Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Bánh Khúc

Vườn ao nhà tôi đã dọn xong.Trông cũng khá phong quang và mát mắt. Nhưng không hiểu  là vì đất chua đắng hay thời tiết lạnh mà gieo hạt rất chậm nẩy. Mấy hôm sau tết, thấy trời mưa ẩm, chú Thế vội đem lên cho một ít hạt ngô giống để gieo cho kịp thời vụ. Gieo được sáu luống đúng nửa vườn trước. Nhưng ngô lên không đều mà đòi đọt quá. Có lẽ vì thế mà trong một bài thơ họa với Tạ Anh Ngôi, bà vuthisongthu mới viết:
Trước cửa loi thoi vài luống bắp
Trong bình ngơ ngấn mấy nhành dơn.
Còn mấy ông ở xóm dưới lên chơi lại phán “Ông giồng ngô ở đây là không được ăn đâu. Giữ làm sao được với chuôt? Tốt nhất là ông cứ đem mà thả bí ngô, cái loại bí ngô siêu ngọn ấy, chẳng chuột bọ nào ăn mà bán lại rất dễ”. Thế là nửa vườn còn lại lại đem thả bí ngô. Mình làm vườn mà chả khác gì cái anh “đẽo cày giữa đường” ai bảo sao thì bồ ngoao làm vậy. Nhưng như thế cũng hay, cái vườn của mình sẽ trở thành cái vườn thực nghiệm học nghề trồng trọt. Nhưng bí ngô lại cũng chẳng khác gì ngô, cũng đòi đọt mà cây nào mọc lên trông cũng  lù dù, xin xỉn không thấy dáng vẻ gì là phởn phơ tung tẩy muốn bung vươn. Cả ở cái hàng rào ngăn giặc gà của nhà hàng xóm sang phá rau cũng vậy. Tận dụng gieo hạt đỗ đũa cho chúng leo bờ rào mà nào chúng có chịu lên. Mấy hôm nay đã thấy lác đác vài anh nhỏm dậy nhưng anh nào anh ấy trông cũng gầy guộc và co ro cúm rúm lắm. Kiểu này thì chưa chắc đã đọ được với cái rét tai ác của mùa đông năm nay…
              
Chiều hôm nọ chú Sử vào, đem biếu ít chuối hột ngâm rượu, thấy vườn vẫn trống không chú ấy ngạc nhiên bảo: “Em tưởng ngô của thày giáo phải được luộc rồi cơ chứ ?”. Ấy thế mà nghe những người làm nông nghiệp nói thì thấy giồng cái gì cũng dễ, cũng hái ra tiền cả. Chính ngay như ông Tạ Anh Ngôi, ông ấy trông thấy cái ao của mình cũng bảo: “Cái ao này của ông mà đem thả rau rút, năm phải vài chục triệu đồng đấy”. Rồi ông ấy kể chuyện bà Sâm làm vườn thu hoạch cũng khá đấy. Được tiền nên các bà ấy ham lắm, chẳng mấy lúc thấy ngơi tay ngơi chân với mảnh vườn thửa ruộng. Hôm du xuân Nam Sách, ông Ngôi cũng có ý muốn để bọn mình thưởng lãm tài bếp núc của bà Sâm. Nhưng bà Kim đã chuẩn bị rồi. Mình chỉ nhờ ông Ngôi nhắn cho bà Sâm là chuẩn bị trước bản báo cáo hội trường về thả rau rút và trồng bí ngô siêu ngọn thôi. Nhưng khi đến nhà thì bà Sâm lại đi đâu ấy. Hay là bà ấy “dấu nghề” ? Cũng có thể . Bởi những người làm kinh tế, làm chính trị là họ kín nhẽ lắm. Chứ không như cánh văn chương, báo chí, bloge…có cái gì cũng bô bô phơi lên mặt giấy. Phơi hết gan ruột mình ra chưa đủ lại còn đi phơi hộ thiện hạ nữa ? Chết là phải !
Quay lại vườn nhà mình, như trên kia đã kể. Nó thế đấy ! Hay tại mình không có tay gieo hạt ? Nhưng những thứ do “trời gieo” thì chao ôi sao tốt thế. Nhất là cái giống rau khúc. Vừa được giải thoát khỏi sự đè nén của cỏ, đón nhận được vài hạt mưa phùn lui bui xuống, ở những mép bờ ao, rau khúc chen vai thích cánh bườm bượp vươn lên, dày kín đất. 
Thấy rau khúc, mình chợt nhớ đến bữa bánh khúc mẹ làm cho ăn ngày bé. Cách đây khoảng 65 năm rồi. Những cái bánh khúc giống như những cái lưỡi lợn, có mầu xanh thẫm của rau khúc luộc, những hạt xôi nếp bám quanh một lớp mỏng. Đưa vào miệng nhai thấy dai dai, dẻo dẻo, thơm thơm quyện với vị bùi ngậy của đỗ xanh và mỡ lợn, tạo nên một hương vị rất riêng của bánh khúc. Nhớ thế nhưng mình cũng chỉ nói bâng quơ với bà Thu thôi chứ không hẳn là yêu cầu hay ra lệnh “ Vườn lắm rau khúc thế này, hôm nào làm bữa bánh khúc ăn đi”. Bà ấy bảo: “Có ai ăn mà làm, hôm nào gặp ngoài chợ có, tôi mua về cho ông ăn”. Thứ sáu tuần trước con giai về đi ăn cưới lại dẫn cả bạn gái về theo. Chắc là có người giúp việc, lại sẵn còn nhiều gạo nếp tết ăn không xuể, bà vuthisongthu mới nổi máu làm bánh khúc để “nịnh chồng” và chiều con. Thấy hai “bác cháu” bà ấy cũng tơi tả lắm. Đi tra mạng, đi hỏi chuyên gia  rồi đi tthuê say bột, thuê vỡ đỗ, mua thịt, nấu cơm đỗ, hái rau khúc, nhặt rau khúc, luộc rau khúc, giã rau khúc, nhào bột, mượn chõ…nặn bánh…Mấy đứa cháu xuống chầu chực xem đến tận chiều tối vẫn phải trở về không. Mãi đến gần nửa đêm, sau một giấc ngủ dài, tôi thức giấc, mới được trịnh trọng mới đi ăn bánh khúc.
Tôi thấy một chõ xôi đầy cưỡi lên. Đứa “cháu” lấy đũa xới xới chõ xôi lên. Hễ thấy có lá mít thì nó lấy đầu đũa lùa xuống dưới bẩy lên, xới để vào bát. Nhưng bánh khúc do hai “bác cháu” bà vuthisongthu làm không giống với bánh khúc của mẹ tôi làm. Cũng không giống với bánh khúc tôi từng ăn ngoài chợ. Mỗi cái bánh khúc bây giờ  đúng ra phải gọi nó là môt nắm xôi. Mỗi nắm xôi  to độ chừng nắm đấm và dài dài như một quả xoài. Bóc lá mít mới lộ ra một cục bột màu xanh xanh của bột ngào với rau khúc luộc. Phần xôi bọc ngoài thì vừa nhiều vừa cứng giống như xôi nếp con của thời xưa vậy. Còn “bánh khúc” bọc bên trong thì nhão gần như cháo. Rau khúc cũng giã nhuyễn quá. Cả cái dẻo và cái dai đều không có. Chỉ thấy cái bùi bùi ngậy ngậy của đỗ mỡ. Tôi không gọi nó là bánh khúc. Tôi gọi nó là “xôi bọc cháo khúc”.
Thấy tôi “bình loạn” thế, hai “bác cháú” bà ấy buồn lắm. Và hình như còn bực bội nữa. Suốt đêm hai “bác cháu” bà ấy không ngủ được. Cứ thấy rì rầm to nhỏ với nhau những chuyện gì gì ấy. Cho đến tận sớm hôm sau, thấy tôi thức dậy, bà ấy vẫn than phiền “Thất vọng tràn trề…”
Còn tôi, tuy chưa tìm lại được cái cảm giác ăn bánh khúc như của  mẹ làm nhưng tôi lại được thưởng thức thêm một món “xôi bọc cháo khúc”. Cái vốn từng trải của tôi về bánh khúc rõ ràng đã được tăng thêm mà cái khát vọng muốn tìm lại cái cảm giác ăn bánh khúc như của mẹ làm vẫn không nguội tắt. Nhưng muốn tìm lại cái cảm giác ấy  chắc là tôi phải tự tìm lấy, tự làm lấy bánh khúc mà ăn thôi. Bây giờ thì tôi đã hình dung ra được quy trình làm bánh khúc của mẹ tôi rồi. Và tôi cũng tin rằng những bờ rau khúc trong vườn nhà tôi mùa xuân nào cũng sẽ bườm bượp tốt tươi.

1/3/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...