Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Bánh Khúc

Vườn ao nhà tôi đã dọn xong.Trông cũng khá phong quang và mát mắt. Nhưng không hiểu  là vì đất chua đắng hay thời tiết lạnh mà gieo hạt rất chậm nẩy. Mấy hôm sau tết, thấy trời mưa ẩm, chú Thế vội đem lên cho một ít hạt ngô giống để gieo cho kịp thời vụ. Gieo được sáu luống đúng nửa vườn trước. Nhưng ngô lên không đều mà đòi đọt quá. Có lẽ vì thế mà trong một bài thơ họa với Tạ Anh Ngôi, bà vuthisongthu mới viết:
Trước cửa loi thoi vài luống bắp
Trong bình ngơ ngấn mấy nhành dơn.
Còn mấy ông ở xóm dưới lên chơi lại phán “Ông giồng ngô ở đây là không được ăn đâu. Giữ làm sao được với chuôt? Tốt nhất là ông cứ đem mà thả bí ngô, cái loại bí ngô siêu ngọn ấy, chẳng chuột bọ nào ăn mà bán lại rất dễ”. Thế là nửa vườn còn lại lại đem thả bí ngô. Mình làm vườn mà chả khác gì cái anh “đẽo cày giữa đường” ai bảo sao thì bồ ngoao làm vậy. Nhưng như thế cũng hay, cái vườn của mình sẽ trở thành cái vườn thực nghiệm học nghề trồng trọt. Nhưng bí ngô lại cũng chẳng khác gì ngô, cũng đòi đọt mà cây nào mọc lên trông cũng  lù dù, xin xỉn không thấy dáng vẻ gì là phởn phơ tung tẩy muốn bung vươn. Cả ở cái hàng rào ngăn giặc gà của nhà hàng xóm sang phá rau cũng vậy. Tận dụng gieo hạt đỗ đũa cho chúng leo bờ rào mà nào chúng có chịu lên. Mấy hôm nay đã thấy lác đác vài anh nhỏm dậy nhưng anh nào anh ấy trông cũng gầy guộc và co ro cúm rúm lắm. Kiểu này thì chưa chắc đã đọ được với cái rét tai ác của mùa đông năm nay…
              
Chiều hôm nọ chú Sử vào, đem biếu ít chuối hột ngâm rượu, thấy vườn vẫn trống không chú ấy ngạc nhiên bảo: “Em tưởng ngô của thày giáo phải được luộc rồi cơ chứ ?”. Ấy thế mà nghe những người làm nông nghiệp nói thì thấy giồng cái gì cũng dễ, cũng hái ra tiền cả. Chính ngay như ông Tạ Anh Ngôi, ông ấy trông thấy cái ao của mình cũng bảo: “Cái ao này của ông mà đem thả rau rút, năm phải vài chục triệu đồng đấy”. Rồi ông ấy kể chuyện bà Sâm làm vườn thu hoạch cũng khá đấy. Được tiền nên các bà ấy ham lắm, chẳng mấy lúc thấy ngơi tay ngơi chân với mảnh vườn thửa ruộng. Hôm du xuân Nam Sách, ông Ngôi cũng có ý muốn để bọn mình thưởng lãm tài bếp núc của bà Sâm. Nhưng bà Kim đã chuẩn bị rồi. Mình chỉ nhờ ông Ngôi nhắn cho bà Sâm là chuẩn bị trước bản báo cáo hội trường về thả rau rút và trồng bí ngô siêu ngọn thôi. Nhưng khi đến nhà thì bà Sâm lại đi đâu ấy. Hay là bà ấy “dấu nghề” ? Cũng có thể . Bởi những người làm kinh tế, làm chính trị là họ kín nhẽ lắm. Chứ không như cánh văn chương, báo chí, bloge…có cái gì cũng bô bô phơi lên mặt giấy. Phơi hết gan ruột mình ra chưa đủ lại còn đi phơi hộ thiện hạ nữa ? Chết là phải !
Quay lại vườn nhà mình, như trên kia đã kể. Nó thế đấy ! Hay tại mình không có tay gieo hạt ? Nhưng những thứ do “trời gieo” thì chao ôi sao tốt thế. Nhất là cái giống rau khúc. Vừa được giải thoát khỏi sự đè nén của cỏ, đón nhận được vài hạt mưa phùn lui bui xuống, ở những mép bờ ao, rau khúc chen vai thích cánh bườm bượp vươn lên, dày kín đất. 
Thấy rau khúc, mình chợt nhớ đến bữa bánh khúc mẹ làm cho ăn ngày bé. Cách đây khoảng 65 năm rồi. Những cái bánh khúc giống như những cái lưỡi lợn, có mầu xanh thẫm của rau khúc luộc, những hạt xôi nếp bám quanh một lớp mỏng. Đưa vào miệng nhai thấy dai dai, dẻo dẻo, thơm thơm quyện với vị bùi ngậy của đỗ xanh và mỡ lợn, tạo nên một hương vị rất riêng của bánh khúc. Nhớ thế nhưng mình cũng chỉ nói bâng quơ với bà Thu thôi chứ không hẳn là yêu cầu hay ra lệnh “ Vườn lắm rau khúc thế này, hôm nào làm bữa bánh khúc ăn đi”. Bà ấy bảo: “Có ai ăn mà làm, hôm nào gặp ngoài chợ có, tôi mua về cho ông ăn”. Thứ sáu tuần trước con giai về đi ăn cưới lại dẫn cả bạn gái về theo. Chắc là có người giúp việc, lại sẵn còn nhiều gạo nếp tết ăn không xuể, bà vuthisongthu mới nổi máu làm bánh khúc để “nịnh chồng” và chiều con. Thấy hai “bác cháu” bà ấy cũng tơi tả lắm. Đi tra mạng, đi hỏi chuyên gia  rồi đi tthuê say bột, thuê vỡ đỗ, mua thịt, nấu cơm đỗ, hái rau khúc, nhặt rau khúc, luộc rau khúc, giã rau khúc, nhào bột, mượn chõ…nặn bánh…Mấy đứa cháu xuống chầu chực xem đến tận chiều tối vẫn phải trở về không. Mãi đến gần nửa đêm, sau một giấc ngủ dài, tôi thức giấc, mới được trịnh trọng mới đi ăn bánh khúc.
Tôi thấy một chõ xôi đầy cưỡi lên. Đứa “cháu” lấy đũa xới xới chõ xôi lên. Hễ thấy có lá mít thì nó lấy đầu đũa lùa xuống dưới bẩy lên, xới để vào bát. Nhưng bánh khúc do hai “bác cháu” bà vuthisongthu làm không giống với bánh khúc của mẹ tôi làm. Cũng không giống với bánh khúc tôi từng ăn ngoài chợ. Mỗi cái bánh khúc bây giờ  đúng ra phải gọi nó là môt nắm xôi. Mỗi nắm xôi  to độ chừng nắm đấm và dài dài như một quả xoài. Bóc lá mít mới lộ ra một cục bột màu xanh xanh của bột ngào với rau khúc luộc. Phần xôi bọc ngoài thì vừa nhiều vừa cứng giống như xôi nếp con của thời xưa vậy. Còn “bánh khúc” bọc bên trong thì nhão gần như cháo. Rau khúc cũng giã nhuyễn quá. Cả cái dẻo và cái dai đều không có. Chỉ thấy cái bùi bùi ngậy ngậy của đỗ mỡ. Tôi không gọi nó là bánh khúc. Tôi gọi nó là “xôi bọc cháo khúc”.
Thấy tôi “bình loạn” thế, hai “bác cháú” bà ấy buồn lắm. Và hình như còn bực bội nữa. Suốt đêm hai “bác cháu” bà ấy không ngủ được. Cứ thấy rì rầm to nhỏ với nhau những chuyện gì gì ấy. Cho đến tận sớm hôm sau, thấy tôi thức dậy, bà ấy vẫn than phiền “Thất vọng tràn trề…”
Còn tôi, tuy chưa tìm lại được cái cảm giác ăn bánh khúc như của  mẹ làm nhưng tôi lại được thưởng thức thêm một món “xôi bọc cháo khúc”. Cái vốn từng trải của tôi về bánh khúc rõ ràng đã được tăng thêm mà cái khát vọng muốn tìm lại cái cảm giác ăn bánh khúc như của mẹ làm vẫn không nguội tắt. Nhưng muốn tìm lại cái cảm giác ấy  chắc là tôi phải tự tìm lấy, tự làm lấy bánh khúc mà ăn thôi. Bây giờ thì tôi đã hình dung ra được quy trình làm bánh khúc của mẹ tôi rồi. Và tôi cũng tin rằng những bờ rau khúc trong vườn nhà tôi mùa xuân nào cũng sẽ bườm bượp tốt tươi.

1/3/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Một bài thơ của người dân làng Chí Linh

            
           Đó là bài thơ Về làng của bác Bùi Ngọc Quyết
            Bác Bùi Ngọc Quyết sinh năm 1935, người thôn Chí Linh, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh). Bác vốn là kế toán phòng Thủy Lợi huyện Chí Linh. Năm 1995, bác về hưu và thường trú tại khu dân cư Nguyễn Trãi 2, thị trấn Sao Đỏ (nay là phường Sao Đỏ). Bác mắc bệnh đau dạ dày từ lâu nhưng mãi đến tháng 4/1997 mới đi làm phẫu thuật. Mãi đến khi mổ ra mới phát hiện là bị ung thư. Từ đó bác biết mình không sống được bao lâu và  rất chủ động chuẩn bị cho cái chết: viết di chúc cho vợ con và đặc biệt còn viết cả lời cám ơn bà con xóm láng, thân bằng cố hữu đến dự đám tang bác nữa. Khoảng đầu tháng 10/1997, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, bác đã cố gắng trở về thăm làng cũ một lần cuối cùng. Thấy bác về ai biết tin cũng đến thăm và ai thấy bác cũng rưng rưng lệ. Bác cũng vô cùng xúc động nên tuy cả đời chẳng làm thơ nhưng lần ấy bác cũng cầm bút làm thơ. Đỗ Đình Tuân là người đầu tiên được đọc bài thơ này và cũng dàn dụa nước mắt. Theo yêu cầu của bác, Đỗ Đình Tuân có nắn vuốt giúp bác một tý chút gọi là biên tập. Nguyên văn bài thơ ấy của bác như sau:

                        Về làng
                         
Chí Linh, Nhân Huệ  xa gì
Mà sao ít dịp tôi về làng tôi
Muốn đi thăm hết mọi người
Vẫn như cái tuổi đôi mươi tôi về
Mỏi chân không thấy bạn bè
Nhớ thời bom đạn lại se thắt lòng
Cháu con nên vợ nên chồng
Bao người chị gói má hồng vào khăn
Để dày thêm những nếp nhăn
Cho tàn nguội những lò than rực hồng
Chị tôi thầm dẹp lửa nồng
Để cùng bầu bạn làm ông làm bà
Nay dù bom đạn đã qua
Vết thương còn buốt xương da bao người
Sông vàng nước chẳng buồn trôi
Bạt ngàn ngô biếc cuối trời vẫn xanh
Kiếp người còn mất mong manh
Chỉ non nước mãi như tranh họa đồ
Tôi mang theo một cánh cò
Trăng in đáy nước con đò trong sương
Chí Linh mảnh đất quê hương
Trọn đời để nhớ để thương trong lòng.

Trong bài thơ có hai lần bác nhắc đến tên Chí Linh thì đều chỉ là tên làng Chí Linh, chứng tích còn lưu lại của châu Chí Linh  xưa gồm địa bàn của các xã Nhân Huệ, Cổ Thành và thị trấn Phả Lại ngày nay.
Ngày 2/12/1997 bác Bùi Ngọc Quyết qua đời. Thay mặt cho các thi hữu CLB Côn Sơn lúc ấy, Đỗ Đình Tuân có đọc lời viếng bác như sau:
Kính thưa hương hồn bác Bùi Ngọc Quyết
Kính thưa gia đình tang chủ
Kính thưa các quí vị
Bác Bùi Ngọc Quyết là hội viên CLB Côn Sơn và sinh hoạt tại tổ thơ của CLB. Tuy mới tham gia sinh hoạt và viết còn rất ít nhưng bác vẫn để lại được những vần thơ đẹp.
Bài Về làng của bác  có thể xem là một bức tâm họa chân thành, xúc động và đầy thi vị. Giữa dòng chảy của cảm xúc bỗng đột khởi lên một câu thơ ngừng tĩnh, sững sờ và đầy níu giữ:
Sông vàng nước chẳng buồn trôi
Bạt ngàn ngô biếc cuối trời vẫn xanh
Kiếp người còn mất mong manh
Chỉ non nước mãi như tranh họa đồ
Nghe tin bác qua đời, an hem chúng tôi vô cùng thương tiếc. Thay mặt cho CLB Côn Sơn và toàn thể các thi hữu trong tổ thơ, chúng tôi xin gửi tới gia đình lời chia buồn sâu sắc.
Trong giờ phút tử biệt sinh ly này, vĩnh biệt bác, chúng tôi xin có mấy lời thơ viếng bác:
Bác như tia nắng cuối chiều
Ngoái soi đất cũ thân yêu rồi tàn
Bâng khuâng nhớ bạn, yêu làng
Bãi ngô xanh, khúc sông vàng không trôi
Tình đời nặng thế ai ơi
Trăm năm dẫu biết kiếp người mong manh
Tâm hương viếng bác chút tình
Cùng chia đau nỗi tử sinh kiếp người
Từ nay cách mặt khuất lời
Cúi xin vĩnh biệt một người bạn thơ.

Hôm đó là sáng ngày 4/12/1997. Cũng theo di chúc của bác, chúng tôi theo xe đưa thi hài bác về mai táng tại nghĩa trang nhân dân làng Chí Linh , cách bến đò Linh Xá chừng trăm mét, ngay ven sông Kinh Thày, giữa đồng bãi làng Chí Linh ngô khoai biêng biếc.

29/2/2012
Đỗ Đình Tuân




Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Tác giả cổ ở Chí Linh (1)



                         KIỀU BẢN TỊNH
                               (1100 – 1176)

Kiều Bản Tịnh quê gốc người làng Phù Diễn, quận Vĩnh Khang thuộc vùng Đan Phượng Hà Tây trước đây (nay thuộc Hà Nội). Ông từng theo học tại chùa Giáo Nguyên 1 , do Linh Nhân Hoàng thái hậu 2 cho xây dựng cạnh cung Cảnh Hưng, nơi mà nhà sư Mãn Giác đắc pháp.
Kiều Bản Tịnh là người tinh thông cả Nho và Phật. Năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Lý Anh Tông, ông đến trụ trì ở chùa Kiệt Đặc ?, thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Về sau ông lại nhận lời mời của Dương Công về tu ở chùa Càn An trong thành Thăng Long. Tại đây, ông cùng với Bảo Giám làm thành thế hệ thứ 9 của dòng thiền Quán Bích. 3
Tác phẩm còn lại 2 bài kệ 4
Bài 1:
发大願              Đại phát nguyện
世世生生              Thế thế sinh sinh
不昧佛旨              Bất muội Phật chỉ
自觉觉他              Tự giác giác tha
无間彼此              Vô gian bỉ thử
方便提携              Phương tiện đề huề

Dịch nghĩa:

Nói ra ý nguyện lớn của mình
Đời đời kiếp kiếp
Chẳng bao giờ làm mờ tối ý chỉ của Phật
Mình tự giác ngộ để giác ngộ cho người
Không phân biệt kẻ này người khác
Sẵn sàng dìu dắt
(Để họ) cùng đi vào một đường lối chung

Dịch thơ:

*Kiếp kiếp lại đời đời
Phật chỉ phải sáng ngời
Ta người đều giác ngộ
Đây đó chẳng phân đôi
Dắt dìu nhau phương tiện
Một lối cùng tới nơi.
                    Hoàng Lê

**Đời đời kiếp kiếp
Phật chỉ sáng ngời
Ta tự giác ngộ
Rồi giác ngộ người

Không phân đây đó
Luôn luôn sẵn sàng
Dìu dắt kẻ khác
Chung đi một đàng.
                   Đỗ Đình Tuân

Bài 2
鏡中出形像
幻身本自空寂生
犹如鏡中出形像 
形像觉了一切空
幻身須臾証实相
Kính trung xuất hình tượng
Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như kính trung xuất hình tượng
Hình tượng giác liễu nhất thiết không
Huyễn thân  tu du chứng thực tướng.

Dịch nghĩa:

Bóng hiện trong gương
Tấm thân hư ảo này vốn từ hư không tĩnh mịch mà sinh ra
Cũng giống như cái bóng xuất hiện ở trong gương
Cái bóng thấy đấy nhưng hết thảy đều là không
Tấm thân hư ảo phút chốc lại chứng được cái thực tướng của mình.

Dịch thơ:

*Vốn từ không tịch ảo thân sinh
Như ở trong gương hiện bóng hình
Hình bóng vẫn rằng không hết thảy
Ảo thân, tướng thực, chứng rành rành.
                                    Huệ Chi – Hoàng Lê

**Vốn từ không tịch sinh ra
Giống như cái bóng lập lòa trong gương
Có mà hết thảy đều không
Ảo thân phút bỗng được trông thực hình.
                                    Đỗ Đình Tuân

Chú thích:
1.Chùa Giáo Nguyên: Theo cuốn  “Văn thơ thời Lý” ( NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội – 1998) thì ghi là chùa Giáo Nguyên? Nhưng theo cuốn “Danh nhân Phật Giáo Việt Nam của Tô Hồng Cẩm (sách điện tử) lại ghiNguyên là chùa Giác Nguyên. Chùa này xây cạnh cung Cảnh Hưng trong Hoàng thành và mới sư Mãn Giác về trụ trì thì chắc chắn phải xây dựng từ trước năm 1096 (năm Mãn Giác viên tịch)
2.Linh Nhân Hoàng thái hậu: tức Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông
3. Phái Quán Bích: một trong các thiền phái phát triển trong thời Lý ở nước ta: Nam Phương, Quán Bích, Thảo Đường.
4.Kệ: một thể thơ thiền, thường dùng để tán tụng, diễn dịch ý tứ trong kinh ra.

27/2/2012
Đỗ Đình Tuân



Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

THỬ TÌM HIỂU NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “THỊ XÃ CHÍ LINH”

                                Sông Lục Đầu Giang

Lần theo sử sách thì địa danh Chí Linh được ghi chép đầu tiên là vào thế kỷ XIII trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Lúc đó Chí Linh vốn chỉ là một vùng đất bãi và được gọi là châu Chí Linh. Châu Chí Linh là đất riêng của quan Trần Phó Duyệt, thân phụ Trần Khánh Dư. Đó là lý do khiến  khi Trần Khánh Dư “mắc khuyết điểm” và bị “thi hành kỷ luật” cách tuột hết chức tước và tịch thu toàn bộ tài sản, ông chỉ còn cách trở về mảnh đất cha ông này làm phó thường dân và hành nghề kiếm củi đốt than. Đời sau có người làm thơ tái hiện cảnh đời đó của ông như sau:
Một gánh càn khôn quẩy tếch ngàn
Hỏi rằng chi đó gởi rằng than
Đói no miễn được đồng tiền tốt
Nhiều ít nài chi gốc củi tàn
Cũng muốn lửa hương cho trọn kiếp
Thử xem vàng đá có bền gan
Rắp mong muốn bỏ nghề nhem nhuốc
Lại sợ ngoài kia lắm kẻ hàn.
                          (?)
Mãi đến trước cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1285), khi vua Trần về dự hội nghị Bình Than thì vua tôi mới có cuộc gặp lại khá cảm động. Đại Việt sử ký toàn thư chép đoạn ấy rằng: “Khi ấy thuyền của vua đỗ ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh, có một chiếc thuyền lớn chở than gỗ, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, vua chỉ và bảo quan thị thần rằng: “Người kia có phải là Nhân Huệ vương không?”. Lập tức cho người cưỡi thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi rằng: “Ông lái kia, vua cho đòi nhà ngươi”. Khánh Dư nói: “Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến?”. Quân hiệu về tâu thực như thế. Vua nói: “Đúng là Nhân Huệ vương rồi, nếu là người thường tất không dám nói thế”. Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư đến nơi, mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói: “Nam nhi cực khổ đến thế là cùng” Xuống chiếu tha tội. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, thứ vị ngồi ở dưới các vương hầu, trên các công hầu. Cùng bàn việc công, nhiều câu đúng ý vua. Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm phó tướng quân”.
Châu Chí Linh  chính là vùng đất của tổng Cổ Châu sau này. Cổ Châu chắc chỉ có nghĩa là vùng đất bãi cổ. Tại đây cũng còn một làng mang tên gọi là làng Chí Linh. Thời nhà Minh đô hộ nước ta (đầu thế kỷ XV) có xây dựng trên núi Phao Sơn  một thành lớn. Có lẽ vì thành xây trên đất của châu Chí Linh nên mới gọi là thành Chí Linh. Trong Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi thành Chí Linh còn được gọi là thành Đại Than. (Đại Than ở đây cũng chỉ có nghĩa là bãi lớn ven sông). Thành Chí Linh vừa là một căn cứ quân sự nhưng đồng thời cũng là một trung tâm hành chính trong vùng. Có lẽ từ chức năng hành chính của thành này mà Chí Linh đã tự nhiên trở thành tên huyện Chí Linh chăng?
Đến những đời sau khi tên huyện Chí Linh đã được chính thức hóa thì người ta lại chỉ gọi thành Chí Linh xưa là “thành Phao” thôi:
Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia Phả Lại, bên này thành Phao.
                               (Ca dao)
Có một điều lạ mà cũng khá thú vị là Phả Lại vốn chỉ là tên của trái núi bên kia sông thuộc huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh. Thế mà không biết từ bao giờ nó nhảy tót qua sông  vồ gọn và nuốt sống Thành Phao để trở thành thị trấn Phả Lại. Những cái tên thành Chí Linh, thành Phao rồi Phao Sơn chỉ còn lại trong ký ức và trong  sử sách. Riêng tên Chí Linh  thì từ tên một châu, thành tên một thành, rồi thành tên một huyện. Hiện nay thì đã trở thành tên thị xã Chí Linh. Có nhiều khả năng trong tương lai nó sẽ trở thành tên của một thành phố. Chí Linh quả là một tên “rất thiêng” dồi dào sức sống và tiềm năng phát triển vậy.

26/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

VÀI Ý SAU KHI XEM BẢN ĐỒ CHÍ LINH CỔ


                
Tấm bản đồ Chí Linh cổ trong sách Đồng Khánh dư địa chí lược (Đồng Khánh 1886-1888) cho thấy huyện Chí Linh thời ấy bao gồm phần đất của gần như toàn bộ huyện Chí Linh và gần phân nửa huyện Nam Sách ngày nay. Khu Bắc Hà ( phía Bắc sông Kinh Thày) gồm 4 tổng:
1.Tổng Đông Đôi ( Xem trên bản đồ thì Đông Đôi chính là tên cổ của hai làng Triều và làng Nội ngày nay) gồm 11 xã ( xã ngày trước tương đương với cấp làng ngày nay, nhưng có lý trưởng, có triện đồng, là cấp chính quyền cơ sở như cấp xã ngày nay): 1.Vĩnh Trụ; 2.Tế Sơn; 3.Thủ Chân; 4. Mạc ngạn; 5.Đông Đôi; 6. Kỹ Sơn; 7.Lục Dương; 8. Mặc Động; 9.Lạc Đạo; 10.Lạc Sơn; 11.Ninh Bảo.
2.Tổng Chi Ngãi  gồm chin xã là: 1.Hoàng Gián; 2. Phục Thiện; 3.Đại Bát; 4.Đại Tân; 5.Chi Ngãi. 6.Lôi Động; 7.Yên Mô; 8. Thanh Tảo; 9.Dược Sơn.
3. Tổng Kiệt Đặc gồm 8 xã: 1.Kỳ Đặc; 2.Kiệt Đặc Thượng; 3.Kiệt Đặc; 4.Kinh Trung; 5.Cù Sơn; 6.Hậu Quan; 7.Mật Sơn; 8. Hữu Lộc.
4.Tổng Cổ Châu gồm 9 xã: 1.Cổ Châu; 2.Nam Gián; 3.Phao Sơn; 4. Phao Tân; 5.Lý Dương. 6.Tu Linh; 7.Chí Linh; 8.Đáp Khê; 9.Linh Giàng
Khu Nam Hà ( phía Nam sông Kinh Thầy) gồm 3 tổng:
1.Tổng An Điền  gồm 11 xã: 1.Tiền Trung (nhị thôn); Phụ Vệ (tam thôn); 3.Ninh Quan (nhị thôn); 4.Lâm Xuyên; 5.Lâm Xá; 6.Xác Khê; 7.Cổ Pháp; 8.An Điền; 9.Chi Điền; 10.Điền Thượng; 11.An Đinh.
2.Tổng An Hộ gồm 9 xã: 1.Hộ Xá tây; 2.Hộ Xá đông; 3.Điền Trì; 4.Lương Gián; 5.Tống Xá; 6.Lê Xá; 7.Hà Liễu; 8. Linh Khê. 9.An Ninh
3.Tổng Cao Đôi  gồm 8 xã: 1. Cao Đôi; 2. Trần Xá; 3.Linh Xá; 4.Ngô Đồng; 5.Quảng Tân; 6.Đột Lĩnh; 7.Lung Động; 8.Tạ Xá.
Tổng cộng 7 tổng gồm 65 xã
Chí Linh phong vật chí có một bài diễn ca viết bằng chữ hán được Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản dịch ra như sau:
Chí Linh trăm dặm cõi bờ
Ghi trong địa chí từ xưa rõ ràng
Cách sông, đông giáp Hiệp Sơn
Tây Thanh Lâm huyện đồng bằng bao la
Nam Thanh Lâm với Thanh Hà
Lạng Giang phía Bắc nhìn qua bản đồ
Giữa bẩy tổng có sông to
Hà Nam, Hà Bắc từ xưa còn truyền
Sáu nhăm(65) thôn xã cách liền
Nửa miền đồng ruộng nửa miền núi cao.
Thời ấy, hệ thống chính quyền còn gồm các cấp: xã-tổng-huyện-phủ-tỉnh-xứ-triều đình trung ương. Có lẽ phải đến đầu thế kỷ XX người Pháp cải cách hệ thống hành chính bỏ cấp phủ thì mới xuất hiện huyện Nam Sách (trước đây Nam Sách là tên một phủ của tỉnh Hải Dương). Các tổng Cao Đôi, An Hộ, An Điền khu Nam Hà mới cắt về cho Nam Sách. Huyện Chí Linh lấy thêm một số xã thuộc Đông Triều thành Tổng Vĩnh Đại gồm Vĩnh Đại, Bích Nham, Khê Khẩu, Đông Xá… Lại lấy thêm một số thôn thuộc Bắc Ninh để thành lập tổngTrạm Điền gồm Kim Điền, Phượng Sơn, Trạm Điền, Vạn Yên…Khi  lập huyện mới như thế thì chắc địa bàn các Tổng cũng có thay đổi ít nhiều.
Nhưng bản đồ Chí Linh cổ trong Đồng Khánh dư địa chí lược  đã  đồng nhất với Chí Linh bát cổ hay chưa thì cũng chưa chắc. Bởi vì Chí Linh trong Đồng Khánh dư địa chí thì Côn Sơn và Kiếp Bạc đều đã thuộc Chí Linh rồi. Nhưng hai di tích này lại không có trong Chí Linh bát cổ?  Trong khi đó nhiều sách cũ vẫn ghi Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc huyện Phượng Sơn (hay Phượng Nhãn) thuộc phủ Lạng Giang bên tỉnh Bắc chứ không thuộc tỉnh Đông ta.
Điều này là có lý vì bát cổ Chí Linh được ghi trong Chí Linh phong vật chí có thứ tự như sau:
1-Trạng nguyên cổ đường (Nhà cổ - nhà dạy học của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)
2-Tiều Ẩn cổ bích (nhà cổ của Tiều Ẩn tiên sinh Chu Văn An
3-Dược Lĩnh cổ viên (Vườn thuốc cũ trên núi Nam Tào)
4-Nhạn Loan cổ độ ( Bến đò cũ trên bến Nhạn Loan của Trần Khánh Dư)
5-Thượng Tể cổ trạch (nhà cũ của quan Thượng tể Trần Quốc Chẩn)
6-Phao Sơn cổ thành (thành cũ trên núi Phao Sơn)
7-Vân Tiên cổ động (động cổ Vân Tiên). Đại Việt sử ký toàn thư chép động này là Huyền Thiên cổ động nơi nhà sư Pháp Vân luyện thuốc đan. Tên động này do vua Dụ Tông đặt.
8.Tinh Phi cổ tháp (tháp cổ của bà Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ)
Trong bát cổ ấy thì có “lục cổ” thuộc triều Trần và chỉ có “nhị cổ” thuộc Mạc (Phao Sơn cổ thành và Tinh Phi cổ tháp). Có lẽ phải đến cuối Lê hoặc đầu Nguyễn thì các nhà nho mới chọn và suy tôn  “bát cổ” đó .
Bia bát cổ Chí linh có ghi các bài thơ xưng tụng các danh nhân và danh thắng đó. Theo Chí Linh phong vật chí thì 8 bài thơ đó do 2 tác giả làm. Người thư nhất là Nguyễn Tri Hoa người Hộ Xá (tức thôn An Xá ngày nay) đỗ hương cống ( thời Gia Long đầu Nguyễn vẫn còn gọi cử nhân là hương cống như thời Lê). Nguyễn Tri Hoa làm các bài :
1-Trạng nguyên cổ đường
2-Tiều Ẩn cổ bích       
3-Dược lĩnh cổ viên
4-Nhạn Loan cổ độ
5-Phao Sơn Cổ Thành
6-Vân Tiên cổ động
Người thứ hai là Trần Trọng Tích, giám sinh người xã Dục Kỳ? huyện Thanh Lâm làm các bài:
1-Thượng Tể cổ trạch
2-Tinh Phi cổ tháp.
Những bài thơ này Đỗ Đình Tuân đều đã dịch và giới thiệu trên Tri Ân  rồi. Ai cần xem cụ thể các bài thơ đó xin tìm đọc lại.
Như vậy rất có thể là Chí Linh trong Đồng Khánh dư địa chí chỉ là Chí Linh thời Nguyễn. Còn Chí Linh bát cổ là Chí Linh thời trước nữa . Côn Sơn, Kiếp Bạc còn thuộc huyện Phượng Sơn mà huyện lỵ của nó đóng ở vùng Phượng Sơn thuộc xã Hưng Đạo ngày nay. Ngoài lý do địa dư ra thì không có lý do gì đủ thuyết phục để các nhà nho thời đó lại không đưa Côn Sơn và Kiếp Bạc vào Chí Linh bát cổ cả.

24/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

XEM BẢN ĐỒ CHÍ LINH CỔ

           
                          Phần II: Khu Bắc Hà

            
                       
  Muốn xem rõ thì cóp hình và phóng to lên
    Xem từ trái qua phải-từ dưới lên trên

1.Kim Thành huyện giới
2. sông
3.Hiệp sơn huyện giới
4.Mạc ngạn
5.Thủ Chân
6.Tế Sơn
7.Mặc Động
8.Lục Dương
9.Đông Đôi tổng (trong dấu tròn)
10.Lạc Đạo
11.Kỹ Sơn
12.Vĩnh trụ
13. Đông Triều huyện giới
14.Kỹ Sơn
15.Đông Đôi
16. Ninh Bảo
17.Lạc Sơn

18.Cù Sơn
19. Hậu Quan
20.Kinh Trung
21. Mật Sơn
22.Kiệt Đặc
23.Kiệt Đặc thượng
24.Kỳ Đặc
25. Hữu Lộc
26. Kiệt Đăc tổng (trong dấu tròn)

27.Hoàng Gián
28.Phục Thiện
29. Đại Bát
30. Đại Tân
31. Chi Ngãi
32.Côn Sơn
33.Lôi Động
34. Chi Ngãi tổng (trong dấu tròn)
35. Bắc Ninh tỉnh Lục Ngạn huyện lâm phận
36.Yên Mô
37. Thanh Tảo
38.Dược Sơn

39. Linh Giang
40. Cổ Châu
41.Nam Giản
42. Phao Sơn
43. Phao Tân
44. Lý Dương
45. Chí Linh
46. Đáp Khê
47. Tu Linh
48.Cổ Châu tổng (trong dấu tròn)

23/2/2012
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

XEM BẢN ĐỒ CHÍ LINH CỔ

            

             (Trong sách “Đồng Khánh dư địa chí lược”)

                                 Phần I

Xem từ trái qua phải (tức từ Nam huyện lên Bắc huyện)
Khu Nam Hà (phía Nam sông Kinh Thầy) gồm 3 tổng:
(Về phía Nam là  Thanh Hà huyện giới, lên phía Tây là Thanh Lâm huyện giới)

                 (Muốn xem rõ thì cóp hình và phóng to lên)

  1. Tiền Trung nhị thôn
  2. Phụ Vệ
  3. Ninh quan nhị thôn
  4. Lâm Xuyên
  5. Xác Khê
  6. Cổ Pháp
  7. An Điền tổng (trong dấu tròn)
  8. Chi Điền
  9. Điền Thượng.
  10. An Đinh
  11. An Ninh
  12. Linh Khê
  13. Hộ Xá tây (tức An Xá )
  14. Hộ Xá đông (tức Đông Thôn)
  15. Điền Trì
  16. Lương Gián
  17. Cao Sơn thần tự (bên phải hình tháp)
  18. Tống Xá
  19. Lê Xá
  20. An hộ tổng (trong dấu tròn)
  21. Phủ thành Nam Sách (trong hình vuông) 
  22. Long động
  23. Đột Lĩnh
  24. Quảng Tân
  25. Cao Đôi
  26. Tạ xá
  27. Cao Đôi tổng (trong dấu tròn)
  28. Ngô Đồng
  29. Linh Xá
  30. Trần Xá   
     
22/2/2012
Đỗ Đình Tuân

                                                                                                                

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Tình yêu đá



(Họa nguyên vận bài Hòn trống mái của Thanh Dạ)

Giao mỏ hôn nhau giữa nước trời
Mối tình chung thủy mãi khôn vơi
Trời sinh ra khối tình yêu đá
Nhắc nhở nhân gian một lẽ đời.

21/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Mạc Đĩnh Chi


(Họa nguyên vận bài Trạng nguyên lưỡng quốc của Thanh Dạ)

Giếng ngọc hương sen của xứ này
Bảy trăm năm lẻ vẫn thơm bay
Tấm thân dị dạng che tài lớn
Lời phú tỏ lòng rõ nết hay
Đối dị đối nan ghi quốc sử
Nguyệt cung tinh đạn khắc đài mây
Văn chương khí phách xưa nay hiếm
Nức tiếng tài danh khắp đó đây.

20/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Dễ chi hơn



(Họa nguyên vận bài Thú về hưu của Tạ Anh Ngôi)

Về hưu chăm bón khóm Sâm vườn
Bổ dưỡng ngày ngày sức sẽ vươn
Lúc trước nước da đen tựa mực
Bây giờ gương mặt đỏ như dơn
Câu thơ sang sảng thường ngâm đọc
Bồ bịch lân la vẫn múa vờn
Ai bảo trần ai là bể khổ
Ngọc Hoàng thượng đế dễ chi hơn ?

19/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Chia sẻ cùng Tạ Anh Ngôi


Đầu năm vợ đã ốm rồi
Nay mai vợ khỏi thì Ngôi ốm đòn
Cũng may là ở cùng con
Khi giàn lý đổ hãy còn người bênh.

18/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Đối lại Tạ Anh Ngôi

Vế ra:




Đến thăm nhà Tuân-Thu, thầy Tuân khéo thu xếp, nên Thu tuân lời Tuân răm rắp;

Vế đối lại:




Sang chơi nhà Xoa-Dật, thấy Dật thiếu xoa xoa, phải dật xoa thân Dật luôn luôn.

17/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Lại bàn về thơ hay


                  

Theo tôi bàn về thơ hay thì trước hết không nên đưa ra hàng loạt những yêu cầu rối rắm của các cụ đồ xưa đã phát triển thơ Đường Luật theo khuynh hướng hình thức chủ nghĩa. Chính khuynh hướng này đã biến quá trình sáng tạo thơ ca từ chỗ là sản phẩm của những khám phá trí tuệ, của  cảm hứng tự do trở thành thứ trò chơi trí uẩn ngôn từ chuyên nắn vần vót chữ cốt sao cho vừa với những khuôn hình có sẵn. Làm thơ như thế thì chả khác gì việc đóng oản, hay đúc nồi gang…vậy. Khác chăng là đóng oản thì dùng xôi nếp làm nguyên liệu, đúc nồi gang thì dùng gang nóng chảy làm nguyên liệu, còn làm thơ thì dùng xác chữ làm nguyên liệu vậy. Không ít những bài thơ Đường Luật rất đúng niêm, đúng luật mà vẫn không đọc nổi. Ngược lại có những bài thơ thất niêm, thất luật rõ ràng mà vẫn là những bài thơ hay, thậm chí còn xứng đáng xếp vào hàng toàn bích nữa. Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu bên Trung Quốc, Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương bên ta chẳng hạn.
Cho nên bàn về thơ hay lại phải bàn ở khía cạnh hiệu quả của nó đến với người đọc. Nói như Tố Hữu : “Cuối cùng văn học chỉ có một chữ hay. Thơ hay làm người ta quên thơ đi mà chỉ còn cảm thấy có tình người. Bởi vậy tất cả những chuyện khoe chữ đều là phù phiếm nếu không còn cảm thấy có tình người". Riêng tôi khi đọc thơ nếu thấy bài thơ nào dễ đi vào lòng người, làm cho trái tim ta rung động, hoặc đầu óc ta lóe sáng, khiến ta có thể khóc, có thể cười, ta buồn , ta vui…Nhưng dù cười, khóc, buồn, vui…nó cũng đều làm ta sung sướng. Ta bỗng muốn giữ nó lại, muốn thuộc lòng nó. Và khi đã thuộc ta lại thích đem khoe với mọi người. Sau mỗi lần như thế ta lại thêm một lần sung sướng. Gặp những bài thơ như thế tôi gọi nó là thơ hay.
Nhưng thơ hay cũng có lắm mầu nhiều vẻ. Có thơ hay cho một nhóm ít người, một thế hệ người. Cũng có thơ hay cho cả mọi người, cho nhiều thế hệ. Đó thường là những bài thơ đã đạt đến trình độ hoàn hảo cả về nội dung và nghệ thuật. Như vậy thì thơ hay cũng có khá nhiều cấp độ, nghĩa là cũng rất vô cùng. Nhưng ta hãy thử đi tìm cái tối thiểu. Từ thực tế những bài thơ tạm gọi là hay tôi thấy nó nổi bật nên mấy nét sau đây:
Trước hết một bài thơ hay thường thấy có một hình tượng trung tâm nổi bật  và ẩn chứa trong hình tượng ấy có thể là một hay nhiều tầng ý nghĩa. Ví dụ:
Chẳng phải thông, chẳng phải tùng
Chẳng đào chẳng lý ấy là sung
Quả sai mặc sức đàn chim rỉa
Rễ chặt tha hồ trận gió rung
Thân lớn dẫu rằng không hữu dụng
Lá mềm đâu hẳn đã vô công
Bên bờ bệ vệ oai kiều mộc
Cỏ nội hoa hèn dễ sánh chung
                        (Vịnh cây sung)
Tôi tin rằng dù không đề tên cho bài thơ này thì người đọc vẫn có thể gọi được đúng tên của bài thơ. Hình tượng trung tâm của nó quá nổi bật: đó là hình tượng cây sung. Mặc dù bài thơ có nhắc đến khá nhiều các cây khác như thông, tùng, đào, lý nhưng chỉ riêng có cây sung là được miêu tả rất trọn vẹn: giới thiệu tên cây “ấy là sung”; tả bình chi tiết từng bộ phận quả, rễ, thân, lá. Cuối cùng mới tổng hợp lại “bên bờ bệ vệ oai kiều mộc…”. Từ hình ảnh cây sung này ta có thể liên tưởng đến một loại người nào đó trong xã hội tuy không thuộc dòng dõi cao sang nhưng cũng đâu có kém cạnh gì. Đó có thể là những người quân tử trong đời thường, cũng có thể là biểu tượng của nhân dân: những người dân thường “ Khi làm cây mác cây chông / Khi là biển cả, khi không là gì “ (Nguyễn Long).
Ở những bài thơ hay cũng thường thấy có một trật tự sắp xếp các ý tự nhiên hợp lý. Chẳng hạn như bài thơ vui sau đây:
Cười chi cười mãi thế ông
Từ ngày để chỏm đã trông thấy cười
Đến nay ta đã già rồi
Cớ sao ông vẫn còn cười như xưa ?
Chẳng hay cười tự bao giờ
Mà chưa thỏa mãn nên chưa thôi cười
Hay là còn thấy trong đời
Có người sống chẳng ra người phải không
Chân tình ta hỏi thật ông
Sao ông không nói chỉ trông ta cười ?
            (Phỗng cười-Phạm Công Trợ)
Cuộc trò chuyện giữa tác giả và ông phỗng cười thực chất chỉ là một cuộc trò chuyện đơn phương. Vì thế mà bài thơ toàn có những câu hỏi không có câu trả lời. Nhưng hệ thống câu hỏi ấy vẫn có trật tự. Đó Là trật tự của sự ngẫm nghĩ: thắc mắc-phỏng đoán rồi lại thắc mắc…Nhưng cái thú vị của bài thơ là ở chỗ bằng hệ thống câu hỏi ấy tác giả đã cùng một lúc làm được hai việc: miêu tả rất hóm, rất sinh động cái nụ cười hóa thạch của ông phỗng, lại vừa thổi vào cái nụ cười ấy một ý nghĩa phê phán xã hội, phê phán con người. Cái đặc biệt giá trị của bài thơ là ở chỗ nó khẳng định vai trò của tiếng cười phê phán trong đời sống xã hội: chừng nào còn thói hư tật xấu của con người thì chừng đó tiếng cười phê phán vẫn phải hiện hữu.
Về mặt hình thức đôi khi trong thơ ta còn thấy có những hiện tượng nghịch lý phi logic  và hiện tượng này lại thường bắt gặp trong những câu thơ đặc biệt hay:
-Một mình làm cả cuộc phân ly
                        (Nguyễn Bính)
-Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh
                        (Phùng Cung)
Nhưng yếu tố phi logic ở đây đã đẩy ý thơ đến chỗ vượt khung  làm ngỡ ngàng người đọc. Những phi logic lại thành siêu logic. Ngược lại những yếu tố phi logic nào chỉ làm rối câu thơ và lu mờ ý thơ mới thật sự là phi logic.
 Đọc và suy nghĩ về bài thơ dưới đây ta lại thấy thơ hay thường có văn bản chặt chẽ và khá kiệm lời:
Khi cây lúa tròn lưng
Mẹ gọi thì con gái
Lúa đứng búi
Mẹ gọi thì nghén đòng
Lúa làm bông
Mẹ gọi thì ngậm sữa

Tên cây lúa mẹ đặt sao khéo thế
Gọi lúa thôi mà như thể gọi người

Nhưng có một đoạn đời
Cây lúa còng dáng lưng của mẹ
Mẹ không lấy đời mình đặt thành tên gọi
Chỉ lặng lẽ chiêm mùa cầy cấy nuôi con.
                                    (Tên và lúa)
Bài thơ viết rất chặt chẽ. Không thấy có một câu chữ nào không gánh vác một phần nhiệm vụ biểu hiện hình tượng trung tâm của bài thơ là hình tượng người mẹ. Càng về cuối hình tượng người mẹ qua tên cây lúa càng được biểu hiện đẹp đẽ và cảm động. Bài thơ kiệm lời mà hiệu quả. Đó là cách nói của thơ: có chiều sâu, có độ nén và tiềm ẩn nhiều sức gợi.
Một bài thơ hay có thể chưa hẳn đã là một bài thơ toàn bích.  Người đọc có thể vẫn chấp nhận những điểm còn non yếu. Nhưng chí ít nó phải có một khám phá gì đó, một sáng tạo gì đó dù nhỏ thôi, nhưng cũng phải hơn người hoặc khác biệt với người. Mấy ý kiến trên đây chắc chắn là chưa thể đầy đủ. Rất mong được sự góp bàn của mọi người. Xin cám ơn.

16/2/2012
Đỗ Đình Tuân

                                               

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...