao thức không yên giấc
Nằm ở trong chăn vẫn giảng thầm.
Kẻ sặt, 1965
Bài
thơ này lúc ấy mới chỉ đăng ở số báo tường của đoàn thực tập. Mãi tới năm 2003
nó mới được chọn vào tập Thơ Nhà giáo Hải
Dương. Lúc này tôi mới sửa tên bài thơ thành Đi thực tập.
Công
tác chủ nhiệm thì thực tập tập thể. Nghĩa là cả một nhóm cùng làm chủ nhiệm một
lớp. Lớp nhóm tôi làm thực tập chủ nhiệm là lớp 8C. Chính nhờ việc này mà buộc
chúng tôi phải quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Học sinh 8C năm ấy phần đông là
người phố Sặt (Bình Giang) và Chương (Thanh Miện). Có một em người Hoa tên là
Cứu, một em bên Mỹ Hào nhưng làng gần ngay Quán Gỏi nên cũng sang đây học, chứ không ngược lên Mỹ Hào vì xa. Em
này tên là Định và gánh cực khỏe, em gánh được hàng tạ.
Có
một điều thú vị là lớp có 49 em. Con số 49 này đã gợi ý cho tôi có thể chia thành 7 câu thơ thất ngôn. Vậy là
chỉ cần một câu thơ đưa đẩy là có thể ghép thành một bài thơ bát cú. Tôi đã thử
làm và quả nhiên được một bài thơ bát cú Đường luật “trên cả tuyệt vời”. Đó
chính là bài Danh sách 8C:
Oanh Lan Dung Thức Bích Bang Minh
Phú Quý Thìa Tài Bảo Tạo Hinh
Phà Đảm Luận Mầu Tuân Tuấn Thắng
Tâm Cân Thông Thưởng Nguyện Biên Thành
Cứu Kiêu Thử Ước Phương Quang Sáng
Nguyễn Chuyển Phụng Cường Chánh Mão Hanh
Danh sách “Tám xê” nào đã hết
Ổ Nga Tý Cước Định Hoa Bình.
Kẻ
sặt, 1965
Hôm
nhóm thực tập chia tay với lớp tôi đã đọc tặng các em bài thơ này. Tôi giới thiệu đây là một bài thơ chữ Hán nhưng chắc là các sẽ hiểu. Tôi đọc bài thơ xong, các em đã
cười ồ lên và hoan hô nhiệt liệt. Từ đó đến nay đã già nửa thế kỷ tôi không gặp
lại được em nào trong cái lớp “tám xê” ấy, nhưng tên các em thì tôi vẫn nhớ
không tài nào quên được. Bởi vì nó đã “thành thơ” cho dù là một bài thơ không ý
nghĩa, không tình, không tứ... Nó chỉ có VẦN thôi.
Kết
thúc đợt thực tập ấy Lê Lương Hậu mời tôi và Phạm Hữu Cư về chỗ vợ hắn
chơi. Tổng kết thực tập và cơm nước xong
thì trời đã tối. Chúng tôi phải cuốc bộ đến Tứ Cường thì trời đã khá khuya.
Tiết giêng hai trời tối đen như mực lại lất phất mưa phùn. Đến chỗ vợ hắn ở,
cũng lại thấy có một nhà thờ. Cố nhiên là nhỏ hơn nhà thờ Sặt nhiều. Mọi người
đều đã đi ngủ cả. Không thấy phòng nào còn có ánh đèn. Chúng tôi đứng đợi ở
ngoài. Còn Lê Lương Hậu thì vào gõ cửa phòng vợ. Chúng tôi nghe rõ tiếng Hậu
vừa gõ cửa vừa gọi “Cạch, cạch, cạch, cô Na ! cô Na !” phải tới ba bốn lần như
thế tôi mới thấy cô Na cười mừng rỡ và lẹp kẹp mau mắn ra mở cửa. Hậu rì rầm với vợ điều gì
đó. Cô Na vội đi thắp đèn, mời chúng tôi vào phòng rồi đi chuẩn bị phòng ngủ
cho khách. Sáng hôm sau chúng tôi được khu tập thể giáo viên chiêu đãi một bữa
thịt ngỗng. Mới mẻ nhất với tôi lúc đó là món lòng dồi cổ ngỗng.
Đã
tròn nửa thế kỷ rồi. Lê Lương Hậu đã thành một ông già 79 tuổi và cô giáo Na
cũng đã thành một bà già 76 tuổi. Cặp "vợ chồng son" ấy vẫn gật gù bên nhau ở đất
Thanh Miện. Thỉnh thoảng qua điện thoại tôi vẫn còn được nghe tiếng "cô Na" trong
trẻo như ngày nào...
17/11/2015
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét