Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Tò mò




Người đi xa xứ
nhớ quê
Ở quê
ta chẳng nhớ gì
buồn không?
Bầu tình bỏ vắng mênh mông
Nhớ ai không nhớ
cũng không nhớ gì
Tò mò
lại muốn ra đi
Xa quê
xem thử có gì nhớ không?

1/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Mời đối ngày cuối năm


Nhân ngày cuối năm, Đỗ Đình Tuân tức hứng bật ra một vế đối cũng hơi ngồ ngộ. Thấy cũng có vẻ vui vui và dễ đối, nên muốn mời dân làng xóm Tri Ân cùng dự đối cho vui. Vì vế đối dễ nên nếu chỉ yêu cầu đối chỉnh thôi thì quá đơn giản. Vì thế người thách đối có yêu cầu  hơi khác thường một chút là: người dự đối vừa phải đối chỉnh vừa phải trùng với vế tự đối của tác giả.
Ai có câu đối trùng với vế tự đối của người thách sẽ được trả nhuận bút 100.000 đồng tiền Việt Nam. Trường hợp có nhiều câu đối trùng nhau thì chọn câu sớm nhất được đăng trên Tri Ân để chi trả.

Vế đối ngẫu hứng bật ra là:

-Vợ ông Ba, bà Ba là bà cả !

Lịch tiến hành như sau
-Ra đối ngày cuối cùng của năm dương lịch
       (31/12/2011 tức 7/12/Tân Mão)
-Kết thúc vào ngày cuối cùng của năm âm lịch
       (22/01/2012 tức 29/12/Tân Mão)
        Vậy xin kính báo. 
 
31/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Mấy ý thơ lạ về mùa xuân của các nhà thơ xưa


                       

Thông tin về mùa xuân được cụ Trần Nguyên Đán nắm bắt từ rất sớm. Khi mà mùa đông vẫn đang còn ngự trị: mưa núi lất phất, mây núi dầy đặc, từng đám, từng đám bay trong các hốc núi. Mặt trời bị mây ám lúc tối lúc sáng. Gió bấc thổi đìu hiu lúc mau lúc thưa. Ấy vậy mà nhìn vào cây mai, khóm trúc, nhà thơ đã thấy:
梅含玉粒傳天信
竹併琅簪泄地機
Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín
Trúc tính lang trâm tiết địa ky
(Cây mai ngậm hạt ngọc báo tin của trời
Khóm trúc cài trâm ngọc tiết lộ điều huyền bí của đất)
                                                Tiểu vũ-Mưa nhỏ
Tin của trời, điều huyền bí của đất, phải chăng là những thông tin vừa hé mở của mùa xuân được tiết lộ qua hoa mai và măng trúc?
Bầu trời mùa xuân lại được Chu Văn An cảm nhận trong những phút giây khá huyền diệu. Đó là vào những buổi sáng mùa xuân, trong căn nhà đơn sơ trên núi Phượng Hoàng, phóng tầm mắt ra xa, nhà thơ bỗng thấy:
碧迷雲色天如醉
Bích mê vân sắc thiên như túy
(Mầu biếc lẫn vào với sắc mây, trời như say)
                                   Xuân đán-Buổi sáng mùa xuân
Câu thơ không những chỉ vẽ ra một bức tranh xuân đẹp mà còn gợi ra một cái hồn xuân rất lạ: âm dương đang giao hòa và giời đất hình như cũng đang say nhau?
Mưa xuân trong thơ Nguyễn Trãi cũng được cảm nhận một cách khá đặc biệt. Nó không phải là thứ “mưa xuân lác đác” rải rác, thưa thớt và hơi nặng hạt như trong ca dao. Nó cũng không phải là thứ “Mưa xuân phơi phới bay” một thứ mưa bụi rất mau hạt nhưng lại nhẹ bay như trong thơ Nguyễn Bính. Nó là một thứ mưa riêng biệt trong cảm nhận của Nguyễn trãi:
春雨添 拍天
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
(Lại thêm mưa xuân nước phủi ngang trời)
            Trại đầu xuân độ-Bến đò xuân đầu trại
Chính cái chữ phủi dùng lạ, đã làm ta có cảm giác dường như đằng sau những cơn mưa ấy đang có những bàn tay bí ẩn  vô hình rắc phủi những hạt mưa xuống nhân gian. Dưới những hạt mưa xuân ấy là cỏ xanh như khói, con đường ngoài nội vắng người lại qua, bến đò vắng khách, con đò cô đơn gối đầu lên bãi cát mà ngủ suốt ngày. Rõ là một bến đò mùa xuân, không hoạt động nhưng lại rất sinh động.
Hoa xuân trong thơ Cao Bá  Quát rực rỡ lắm. Nó cứ như ùa nở, đua chen nhau mà nở, muôn tía nghìn hồng. Ấy vậy mà lòng xuân của nhà thơ lại dường như tê tái:
何當世事如花事
風雨江山盡改觀
Hà đương thế sự như hoa sự
Phong vũ giang sơn tận cải quan
(Ước gì chuyện đời cũng như chuyện hoa
Sau mỗi cơn mưa gió núi sông lại tươi sáng hơn)
           Hậu lập xuân…-Sau lập xuân…
Ta chợt hiểu ở thời Cao Bá Quát hoa xuân đẹp nhưng đời chưa đẹp. Đó là nguyên nhân khiến nhà thơ buồn chăng?
Đến thời Nguyễn Khuyễn  đời càng thêm bế tắc. Ngày xuân trong thơ ông bao trùm một không khí u ám, gò bó, không có gì cởi mở ra được. Trời đất thì sương khói mông lung, ánh ban mai không hé lên được. Hạt cây kim quất gieo ngoài vườn, mầm vẫn nằm trong vỏ. Hoa thủy tiên trong chậu cũng không cởi được lớp áo ngoài để bung hoa…Đến những giọt sương trên ngọn tre buổi sớm cũng từng giọt, từng giọt như đang lặng lẽ khóc không thành tiếng. Chỉ nức nở vậy thôi. Nhưng Nguyễn Khuyến vẫn có một cách đón xuân rất riêng cho mình:
沉吟坐對寒燈酌
一句連年興未窮
Trầm ngâm tọa đối hàn đăng chước
Nhất cú liên niên hứng vị cùng
(Lặng lẽ ngồi trước bóng đèn lạnh rót rượu uống
Ngâm một câu thơ nối liền hai năm hứng vẫn chưa cạn.
                                                Trừ tịch-Đêm ba mươi tết  
Một cảnh đón xuân tuy quá lẻ loi đơn độc mà vẫn vô cùng hào hứng.

29/12/2011
Đỗ Đình Tuân


Thôi đành chấp nhận




Họa thơ TD


Vườn tược năm nay sạch cỏ rồi
Láng giềng bầu bạn đỡ chê bôi
Thay cày hăm hở luôn tay cuốc
Dọn cỏ lê la suốt buổi ngồi
Nhớ bạn lốc gơ thường vẫn mở
Thăm nhau đường đất ngại xa vời
Thôi đành chấp nhận năm đôi bận
Gặp mặt cùng nhau sẽ rót mời.

29/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Mấy câu đối chơi trò chiết tự bằng chữ Hán


        

1.Lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nước Nguyên, có lần một văn thần nhà Nguyên đã ra một vế thách đối như sau:
Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu
Ý của viên văn thần này là: chữ thập 十, chữ khẩu口, chữ tâm心 gộp lại thì thành chữ tư 思 có nghĩa là nhớ: nhớ nước, nhớ nhà, nhớ cha mẹ.
Hiểu được ý ấy, Mạc Đĩnh chi đã đối lại như sau:
Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương
Nghĩa đối lại của mạc Đĩnh chi là: chữ thốn寸,chữ thân身, chữ ngôn言gộp lại thành chữ tạ 謝 có nghĩa là cám ơn: cám ơn trời, cám ơn đất, cám ơn vua
2.Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng vốn xưa là bạn học cùng lớp. Nhưng về sau mỗi người một chí hướng. Nguyễn Hữu Cầu thành anh hùng nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình Lê-Trịnh; còn Phạm Đình Trọng thì lại cầm quân đi dẹp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu. Tương truyền Phạm Đình Trọng đã ra một vế thách đối có ý dụ hàng Nguyễn Hữu Cầu như sau:
Thổ triệt bán hoành, thuận vi thượng, nghịch vi hạ
Trong vế đối này Phạm Đình Trọng đã dùng chữ thổ土 chiết tự ra là: chữ thổ 土  nếu bỏ đi nửa nét ngang, để xuôi thì  thành chữ thượng 上, để ngược thì thành chữ hạ 下. Ngầm ý của Phạm Đình Trọng muốn nói với Nguyễn Hữu Cầu là: anh chỉ là đất, nếu hàng thì sẽ được thăng quan tước, mà chống lại thì sẽ bị hạ ngục.
Nguyễn Hữu Cầu đã khẳng khái mà đối lại rằng:
Ngọc tàng nhất điểm, thượng vi chúa, xuất vi vương
Trong vế đối lại này Nguyễn Hữu Cầu đã dùng chữ ngọc 玉 chiết tự ra là: chữ ngọc玉 có chứa bên trong một dấu chấm đưa lên đầu thì thành chữ chúa 主, mà bỏ ra lại thành chữ vương 王. Thâm ý bên trong của Nguyễn Hữu Cầu muốn tỏ cho Phạm Đình Trọng biết là: tôi là ngọc chứ không phải là đất như anh, tôi chỉ hoặc làm chúa, hoặc làm vua thôi chứ đâu thèm làm quan.
3. Khi cuộc khới nghĩa của vua Duy Tân bị giặc Pháp đàn áp, vua Duy Tân bị bắt một tên Pháp có ra thách vua Duy Tân một vế đối như sau:
Rút ruột vua, tam phân thiên hạ
Viên Pháp này đã dùng chữ vương 王 để chiết tự ra: bỏ nét sổ trong chữ vương 王 sẽ thành chữ tam 三. Ngầm ý hắn muốn nói với nhà vua rằng dẹp tan cuộc khới nghĩa của ông thì nước ông sẽ bị chia thành ba xứ. Nhưng vua Duy Tân đã lập tức đối lại rằng:
Chặt đầu tây, tứ hải giai huynh
Trong vế đối này nhà vua đã dùng chữ tây西 mà chiết tự ra: bỏ đầu chữ  tây西 sẽ thành chữ tứ 四, nhưng ngầm ý bên trong nhà vua muốn nói với tên Pháp đó là diệt xong quân Pháp thì dân tộc Việt Nam lại kết thành một khối và bốn biển đều là anh em.

29/12/2011
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm và kể lại)





Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Đón Anh Ngôi


Tri Ân long trọng đón Anh Ngôi
Ca vát com lê đỏm dáng ngồi
Thơ phú đã tuôn như nước chảy
Riêng dòng rượu rắn mấy ai xơi ?


Đối với  Tạ Anh Ngôi

Vế mời đối:

-Năm Nhâm Thìn, Cụ Long đến chợ Rồng ,mua rắn về ngâm rượu ngũ xà, mời bạn nhậu cụ nào cũng tị
                               
Vế dự đối:

-Tháng Quý mão, ông Miêu vào ổ mẹo, bắt mèo ra nấu mâm tiểu hổ, ngửi mùi thơm cọp đã lảng dần.

27/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Sự thật và nói dối



Nghe nói dối
Êm tai
Nghe nói dối
Đẹp lòng

Nói dối thành đạo lý
Nói dối thành siêu nhân

Sự thật là cái đinh
Nói dối bọc trong giẻ
Sự thật là con chuột
Nói dối giam trong nhà

Chỉ đến ngày
Giẻ mục
Nhà cháy
Sự thật mới lộ ra

Lũ tiện dân chúng ta
Chưng hửng
Mắc lừa
Chỉ vì ngu ngơ
Thích nghe nói dối !

27/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Nghĩ về sự thật



Sự thật
Nhiều kẻ sợ
Ta cũng sợ.

Nghe sự thật
Chớ nghe một nửa

Nghe một nửa
Niềm tin mù
Dũng cảm hóa liều
Thông minh thành ú ớ
Ta thành ngu ngơ...



26/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Ảnh minh họa: Trông giống như một loại cây "vạn niên thanh" nhưng lại có tên là "cây tai phật" . Chẳng rõ "cây tai phật" thì có nghe được hết sự thật hay không?

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Còn hơn…!



(Trả lời bài “Vợ ghen” của Thanh Dạ)

Vợ ghen thì mặc vợ ghen
Miễn sao tránh được ho hen là mừng
Còn hơn chán vạn nằm chung
Tự nhiên chẳng được vẫy vùng tự do?!

25/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Suy nghĩ ngày cuối năm




Thế là lại một năm qua
“Mười hai” đã đến, “Mười ba” cũng gần…
Thế là lại một mùa xuân
Thế là thêm một bước gần tương lai…
Lo chi những chuyện dông dài
Cứ hăm hở sống thì dai tuổi già.

25/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Đường quê



(Họa thơ Tạ Anh Ngôi)

Đường quê lác đác lá thu phơi
Lững thững người đi đoạn cuối đời
Trước mắt gập ghềnh lưng gối mỏi
Sau lưng man mác nhớ thương rơi
Thong dong độc bước tay mang gậy
Ngơ ngẩn nhìn quanh mắt ngó trời
Mỗi bước đi lên lòng chững lại
Nỗi niềm níu kéo dễ đâu vơi ?

24/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Nằm riêng



Hai chín năm về trước
Đêm nằm ở Hải Dương
Thắc thỏm mong trời sáng
Để đạp xe lên đường…














Đời bước sang chặng cuối
Con lớn mà chưa khôn
Hay đau đầu mỏi gối
Nên thích nằm riêng hơn


 














Hai chín năm ngày cưới
Kỷ niệm thật giản đơn
Mua thêm chiếc chăn mới
Để mỗi tay một giường.

24/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Cuối năm Mèo



Năm Mèo lại gặp lũ mèo ươn
Chuột chạy lông nhông mọi nẻo đường
Con mượt con xù con béo mập
Con nào dáng vẻ cũng dương dương.


Chả biết năm Rồng có khá hơn
Hay là lại giống lũ mèo ươn
Hết nhào lại lộn trên mây gió
Bọn chuột tha hồ nhắm đỉnh đương?

23/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Thanh và tục trong văn chương

                       

Trong đời thực, các bậc văn nhân, danh sĩ ngày xưa không kiêng kỵ gì cái “chuyện ấy” cả. Thậm chí các cụ còn rất biết tận hưởng. Ngoài chính thất, trắc thất, thứ thất…thuộc hàng thê, các cụ còn có thêm thiếp. Chưa kể còn cô đầu, kỹ viện nữa. Nhưng trong văn chương thì lại rất hiếm thấy các cụ “nói tục”. Vì sao vậy? Có lẽ vì trong quan niệm của các cụ văn chương vốn là một thú vui tao nhã, mà muốn tao nhã thì nó phải “Thanh” chứ không thể “tục” được.
Cái tục chỉ thấy xuất hiện trong văn chương bình dân truyền miệng, văn chương của những người lao động sáng tạo ra. Nhưng đa phần cái tục trong văn chương bình dân cũng chỉ là phương tiện sáng tạo. Nhất là trong chuyện tiếu lâm thì cái tục càng thấy xuất hiện nhiều. Nhưng cùng với nó thường là một lời cảnh báo nhiều khi quá đáo để và ghê gớm. Chẳng hạn chuyện “Ông không mồm” kể rằng:
Có một ông lão râu rậm che kín hết cả mồm miệng. Một hôm ông đang đi trên đường thì gặp một đám trẻ con đang chơi. Một đứa trong đám trẻ nhìn ông. Nó không nhìn thấy miệng ông đâu bèn reo lên:
-A... chúng bay ơi, ông không mồm!
Ông lão tức quá, bèn một tay vạch râu cho hở lỗ miệng ra, một tay thì chỉ vào lỗ miệng mình và mắng bọn trẻ rằng:
-Tiên sư cha chúng bay, không mồm thì cái l… mẹ mày đây à?
Đây là một lời cảnh báo các cụ rất sâu sắc: nếu cứ quen mồm nói tục thì sẽ tự biến mồm mình thành “cái ấy”.
Trong văn chương nước ta cũng có hai trường hợp pha trộn giữa văn chương bình dân truyền miệng và văn chương viết. Đó là thơ Hồ Xuân Hương và thơ Bút Tre. Trường hợp thơ Bút Tre, tôi đã nói kỹ trong bài “Lục bát Bút Tre”. Ở đây chỉ muốn thêm vài ý về thơ Hồ Xuân Hương. Cái mà ta vẫn quen gọi là thơ Hồ Xuân Hương chưa hẳn đã là thơ riêng của nữ sĩ. Chắc chắn ở đây đã có sự pha trộn của thơ ca dân gian vào đó nữa. Những bài như Bánh trôi nước, Mời trầu, Tự tình…có thể là của bà.  Nhưng lại có nhiều bài khác, gần lắm với tư tưởng nhân dân: Lấy lẽ, Không chồng mà chửa…Rất có thể những bài kiểu này là do dân gian sáng tác và cài vào thơ Hồ Xuân Hương chăng? Hồ Xuân Hương cũng là người cực giỏi trong việc sử dụng cái tục làm phương tiện sáng tạo. Bà tục không phải chỉ để tô hô ra là xong. Mà thường thấy là cùng với sự tô hô ra cho ta nhìn thấy, sờ được thì lập tức lại hướng ta nghĩ ngay đến một điều khác cao cả hơn, nhân văn hơn. Chẳng hạn trong Hang Thánh Hóa thì "cái ấy" thành ra như “cội nguồn trần thế”; trong Động Hương Tích thì "cái ấy" cũng “bầu trời cảnh bụt” thu hút khách thập phương lắm lắm "Lâm tuyền kéo cả phồn hoa lại...". Ngay ở trong câu đối tết của bà thì “cái ấy” cũng là “cánh càn khôn” là “lò tạo hóa” chứ đâu phải tục tĩu tầm thường:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
khép chặt lại,
kẻo ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một mở lò tạo hóa,
mở toang ra,
cho thiếu nữ rước xuân vào.
Như vậy thì cái tục trong thơ bà đúng ra phải gọi là “siêu tục”. Mà đã là “siêu tục” thì đích thị cũng là “thanh”. Còn nếu chúng ta cứ quanh quẩn hết “rồng lộn” lại đến “lộn về bần” thì chả giải quyết vấn đề gì. Nó chỉ thêm nhàm và gây khó chịu cho những người đọc nghiêm túc.

22/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Nhắc Tri Ân


(Họa thơ Thanh Dạ)

Làng ảo năm nay nhớ đón xuân
Giao thừa tống cựu lại nghinh tân
Rồng leo, rồng múa..., rồng đừng lộn
Gãy cổ còn chi tri với ân ?

21/12/2011
Đỗ Đính Tuân

Vài câu đối vặt

                       

1.Hỏi
-Tri ân cuộc đời, cuộc đời biết ơn ai nhỉ ?
-Cách mạng xã hội, xã hội đổi thay gì nào ?

2. Xuân Hương-Nguyễn Khuyến
-Bà Xuân Hương sắn váy quai cồng, te tái lội ngược dòng lễ giáo;
-Cụ Nguyễn Khuyến buông quần lá tọa, gật gù khuyên giữ nghiệp nông gia.

21/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Đối lại thày Tư

Vế thách đối:


-Năm cũ qua rồi, Mèo đã đi xa, xin bỏ thói làm như Mèo mửa;


Vế đối lại:


-Tân xuân sắp đến, Rồng sẽ về gần, chớ chơi trò nói tựa Rồng leo.


20/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Chúc tân xuân


Câu đối:

-Năm mới Tri Ân nhiều đổi mới;
-Tân xuân bầu bạn cộng thêm xuân.


Thơ:

Chúc bạn xa chúc các bạn gần
Sang Thìn qua Mão đón tân xuân
Thơ văn câu đối thêm trong trẻo
Chữ nghĩa ý tình lắm cách tân
Cái hóm cái vui nhân gấp bội
Lời thô câu tục bớt đi dần
Văn chương ý nghĩa càng sâu sắc
Bạn đọc gần xa đỡ ngại ngần.

20/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Để đối chỉnh

                                                                    

Để đối chỉnh trước hết cần nắm được các yêu cầu có tính nguyên tắc của phép đối là:
1-Giữa vế ra và vế đối phải đối chọi nhau về mặt âm thanh: Thanh trắc đối với thanh bằng, thanh nổi đối với thanh chìm. (Thanh nổi tức phù bình thanh gồm có thanh không dấu ở thanh bằng, thanh sắc và thanh ngã ở thanh trắc)
2-Các từ, các cụm từ…giữa vế ra và vế đối phải tương xứng nhau về vị trí, từ loại và cấu trúc từ loại. (ở phép tiểu đối và đối thơ thì đơn vị đối nhau thường là âm tiết và từ, ở phép đối phú, do câu dài gồm nhiều vế, nhiều cụm từ nên đơn vị đối có thể tính theo cụm từ.
Còn để đối chỉnh, đầu tiên ta phải phân tích vế đối ra để xác định kiểu cách chơi chữ và các đơn vị cần đối lại (âm tiết, từ, cụm từ…). Khi đã hiểu vế đối ra ta mới có hướng tìm cách đối lại được.Ví dụ gần đây thày Tư có ra một vế đối khá tục để thách các cụ:
Long thăm Hạ Long, tắm Hạ Long, chơi Rồng lộn, Long bộ hạ.
Cái khó của câu đối này là ở chỗ người ra đã chơi chữ Hạ Long với ba nghĩa khác nhau:
-Long thăm Hạ Long, tắm Hạ Long thì Hạ Long là địa danh chỉ thành phố Hạ Long
-Chơi Rồng lộn: vừa dịch “Long” thành “Rồng” lại vừa dùng phép nói lái miền Bắc .
-Long bộ hạ: đã chuyển nghĩa chữ Long là Rồng  thành long là rời ra. Lại đảo thứ tự chữ và chen chữ bộ vào cốt để tạo ra “bộ hạ”. Chữ long ở đây không cần viết hoa nữa vì đã chuyển thành động từ rồi. Kể cả chữ rồng là con rồng (danh từ chung) cũng không phải viết hoa.
Hiểu câu đối của thày Tư như vậy, tôi đi tìm các địa danh có thể cùng một lúc đối được cả ba nghĩa ấy. Và Thanh Hóa là phương án tối ưu  nhất:
Hóa vào Thanh Hóa, chơi Thanh Hóa, sờ hoa thánh, hóa lại thanh
-Hóa vào Thanh Hóa, chơi Thanh Hóa: đối lại với Hạ Long là hoàn toàn cân xứng về từ loại và đối chọi về thanh âm. (Hạ Long là trắc bằng thì ngược lại Thanh Hóa là bằng trắc)
-sờ hoa thánh đem đối với “chơi rồng lộn” thì chỉ đáp lại được phép nói lái chứ chưa đáp được phép dịch vì ở đây không cần phải dịch  cũng nói lái được rồi. Nhưng cái hay của nó là nó giảm tục được đi rất nhiều. Đầu tiên tôi dùng chữ “xem”, nhưng “xem hoa thánh” thì gần như triệt tiêu hết yếu tố tục. Nên phải đổi chữ “xem” thành chữ “sờ” là cốt để dung tục hóa đi một chút. Tuy vậy "cái ấy" được gợi ra vẫn còn rất mơ hồ, khép mở… chứ chưa bị “nong côn” vào và quá sex như ở “rồng lộn”.
-hóa lại thanh  hóa ở đây cũng chuyển nghĩa và trở thành động từ rồi, thanh cũng chuyển nghĩa và thành tính từ nên cũng không cần phải viết hoa nữa.
Cũng tương tự khi đối lại vế ra:
          -Giữa chợ Rồng, cụ Thìn long tong vác xà đập rắn,  một tỵ thôi rắn nằm kín trên nong
            Đây là một vế đối cực kỳ khó bởi vì lĩnh vực chơi chữ lại thuộc về tên các năm con giáp. Địa bàn tìm kiếm của nó rất hẹp nên càng khó. Khó nhất là cái tính từ “long tong” . Tìm kiếm các chữ trong khu vực năm con giáp để tạo ra các tính từ đối lại tôi thấy có “mùi mẫn” (năm con dê) “mẹo mực” (năm con mèo) “tý tởn” (năm con chuột). Tôi thấy chữ “tý tởn” là sinh động hơn cả, nên đã dùng chuột, tý, thử để đối lại với rắn, xà, tỵ và câu đối thành ra:
            -Ra đối rắn, đàn chuột tý tởn đối thử lên xà, nhưng thử mãi  tỵ vẫn hoàn tắc tỵ.
Đây chẳng phải là đàn chuột nó bí đâu mà chính tôi cũng bí đấy. Vì thế tôi cũng không giám mời thêm ai đối nữa. Nhưng giữa lúc phong trào chơi câu đối đang bốc, tôi xin hưởng ứng bằng cách viết câu đối vậy.
Nhân thày Mạnh năm nay có 2 tin vui đến cùng một năm tôi xin mừng đôi câu đối:
-Xây nhà lầu lại cưới con dâu, giầu giẩu giầu giâu, mừng thày Mạnh;
-Đã sinh con thì còn sinh cháu, láu nha láu nháu, chúc cô Hường.
Lại nhân chuyện các cụ trong làng hay rủ rê nhau xướng họa và chơi câu đối , tôi cũng xin gửi các cụ một đôi câu đối:
-Cuộc đời được một gang tay, thấm thoát đã sang tuần các cụ;
-Tuổi trẻ không đầy chớp mắt, tình tang càng tiếc buổi thanh tân.

19/12/2011
Đỗ Đình Tuân









                                                                                                                       

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Dự đối với Xuân Thảo và Tạ Anh Ngôi

Đối với Xuân Thảo:

Vế mời đối:
-Phật thánh độ trì tâm thành kính;
Vế dự đối:
-Thần nhân mách bảo trí thông minh.

18/12/2011
Đỗ Đình Tuân


Đối với Tạ Anh Ngôi

Câu 1
Vế mời đối:
-Về làng Hóp, uống rượu Hóp, nhắm măng tre Hóp, thở hí hóp;
Vế dự đối:
-Đi chợ Thiên, nghỉ làng thiên, ngó bầu trời Thiên, nói liên thiên.
Câu 2

Vế mời đối:
-Qua bến Tranh, bán tranh tết, mải uống nước chanh, người tranh nhau lấy hết;
Vế dự đối:
-Vào rừng dọc, trẩy dọc xanh, men theo suối Dọc, nước dọc chảy về đâu?

18/12/2011
Đỗ Đình Tuân
  

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Câu đối

vế mời đối:


Tết Tung tăng, Xuân xúng xính, hội hè...sum họp...


vế tự đối:


Trai trắng trèo, gái gọn gàng, hò hát...giao duyên...


16/12/2011
Đỗ Đình Tuân 

Đọc thông báo xóm Tri Ân tốc bút



Khúc một

Cảnh Kim cùng một tháng sinh
Lại đang chung một gia đình tiện ghê
Tình già mà vẫn miễn chê
Quanh năm sớm tối đi về bên nhau.

Khúc hai

Đã Tư lẽ tất phải riêng
Sống chung xủng xoảng như xiềng xích nhau
Bốn phương mây trắng một màu
Tự do tự tại đâu đâu cũng chiều.

Khúc ba

Tân mão Tô Hà gặp số đỏ
Mừng ngày sinh nhật ít khi có
Tuy Hòa tổ chức liên hoan phim
Thoải mái Tô Hà xơi phở ngó.


Khúc bốn

Bán bò lai bị tăng cân
Tính ra xấp xỉ đã gần chục lô
Vội nhờ bệnh viện khám cho
Để xem thân thể dở trò gì đây?

15/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Lại nói thêm về câu đối


                      

Thấy dân làng mình vui câu đối quá, tôi vội vàng “ngâm cứu” vội mấy tài liệu về nghệ thuật câu đối trình làng để các bạn cùng tham khảo thêm và vận dụng khi tham gia trò chơi câu đối. Nghệ thuật câu đối thực chất là nghệ thuật chơi chữ. Da trắng vỗ bì bach là một kiểu chơi chữ quá ghê gớm. Bởi vì nó cùng một lúc lồng được cả hai phép chơi chữ: phép chơi chữ đồng nghĩa dị âm (da trắng với bì bạch) và phép đồng âm dị nghĩa (bì bạch - da trắng với bì bạch là tiếng vỗ da ).Phép đồng âm dị nghĩa có thể rõ hơn ở câu: Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả. Vì thế tuy đã có rất nhiều người đối lại rồi,  nhưng hầu hết mới chỉ đối lại được một nửa (phép đồng nghĩa dị âm) còn khía cạnh tượng thanh của “bì bạch” ( tức là phép đồng âm dị nghĩa) thì chưa ai đối nổi cả. Chẳng hạn:Trời xanh mầu thiên thanh; Tay sơ sờ tí ti; Nhà vàng ngồi đường hoàng; Rừng sâu mưa lâm thâm… có người khen là chỉnh nhưng cũng chỉ đối được có một nửa thôi. Hơn nữa chữ “mưa” ở đây lại lơ lửng giữa danh từ và động từ cũng làm cho ý nghĩa của vế đối thêm mờ nhạt đi nhiều. Nghe vế ra của người ta hình thì nét như trưng trước mắt, mà tiếng thì đanh như rót vào tai, vế đối so làm sao được.
Ngoài phép chơi chữ lồng kiểu này (rất ít thấy) thì phổ biến là chơi chữ kiểu liên kết: Cây xương rồng, rồng (giồng, trồng) đất rắn, long vẫn hoàn long; Đến phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường; bà đồ Nứa đi võng đòn tre, đến khóm trúc thở dài hí hóp; Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, (giò) đến hàng nem, chả muốn ăn…Cách nói lái: Chả lo gì, chỉ lo già; Nỏ cần chi, chỉ cần no; Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi ?...
Theo quy mô thì phép đối được chia thành ba thể: Tiểu đối :mỗi vế có 4 chữ trở xuống. Đối thơ: mỗi vế có từ 5 đến 7chữ và đối phú có từ trên 7 chữ trở lên. Những câu đối  phú cũng được chia thành 3 kiểu câu. Nếu mỗi vế có từ 6 đến 9 chữ và do một mệnh đề tạo thành thì gọi là câu song quan. Nếu mỗi vế lại gồm 2 mệnh đề tạo thành thì gọi là câu cách cú. Nếu mỗi vế do 3 mệnh đề tạo thành thì gọi là câu hạc tất (gối hạc).
Trong phép tiểu đối và đối thơ thì yêu cầu chặt chẽ hơn. Phép đối thanh và phép đối từ loại phải được triệt để tôn trọng. Nhưng trong thực tế vẫn có sự linh hoạt nhất định.Chẳng hạn trong 7 chữ của thơ Đường luật thì chỉ bắt buộc các chữ 2,4,6 là phải đối thanh, còn các chữ ở các vị trí khác cho phép được linh hoạt:
Gác mái ngư ông về viễn phố
sừng mục tử lại thôn.
                     Thanh Quan
Bởi không linh hoạt vận dụng, cứ máy móc theo nguyên tắc thì nhiều khi vế đối lại thành ra ngớ ngẩn vô nghĩa. Trong giai thoại đã có một lần có người ra cho mấy cậu học trò một vế đối như sau: “Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc”. Các cậu học trò này cũng vừa được học qua về phép đối, họ bèn vận dụng những nguyên tắc đối theo kiểu lý sự như sau: Thần thì đối với thánh; nông thì đối với sâu; giáo thì đối với mác; dân thì đối với quan; nghệ thì đối với gừng; ngũ thì đối với tam; cốc thì đối với cò. Sau đó họ ghép các chữ lại và được một vế đối lại như sau:
-Vế ra: Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc
-Vế đối:Thánh sâu mác quan gừng tam cò.
Không ngờ sự vận dụng máy móc nguyên tắc lại làm hỏng câu đối. Nhưng vận dụng cũng không có nghĩa là vô nguyên tắc. Mà sự vận dụng đều phải có mức độ cho phép của nó. Chẳng hạn về đối thanh: Đúng ra là phải thanh bằng đối với thanh trắc. Nhưng rất nhiều trường hợp cụ thể lại không thể làm nổi cho nên người ta chỉ bắt buộc một số chữ làm chốt là phải bằng đối với trắc. Đó thường là những chữ cuối phân câu, hoặc cuối câu:
Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ..ờ …tết
Sáng mồng một, va nêu đánh cộc, á… à.. xuân
                                            Nguyễn Khuyến
Nhưng các chữ khác trong cụm từ vẫn phải có sự đối thanh ở mức tương đối thì nghe mới xuôi tai. Nếu cùng là thanh bằng thì nên lấy thanh không đối với thanh huyền, nếu là thanh trắc thì nên lấy thanh hỏi đối với thanh ngã, thanh sắc đối với thanh nặng. Nghĩa là nên lấy một thanh nổi đối với một thanh chìm và ngược lại.
Về từ loại cũng vậy, nguyên tắc là phải danh đối với danh, động đối với động, tính đối với tính, số từ đối với số từ, thực từ đối với thực từ, hư từ đối với hư từ…Nhưng trong tiếng việt vị trí trong câu, hoặc trong một văn cảnh cụ thể nào đó, nhiều khi cũng làm làm thay đổi từ loại của từ. Cho nên xem xét từ loại cũng phải xem xét trong văn cảnh cụ thể chứ không nhất thiết theo như từ điển được. Và cuối cùng vẫn phải dẫn đến một ý nghĩa hoặc tương đồng, hoặc tương phản với vế ra.
Trong một cặp câu đối do một người làm ra thì nhất thiết phải có một vế kết thúc bằng thành trắc và vế kia kết thúc bằng thanh bằng. Nếu vế đối do một người ra thách đối kết thúc là thanh bằng thì tất cả những vế đối lại bắt buộc phải kết thưc bằng thanh trắc. Chẳng hạn về thách đối của Đỗ Đình Tuân:
-Tết /  túng / tiền / tiêu / tìm / tớn tác
Vế đối này kết thúc là thanh trắc thì các vế đối lại nhất thiết phải kết thúc bằng thanh bằng. Một điều nữa là đây thuộc loại câu đối thơ nêu yêu cầu độ chỉnh phải cao.  Muốn đối được chỉnh vế này ta phải đem phân tích 7 âm tiết này gồm 6 từ: Tết / túng / tiền / tiêu / tìm / tớn tác. Trong 6 từ này có 2 danh từ (tết và tiền) 2  động từ ( tiêu và tìm) 1 tính từ đơn ( túng) 1 tính từ kép (tớn tác).Những vế đối sau đây được xem là chỉnh:
-Chị / chưa / chồng /chửa / chửi / chanh chua
                                          Minh Hương
-Nhà / nhiều / nho /  nhũn / nhá / nhôi nhai
-Đường / đầy / điếm / đón / đứng / đong đưa
                                     Vũ Thị Song Thu
Dân xóm đang rất tích cực tham gia dự đối vui. Nhưng các vế đối ra quá khó, tính văn nghệ lại chưa cao nên đọc chưa thú mấy. Xin chúc dân xóm mình từ nay đến tết sẽ nghĩ ra được nhiều câu đối vừa hay, vừa chỉnh.Tiện đây tôi cũng xin ra một vế đối mong mọi người cùng tập dượt góp vui: Tết tung tăng, xuân xúng xính, hội hè...sum họp...

14/12/2011
Đỗ Đình Tuân


ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...