Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Xướng họa với một thiện nam (3)






Cuộc chơi
(Bài xướng)

Ta vẫn là ta giữa đất trời
Bể dâu biến đổi mặc ai ơi !
Hữu duyên nhân thế còn vui vẻ
Hết nợ hoàng tuyền tạm nghỉ ngơi
Trần thế hỉ hoan tâm tự tại
Niết bàn thư thái dạ vui chơi
Luân hồi lai vãng bao lần nhỉ
Ta vẫn là ta giữa đất trời.
                           Phạm Khắc Uyên


Đâu bằng trần thế ?
(Bài họa đảo vận)

Trần gian bám đất cách xa trời
Biến hóa không ngừng chẳng tạm ngơi
Sinh giới muôn hình luôn đổi mới
Nhân sinh mặc sức thỏa vui chơi
Niết Bàn ảo vọng  nơi cực lạc
Thượng giới hư không bụi đá trời
Lai vãng luân hồi dù có thực
Đâu bằng trần thế thiện nam ơi ?
                                  Đỗ Đình Tuân

1/6/2014
Đỗ Đình Tuân

Bạn cùng lớp học.

Lớp 10D, khóa 4, Trường phổ thông cấp 3 Hồng Quang Hải Dương
(Ảnh chụp Chung với các thày trước khi thi tốt nghiệp ra trường, tháng 5/1962)



Họp lớp sau 48 năm ngày ra trường, chỉ còn một thày dạy Trung văn ở Hải Dương tham dự được
(Ảnh chụp tháng 5/2010)

 
Họp lớp ngày 1/6/2014 chỉ còn lại có 11 người tham dự. Bạn bè yếu đau và tàn rụng vãn rồi !

1/6/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Xướng họa với một thiện nam (2)






Tuệ chuông
(Bài xướng)

Chuông chùa thức tỉnh thấu ba sinh
Lục vũ thụ thanh tự giác mình
Tiền kiếp tham sân tâm bạc ác
Vị lại oán hận dạ vô tình
Vinh hoa bả nhục nơi trần thế
Phú quý mồi nhơ chốn hiện sinh
Danh lợi phù hoa đời mộng ảo
Tuệ chuông tẩy sạch cõi vô minh.
                             Phạm Khắc Uyên



Nghe tiếng chuông chùa
(Bài họa nguyên vận)

Tiếng chuông như nhắc cõi nhân sinh
Nghe Phật mà xem xét lại mình
Kiếp trước nào ai gieo nghiệp chướng
Đời nay nhân thế chớ vô tình
Đừng nên khai thác bừa nguyên liệu
Chớ có can vào lẽ hóa sinh
Lòng đất lòng trời đang rục rịch
Không chừng bùng phá hết văn minh.
                              Đỗ Đình Tuân


30/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Gọi bồ







Bồ nhí là bồ nhí ơi
Ở đâu thì hú cho tôi biết cùng
Tôi tìm xứ Tây, xứ Đông
Xứ Nam, xứ Bắc mà không thấy bồ ?


30/5/014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Xướng họa với một thiện nam (1)






Trút gánh phong trần
(Bài xướng)

Huyễn ảnh trần gian tự buộc mình
Xích vàng, xích sắt dạ vô minh
Sông mê cuồn cuộn dìm nhân thế
Bể khổ sục sôi đắm chúng sinh
Định tuệ hoát nhiên lìa khổ hận
Tâm thanh tỏ ngộ dứt điêu linh
Thị phi phú quý phù vân ảo
Trút gánh phong trần đổ nhục vinh.
                               Phạm Khắc Uyên

Trần gian không huyễn ảnh
(Bài họa nguyên vận)

Có thực trần gian có thực mình
Có trời có đất rõ phân minh
Có ăn có uống thì thân sống
Có vợ có chồng mới có sinh
Có nước có làng nên xã hội
Có Thần có Phật có tâm linh
Người giầu kẻ khó đều ham sống
Ai muốn lìa đời dẫu nhục vinh ?
                                Đỗ Đình Tuân

29/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

BỒ ĐỀ * TÂM





                         

Đại hùng (1), đại lực (2), đại bi (3)
Tạ ơn tâm phật độ trì chúng sinh
Tham lam bởi tại Vô Minh (4)
Tả tơi thế sự nhân tình đảo điên
Sân si (5) là gốc ưu phiền
« Ma sui quỷ dắt » tới miền u mê (6)
Khai quang sống gửi thác về
« PHÁP HOA-VIÊN GIÁC » (7) giải mê thoát sầu
« Căn cao số nặng » vì đâu
Luân hồi (8) tiền kiếp khổ đau tại mình
Ngẫm xem Nhân-Quả (9) chúng sinh
Ac tâm rước họa vào mình chẳng sai
Hại nhân-trời hại trách ai ?
Tham lam chẳng biết ngày mai thế nào
Sân si ác nghiệt càng cao
Khi thân lâm họa taị sao trách Trời ?
Tiền duyên nghiệp chướng ai ơi
Nhân sinh là một cuộc chơi VÔ THƯỜNG (10)
Học theo « BÁT NHÃ-KIM CƯƠNG » (11)
« Tâm vô quái ngại » (12) không vương họa mình
Làm theo « Pháp bảo đàn kinh »
Vô trụ-Vô tướng-Vô kinh-Vô cầu (13)
« NIẾT BÀN » (14) chẳng phải tìm đâu
Thanh tâm tuyệt diệu nhiệm mầu ở ta
« NHỊ THỪA » (15) xin chớ cao xa
« NHÂN THỪA » (16) tuy thấp thật là lợi nhân
Hữu duyên kinh Phật đôi vần
Phật dậy « PHÁP THÍ » (17) kính tâm Bồ Đề
THIỀN MÔN khai ngộ-phá mê
Tâm hương lạy Phật Bồ Đề phát tâm

                                                 Thành kính cung tiến
                                             Thiện nam : Phạm Khắc Uyên

Chú thích :
*. Bồ Đề : tức Phật
(1). Đại hùng : tự thắng được mình
(2).Đại lực : tự mình đi tìm đường giải thoát cho chúng sinh không nhờ cậy ai.
(3).Đại bi : lấy đức báo oán, từ bi đại lượng, tha cho kẻ hại mình.
(4). Vô minh : không sáng (trí tuệ tăm tối, dễ nhầm lẫn và làm nhiều điều ác)
(5). Sân : nóng giận, bực tức, bất bình, bức xúc, ghen ghét dẫn đến làm việc ác. Si là ngu si, u mê, tăm tối.
(6). U mê :ác tâm, tăm tối, tham lam... làm cho  u mê
(7). PHÁP HOA-VIÊN GIÁC : kinh Phật
(8). Luân hồi : theo quan niệm đạo Phật, cuộc sống của con người có luân hồi (luân là vòng đi, hối là quay lại), nếu kiếp trước làm việc ác thì kiếp sau phải chịu hậu quả xấu.
(9). Nhân quả : cách nói khác của luân hồi
(10). Vô thường : sự vận động không ngừng nghỉ của vũ trụ, con người, vạn vật (vô là không, thường là ổn định)
(11). BÁT NHÃ-KIM CƯƠNG : kinh Phật
(12). Tâm vô quái ngại : không lo âu, trăn trở, sợ hãi... (tâm được thanh thản tự tại)
(13). Vô trụ, Vô tướng, vô kinh, vô cầu :
-Vô trụ : không trụ lại, không bám víu, không vướng bận vào đâu
-Vô tướng : Không hình hài
-Vô kinh : không sách, vì đã đạt đến chân kinh, tức tâm kinh
-Vô cầu : không có nhu cầu, không ham muốn gì nữa
(14) : Niết Bàn : tâm trạng của người đắc đạo, đạt đến sự vắng lặng tuyệt diệu, giải thoát hoàn toàn
(15) : Nhị thừa : thuộc ngũ thừa Phật giáo ;à : Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Nhân thừa và Thiên thừa chỉ là thế gian thừa (bậc thấp) các thừa còn lại (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) thuộc các pháp môn giải thoát ở bậc cao
(16). Nhân thừa : bậc tu thấp phù hợp với đa số chúng sinh
(17). PHÁP THÍ : giao giảng kinh Phật cho chúng sinh

28/5/2014
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)

Giàn mướp






28/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Cùng họa vui






(Họa nguyên vận bài HỌA VUI
 của DUC NGUYEN MINH)

Bách niên đáng gọi hiện nay hy
Bẩy mốt hãy còn bé tí ti
Khoản ấy vưỡn hay sờ tí ẹo
Chuyện tê cứ bỏ ở bên ny
Biển xanh nhìn thấy xua tay hãi
Hoa hậu mót là bắt bế si...
Chịu khó hay ăn cho chóng lớn
Một vài năm nữa hãy nâng ly.

2/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Sớm hè






Sớm hè kéo ghế xích đu ra
Nằm khểnh ngoài hiên mát mát là
Vẫy gió tầu cau rung nhẹ nhẹ
Kéo đàn ve nhạc tít xa xa
Sao thưa lác đác chuồn đi ẩn
Sáng đốm lờ mờ nhú hiện ra
Đêm trước tàn đi ngày mới lại
Mong trời dịu mát khác hôm qua.

27/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Ước sao...


                                   



(Họa ngược vận bài TỰ SỰ của Song Thu
Họa đảo vận bài PHỞN CHÍ của Anh Ngôi)

Mái đầu dù đã tuyết sương pha
Muốn hợp nhau nhưng cũng khó hòa
Bà muốn vào chùa xem gõ mõ
Ông hay ra phố dạo xem hoa
Chị mê tấp tểnh miền quan họ
Anh thích xập xình hội hát ca
Ngẫu hứng một lần vui gặp mặt
Ước sao lần nữa họp chung nhà ?

26/5/2014
Đỗ Đình Tuân




Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Vườn rau mùa hè




23/5/014
Đỗ Đình Tuân

Định mừng...






Ngày kia ông mới ra đời
Làng Quao giờ có nặn « nồi tí hon » ?
Định mừng Thanh Dạ thanh rơm
Một đôi “niêu đất” thổi cơm Dự lùn
Thổi nồi cơm điện tiện hơn
Nhưng không giữ được mùi thơm ruộng đồng.

23/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Hỏi thăm cô hàng rau






Độ này em có khỏe không
Bán rau phố nắng má hồng có đen ?
Em đen thì thiệt chồng em
Thiệt thòi cả những láng giềng người thân
Tiếc cho đôi má trắng ngần
Đem phơi nắng khắp phố gần chợ xa
Nhìn em tác nghiệp hôm qua
Ngõ người xứ Ăng Gô La mới về...
Chị Thu ngày trước khác gì
Cũng lăng xăng khắp vỉa hè phố đêm
Gầy gò vừa quắt vừa đen
Ngày đêm lo kiếm gạo tiền áo cơm
Bây giờ con cái nhớ ơn
Chị Thu da mượt lông trơn khác rồi
Mong em sớm được như người
Trần gian thư thả hãy chơi Niết Bàn

22/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Mưa đêm





 
Đương nồng gặp trận mưa đêm
Nghe trong giấc ngủ cũng mềm dịu hơn
Nào hay sình sịch mưa tuôn
Trong mơ chỉ thấy chập chờn bứớm hoa.

18/5/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Những câu thơ tầm vóc về Trần Hưng Đạo


                                                  


                  
Truyền thuyết về Viên Lăng, có kể về đám tang của Trần Hưng Đạo vào mùa thu năm Canh Tý (1300) như sau: Suốt ba gian nhà lớn để 72 chiếc quan tài giống nhau như đúc (72 chiếc quan tài này biểu trưng cho 72 năm sinh thời của Trần Hưng Đạo). Khi đưa tang, 72 chiếc quan tài này được chia đều về 3 địa điểm: 24 chiếc đưa về Trần Thương, 24 chiếc đưa về Tức Mặc, 24 chiếc còn lại đưa ra núi Ngọc. Chôn cất xong lại san phẳng, rồi trồng cây như cũ. Từ đó núi Ngọc mang tên mới là Viên Lăng, có nghĩa là “Vườn mộ”. Nhưng truyền thuyết không kể gì về không khí tang tóc buồn đau của đám tang ấy cả.
Chỉ có KHỐC HƯNG ĐẠO VƯƠNG của Phạm Ngũ Lão là nói khá rõ về cái không khí đau buồn lúc ấy: sau khi  nghe tiếng chuông hồi, tâm trạng Phamh Ngũ Lão choáng ngợp trong một nỗi buồn nặng nề u ám:
Thu phong tiêu tán bất thăng bi
(Gió thu xua tan mây, nhưng không xua tan được nỗi buồn)
Rồi cái nỗi buồn ấy như mau chóng lan tỏa ra khắp đất trời:
  ám trường giang không lệ huyết
Vân đê phúc đạo tỏa sầu mi
(Mua đen dòng sông dài, trời khóc như nhỏ máu
Mây tuôn đầy lối ngõ khóa chặt nỗi buồn đau)
Thật là một không khí tang tóc đang bao trùm lên tất cả ! Đó cũng là bài thơ duy nhất của người đương thời viết về đám tang này.
Ở những đời sau, thơ viết về Trần Hưng Đạo, thường đánh giá, suy tôn về đức độ và võ công của người:
Sinh phùng gia hấn thệ thâu trung
Mậu kiến trùng hưng đệ nhất công
(Sinh thời gặp lúc gia đình có xích mích, ông thề giữ đạo trung
Giúp nên cơ nghiệp trùng hưng, công lao của ông vào bậc nhất)
Hoặc:
Công mãn Nam thiên thùy trúc bạch
Uy dư Đông hải thiếp ba đào
(Công lao đầy khoảng trời Nam, sử xanh ghi chép
Uy linh khắp miền Đông hải, sóng cả yên lặng)
                                      Cao Bá Quát
Hoặc nữa:
Sát khước hồ Nguyên bách vạn binh
Trần triều danh tướng trạc vương linh
(Giết phăng trăm vạn quân rợ nguyên
Vị tướng tài đời Trần oai linh lừng lẫy)
                             Nguyễn Thiện Thuật
Đọc những câu thơ tầm vóc ấy, lòng ta thấy sảng khoái lạ. Sẽ càng thấy lý thú hơn khi những câu thơ ấy còn thể hiện  cái dư uy thần thánh của Trần Hưng Đạo:
Một hậu uy do tồi Bắc lỗ
Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong
(Ông tuy thác rồi mà cái uy thừa còn phá tan giặc Bắc
Thanh kiếm dài tựa vào trời khi xưa đêm đêm thường kêu rít trong gió)
                              Đặng Minh Khiêm
Cái dư uy ấy sẽ còn mãi cùng non sông đất nước, với núi Vạn Kiếp, với sông Lục đầu:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
(Núi Vạn Kiếp đều mang uy kiếm tuốt
Sông Lục Đầu đâu chẳng sóng quân reo)
                                    Vũ Phạm Hàm
Trong thực tế lịch sử, cái dư uy thần thánh của Trần Hưng Đạo đã từng là nguồn cổ vũ động viên và tiếp sức cho nhiều thế hệ anh hùng cứu nước của dân tộc. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong Đề Trần Hưng Đạo vương từ, Nguyến Thiện Thuật đã từ lòng tự hào thán phục, đến hoài cảm mênh mang và kết thúc bắng một tâm nguyện, một quyết tâm:
Nguyện bằng nhất kiếm thanh quần xú
Quỷ độc như kim thậm Bá Linh.
(Muốn nhờ oai gươm thiêng trừ hết bọn quỷ xấu -Chỉ bọn thực dân Pháp-
Ngày nay chúng còn độc ác hơn bọn Bá Linh xưa -chỉ Phạm Nhan-).
Những áng thơ trên đã làm sáng lên một lẽ lớn: một nhận thức đúng, một tình cảm đẹp, đối với quá khứ oanh liệt của tổ tiên, luôn luôn là một nguồn lực cho hiện tại. Đúng là Nguyễn Thiện Thuất chưa thực hiện được điều tâm niệm của mình, nhưng mạch ngầm lịch sử đã truyền qua tấm gương hy sinh và chiến đấu của ông đến những thế hệ nối tiếp, dẫn dắt dân tộc ta đến cách mạng tháng Tám , đến lứng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu.

17/5/2014
Đỗ Đình Tuân
                                




Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Một bài báo cũ






                         Một nét thơ CLB Côn Sơn

Cái biển CÂU LẠC BỘ CÔN SƠN nền xanh chữ trắng ở phần nửa Khu trạm xá  thị trấn Sao Đỏ, xuất hiện cách đây vừa tròn 10 tháng. Hôm treo cái biển ấy lên có pháo nổ giòn giã, có những lời chúc tụng, và cố nhiên ngay lập tức có thơ.
Trong nhiều nhiều những bài thơ đọc ngay hôm ấy, bây giờ tôi còn nhớ và “thủ” được một câu:
Vui chơi theo đạo người già
Cho đời thêm đẹp cho nhà thêm xuân
                          Nguyễn Văn Nhiên
Nhận thức ấy, mong muốn ấy quả thực là khó quên.
Từ đó CLB đi vào hoạt động: có bóng bàn, có cờ tướng, có tổ tôm… và dĩ nhiên cũng có cả thơ.
Những bài thơ ấy “không cao lương mĩ” gì mà toàn là những “cây nhà lá vườn” cả, nhưng dễ ăn, dễ nuốt giống y như những nắm rau tập tàng hái quanh vườn nhà đem nấu canh cua bắt ở đồng quê vậy. Không ít những câu thơ mang cái “mầu mỡ vườn nhà” khá chân thực:
Tuổi dẫu mấy mươi vẫn chửa già
Việc dân việc nước thảy tham gia
Tu tâm rèn chí nêu gương sáng
Mái tóc nay dù sương nắng pha

Tuổi dẫu mấy mươi chửa chịu lùi
Tăng gia sản xuất tạo niềm vui
Lẽ đời vốn sống truyền con cháu
Nhớ lúc gian nguy lúc ngọt bùi…
                           Trần Phao
Ngẫm nghĩ ư ? Mong muốn ư ? Hay là hiện thực ? Cũng khó mà phân định. Nhưng có lẽ nó là tất cả. Một bài khác, bài CHIẾC ĐỒNG HỒ của bác Nguyễn Văn Lập thì chỉ tả thực thôi. Có đến nhà bác mới thấy nó cũ kỹ lắm rồi, cổ lỗ sĩ lắm rồi. Nhưng vào thơ nó vẫn thế này:
Boong boong nghe vẳng ở bên tai
Mấy tiếng mấy giờ đúng chẳng sai
Dãy số nhỏ to vòng khép lại
Hai kim dài ngắn chạy đua hoài
Báo cho người lớn khi làm việc
Nhắc nhở em thơ lúc học bài
Lúc lắc đêm ngày không phút nghỉ
Vừa đo vừa đếm tháng năm dài
Dường như bài thơ không nói gì cả vậy mà đọc qua bài thơ ta cứ phải dừng lại để ngẫm ngợi ?
Muốn thoải mái , khề khà chén rượu vui đời thì xin mời hãy đến thăm VƯỜN XUÂN của bác Cao Đức Lương:
Trải qua một vụ đông tàn
Ngày xuân lại đến nắng tràn vườn xuân
Đồng tiền tươi nở trước sân
Đầu nhà cây quéo tầng tấng trổ bông
Mít non ríu rít như sung
Bám đầy cành cội hay không hỡi bà…
Thế rồi hai ông bà cùng bàn bạc phát triển cây, con để  cải thiện. Và đây là những câu kết khá thú vị của bài thơ:
Lại thêm thả một đàn gà
Phần thu hoạch trứng còn là sinh sôi
Đón xuân gà béo hoa tươi
Chén mừng ngồi ngẫm vui đời là đây.
Có thể nói đến thăm vườn xuân nhà bác Lương  ta chỉ thấy có hoa tươi người đẹp và tâm hồn thì thật là mãn nguyện. Nhưng khá bất ngờ là trường hợp CÂY TÁO của bác Trần Đình Thung:
Táo ơi sao mày sai thế
Mỗi cành đều nặng trĩu quả vàng ong ?
Những cô gái tuổi trăng tròn
Nhìn thấy táo muốn vặt liền
Nhưng nể ông lão làm vườn
Các cô bảo nhau bỏ tiền mua táo
Ăn táo rung động làm sao
Chua chua ngọt ngọt ê ẩm cả người
Rồi các cô khác lớn lên
Đẹp giòn như những quả táo trên cành.
Đọc bài thơ tôi thấy có rất nhiều thú vị. Nhờ có những rung động thơ chân thực mà cây táo và các cô gái đã hiện ra rất hồn nhiên. Chính sự ngạc nhiên hứng thú của bác Thung  dường như đã làm cho cây táo “trĩu quả” hơn và mỗi quả táo cũng như “vàng ong” thêm vậy. Cũng chỉ bằng có ba chữ “muốn vặt liền”  mà cái “thèm” táo của các cô gái thành hồn nhiên như trẻ con. Nhất là cái cảm giác của các cô gái khi ăn táo thì thật lạ:
Ăn  táo rung động làm sao
Chua chua ngọt ngọt ê ẩm cả người
Những chữ “rung động” và “ê ẩm” sử dụng ở đây là rất mới lạ. Nó như là những chữ tự nhiên xuất thần ùa đến nên vừa tự nhiên  lại vừa lạ vừa hay.
Mối quan hệ giữa ông lão với các cô gái cũng thật đẹp. “Bon trẻ” thì đã biết “tự kiềm chế” không “vặt liền” trộm táo của ông già. Chúng mua bán rất song phẳng. Còn ông già ngược lại cùng nhìn “bọn trẻ” với một con mắt đầy tin yêu và gửi gắm rất nhiều hy vọng:
Rồi các cô khác lớn lên
Đẹp giòn như những quả táo trên cành.
Chỉ vài nét đó thôi nhưng phải chăng đó là cái “Đạo người già” đã được các cụ cảm nhận và tự mình biểu hiện bằng thơ ca vậy ?
               (Bài đăng báo HẢI DƯƠNG thứ bảy ngày 8/10/1994)

16/5/2014
Đỗ Đình Tuân
              

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Biểu tình ?




 
Nghe nói Bình Dương có biểu tình
Lại còn đập phá khá linh tinh
Hành vi quá khích không suy xét
Để lắm người ngay phải bất bình
Căm giận chớ nên dùng bạo lực
Biểu tình cũng phải giữ văn minh
Đề phòng mưu kế quân gian hiểm
Ngậm máu đem phun xấu mặt mình.

14/5/2014
Đỗ Đình Tuân


ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...