Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Tịnh đế liên (Hoa sen cùng cuống)








1.Sen Tịnh đế có nhiều cách giải thích về tên gọi, nhưng căn bản là 2 hoa sen nở trên cùng một cuống, và vì ít ai gặp nên được coi như một điềm lành, chỉ sự thịnh vượng sung túc may mắn. Bức ảnh hoa sen Tịnh Đế Liên này do kiến trúc sư Đoàn Đức Thành chụp tại Bắc Ninh năm 2011.

2.Sen Tinh Đế ngày xưa ở Đồng Tháp Mười rất nhiều, đi vào câu ca dao: "Bao giờ cho được thành đôi - như san Tịnh Đế một chồi hai bông". Ảnh do tác giả Kimchiho chụp tháng 8/2011.


3.Còn theo truyền thuyết Trung Quốc thì sen Tịnh Đế là hiện thân của tình yêu vì có một đôi nam nữ yêu nhau mà không thành, cùng nhau tự trầm ở hồ sen và sau đó hóa thành sen đôi. (Ảnh là sen Tịnh Đế Liên màu trắng tại Trung Quốc)

4.Sen Tịnh Đế được tìm thấy tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai hoa sen khá lệch nhau về kích cỡ nhưng vẫn cùng một cuống. Theo chủ đầm thì giống sen này nguồn gốc từ sen Tây Hồ.

 
5.Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sen Tịnh Đế là một loài riêng biệt


6.Chỉ có thể tạm kết luận rằng đây là một hiện tượng dị biến trên hoa sen, vì có thể tìm thấy loại sen này ở nhiều nơi khác nhau và và trên các loài sen ta, sen trăm cánh, sen trắng đều có.

Nguồn: Blog Nguyễn xuân Diện
31/5/2012
Đỗ Đình Tuân 



Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Tác giả cổ ở Chí Linh 13


                              Trần Cung
                              (1898-1995)

            Ông Trần Cung sinh ngày 14 tháng 2 năm 1898, quê ở làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Cách mạng đồng chí hội từ những năm 1929. Trong hồi ký của ông có đoạn ghi:
               “Tôi ở vùng rừng núi Chí Linh từ năm 1929, có vợ con ở đấy. Tôi giao du nhiều nơi, có nhiều bạn bè, lại bị Pháp bắt nhiều lần nên nhiều người biết. Còn có một lý do nữa là tôi làm nghề dạy học, thích thơ phú và làm câu đối. Từ sau bài “Giã lao điền phu”, làm ứng khẩu với chánh hội thì tôi lại được nhiều người biết hơn”.
               Tháng 3 năm 1930, ông tổ chức ở Chí Linh chi bộ Đọ Xá(chỉ sau hội nghị thành lập Đảng ở Hương Cảng có một tháng). Năm 1931 ông bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và sau đó lại đầy đi nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do và trở về hoạt động công khai  ở Thái Bình. Năm 1939, ông lại bị thực dân Pháp bắt trở lại, đến năm 1944 mới được ra tù và trở về hoạt động ở vùng Chí Linh-Đông Triều, tham gia thành lập Đệ Tứ chiến khu và tổ chức cướp chính quyền ở các tỉnh vùng duyên hải.
               Trước khi về hưu ông là Viện trưởng Viện phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Ông mất ngày 9 tháng 10 năm 1995 tại Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi.
               Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Trần Cung sáng tác khá nhiều thơ ca. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây mấy bài thơ của ông:


                                    Tết nhà pha  1

                        Năm mới sang rồi, năm cũ qua,
                        Đời tù mới, cũ khéo phôi pha.
                        Nghinh tân lễ mễ khiêng ty nét, 2
                        Bái tuế lom khom bế lập là.3
                        Mặt trái đời kia toàn mặt quỷ,
                        Trò chơi xuân đó thiếu trò ma.
                        Mùi đời nếm trải ai sành sỏi?
                        Có biết mùi này… mặn nhạt a?

Chú thích:
               1- Bài này được giải nhất trong cuộc thi thơ “ Tết nhà pha” lấy vần pha, năm 1933 ở Hỏa Lò.
              2-Ty nét:Thùng phân.
             3-Lập là: Thùng gỗ vuông đựng cơm cho mười người ăn.


                             Nhớ nhà

                        Tù đảo phương trời cảnh với ta,
                        Năm lần vắng mặt tết quê nhà.
                        Năm thêm tuổi nữa con chừng lớn,
                        Ngày đuổi xuân đi vợ hẳn già!
                        Mơ tết, mơ xuân, mơ tiếng pháo,
                        Nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ chồi đa.1
                        Hai chân một chuỗi xiềng lê nặng,
                        Ra cửa trông về cố quận xa.
                                                            Côn Đảo, 1935.
Chú thích:      1- Lộc đa = đa lộc

                             Đề lao

                        Cuộc đời chiến sĩ thật ba đào,
                        Thấm thoắt năm lần bị tống lao.
                        Nhốt chặt con người tầng cửa sắt,
                        Vây riêng cõi đất bức tường cao.
                        Mong về cũng kém mong cơm sáng,
                        Nhớ vợ còn thua nhớ thuốc lào.
                        Cá mục, cơm hôi, xiềng xích sắt,
                        “Văn minh khai hóa” gớm ghê sao ?
                                               Đề lao Thái Bình, 1939
                       
                             Trở lại gia hương 1
               
         Hôm qua mới thoát cảnh đau thương,
Ròng rã 5 năm mấy ngục đường.
Chân mới thoát xiềng, tay thoát xích,
Bước đi ngượng nghịu, óc bâng khuâng.

Hôm nay trở lại gia hương,
Vườn cau xưa đã úa tàn xác xơ.
Lũy tre già đã bơ phờ,
Bèo tây lại nở ngập bờ ao ta.

Tôi như người trong mơ,
Mừng quýnh lại buồn so,
Mừng - nhẹ mình rộng cẳng,
Buồn – tan cửa nát nhà.

           Nhà tôi người đến ở,
Về quê mà bơ vơ.

Giã từ quê cũ, con thơ,
Gửi con ở lại quê nhà lại đi.
Nín đi con khóc nữa chi,
Cờ hồng rợp đất là khi bố về.

                                                   1944
Chú thích:
               1- Theo một người cháu của ông Trần Cung cho biết thì bài thơ này tác giả viết trong hoàn cảnh vừa ra tù và trở lại gia đình riêng ở Chí Linh.

31/5/2012
Đỗ Đình Tuân 

Dịch thơ cổ: Nguyễn Trãi 13


Bài 11
題何校尉白雲思親
Đề Hà hiệu uý "Bạch vân tư thân"

庭闈一別歲花深,
Đình vi (1) nhất biệt tuế hoa thâm,
愛慕人皆共此心。
Ái mộ nhân giai cộng thử tâm. 
客裡看雲情易切,
Khách lí khán vân (2) tình dị thiết, 
公餘披卷意難禁。
Công dư phi quyển ý nan câm.
家山孰不懷桑梓,
Gia sơn thục bất hoài tang tử (3),
忠孝何曾有古今。
Trung hiếu hà tằng hữu cổ câm (kim).
持此贈君還自感,
Trì thử tặng quân hoàn tự cảm,
詩成我亦淚沾襟。
Thi thành ngã diệc lệ triêm khâm.
                                 阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Sân và nhà trong. Chỉ nhà cha mẹ, cũng dùng để gọi cha mẹ. Bản Đào Duy Anh chép là 庭圍.
2. Danh tướng Địch Nhân Kiệt 狄仁傑 đời Đường (Trung Quốc) đi đánh giặc xa, thấy mây trắng trên núi Thái Hằng mà nhớ đến cha mẹ và nói "nhà cha mẹ ta ở dưới kia kìa".
3. Cây dâu, cây thị, chỉ quê cha đất tổ. Chỗ làng sinh ra mình gọi là "tử lí" 梓里 hay "tang tử" 桑梓. Kinh thi có câu: "Duy tang dữ tử tất cung kính chỉ" (Nghĩ đến cây dâu và cây thị tất phải cung kính). Ý nói hai cây này do cha mẹ trồng lên, người con có hiếu phải kính trọng. Trong bản dịch chúng tôi để tử phần (cây tử, cây phần) tả nơi quê hương, cũng theo ý nghĩa trên. Tại Trung Quốc ngày xưa có tục trồng hai loại cây này ở cổng làng.
Dịch nghĩa
Đề thơ "Trông mây trắng nhớ cha mẹ" của quan hiệu uý họ Hà
Từ khi cách biệt cha mẹ, đã nhiều năm qua
Tình yêu mến, người ta đều cùng một tấm lòng đó
Nơi đất khách trông mây, tình dễ tha thiết
Xong việc công, mở sách, cảm xúc khó cầm
Tình quê hương, ai chẳng nhớ cây dâu cây tử
Lòng trung hiếu có bao giờ phân biệt xưa và nay
Cầm bài này tặng ông, lại tự thấy cảm động
Thơ làm xong, ta cũng nước mắt ướt vạt áo
Dịch thơ
Cách biệt mẹ cha đã bấy năm
Nhớ thương ai chẳng ruột gan đằm
Trông mây đất khách lòng tha thiết
Mở sách nhàn xem dạ khó cầm
Gốc tử miền quê ai chẳng nhớ
Hiếu trung kim cổ ấy tình thâm
Tặng ông bài mới lòng rung động
Thơ viết vừa xong lệ áo đầm.
                   Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 12
秋日偶成
Thu nhật ngẫu thành
蕭蕭墜葉響庭皋,
Tiêu tiêu truỵ diệp hưởng đình cao, 
病骨纔蘇氣轉豪。
 Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào.
天地斯文從古重,
 Thiên địa tư văn (1) tùng cổ trọng,
湖山清興入秋高。
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao.
鏡中白髮佳人老,
Kính trung bạch phát giai nhân lão,
身外浮名謾爾勞。
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao. 
緬想故圓三徑菊,
Miến tưởng cố viên tam kính cúc (2)
夢魂夜夜上歸舠。
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Nền văn ấy. Văn tức là lễ nhạc, chế độ do đạo Khổng đặt ra cho việc cai trị (văn trị).
2. Tác giả lấy từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc) trong đó có câu: "Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn" (Ba lối cũ tuy bỏ hoang nhưng tùng cúc hãy còn) để nói về sự ẩn dật của các quan xưa.
Dịch nghĩa
Ngẫu hứng ngày thu
Lá rụng tiêu điều nghe tiếng vì vèo ngoài sân
Bệnh nặng vừa khỏi, lấy lại được hào khí
Nền tư văn của trời đất từ xưa vốn được trọng nể
Nguồn cảm hứng với non nước sang mùa thu càng cao
Xem gương thấy tóc đã bạc, cũng già như thiên hạ
Danh hão ở ngoài cái thân con người, chỉ đưa đến sự nhọc mà thôi
Nhớ về vườn cũ xa vời ba luống cúc
Đêm đêm hồn mộng cứ giục lên thuyền để về.
Dịch thơ
Ngoài sân lá rụng tiếng rì rào
Bệnh mới vừa lui sắc lại hào
Nền ấy tư văn trời đất trọng
Nước non thêm hứng tiết thu cao
Soi gương tóc bạc già thêm chút
Danh hão ngoài thân nhọc sức sao
Nhớ mãi vườn xưa ba luống cúc
Thuyền về đêm đến lại chiêm bao.
                    Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 13
漫興其一
Mạn hứng (II) kỳ nhất
朴散淳漓聖道湮,
Phác tán thuần ly thánh đạo nhân (1)
吾儒事業杳無聞。
Ngô nho (2) sự nghiệp yểu (3) vô văn. 
逢時不作商岩雨,
Phùng thời bất tác Thương Nham vũ (4)
退老思耕谷口雲。
Thối lão tư canh Cốc Khẩu vân (5)
每嘆百年同過客,
Mỗi thán bách niên đồng quá khách,
何曾一飯忍忘君。
Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân.
人生識字多憂患,
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn,
坡老曾云我亦云。
Pha lão tằng vân ngã diệc vân.
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Ức Trai thi tập" ghi và phiên là chân, giống như bản Dương Bá Cung ("Nguyễn Trãi toàn tập" trích dẫn), thiết nghĩ không hợp văn cảnh.
2. Đạo nho của ta. Sách Pháp Ngôn giải thích: người thông suốt tất cả thiên văn, địa lý và nhân sự gọi là Nho (Thông thiên, địa, nhân giả viết nho), ngụ ý phải rút kinh nghiệm qua sách vở để hiểu biết về trời, đất và người (tam tài), dựa trên thực tiễn để xử sự.
3. Bản Đào Duy Anh (Nguyễn Trãi thi tập) phiên là diểu, bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai thi tập) phiên là điểu. Chữ yểu (sâu xa mờ mịt) có thể đọc là miểu hay liễu. Cũng có thể đây là chữ hạnh (tự dạng gần giống chữ yểu) dùng theo nghĩa hạnh lâm (rừng hạnh), vườn hạnh, ý nói về nho học, theo tích Khổng Tử xưa ngồi dạy dưới giàn hạnh.
4. Vua Cao Tông nhà Thương (triều đại trị vì Trung Quốc từ 1783 đến 1135 trước Tây lịch) mộng thấy một người hiền, liền cho vẽ lại chân dung để tìm kiếm. Quả nhiên, tìm được Phó Duyệt ở đất Phó Nham và mang về triều giúp nước. Tin ở tài năng của Phó Duyệt, nhà vua nói nếu gặp đại hại ông sẽ là người làm nên mưa móc, nếu gặp lũ lớn ông sẽ làm cây chầm chèo thuyền cứu vãn. Từ đấy có cụm từ "Thương Nham vũ" (mưa đất Nham nhà Thương)
5. nghĩa đen: (mây ở cửa động) Trịnh Tử Chân đời Hán ở ẩn tại Cốc Khẩu (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay) có tiếng học đạo giữ mình, từ chối không tham chính.
Dịch nghĩa
Mạn hứng (II) kỳ 1
(Đề chơi lúc hứng)
Những gì gọi là thuần phác đều tan rã, đạo Thánh bị chìm
Sự nghiệp của nhà nho ta lu mờ chẳng có tiếng tăm gì
Gặp thời chẳng tạo được mưa ở Thương Nham
Lúc già trở về cày mây ở Cốc Khẩu
Thường than trăm năm của cõi đời y như khách qua đường
Chưa từng lúc nào ăn một bữa cơm mà không nhớ đến vua
Con người sinh ra biết chữ nghĩa gặp nhiều nạn phải lo lắng
Ông già Tô (Tô Đông Pha) hằng nói thế, ta cũng nói thế.
Dịch thơ
Thuần phác tan ra đạo thánh chìm
Nhà nho sự nghiệp tiếng tăm im
Gặp thời chẳng tạo “Thương Nham vũ”
Già đến cầy mây Cốc Khẩu tìm
Khách trọ trăm năm câu cửa miệng
Vua cha ân nghĩa để trong tim
Con người biết chữ nhiều lo lắng
Pha Lão hàng tin ta cũng tin
                   Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 14
漫興其二 
Mạn hứng (II) kỳ nhị
九萬摶風記昔曾,
Cửu vạn đoàn (1) phong ký tích tằng, 
當年錯比北溟鵬。
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng.
虛名自嘆成箕斗,
Hư danh tự thán thành cơ đẩu (2),
後學誰將作準繩。
Hậu học thuỳ tương tác chuẩn thằng. 
一片丹心真汞火,
Nhất phiến đan tâm chân hống hoả,
十年清職玉壺冰。
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng. 
優游且復言余好,
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu,
俯仰隨人謝不能。
Phủ ngưỡng tuỳ nhân tạ bất năng.
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Chín vạn dặm, do ngữ "bằng đoàn cửu vạn", chim bằng bay cao chín vạn dặm, ý nói rất cao xa
2. Sao Cơ (giống cái nia), sao Đẩu (giống cái đấu). Kinh Thi có câu:
Duy Nam hữu cơ, bất khả dĩ bá dương
Duy Bắc hữu đẩu, bất khả dĩ ấp tửu tương.
(Phương Nam có sao cơ (nia) không thể dùng sàng sảy được
Phương Bắc có sao đẩu (đấu) không thể dùng chứa rượu được).
Ý nói vô dụng.
Dịch nghĩa
Mạn hứng (II) kỳ 2
Nhớ xưa từng có ý muốn cưỡi gió lên chín vạn dặm cao
Bây giờ toan tự sánh mình với chim bằng ở biển bắc
(Tự thẹn) hư danh (vô dụng) chẳng khác nào sao cơ sao đẩu
Kẻ học sau ai lại đem mình ra làm mức làm chuẩn
Một tấm lòng son sắt như lò lửa luyện kim đan
Mười năm phục vụ liêm khiết trong như bầu ngọc
Lại bảo rằng ta ưa thanh nhàn
Còn như cúi mình theo người thì ta không có khả năng.
Dịch thơ
Chín vạn dặm cao cưỡi gió lên
Chim bằng biển bắc tự so tên
Hư danh chẳng khác sao Cơ-Đẩu
Hậu học ai nào dám thước khuôn
Một tấm lòng son lò lửa luyện
Mười năm thanh chức ngọc trong nguyên
Ai rằng ta chỉ ưa nhàn nhã
Khom cúi theo ai vái chả thèm.
                    Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 15
漫興其三
Mạn hứng (II) kỳ tam
小院陰陰石徑斜,
Tiểu viện âm âm thạch kính tà, 
翛然宦況似僧家。
Tiêu nhiên (1) hoạn huống tự tăng gia.
官情易怯傷弓鳥,
Quan tình dị khiếp thương cung điểu,
暮影難留赴壑蛇。
Mộ cảnh nan lưu phó hác xà.
夢覺故園三徑菊,
Mộng giác cố viên tam kính cúc,
心清活水一甌茶。
Tâm thanh hoạt thuỷ nhất âu trà.
回頭六十年前事,
Hồi đầu lục thập niên tiền sự,
雙鬢星星兩眼花。
Song mấn tinh tinh lưỡng nhãn hoa.
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Tiêu nhiên 翛然: Không chút gì bó buộc, tự do tự tại. Trang Tử 莊子 (Ðại Tông Sư 大宗師): "Tiêu nhiên nhi vãng, tiêu nhiên nhi lai dĩ hĩ" 翛然而往,翛然而來而已矣. Nhượng Tống dịch: "Phất phơ mà đi, phất phơ mà lại, thế mà thôi" (Trang Tử Nam Hoa kinh, trang 126). Hai chữ tiêu nhiên 翛然 khác với 蕭然, có nghĩa là "tịch mịch, vắng lặng, tiêu điều". Như Ðào Uyên Minh 陶淵明 có câu: "Hoàn đổ tiêu nhiên, bất tế phong nhật" 環堵蕭然,不蔽風日 (Ngũ Liễu tiên sinh truyện 五柳先生傳). Nguyễn Hiến Lê dịch: "Tường vách tiêu điều, không đủ che mưa nắng" (Cổ văn Trung quốc, trang 181).
Dịch nghĩa
Mạn hứng (II) kỳ 3
Viện nhỏ âm u đường đá chênh chếch
Cảnh làm quan thanh vắng như cảnh nhà sư
Tình hình chốn quan trường dễ làm khiếp sợ như con chim đã bị thương vì cung bắn
Bóng chiều tà khó giữ được tựa con rắn đang vào hang
Tỉnh giấc mộng ba luống cúc nơi vườn cũ
Rửa sạch lòng một ấm trà pha bằng nước suối
Quay đầu nhớ lại sự việc sú mươi năm trước
Hai đám tóc mai đã lốm đốm đôi mắt đã hoa.
                                          (theo NTTT tân biên)
Dịch thơ
Viện nhỏ âm u đường đá chênh
Làm quan tự tại giống sư anh
Riêng lòng sợ tựa chim cung bắn
Chiều cảnh khó lưu rắn rúc ghềnh
Tan mộng vườn xưa ba luống cúc
Rửa lòng nước suối nấu trà thanh
Quay đầu nghĩ lại bao việc trước
Hai mắt đều hoa tóc trắng nhanh.
                   Đỗ Đình Tuân dịch

30/5/2012
Đỗ Đình Tuân








Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Dịch thơ cổ: Nguyễn Trãi 12


Bài 6
漫興其一
Mạn hứng (I) kỳ 1

世路蹉跎雪上巔,
Thế lộ sa đà tuyết thượng điên, 
一生落魄更堪憐。
 Nhất sinh lạc thác (1) cánh kham liên.
兒孫種福留心地,
Nhi tôn chủng phúc lưu tâm địa, 
魚鳥忘情樂性天。
Ngư điểu vong tình lạc tính thiên. 
掃雪煮茶軒竹下,
Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,
焚香對案閣梅邊。
Phần hương đối án các mai biên.
故山昨夜纏清夢,
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng, 
月滿平灘酒滿船。
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền.
                        阮廌
                      Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. 落魄 lạc thác: bơ vơ, người thất nghiệp không nơi nương tựa
Dịch nghĩa
Đề hứng lúc chơi

Đường đời lần lữa mãi chưa làm nên việc gì mà đầu đã bạc trắng như tuyết
Một đời luân lạc càng đáng thương
Để lại đất tâm làm phúc cho con cháu
Vui với tính trời như chim cá chẳng nghĩ ngợi gì
Quét tuyết nấu trà dưới mái hiên phía trước có khóm trúc
Đốt hương ngồi trước án trên gác bên cạnh cây mai
Núi cũ đêm qua vấn vương vào giấc mộng thanh
Trăng chiếu đầy sông bình Than rượu đầy thuyền.
                                             (Theo NTTT tân biên)
Dịch thơ
Đường đời lần lữa tóc sương pha
Lưu lạc suốt đời tự xót xa
Để lại đất tâm truyền cháu chắt
Vui cùng thiên tính tựa chim hoa
Nấu trà quét tuyết hiên bên trúc
Hương đốt xem mai gốc cạnh nhà
Nũi cũ đêm qua vào mộng nhẹ
Bình Than trăng sáng rượu chan hòa.
                        
Đỗ Đình Tuân dịch
Bài 7
漫興其二
Mạn hứng (I) kỳ nhị
烏兔匆匆挽不留,
Ô thố thông thông vãn bất lưu, 
回頭萬事總宜休.
Hồi đầu vạn sự tổng nghi hưu.
空花幻眼眠蕉鹿,
 Không hoa huyễn nhãn miên tiêu lộc (1),
俗境驚心喘月牛。
Tục cảnh kinh tâm suyễn nguyệt ngưu (2)
矮屋棲身堪度老,
Ải ốc thê thân kham độ lão,
蒼生在念獨先憂。
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu (3).
彭殤臧穀都休論.
Bành thương (4) tang cốc (5) đô hưu luận,
古往今來貉一丘。
Cổ vãng kim lai lạc nhất khưu.
                                 阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Tiêu lộc 蕉鹿, con hươu ngủ trong bụi chuối, do điển Tiêu lộc mộng 蕉鹿夢. Sách Liệt Tử chép truyện người kiếm củi nước Trịnh 鄭 đánh chết được một con hươu lạc, bèn đem giấu trong một bụi chuối, về sau không nhớ nổi chỗ giấu thú, đi lẩm bẩm than lời tiếc nuối, cứ ngỡ là mơ. Có kẻ nghe được liền đi kiếm và nhặt được xác hươu, mang về khoe với vợ nhưng vợ không tin, cứ cho rằng chồng mộng mị, dù thấy có hươu thật! Ngụ ý nói trên đời này mộng và thực lẫn lộn.
2. Suyễn nguyệt ngưu 喘月牛: trâu thở phì phào dưới trăng. Ở miền Giang Hoài 江淮 đất Ngô 吳 có loài trâu rất sợ nắng, thấy trăng lên tưởng là mặt trời, sợ thở hổn hển. Sách Phúc khê nguyên bản chép: "Nam địa đa thử, hạo ngưu úy nhiệt, kiến nguyệt ngộ vi nhật nhi suyễn" (Đất Nam nóng nhiều, trâu sợ sức nóng, thấy mặt trăng cũng lầm là mặt trời nên thở phì phào). Ngụ ý nói về sự ám ảnh thường khiến người ta lo sợ hão huyền, như tục ngữ ta có câu "trượt vỏ dưa, thấy vỏ dừa cũng sợ".
3. Tiên ưu 先憂: Phạm Trọng Yêm 范仲淹 (989-1052): "Nhiên tắc hà thời nhi lạc da? Kì tất viết: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc"" 然則何時而樂耶?其必曰: 先天下之憂而憂,後天下之樂而樂 (Nhạc Dương Lâu ký 岳陽樓記) Mà lúc nào mới được vui? Tất đáp rằng: "Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ".
4. Bành thương 彭殤: Bành là sống lâu, thương là chết non.
5.Tang cốc 臧穀: Theo sách Trang Tử 莊子 (chương Biền mẫu 駢拇), Tang và Cốc cùng chăn dê. Tang ham đọc sách, Cốc mê cờ bạc. Cả hai đều đánh mất dê như nhau. Tô Đông Pha có câu: "Tang Cốc tuy thù, cánh lưỡng vong" (Tang và Cốc tuy có khác nhau, rốt cuộc hai người đều mất).
Dịch nghĩa
Đề hứng lúc chơi
Ngày và đêm qua vùn vụt không ngừng lại
Quay nhìn mọi việc thấy đều nên ngưng là vừa
Hoa mắt tưởng chiêm bao thấy lá chuối giấu con hưu
Nhìn cảnh tục lòng sợ như trâu sợ trăng thở phì phào
Mái nhà nhỏ nương mình có thể qua tuổi già
Vì dân đen luôn luôn để dạ lo trước cho họ
Sống lâu hay chết yểu (như Tang và Cốc) khỏi bàn luận làm gì
Xưa nay xem như loài chồn ở cùng một gò cả.
Dịch thơ
Thời gian vùn vụt thoáng qua trôi
Mọi việc quay đầu đáng nghỉ ngơi
Mắt hoáng lại ngờ mơ dấu hoẵng
Lòng e như nghé sợ trăng ngời
Nương mình nhà nhỏ qua già yếu
Một dạ lo dân trước mọi người
Thọ yểu xin thôi bàn luận mãi
Dù chồn hay cáo một gò thôi.
             
Đỗ Đình Tuân dịch
Bài 8
乞人畫崑山圖
Khất nhân hoạ Côn Sơn đồ
平生邱壑廢登臨,
Bán sinh khâu hác phế đăng lâm,
亂後家鄉費夢尋。
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm.
石畔松風孤勝賞,
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng,
澗邊梅影負清吟。
 Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm.
煙霞冷落腸堪斷,
Yên hà lãnh lạc trường kham đoạn,
猿鶴蕭條意匪禁。
Viên hạc tiêu điều ý phỉ câm.
憑仗人間高畫手,
Bằng trượng nhân gian cao hoạ thủ, 
筆端寫出一般心。
Bút đoan tả xuất nhất ban tâm 。
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Dịch nghĩa
Nhờ người vẽ tranh Côn Sơn
Nửa đời phải bỏ cái thú đi ngoạn thưởng gò núi hang hốc khe suối
Sau loạn, uổng công tìm quê hương trong giấc chiêm bao
Cạnh ghềnh đá, gió thông không ai thưởng thức
Bên khe nước, bóng mai đành phụ thú ngâm nga
Khói ráng chiều quạnh quẽ, buồn muốn đứt ruột
Vượn hạc tiều điều, cảm xúc khó cầm
Muốn nhờ tay vẽ giỏi trên đời
Lấy bút tả hết nỗi lòng ta.
Dịch thơ
Nửa đời phải bỏ thú sơn khê
Sau loạn hoài công gửi mộng về
Chẳng thưởng gió thông bên ghềnh đá
Không ngâm mai bóng rợp bên khe
Khói chiều quạnh quẽ buồn tê ruột
Vượn hạc tan hoang ý não nề
Muốn mượn trên đời tay vẽ gỏi
Dùng cây bút vẽ nỗi lòng ta.
                     Đỗ Đình Tuân dịch
Bài 9
題程處士雲窩圖
Đề Trình Xử Sĩ vân oa đồ
佳客相逢日抱琴,
Giai khách tương phùng nhật bão cầm,
故山歸去興何深。
Cố sơn quy khứ hứng hà thâm.
香浮瓦鼎風生樹,
Hương phù ngoã đỉnh phong sinh thụ,
月照苔磯竹滿林。
Nguyệt chiếu đài cơ trúc mãn lâm.
洗盡塵襟花外茗,
Tẩy tận trần khâm hoa ngoại mính,
喚回午夢枕邊禽。
Hoán hồi ngọ mộng chẩm biên cầm.
日長隱几忘言處,
Nhật trường ẩn kỷ vong ngôn xứ,
人與白雲誰有心。
Nhân dữ bạch vân (1) thuỳ hữu tâm
                                   阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Nói về danh tướng Địch Nhân Kiệt đời Đường (Trung Quốc) đi đánh giặc xa, thấy mây trắng trên núi Thái Hằng mà nhớ đến cha mẹ.
Dịch nghĩa
Đề tranh am mây của Trình Xử Sĩ
Khách quý gặp nhau ôm đàn gảy suốt ngày
Trở về núi cũ hứng thú biết bao!
Hương bốc lên ở đỉnh sành, gió rung cây
Trăng chiếu xuống ghềnh rêu, trúc đầy rừng
(Muốn) tẩy sạch lòng trần có (đọt) trà ngoài chỗ hoa viên
Để gọi tỉnh giấc mộng ban trưa, có tiếng chim bên gối
Suốt ngày tựa ghế quên cả nói
(Thử hỏi) giữa người và mây trắng (kia) ai là có tâm tình?
Dịch thơ
Gặp nhau khách quý suốt ngày đàn
Núi cũ về đây hứng thú tràn
Hương bốc đỉnh sành cây lộng gió
Trăng soi rêu đá trúc xanh ngàn
Lòng trần rửa sạch trà ngoài giậu
Mộng tỉnh ban trưa chim hót vang
Tựa ghế suốt ngày quên chẳng nói
Người và mây trắng tình ai mang ?
                    Đỗ Đình Tuân dịch  
Bài 10
題徐仲甫耕隱堂
Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn đường
去怕繁花沓軟塵,
Khứ phạ phồn hoa đạp nhuyễn trần, 
一犁岩畔可藏身。
Nhất lê nham bạn khả tàng thân. 
商家令佐稱莘野,
Thương gia lệnh tá xưng Sằn Dã (1),
漢世高風仰富春。
Hán thế cao phong ngưỡng Phú Xuân (2)
松菊猶存歸未晚,
Tùng cúc do tồn (3) quy vị vãn,
利名不羨隱方真。
Lợi danh bất tiển ẩn phương chân. 
嗟余久被儒冠誤,
Ta dư cửu bị nho quan ngộ (4),
本是耕閒釣寂人。
Bổn thị canh nhàn điếu tịch nhân.
                                   阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Chỉ Y Doãn, người hiền sĩ cày ruộng đời nhà Thương (Trung Quốc), vua phải vời ba lần mới chịu giữ chức tể tướng, đủ tài bình trị quốc dân.
2. Một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nơi Nghiêm Tử Lăng (tức Nghiêm Quang) ở ẩn. Bạn của ông là Lưu Tú, sau khi diệt Vương Mãng lên ngôi xưng là Quang Vũ, nhiều lần cho người đến núi Phú Xuân rước bạn về giúp, nhưng cao sĩ đời Đông Hán này từ chối.
3. Tác giả lấy từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc) trong đó có câu: Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn (Ba lối cũ tuy bỏ hoang nhưng tùng cúc hãy còn, để nói về sự ẩn dật của các quan xưa).
4. Đỗ Phủ nói: Nho quan đa ngộ thân (Ăn mặc theo lối nhà nho nhiều khi bị lâm lụy). Ý nói theo đạo Nho không hợp thời bấy giờ. Lý Gia Hựu đời Đường cũng có câu: Thanh bào kim dĩ ngộ nho sanh. (Mặc áo xanh làm kẻ nhà nho, nay thấy mình đã lầm).
Dịch nghĩa
Đề nhà Canh Ẩn của Từ Trọng Phủ
(Ông) từ bỏ chốn xa hoa đầy bụi bặm
Đến đây tự giấu mình để cày bên núi đá
Sằn Dã (Y Doãn) từng lưu tiếng phục vụ tốt cho nhà Thương
Noi gương đỉnh Phú Xuân (tức Nghiêm Tử Lăng) về vụ vua Hán mời ra phục vụ (mà không nhận)
Lúc trở về tùng cúc đang còn đấy
Lợi danh chẳng tiện gì, ở ẩn là phương sách chân thực
Tự than mình đã lâu bị ngộ nhận vì vẻ nho quan
Vốn chỉ thích cày ruộng, câu cá, sống đời ẩn dật.
Dịch thơ
Bỏ nơi bụi bặm phồn hoa
Về cày bên đá để mà dấu thân
Giúp Thương Y Doãn lừng tên
Tử Lăng vua Hán vời lên lại từ
Khi về tùng cúc còn chờ
Lợi danh không hám ẩn là thậm hay
Than mình ngộ nhận lâu nay
Thật ra vốn thích câu cày thảnh thơi.
                     
Đỗ Đình Tuân dịch

28/5/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Kỷ niệm 50 năm ngày ra trường




Tức hứng dưới gốc đa (1)
(Gặp mặt lớp 10D Trường cấp 3 Hồng Quang khóa 1959-1962, kỷ niệm 50 năm ngày ra trường)
Năm mươi năm đã qua rồi
Cây đa cụt ngọn bạn thời vãn đi (2)
Cõi đời mấy độ suy vi
Tình xưa nghĩa cũ không gì chuyển lay.
1. Cây đa ở Trường Hồng Quang 50 năm trước dềnh dàng xum xuê rợp bóng một góc sân trường. Khi chuyển cho Trường PTCS Ngô Gia Tự, để xây nhà cao tầng nên cây đa đã bị chặt bớt đi (xem ảnh)
2.Khi ra trường lớp có 41 người, 14 người đã về cõi vĩnh hằng, số người về dự được 18/27.
27/5/2012
Đỗ Đình Tuân
Vài hình ảnh











Chúc mừng




(Kỷ niệm ngày laptop Song Thu cài đặt xong và bắt đầu hoạt động 26/5/2012)
Chúc mừng Thu ra ở riêng
Một phòng một máy một miền riêng tư
Hứng lên không phải đợi chờ
Mổ cò tắp lự ra thơ kịp thời
Tri ân góp vốn cho rồi

Chúc ai một vốn bốn lời... trôi tay
Văn ôn bút luyện ngày ngày
Góp vui góp đẹp góp hay cho làng
26/5/2012
Đỗ Đình Tuân



Thơ phúc đáp của Song thu
Cám ơn Tuân Đỗ gửi thư
Chúc mừng Thu được riêng tư một miền
Tha hồ gặp gỡ bạn hiền
Tha hồ tâm sự không phiền lụy ai
Tha hồ đọc truyện viết bài
Chỉ lo mình chẳng đủ tài mà thôi
Mong ông Tuân Đỗ đừng cười
Để không hở nốt một vài cái răng
                           26/5/2012
                       Vũ Thị song thu

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Dịch thơ cổ: Nguyễn Trãi 11


THƠ TỎ Ý CHÁN NẢN VÀ MUỐN VỀ NGHỈ (23 BÀI)
(nguồn: thivien.net có tham khảo thêm Nguyễn Trãi toàn tập tân biên)

BÀI 1
偶成
Ngẫu thành
世上黃梁一夢餘,
Thế thượng hoàng lương (1) nhất mộng dư,
覺來萬事總成虛。
Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住,
Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書。
Kết ốc hoa biên độc cựu thư (2)
                 阮廌
                 Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.giấc mộng kê vàng: chàng thư sinh họ Lư hỏng thi, ghé một quán trọ và gặp một ẩn sĩ cho mượn cái gối kê đầu nghỉ. Trong lúc nằm nghỉ mơ thấy đỗ tiến sĩ, ra làm quan 20 năm, công danh sự nghiệp hiển hách, con cái cũng đều lmf quan to. Sau vì dâng sớ hạch tội Lý Lâm Phủ nên bị cách chức. Lúc tỉnh dậy mới biết chỉ là một giấc mộng. Khi mới ngủ chủ quán nấu một nồi kê. Đến khi Lư tỉnh dậy, nồi cháo vẫn chưa chín. Do sự tích này người ta nói “Hoàng lương mộng” (giấc mộng kê vàng) để nói cuộc đời cũng giống như một giấc mộng vậy thôi.
2.Cựu thư: bản Dương Bá Cung chép là “cựu thư” (sách cũ, sách xưa). Thi Lục và Thi Tuyển chép là “phụ thư” (sách cha). Bản này theo Dương bá Cung.
Dịch nghĩa
Ngẫu nhiên làm (II)
Đời là kết quả của một giấc mộng kê vàng
Tỉnh ra mới biết vạn sự đều hóa thành không cả
Như nay ta chỉ thích ở chốn núi non
Làm nhà bên hoa mà đọc sách xưa.
Dịch thơ
Cuộc sống chẳng qua giấc mộng thừa
Tỉnh ra mới rõ thảy là hư
Nay ta chỉ thích về bên núi
Dựng mái nhà tranh đọc sách xưa.
                     Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 2
晚立
Vãn lập
長天漠漠水悠悠,
Trường thiên mạc mạc thủy du du,
黃落山河屬暮秋。
Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu.
羨殺花邊雙白鳥,
Tiện sát hoa biên song bạch điểu,
人間累不到滄洲。
Nhân gian luỵ bất đáo thương châu (1).
                  阮廌
          Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Thương châu: cồn bãi. ở đây chỉ nơi ẩn dật
Dịch nghĩa
Đứng trông cảnh chiều
Trời rộng bát ngát, nước mênh mông
Lá vàng rụng, nước non đã vào cuối thu
Lòng mến bắt gặp đôi chim trắng bên hoa
Luỵ nhân gian chẳng đến nơi cồn bãi này.
Dịch thơ
Trời cao bát ngát nước mênh mang
Phong cảnh cuối thu lá rụng vàng
Bỗng gặp bên hoa đôi nhạn trắng
Lụy đời không đến chốn sơ hoang.
                    Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 3
題山鳥呼人圖
Đề sơn điểu hô nhân đồ

深山寂寂鳥呼人,
Thâm sơn tịch tịch điểu hô nhân,
畫裏看來亦逼真。
Hoạ lý khan lai diệc bức chân.
閒掛午窗朝退日
Nhàn quải ngọ song triêu thoái nhật,
夢回疑是故園春
Mộng hồi nghi thị cố viên xuân.
                    阮廌
                    Nguyễn Trãi
Dịch nghĩa
Đề bức hoạ "Chim núi gọi người"
Trong núi sâu vắng vẻ chim gọi người
Cảnh trong tranh vẽ mà xem ra hệt như cảnh thực
Những ngày lui chầu rảnh rỗi
Ngỡ là mộng trở về cảnh xuân vươn cũ.
Dịch thơ
Tiếng chim núi vắng gọi người
Cảnh trong tranh vẽ hệt coi thực ngoài
Lui chầu những lúc thảnh thơi
Xem tranh ngỡ cảnh xuân nơi vườn nhà.
                       Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 4
題東山寺
Đề Đông Sơn tự (1)

君親一念久嬰懷,
Quân thân nhất niệm cửu anh hoài,
澗愧林慚夙願乖。
Giản quý lâm tàm túc nguyện quai.
三十餘年塵境夢,
Tam thập dư niên trần cảnh mộng,
數聲啼鳥喚初回。
Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi.
                   阮廌
                 Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Đông Sơn tự: một ngôi chùa tại xã Vĩnh Lũ, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.(nay thuộc Quảng Ninh)
Dịch nghĩa
Đề chùa Đông Sơn
Một niềm (trung hiếu) nhớ mãi đối với vua và cha
Thẹn với núi rừng vì đã sai lời nguyền xưa
Ba chục năm thừa mộng ở cõi trần
Vài tiếng chim kêu thức tỉnh lại như trước.
Dịch thơ
Một niềm trung hiếu với vua cha
Lỗi hẹn bao ngày với suối khe
Ba chục năm thừa trên thế giới
Chim kêu vài tiếng sực quay về.
                     Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 5
和鄉先生韻柬諸同志
Hoạ Hương tiên sinh vận giản chư đồng chí

愁來咄咄漫書空,
Sầu lai đốt đốt (1) mạn thư không,
天地無窮嘆轉蓬。
Thiên địa vô cùng thán chuyển bồng.
世事灰心頭向白,
Thế sự hôi (2) tâm đầu hướng bạch,
衰顏借酒暈生紅。
Suy nhan tá tửu vựng sinh hồng.
覽輝擬學鳴陽鳳,
Lâm huy nghĩ học minh dương phụng (3),
遠害終為避弋鴻。
Viễn hại chung vi tị dặc hồng.
淪落天涯俱是客,
Luân lạc thiên nhai câu thị khách,
年來出處略相同。
Niên lai xuất xứ lược tương đồng.
                     阮廌
                 Nguyễn Trãi
Ghi chú
1.Đốt đốt: do 4 chữ “đốt đốt quái sự”. Ân Hạo là một võ quan đời Tấn (Trung Quốc), có tiếng là thanh cao. Làm đô đốc, đánh giặc bại trận, bị cách chức nhưng không hề tỏ ra oán hận. Suốt ngày chỉ dùng ngón tay viết lên không khí mấy chữ “cha cha, chuyện lạ”.
2.Hôi tâm: chữ hôi bản Ức Trai di tập phiên là khôi, những đúng ra là hôi. Vì “hôi tâm” có nghĩa là “lòng mất hết hứng thú”.
3.Minh dương phụng: do chữ “phụng minh triêu dương” trong Kinh thi có nghĩa là “chim phượng kêu đón ánh mặt trơif buổi sáng. Đây ngụ ý chỉ người tài đối với thời buổi sáng sủa. Giả nghị đời nhà Hán, viết văn cúng Khuất Nguyên trong đó có câu: “Phượng hoàng tường vụ thiên nhẫn hề / Lâm huy túc nhi hạ chi” (Phượng hoàng bay cao nghìn trượng / Thấy có ánh sáng thì đáp xuống). Ngụ ý người hiền tài chỉ có thể phục vụ một chế độ sáng suốt.
Dịch nghĩa
Hoạ thơ của Hương tiên sinh lưu giản các đồng chí
Chao ôi (cha cha) mối sầu đến viết lên đầy trời!
Khó (cho ta) là di chuyển như ngọn cỏ bồng trong trời đất vô biên này
Cuộc đời khiến lòng người nguội lạnh như tro tàn, tóc bạc dần
Thần sắc kém, mượn rượu để làm ửng đỏ lên
Nhìn ánh sáng muốn bắt chước chim phượng hót trong ánh dương
Rốt cuộc làm chim hồng tránh tên để xa nguy hại
(Chúng ta) đều là khách luân lạc ở chân trời
Lâu nay xuất hay xử cũng giống nhau.
Dịch thơ
Sầu đến “cha, cha…” viết kín trời
Vô cùng thiên địa cỏ bồng thôi
Đời làm tim lạnh đầu thêm bạc
Rượu khiến mặt suy cũng đỏ ngời
Nhìn nắng muốn theo chim phượng hót
Sao bằng lánh họa nhạn hồng noi
Chúng ta đều khách chân trời cả
Xuất xử lâu nay cũng một nòi.
                  Đỗ Đình Tuân dịch

26/5/2012
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...