Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Nhận thư phúc đáp của bạn.

                                          


              Chí Linh ngày 19/12/2013

                    Bạn Lẫm thân nhớ

Đã lâu, từ ngày ông yếu, không đi họp lớp được, chúng mình không có dịp gặp nhau. Cũng có ý định bố trí dịp nào xuống thăm ông mà không thực hiện được. Lực bất tòng tâm rồi. Ngay các bạn ở Hải Dương cũng nhiều người yếu đau lắm rồi mà mình cũng có ra được đâu. Chỉ hỏi thăm qua bầu bạn thôi.
Nhân dịp có ông Phùng Đình Bắc, định cư trên Chí Linh và hàng xóm của tôi, vốn gốc người thôn Toại, gần thôn ông có việc về quê, tôi gửi biếu ông mấy cuốn sách tôi vừa xuất bản năm nay (2013). Nếu còn khỏe thì đọc cho vui. Nếu yếu rồi thì giữ làm kỷ niệm. Gọi là một chút để nhớ tới nhau.
Mong ông khỏe và cầu chúc ông khỏe, để có dịp ta lại gặp nhau.
                                                    Bạn học cũ
                                                  Đỗ Đình Tuân

Mấy lời phúc đáp của ông Lẫm

Đỗ Tuân thân!
Tôi đã (nhận được) quà của ông. Cầm trên (tay) tập sách của ông, bao nhiêu kỷ niệm ùa về!
Có ông bạn hàng (xóm) đem mang quà của ông Tuân. Cảm động quá.
Không viết được
Xin phép dừng.
Cám ơn ông Tuân
Bạn của ông
Lẫm

1/1/2014
Đỗ Đình Tuân 

Độc cầm khúc 8

Lời của bài hát:



Lần 1
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ
Ố mấy bông mà nên bông
Ố mấy bông mà nên bông

Một đàn tang tình con xít
Một đàn tang tình con xít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim

Một bầy tang tình con nhện
Ô ố ô ô mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Duyên nợ khách tang bồng
Duyên nợ khách tang bồng...

Lần 2
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ
Ố mấy bông mà nên bông
Ố mấy bông mà nên bông

Một đàn tang tình con xít
Một đàn tang tình con xít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim

Một bầy tang tình con nhện
Ô ố ô ô mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Duyên nợ khách tang bồng
Duyên nợ khách tang bồng...

1/1/2014
Đỗ Đình Tuân

 


Chí Linh phong vật chí (16)



                                            LONG ĐỘNG
                                  (Kỳ 2)

Năm Mậu Thân niên hiệu Hưng Long thứ 16 ông phụng mệnh sang sứ nhà Nguyên, khi đi đến cửa Nam Quan, vì gặp ngày mưa gió, nên lỡ chậm bị cửa quan đóng chặt lại. Người giữ cửa không cho ông đi. Ông đã nói năng xin mở cửa, họ nhất định không nghe, liền ra câu đối cho ông và nói là hễ đối được thì họ sẽ mở cửa. Đối ra rằng:
Đáo quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan,
Có nghĩa là: đến cửa quan chậm, cửa quan đóng lại, xin quá khách qua đi.
Ông ừng khẩu đối rằng:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
Nghĩa là: ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước.
Người Tầu phục tài lanh lẹn liền mở cửa cho đi.
Khi đến kinh đô, người nhà Nguyên thấy ông bé nhỏ xấu xí, có ý coi thường, cho người đào hầm ở dưới đất và hồi trống ở đó. Con ngựa của ông nghe thấy tiếng trống, sợ quá chồm lên. Ông bị ngã ngựa, mọi người cười ồ lên.Ông nói: “Hiện nay sẫm động ở dưới đất là không phải thời tiết, nên ta phục xuống để nghe đó thôi”.
Một hôm quan tể tướng mời ông vào tướng phủ cùng các tân khách ngồi chơi. Lúc này vào khoảng tháng 5 tháng 6 âm lịch. Bức trướng mỏng có thêu con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Ông tưởng lầm là chim sẻ thật, chạy lại bắt. Người Tầu chê là quê mùa cười ồ cả lên. Ông bèn xé tan bức trướng ra. Mọi người đều thấy làm lạ hỏi ông. Ông ứng khẩu đáp: “Tôi nghe người xưa có vẽ tranh mai tước (Cành mai chim sẻ) chứ chưa thấy ai vẽ tranh Trúc tước (cây trúc chim sẻ) bao giờ. Naytôi thấy trướng của quan tể tướng lại thêu trúc tước như vậy. Thêu như vậy là kẻ tiểu nhân ở trên người quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn mạnh, đạo quân tử tiêu đi. Cho nêm tôi vì thánh hiền mà trừ bỏ đi đó thôi”. Mọi người đều phục là có tài ứng biến.
Tới khi vào triều, gặp người nước ngoài dâng vua cái quạt. Vua nhà Nguyên sai ông và sứ nước Cao Ly cùng làm bài thơ quạt. Ông Cao Ly viết xong trước, viết là:
Uẩn long trùng trùng Y Doãn Chu Công
Vũ tuyết thê thê Bá Di, Thúc Tề
Tạm dịch là:
Khi nắng nấu nung được trọng dụng như Y Doãn và Chu Công
Khi lạnh tái tê bị coi rẻ như bá Di với Thúc Tề.
Đang lúc ông chưa nghĩ được thể văn thế nào, trông thấy quản bút của sứ Cao Ly viết 4 chữ trên, bèn nhanh ý suy diễn ra mà viết là:
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhữ ư tư thời hề Y –Chu cự nho; Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhữ ư tư thời hề Di-Tề ngã phu. Y! Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhữ hữu thị phù.
Tạm dịch là:
“Chảy vàng nóng đá, trời đất như lò, người ở lúc này Y-Chu cự nho; gió bấc lạnh lung, mưa tuyết đã sa, người ở lúc này Di-Tề nằm co.Ôi! khi dùng thì hành, khi bỏ thì xếp, chỉ có ta với người là như thế ư?”
Làm xong đăng trình, vua nhà Nguyên khen ngợi, liền cầm bút khuyên câu “y” và gia phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên” (trạng nguyên hai nước). Sau lại gặp kỳ thi đình, ông xin vào thi cũng trúng cách.
Một hôm ông đi chơi ở ngoài đường, ông cưỡi lừa, người Tầu cưỡi ngựa. Lừa của ông đụng phải ngựa của người Tầu, họ liền đọc rằng:
Xúc ngã kỵ mã Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã
Ông ứng khẩu đối lại:
Ất dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư
Tạm dịch là:
Đụng vào ngựa của ta,người rợ Đông di hay rợ Tây di?
Ngăn lại lừa của ta,người phương Nam mạnh hay người phương Bắc mạnh?
Lại một lần nữa người Tầu ra câu đối:
Kỳ dĩ mộc, bôi phủ mộc, như hà dĩ kỳ vi bôi
Ông đối:
Tăng tàng nhân, phật phất nhân, vân hồ dĩ tăng phụng phật.
Dịch nghĩa:
Kỳ là gỗ, chén không phải là gỗ,tại sai lại lấy cây kỳ làm cái chén
Tăng là người, Phật không phải là người, tại sao lại nói lấy tăng thờ Phật. (1)
Lại một lần người tầu ra câu đối:
An khứ nữ, dĩ thỉ vi gia
Ông đối:
Tù xuất nhân, nhập vương thánh quốc
Nghĩa là:
Chữ an bỏ chữ nữ ra, thêm chữ thỉ vào thì thành chữ gia
Chữ tù bỏ chữ nhân ra, thêm chữ vương vào thì thành chữ quốc.
Người Tầu xem câu đối này suy đoán là: con cháu ông về sau, tất có người làm nên vua, nhưng tiếc rằng chữ quốc viết đơn thì làm vua cũng không được lâu dài.
Lại một câu đối nữa:
Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ (2)
Đối lại:
Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn sạ lạc kim ô. (3)
Dịch nghĩa:
Mặt trời là lửa, đám mây là khói, ban ngày đốt cháy con ngọc thỏ
Mặt trăng là cung, các vì sao là đạn, chiều về bắn rơi con quạ vàng

Ghi chú:
(1)   câu đối này có ý chơi chữ vì chữ kỷ là chữ di và chữ mộc, chữ bôi là chữ phủ và chữ mộc, chữ tăng là chữ tằng và chữ nhân,chữ Phật là chữ Phất và chữ nhân.
(2)  Ngọc thỏ: con thỏ trắng chỉ mặt trăng
(3)  Kim ô là con quạ vàng, chỉ mặt trời.

29/12/2013
Đỗ Đình Tuân




Họa thơ đầu năm mới






Xuân bảy ba

Năm nay ta đã bảy ba rồi,
Làm việc luôn tay, chẳng nghỉ ngơi
Tháng tháng vun trồng cây lấy đức,
Ngày ngày tưới bón nhánh hoa đời.
Bạn bè lui tới hàn huyên chuyện
Mẹ cháu ra vào lại thấy  vui.
Chẳng sợ bởi đầu to óc đặc.
Xá chi tóc bạc với da mồi…

Ngày 1-1-2014
(Tôi hơn chú 5 tháng)
Ngô Như Sâm


Già chưa nhỉ ?
(Họa nguyên vận bài XUÂN BẨY BA
của bác Ngô Như Sâm-Hà Nội)

Kém bác thì tôi hẳn kém rồi
Tiền tài chức sắc lẫn cơ ngơi
Bác trồng cây ĐỨC tươi mầu thế
Tôi trải lòng NHÂN suýt bỏ đời
Bác tiếp bạn già thường túy lúy
Tôi đùa con trẻ thật vui vui
Bẩy ba xuân tới già chưa nhỉ
Tóc trắng lôm nhôm “dẻ” chửa mồi.

1/1/2014
Đỗ Đình Tuân


Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Chúc mừng năm mới






1.Chúc Tri Ân

Sang năm Giáp Ngọ chúc Tri Ân
Cái máu văn chương sẽ bớt dần
Kẻ thích lên chùa vui cõi Phật
Người ham chợ búa kiếm kim ngân...




2. Chúc Kim Thư

Chúc cô năm mới an lành
Cơ gân săn chắc tâm tình vui tươi
Trên môi không tắt nụ cười
Hòa cùng bầu bạn vui đời hoan ca.



3. Chúc Hồng Nga

Hồng Nga năm mới thêm xuân
Xuân nhà xuân chợ xuân gần xuân xa
Lòng xuân thêm độ mặn mà
Trên môi không tắt lời ca tiếng cười
Quầy hàng không thiếu rau tươi
Yêu cô tín nữ đông người lại mua.
Tiền vào như nước mùa mưa
Doanh nhân tỉ phú tha hồ đến vay.

30/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Tự ngâm khúc 2

Phố Đêm
Sáng tác: Đỗ Đình Tuân
Ngâm thơ Đỗ Đình Tuân

"Đa nguyên"




Bà Thu thì thích lau bàn
Ông Tuân lại thích gẩy đàn măng dô
Minh Hiển thích nghịch đùa nô
Mấy cây hoa cảnh thích phô sắc mầu...
Mỗi người mỗi ý khác nhau
Cứ lo rồi sẽ đụng đầu có phen
Không ngờ từ thuở "đa nguyên"
Gia đình thêm được bình yên cửa nhà.

29/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Chí Linh phong vật chí (15)

LONG ĐỘNG
(Kỳ 1)
Dịch âm:
Long Động tam hiền mạc Đĩnh Chi
Sơn tinh cấu khí tích truyền nghi
Đông A giáp bảng khôi nguyên chiếm
Bắc sứ hồng danh lưỡng quốc tri
Hoàng việt sử biên minh đính tích
Cổ trai vương nghiệp tuấn phong di
Tiên vô quý ngưỡng nhân vô tạc
Ký hữu công dư vịnh hữu thi
Thần miếu bất tùy thương hải biến
Khoa đường ninh vị quất lâm di
Niên dư ngũ bách nhân như kiến
Danh lại thiên thu dự vĩnh kỳ.
Dịch nghĩa:
Ba bậc hiền triết ở làng Long Động, một là mạc Đĩnh Chi
Tương truyền là thụ tinh khí của sơn linh mà sinh ra, chuyện này chưa
                                                                                     chắc đã đúng
Khi thi khoa đời Trần, thì họ tên đứng đầu bảng
Khi sang sứ Trung Quốc thì tiếng tăm lừng hai nước
Pho sử Hoàng Việt ghi rõ sự tích
Nghiệp vương Cổ trai sớm gây mầm mống
Ngẩng không thẹn với trời, cúi không thẹn với người
Sách công dư có chép và Thoát Hiên có thơ khen
Miếu thờ không vì cuộc dâu bể mà biến đổi
Nhà học há vì chùa Quất Lâm mà rời đi
Người hơn năm trăm năm tưởng như được đập (?)
Tiếng còn lại ngàn thu lưu truyền không mất.
Tạm dịch thơ:
Làng Long Động có ba hiền sĩ
Mạc Đĩnh chi bẩm khí sơn tinh
Bảng Trần trạng đã đề danh
Khi sang bắc sứ lại giánh trạng nguyên
Sử hoàng Việt một thiên còn chép
Đất Cổ trai vương nghiệp gây nền
Lòng không thẹn với dưới trên
Công Dư sách chép, Thoát Hiên thơ đề
Cuộc dâu bể miếu kia còn đó
Chùa Quất Lâm trường cũ chẳng rời
Nửa ngàn năm dẫu xa xôi
Tiếng tăm còn mãi muôn đời chẳng sai.
Ông họ Mạc, tên là Đĩnh Chi, tên hiệu là Tốn Hạnh, tên tự là Tiết Phu, người làng Long Động, đậu đệ nhất giáp tiến sĩ khoa Giáp Thìn (đời Trần)
Xét: Bia Ân lăng chép: ông là người làng Đống cao, huyện Bình Hà, tức là làng Long Động ngày nay. Chữ “Bình Hà” có chỗ cho là “Bàng Hà”.
Lại xét: trên bờ sông Nam Hà có một dải đất gọi là xã “Bàng Hà” cũng thường gọi là “Bình Hà”. Hiện nay chùa làng Lê Xá cũng gọi là chùa “Bàng”, âm tương tự nhau, hoặc có 2 tên khác nhau thì chưa kê cứu được. Thời trước Đống Cao và Long Động là một xã. Sau mới chia làm hai.
Theo truyền thuyết: ông quê oqr Long Động, còn Đống Cao cho là nơi ông dạy học. Tiên tổ ông húy là mạc Hiển Tích, đậu văn học đệ nhất danh, sung hàn lâm viện thủ tuyển khoa Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 về đòi Nhân Tôn triều Lý, làm quan đến chức thượng thư bộ lại, ban cho kim ngự tử đại (cá vàng túi tía). Hiện nay ông là đầu hàng các bậc tiên nho trong huyện, vì lúc ấy chưa có chức tiến sĩ.
Em ông Mạc Hiển Tích là mạc Kiến Quang, cũng thi đậu văn học tuyển khoa kỳ thi niên hiệu Quảng Hựu thứ 5, sau làm đến chức thượng thư bộ công ( sau mới xét thấy ông mạc Đĩnh Chi là cháu 4 đời của cụ mạc Hiển Tích và là cháu họ 4 đời của  cụ Mạc Kiến Quang).
Lại xét: trong sách công dư tiếp ký có chép: cha mẹ ông nhà nghèo, làm nghề kiếm củi. Trong làng có một cái đống to cây cối rậm rạp, ở đây thường có giống khỉ. Một hôm bà mẹ ông đi rừng kiếm củi, bị con khỉ già ra hiếp dâm, bà về nói với chồng, ông chồng lấy quần áo của vợ mặc vào giả làm đàn bà, trong lưng mang theo con dao, con khỉ tưởng là đàn bà thật, lại ra định hiếp dâm, ông liền giết chết, rồi quẳng xác ra mé đống, lần sau ông đi qua chỗ xác con khỉ trước thì đã thấy đất đùn lên thành một cái mộ. Sau bà mẹ ông có thai, rồi sinh ra ông. Ông hình thù bé nhỏ, mặt mũi xấu xí, trông giống như con khỉ, nên cho ông là bẩm sinh của con khỉ (sơn linh). Người cha lấy làm lạ, có dặn người nhà khi chết thì đem xác ông táng lên trên mộ con khỉ. Ý giả ông ngầm hiểu cơ trời mới làm như vậy, hiện nay vẫn còn di tích.
Ông tư chất minh mẫn, khác với người thường. Lúc ông còn bé thấy trong làng có một người bị rắn độc cắn chết, ông đã đùa đọc văn tế ứng khẩu rằng: “ Tích xuân thanh vị thùy điểu ngữ/Thương phận bạc vị tử sà giáo” hai câu này đọc ra tiếng nôm (quốc ngữ): “Tiếc xuân xanh chưa ai…(1) Thương phận bạc lại bị con rắn cắn”. Ấy, ông có khí tượng hơn người đã thấy ngay từ thuở bé.
Lúc ấy có con vua là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc mở trường dậy học. Ông xin vào học tại trường đó. Tuổi trẻ thông minh. Ông thi đậu trạng nguyên, khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12, đời vua Anh Tông nhà Trần. Khi vào điình đối, văn ông được xếp hàng đầu. Vì vua thấy ông hình thù xấu xí, không ưng cho đậu trạng nguyên, ông làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Sen giếng ngọc) để tự ví mình, có ý nói là sen ở trong giếng, tuy hèn mà đáng quý, vua xem phú biết ý, lại cho đậu trạng nguyên. Như vậy trạng nguyên ở huyện ta ông là trước hết.

Ghi chú:
(1)   Điểu ngữ nghĩa đen là chim nói, nhưng theo nghĩa đen thì tối nghĩa mà lại nói đọc ra tiếng nôm thì lại có ý hơi tục ?

27/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Độc cầm khúc 7


Kachiusa
(Nhạc Nga)
Đàn Mandolin: Đỗ Đình Tuân

Lời Việt của bài hát:


Lần 1:
Đào (vừa) ra hoa cành theo gió đưa vờn trăng tà
Ngoài dòng sông quê màn sương trắng buông lững lờ
Tựa bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ
Lời hát trong vút bay đi qua muôn ngàn phương trời
Biết không chàng ơi là Cachiusa đang chờ


Ngày nào năm xưa người đi đi ra nơi chiến trường
Vì quê hương dù mấy khó khăn không sờn
Này hỡi chim nhắn cho ta mấy câu về phương trời
Tới bên người yêu mà ta nhớ mong đêm ngày
Rằng chớ quên mối duyên xưa ngay bên dòng sông này
Giữ yên đồng quê tình em giữ trọn đời đời.


Lần 2
Đào (vừa) ra hoa cành theo gió đưa vờn trăng tà
Ngoài dòng sông quê màn sương trắng buông lững lờ
Tựa bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ
Lời hát trong vút bay đi qua muôn ngàn phương trời
Biết không chàng ơi là Cachiusa đang chờ

Ngày nào năm xưa người đi đi ra nơi chiến trường
Vì quê hương dù mấy khó khăn không sờn
Này hỡi chim nhắn cho ta mấy câu về phương trời
Tới bên người yêu mà ta nhớ mong đêm ngày
Rằng chớ quên mối duyên xưa ngay bên dòng sông này
Giữ yên đồng quê tình em giữ trọn đời đời.

28/12/2013
Đỗ Đình Tuân
 
 



Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Chí Linh phong vật chí (14)



                          NHÂN VẬT TRONG HUYỆN

Dịch âm:
Hội khan sơn xuyên linh vật cụ
Chí Linh sĩ hiệu danh hà phụ
Việt quan sự tích Lý Trần tiên
Lịch duyệt chư khoa hiền triệt cổ
Anh dục tú chungchính khí thu
Địa linh nhân kiệt tư văn thọ
Hùng văn đại bút xuất nhân gian
Giáp đệ khôi khoa đăng sĩ lộ
Cập đệ xuất thân tịnh tứ danh
Vinh hương hoa cẩm trùng liên bộ
Lúy triều xã mã túc am trình
Nhất kính thảo hoa huy tự cổ
Tướng ấn thân thao thuế thượng hào
Nhung đàn quyền lĩnh văn trung vũ
Hương bi khoa lục vĩnh lưu phương
Huân nghiệp tính danh tràng bất hủ
Lục lục vũ thần bất khả ngôn
Bân bân tướng sĩ nan mai số
Đan đề kỳ đạitựu trung xuân
Trứ kiến tại nhân tràng ngưỡng mộ
Ân tứ đại khoa ngũ thập dư
Thi ca sự tích tượng như hậu.
Dịch nghĩa:
Hợp lại mà xem non sông người vật có đủ cả
Người sĩ tử ở “Chí Linh” thực không phụ hai chữ đó
Hãy xem qua từ đời Lý đời Trần về trước
Biết bao nhiêu các đấng hiền triết thi đậu ở các khoa
Khí thiêng sông núi chung đúc lại
Đất thiêng người giỏi đạo thánh dài lâu
Văn chương lỗi lạc hơn cả mọi người
Áo gấm về làng cũng đều vinh dự
Mấy đời xe ngựa đường cũ đã quen
Một gương cỏ hoa mầu tươi như cũ
Mình đeo tướng ấn thật người hào ở trên đời
Quyền lĩnh nhung đàn thực quan võ trong trường văn
Bia ghi khoa giáp vang tiếng dài lâu
Công nghiệp họ tên còn truyền mãi mãi
Các hương cống cũng lắm không kể xiết
Chỉ xin lược qua các bậc đại khoa
Nói rõ để người sau biết mà kính mến
Các bậc đại khoa có hơn năm mươi người
Sự tích và thơ ca trình bày ở dưới đây.
Tạm dịch thơ:
Non nước đẹp nhân tài cũng giỏi
Thực xứng thay tên gọi Chí Linh
Lý Trần văn học thịnh hành
Biết bao khoa giáp thanh danh vang lừng
Nhờ linh khí non sông đúc lại
Nền tư văn tồn tại dài lâu
Văn hay chữ tốt hiếm đâu
Khôi khoa lừng lẫy công hầu vẻ vang
Đệ nhất giáp bảng vàng bốn vị
Còn bao nhiêu tiến sĩ vinh quy
Mấy triều quen lối ngựa xe
Một gương soi tỏ trăm huê tươi mầu
Đeo tướng ấn anh hào rạng rỡ
Lên nhung đàn tướng võ trong văn
Khoa danh thơm nức trăm phần
Vinh thay tên họ công huân lâu dài
Các võ chức khó bài tính hết
Mã giám sinh không xiết kể ra
Chỉ nêu các bậc đại khoa
Để cho hậu thế biết mà kính tên
Đại khoa năm chục có hơn
Thơ ca sự tích vẫn còn như sau.
Trong huyện có các bậc van thần, từ đời Lý, đời Trần đến nay, thi đậu làm quan, mấy triều vinh hiển. Đỗ Đại khoa có 55 người, còn các quan võ không thể kể hết, các giám sinh cũng không thể chép hết được. Nay hãy đơn cử một số người có danh tiếng nhất mà người đời ai ai cũng thường biết tiếng, tường thuật ra đây bằng lời thơ ca hoặc bằng lời truyền, để lưu truyền về sau cho mọi người cùng biết.
(Các trang 27,28 và đầu trang 29)

25/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Chí linh phong vật chí(13)



                           SÔNG LỤC ĐẦU

Dịch âm:
Tái cử danh xuyên tục thuyết tường
Nhạn Loan cổ độ thị triều dương
Lục Đầu thượng đoạn giang lưu hội
Trung hưu than châu nhất đời tường
Đông bắc long châu tranh hội xứ
Uông uông vạn khoảnh đạt huyên đường
Truy tự nhàn tướng yên ba lộ
Mãi thán ngư thuyền yết cổ vương
Đáo ký nhung hầu sưu hạm lộ
Nhất phàm phong lụcáp nguyên cường
Túc kim phong cảnh trường như thử
Tứ thủy phân minh giáp nhất phương.
Dịch nghĩa:
Lại đem sông có danh tiếng tiếp tục nói rõ
Bến Nhạn Loan thuở xưa tức bến đò Triều Dương ngày nay
Ở trên là đoạn có 6 ngọn sông tụ lại *?
Ở giữa sông này có một bãi cát dài
Về phía đông bắc là kiểu đất 3 con rồng tranh nhau hạt ngọc
Muôn khoảnh mênh mông chảy thông ra ngoài bể lớn
Nhớ lại đó là con đường thủy mênh mông của một viên nhàn tướng
Ông bán than từ thuyền câu vào yết liến vua cũ*?
Lại nhớ đó cũng là con đường thủy của các bậc danh tướng
Đã thuận buồm xuôi gió để đánh được quân Nguyên cường bạo
Phong cảnh ngày nay vẫn còn như trước
Con sông này rõ ràng là một thắng cảnh nhất của một phương
Tạm dịch thơ:
Lại nói tiếp đến các sông cả
Bến Nhạn Loan thuộc xã Triều Dương
Sáu đầu chầu lại mênh mang
Nổi lên còn có Đại Than giữa dòng
Đông Bắc kiều “Ba rồng tranh ngọc”*
Nước mông mênh chảy dốc ra khơi
Sông đây nhờ trước có người
Bán than sau lại được vời chầu vua
Đường quân thủy thuở xưa xuôi ngược
Thuận buồm ra diệt được quân Nguyên
Đến nay thắng tích y nhiên
Con sông lịch sử vang truyền nghìn thu
Bến đò xã Triều Dương (theo bản đồ cũ là xã Lý Dương), khi trước gọi là Nhạn Loan (?), nay gọi là đò Triều. Con sông này rộng lớn, trên là sông 6 đầu, tiếp giáp với huyện Yên Dũng, Phượng Nhỡn chảy xuống Quế Dương, Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, một nhánh từ huyện Phượng Nhỡn chảy xuống (không có tên), một nhánh từ sông Xương Giang  chẩy xuống gọi là Đức Giang, một nhánh từ sông Nguyệt Giang chảy xuống, gọi là Thiên Đức Giang. Các nhánh sông hội họp lại, đến bến Nhạn Loan thì lại chia làm hai chi, một chi từ xã Lấu Khê huyện Thanh Lâm chảy xuống phía Nam, đổ ra sông Hàn. Một chi từ xã Ninh Xá chảy ra phía đông, đó là sông Lục Đầu. giữa có một bãi cát bồi, gọi là bãi Đại Than. Nhà địa lý gọi là kiểu đất “Ba con rồng tranh nhau hạt ngọc”. Trần Khánh Dư là Phiêu kỵ tướng quân đời nhà Trần, phạm lỗi bị cách chức, về núi Chí Linh làm nghề bán than để sinh sống. Khi vua Trần đến chơi bến Nhạn Loan, trông thấy cho gọi ông lại. Ông chèo chiếc thuyền câu, mặc áo tơi, đội nón lá vào yết kiến vua. Vua cho phục lại chức quan cũ. Trong khi Trần Hưng Đạo diệt O Mã Nhi, thủy quân cũng đi the con đường này.
                                                        (các trang 25, 26 và đầu trang 27)

Nhận xét của Đỗ Đình Tuân
Nếu hiểu rõ vị trí của xã Triều Dương (tức xã Lý Dương, tục gọi làng Triền) và sông Lục Đầu thì sẽ thấy soạn giả Chí Linh phong vật chí có nhiều nhầm lẫn trong đoan tài liệu này.
Sông Lục Đầu chính là đoạn hợp lưu của 6 đầu sông (Sông Lục Nam, sông Thương (Xương giang), sông Cầu (Nguyệt giang hay Như Nguyệt), sông Đuống (Thiên Đức Giang), sông Thái Bình và sông Kinh Thày). Trên thực tế sông Lục Đầu bắt đầu từ ngã ba Nhãn-Trạm Điền (chỗ gặp nhau của sông Lục Nam và sông Thương và kết thúc ở ngã tư sông Lấu Khê-Chí Linh. Xã Triều Dương (làng Triền) ở đoạn trên ngã tư sông này chừng từ 3 đến 4 cây số. Như vậy Triều Dương nằm ở khoảng giữa sông Lục Đầu (gần phía cuối sông hơn). Vì thế phía trên xã Triều Dương mới có sông “ba đầu”thôi chứ sao lại đã có sông “sáu đầu” được?
          Bãi Đại Than đối ngạn ngay với xã Triều Dương. Nếu coi bãi Đại Than là hạt ngọc thì 3 con rồng phải là các sông Đuống, Kinh Thày và Thái Bình vì chúng cùng chầu đầu về bãi Đại Than.Thế đất “Ba con rồng tranh nhau hạt ngọc” phải nằm ở phía tây hay trước mặt xã Triều Dương chứ sao lại ở phía đông bắc?
          Cũng vậy vua Trần cho vời gọi Trần Khánh Dư đang chèo thuyền đi bán than là nhân trên đường về đây dự hội nghị Bình Than (1284) trông thấy Khánh Dư mới sai người cho gọi vào chứ không phải “về đây chơi” như tài liệu nói…

25/12/2013
Đỗ Đình Tuân





Tự ngâm khúc 1


BÁI BIỆT KINH ĐÔ
Sáng tác: Đỗ Đình Tuân
Ngâm thơ: Đỗ Đình Tuân
(Nhân ngày giỗ Chu Văn An lần thứ 643, tháng 11 năm Quý Tỵ)

26/12/2013
Đỗ Đình Tuân 

 



Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Trước thềm Giáp Ngọ (2014)




Thấm thoắt cuộc đời sắp bẩy ba
Tuổi cao tâm trí vẫn chưa lòa
Tiếng đàn ngày bé còn vang vọng
Trang sách bây giờ mới viết ra
Ầm ĩ vui nô thằng Hiển nít
Bông pha tròng ghẹo mợ Thu già
Ngắn dài thiên mệnh không bàn đến
Nhàn rỗi ôm đàn lại hát ca.

26/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Chí Linh phong vật chí (12)




                         NÚI QUY SƠN
Thơ vịnh dịch âm:
Mặc động Quy Sơn thanh cảnh chiếm
Hiệp Sơn đối trĩ phân thiên hiểm
Thiền am lĩnh thượng thụ sân si
Giang đới yên hoàn ba liễm liễm
Lạc thiên kê bão cực trần đường
Vạn đoan tục hoán kim do nghiệm
Đặng lâm nhất vọng nhỡn trung khoan
Thất quận sơn hà quy chỉ điểm
Dịch nghĩa:
Cảnh đẹp Quy Sơn chiếm một phần xã mặc Động
Hiệp Sơn đối ngọn chia nhau thế hiểm của trời
Am thiền trên đỉnh núi cao thấp
Dải sông uốn lưng sóng nhấp nhô
Khe Lac Thiên ôm lấy ngôi nhà trấn cũ
Vạn doanh tục gọi đây vẫn đúng
Lên núi đứng nhìn tấm mắt rộng ra
Non nước bẩy quận  trông thấy rõ rệt.
Tạm dịch thơ:
Quy Sơn Mặc Động cảnh thanh nhã
Thiên hiểm cùng chia vói Hiệp Sơn
Đỉnh núi am thiền cây lố nhố
Lòng sông dòng nước sóng chờn vờn
Trấn cũ móng nên khe Lạc bọc
Tên xưa dấu vết vạn doanh còn
Lên cao đứng ngắm xa tầm mắt
Bẩy quận thu vào cả nước non.
Xã Mặc Động có một trái núi, đột khởi ngọn chót vót, long sơn chiếm một khoảng đồng bằng. Đối ngọn bên kia sông là huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, có một bến đò gọi là đò Vạn. Đó là sông Thanh Lương. Lại có một khe nhỏ giáp núi Phượng Hoàng xã Lạc Đạo. Tục truyền ngày trước có đặt trấn ở đây, cho nên người ta còn gọi núi là Doanh Vạn. Trên núi có chùa cổ. Lên đó đứng trông, non nước 7 quận thuộc phủ Kinh Môn đều thu cả được vào trong tầm con mắt.


Sao Đỏ 16/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Tự đàn 2



Cô bán hàng rong
Nhạc và lời: Đỗ Đình Tuân
(Viết tặng ST nhân 31 năm chung sống)
Đàn Mandolin: Đỗ Đình Tuân

Lời bài hát


1.
Cô bán hàng rong
Suốt ngày xuôi ngược long đong
Nỗi lo là lo như mớ bòng bong bòng bong rối bời
Sao đêm nhấp nháy đông trời
Phố khuya cô vẫn lẻ loi lẻ loi một mình
Cô bán hàng rong
Phố khuya người không
Cô còn đợi người
Mong bán hàng xong
Trời đêm càng khuya vắng
Lòng cô càng lo lắng.
2.
Cô bán hàng rong
Suốt ngày xuôi ngược long đong
Nối lo là lo như mớ bòng bong bòng bong rối bời
Sao đêm nhấp nháy đông trời
Phố khuya cô vẫn lẻ loi lẻ loi một mình
Cô bán hàng rong
Phố khuya đèn chong
Chưa về giờ này
Con nhớ chồng mong
Trời đêm càng khuya vắng
Chồng con càng trông ngóng.
3.
Cô bán hàng rong
Bây giờ cô được thong dong
Nợ xưa là xưa cô đã trả xong trả xong hết rồi
Con cô khôn lớn nên người
Phố xưa  đã vắng hình ai hình ai thuở nào
Cô bán hàng xưa
Đã vui bao niềm mơ
Bên người bạn đời
Trang sách vần thơ.

24/12/2013
Đỗ Đình Tuân

Chí Linh phong vật chí (11)



                                     LẠC SƠN

Thơ vịnh phiên âm:
Lạc Sơn sơn tượng uyển kim quy
Diệc thị danh sơn tú khả kỳ
Thụ sắc hoa viên tinh nhật tiếu
Mục ca tiều xướng viễn quang suy
Tiểu giang thu sắc ba trừng tế
Cổ thị triêu dương khách hội thì
Chinh lữ viến thần thanh mộng giác
Cố sơn sinh miếu cộng sinh huy.
Dịch nghĩa:
Núi Lạc Sơn giống như con rùa vàng
Đó cũng là một ngọn núi có tiếng vẻ đẹp khá lạ
Sắc mây vờn hoa tươi lên dưới ánh mặt trời hồng
Gió xa thổi lại tiếng ca hát của mục tiều
Sông nhỏ nước lặng im bóng mùa thu
Chợ cổ khách họp vào lúc buổi sáng
Trên đường dẹp loạn tướng quân tỉnh giấc mộng
Núi xưa miếu mới đều thêm vẻ huy hoàng.
Tạm dịch thơ:
Lạc Sơn dáng núi tựa rùa vàng
Đây cũng danh sơn cảnh khác thường
Trời hửng tô hồng hoa cỏ thăm
Gió xa đưa động mục tiều vang
Sáng ra chợ cổ người như hội
Thu tới sông con nước lộn gương
Chinh lữ tướng quân bừng tỉnh giấc
Non xưa miếu mới rạng đôi đường.
Xã Lạc Sơn có một ngọn núi gọi là Nguyệt Sơn, đột khởi bên bờ sông, hình tựa con rùa, cây cỏ xanh tươi, kẻ chăn trâu người kiếm củi thường thường qua lại. Dưới núi có một cái chợ cổ, tục gọi là chợ Thiên, mỗi tháng 9 phiên. Đó là một nơi đô hội của huyện. Năm Mậu Thìn (Tự Đức thứ 21, 1867), một vị tôn thất làm quan đầu tỉnh, đem quân đi đánh giặc, đồn trú tại núi này. Đêm nằm thấy thần báo mộng, bèn sai dựng đền thớ trên ngọn núi.


Sao Đỏ15/12/2013
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...