Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Bé Minh Hiển 1/6/2013











1/6/2013
Đỗ Đình Tuân 

Vịnh Kim Thư

                                                                                  

Làng ta thêm một ả Kim Thư
Giầu có nhiệt tâm lắm bất ngờ
Truyện ký in xong đem soạn kịch
Tiếng anh như gió lại như mưa
Thơ Đường mới tập mà nghiêm chỉnh
Lục bát quen làm thích tự do
Chỉ ngại đa tài năng nổ thế
Hồng nhan tri kỷ khối anh mơ.

1/6/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Vài ý góp với thơ Hồ Minh Quang



          



          Trong chùm thơ 8 bài viết theo thể thơ “tám câu bảy chữ” của Hồ Minh Quang, Đỗ Đình Tuân chỉ thấy duy nhất có một bài mang dáng dấp con người Hồ Minh Quang. Đó là bài tự sự. Còn 7 bài khác Đỗ Đình Tuân chả thấy Hồ Minh Quang ở đâu cả. Đó là những bài thơ viết vội chưa mang dấu ấn con người cá nhân. Với những bài thơ như thế, Đỗ Đình Tuân chả nặn ra được ý nào để mà góp cả. Nhưng ở bài Tự sự thì quả nhiên Đỗ Đình Tuân nhận thấy có một Hồ Minh Quang: Cái con người mà Đỗ Đình Tuân đã bắt gặp trong  Diệu vợi trăng thơ, Thơ chẳng thay mầu, Tìm nhau ở đâu?, Thơ gọi người ơi. Chính cái con người thơ, con người tinh thần ấy của Hồ Minh Quang đã nuôi cảm hứng cho Đỗ Đình Tuân viết Nét riêng của một cây bút mới.
Đỗ Đình Tuân có máu viết phê bình, nên cứ thấy một người lạ mới vào làng là lại hay chỉ trỏ và bình phẩm. Nhất là đối với những ai hơi có "sắc nước hương trời" một tý thì Đỗ Đình Tuân thường hay trầm trồ để rủ nhiều người khác đến xem. Nhưng rất tiếc là sau những bài ấy, thơ Hồ Minh Quang bỗng nhạt hẳn đi, nhiều lời và bồng bột chứ không còn đằm lắng như trước nữa. Cũng vậy hôm nay mở trang “Nước mắt và nụ cười”, Đỗ Đình Tuân thấy Hồ Minh Quang trưng ra những 8 bài “tám câu bảy chữ”. Một tốc độ làm thơ như thế thì chả kém gì nhà thơ nhập đồng Hoàng Quang Thuận. Rất may là vẫn có một bài rất Bùi Kim Thư đấy:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chim mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo

Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến chốn thần tiên
          Theo Đỗ Đình Tuân ở bài này chỉ cần ở câu 3 đổi chữ chim thành chữ chiều (vì bảng lảng bóng chim không hợp lý, còn bảng lảng bóng chiều thì hợp lý hơn). Thực ra câu 3 này vẫn hơi nặng giống như trước một cơn giông gió nhiều hơn là hoàng hôn. Nhưng nó "đồng bộ" với tâm trạng u uất não nùng của Bùi Kim Thư nên thành hợp lý. Còn ở câu 8 nên thay chữ chốn bằng chữ cõi là bài thơ sẽ "chuẩn không cần chỉnh".
Bây giờ thử đọc lại bài thơ theo đề xuất của Đỗ Đình Tuân xem nhé:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chiều mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo
Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến cõi thần tiên.
Có thể trong đời thường Bùi Kim Thư vẫn là một cô gái bình thường, nói cười vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn Bùi Kim Thư vẫn dấu kín một con người vất vưởng dưới chiều tà lẻ bóng, khát khao tìm lại những hạnh phúc đã mất. Không hiểu sao, Đỗ Đình Tuân luôn có cái cảm giác rằng cứ  khi nào con người sâu kín ấy của Bùi Kim Thư xuất hiện thì thơ Hồ Minh Quang lại hay ?

30/5/2013
Đỗ Đình Tuân



Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Niềm vui & nỗi buồn






Nỗi buồn như vầng trăng khuyết
Niềm vui như sóng vỗ bờ
Niềm vui làm say khúc hát
Nỗi buồn làm ngọt câu thơ.

30/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Nắng quảng trường






Ngày hai mươi tám tháng năm dương*
Đèo hắn ra phơi nắng quảng trường
Cuốc bộ diễu hành theo khối phố
Ngồi nghe diễn thuyết với dân phường
Cơn nồng cuồn cuộn bay cờ đỏ
Nắng lửa chang chang nhọ má hường
Thể dục thể thao làm đại hội
Khiến người đi dự gặp tai ương.

*28/5/2013: Đại hội TDTT phường Sao Đỏ

28/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Cõi tạm







(Phúc đáp bài “Cảm ơn” của Minh Quang)


Cõi tạm vì ta ở ngắn
Có đâu vĩnh viễn đời đời
Đến khi tim ngừng mắt nhắm
Cũng thành hư ảo cả thôi

Cõi tạm nhưng là có thật
Có trang nước mắt nụ cười
Có một cô nàng phiêu lãng
Trốn buồn đi kiếm niềm vui

Kẻ mất đã đành dang dở
Người còn nỗi nhớ tinh khôi
Chả hơn những đôi chồng vợ
Coi nhau như của nợ đời

Có tối mới nhìn rõ sáng
Có buồn mới cảm được vui
Bất hạnh thay ai vô cảm
Hư không ngay giữa cõi người.



28/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Một sân chơi đặc sắc



                                 Nội san thơ CLB Côn Sơn
                                 một sân chơi đặc sắc




Sau tập thơ đầu tay Hương Côn Sơn tập 1, xuất bản năm 1995, hình thức tổ chức sinh hoạt các chương trình thơ bắt đầu bộc lộ những hạn chế khó khắc phục. Kinh phí tốn kém và không phải lúc nào cũng có. Trong một chương trình thơ lượng bài vở được sử dụng thường cũng rất ít. Vì thế thường phải nhường cho khách và các bậc “đàn anh” trước. Thành thử thơ bọn “đàn em” chẳng sử dụng được bao nhiêu. Thế là tự nhiên hình thành một sự bất công. Sau buổi sinh hoạt thơ vì thế ít nhiều vẫn cứ có eo sèo ấm ức. Về phía người nghe cũng chỉ hào hứng được mấy buổi đầu. Thú nghe thơ xem chừng cũng nhanh vơi cạn. Trong tình hình ấy việc tìm một hình thức sinh hoạt mới cho tổ thơ đã được đặt ra.
Hình thức đầu tiên chúng tôi tìm đến là hình thức báo liếp. Tờ Vườn vui của tổ thơ CLB ra đời. Đó là một bảng gỗ, được kẻ thành những ô nhỏ theo khổ giấy học sinh để làm chỗ dán các bài thơ. Báo ra không định kỳ, cứ lâu lâu lại dán, lâu lâu lại bóc. Tờ báo được treo ngay trong phòng CLB. Bên dưới các cụ ngồi tổ tôm, bên trên những bài thơ cứ thong thả mà phe phẩy gió. Bởi độc giả vắng như chùa bà đanh. Số đầu tiên ra vào ngày 24/9/1995. Tôi cũng có làm một bài thơ vui để quảng cáo cho tờ báo:
Vườn vui vui viết vài vần
Ví von vũ vũ vân vân vui vầy
Vẫy vùng vung vuốt vung vây
Võ vu vơ võ văn vầy vậy văn
Vườn vui vui với vô vàn
Véo von vấn vít vỉ van vỗ về
Vòng vèo vấp váp vân vi
Vẩn vơ vơ vẩn vẫn vì vườn vui.
Sinh hoạt tổ thơ cũng còn chệch choạc lắm. Ban Biên tập cứ phải chia nhau đi mời gọi mà mỗi kỳ sinh hoạt cũng chỉ dăm bảy cụ có mặt. Tình hình rời rạc này cùng với tờ vườn vui tồn tại mãi cho tới cuối năm 1996. Nhưng cũng không lưu giữ lại được bài thơ nào. Bởi vì chính các cụ hội viên hễ cứ tiện tay là lại vặt thơ đi “làm thịt”.
Thế là sau bốn năm mầy mò, hết chơi chương trình thơ, đến báo tường, báo liếp, chúng tôi vẫn chưa tìm được một lối chơi ổn định và hiệu quả. Vì thế chúng tôi mới nghĩ tới một hình thức khác là chơi NỘI SAN thơ. Trong cuộc họp ngày 31/12/1996, chúng tôi có thông qua một quy chế quy định nội dung và các hình thức hoạt động của tổ thơ như sau: “…
Điều 4: Tổ thơ CLB Côn Sơn tổ chức sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng một lần. Nội dung sinh hoạt gồm:
-Hội viên trình bày các tác phẩm mới viết
-Nghe nói hoặc tọa đàm về một vấn đề văn học
-Thống nhất lịch và nội dung sinh hoạt kỳ sau
Điều 5: Tổ thơ CLB Côn Sơn ra mỗi tháng một số NỘI SAN thơ để  sơ tuyển và lưu giữ đồng thời lưu hành trong nội bộ các sáng tác tốt trong tháng…Tổ viên có nhiệm vụ đọc NỘI SAN, vừa để thưởng thức vừa để góp ý phê bình cho các tác giả nhằm nâng cao chất lượng sáng tác ngày một tốt hơn.
Điều 6: Trong những điều kiện cho phép, CLB Côn Sơn sẽ tổ chức những chương trình thơ vào những ngày kỷ niệm, những cuộc giao lưu với các hình thức như Phát thanh tiếng thơ, tổ chức đêm thơ…”
    Quy chế đinh ra là vậy, nhưng do trình độ tổ viên không đồng đều nên hình thức tọa đàm văn chương không thực hiện được. Nét tâm lý thường tình “văn mình vợ người” cũng là một cản trở lớn cho công tác biên tập và bình luận thơ ca. Cho nên chỉ còn mỗi hình thức NỘI SAN thơ là ra được thường xuyên và đều đặn. Cụ thể:
-Năm 1997: ra 12 số
-Năm 1998: ra 10 số đơn và một số kép (11+12)
-Năm 1999 : ra 4 số, từ số 25 đến số 28
-Năm 2000 : ra 4 số, từ số 29 đến số 32...
-Năm 2009 : ra 4 số, từ số 65 đến số 68...
-Năm 2013 : ra 4 số, từ số 81 đến số 84
Và đã trải qua ba chặng đường thay đổi hình thức :
-Từ số 1 đến số 12,  viết tay,  rồi phô tô.
-Từ số 13 đến số 27, đánh máy chữ, rồi phô tô.
-Từ số 28 trở đi đánh vi tính rồi phô tô.
Trong quá trình làm NỘI SAN có một sự kiện đáng nhớ là ở số 5, ra tháng 5/1997, hội viên Trần Tình có viết một bài thơ mời họa. Bài có tựa đề là Mong đợi, nguyên văn như sau :
Cố gắng cùng nhau ra nội san
Nhóm thơ đâu quản những gian nan
Bài nhiều chỉ ngại không đăng đủ
Tiền ít đâm lo phải họp bàn
Người chạy khâu in cần tính toán
Kẻ làm mục viết phải lo toan
Nội san chưa đẹp nhưng phong phú
Mong muốn dài lâu sẽ vẹn toàn.
Ngay số 6, ra tháng 6/1997, 14 tác giả đã có thơ họa lại: Bảo Minh , Duy Văn,  Nguyễn Văn Phao, Xuân Khôi, Đỗ Đình Tuân, Nguyễn Phụng, Vũ Ngọc Doanh, Bùi Trác Trường, Trương Đình, Bảo Trung, Văn Hải, Nguyên Đào, Trần Việt, Trần Phao. Những tháng sau tiếp rải rác vẫn có thơ bầu bạn ở các nơi gửi đến nhưng nội san không đăng tiếp nữa.Cuộc xướng họa lớn này thực chất là một dịp để hội viên và bầu bạn biểu lộ sự đồng tình ủng hộ việc chơi NỘI SAN.
Ngày nay, nhìn tổng quát lại, có thể thấy tờ NỘI SAN thơ CLB Côn Sơn đã có những đóng góp cụ thể sau đây:
1-Giúp sinh hoạt tổ hàng tháng đi vào nền nếp ổn định. Ban đầu quy định là sáng 16 âm lịch hàng tháng. Về sau mới điều chỉnh sang sáng 18 âm lịch hàng tháng và vẫn duy trì đều đặn cho đến ngày nay.
2.Giúp tổ thơ ngày càng thu hút được nhiều hội viên hơn. Ban đầu tổ thơ chỉ có độ mươi người. Khi ra nội san (1997) tổ có độ vài chục. Đến nay hội viên đã tăng gấp 3 lần số đó. Đặc biệt tổ còn có nhiều hội viên yêu thơ từ thành phố Hải Dương, từ huyện bạn Kinh Môn cũng sang tham dự.
3-Tờ NỘI SAN cũng đã nuôi dưỡng nhiệt tình sáng tác cho các hội viên. Do cứ đến kỳ thì hội viên phải nộp bài. Muốn có bài nộp thì hội viên phải viết. Nhờ viết đều và viết nhiều nên hội viên cũng thành quen. Nhờ thế mà hiện nay nhiều hội viên đã ra những tập thơ riêng rất chững chạc.
4-NỘI SAN còn là một kho lưu trữ đầy đủ các sáng tác của hội viên. Công cả 84 số lại thì có đến trên 3000 bài thơ đã được đăng tải. Trong đó có đầy đủ các thể loại và trò chơi thơ. Cũng từ kho tư liệu này, cứ năm năm một kỳ, tổ lại tuyển chọn vào các tập thơ HƯƠNG CÔN SƠN. Trừ tập 1, ra năm 1995 chưa có nguồn tuyển từ NỘI SAN; còn các tập 2 (1998), tập 3 (2003), tập 4 (2008) và tập 5 (2013), đều tuyển chọn từ những bài từng in trong NỘI SAN cả.

Đến nay, CLB Côn Sơn đã có lịch sử 20 năm và tờ NỘI SAN của tổ thơ cũng đã trải qua 16 năm phát triển. Ở tuổi 16 này   NỘI SAN càng dồi dào sức sống, hình thức ngày càng đẹp và nội dung cũng ngày càng phong phú. Tổ thơ CLB Côn Sơn đã từng thể nghiệm nhiều hình thức chơi thơ và nhận thấy hình thức chơi thơ bằng cách ra NỘI SAN là có sức sống bền bỉ và có tác dụng nhiều mặt hơn cả.

27/5/2013
Đỗ Đình Tuân





Ve hát





(Họa bài Ve khóc của Tạ Anh Ngôi)




Dàn nhạc ve ngân suốt tối ngày
Trời thêm vàng nắng lá xanh cây
Cành cao rỉ rả lời thanh mảnh
Bờ thấp lê thê dáng liễu gầy
Bên gốc trái sung gom nhựa chát
Dưới đầm cà cuống ủ hương cay
Hè về sự sống trào sinh lực
Khát bạn tình ve hát khúc này.



26/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Nét riêng của một cây bút mới



                            
Đúng vào dịp kỷ niệm ba năm, trên trang TRI ÂN CUỘC ĐỜI thấy xuất hiện một cây bút mới: Hồ Minh Quang. Cái tên rất đàn ông và sáng lóa này chỉ là bút danh. Tên thật của nàng thì lại khác. Đó là một con mái vàng không quần áo. Nhưng vì là tên người nên có lẽ phải hiểu đó là người đàn bà đẹp khỏa thân.  Đi tìm xem chân dung nàng thì tuyệt nhiên  không thấy nàng có một chút hớ hênh nào. Nàng ăn mặc giản dị và gói ghém rất kỹ càng. Thì ra cái tên người chẳng có ảnh hưởng gì đến tính cách.
Đọc thơ nàng, thấy nàng là một cây bút thơ chững chạc, có nhiều nét riêng khá độc đáo. Trước hết tôi thấy ở thơ nàng rất gần nhạc và giầu chất nhạc. Giầu nhạc trong cách dùng điệp khúc:
-Hai mươi năm mình về chốn xa xôi…

-Hai mươi năm mình về chốn xa xôi…

-Hai mươi năm hai mươi năm trôi
Giầu nhạc trong sự đắp đổi câu ngắn câu dài và nhất là giầu nhạc trong lối gieo cùng vần liên tiếp:
Hãy trở về từ chốn xa xôi  
Đừng ngậm ngùi đau xót chia phôi
Nào mặn nồng say đắm chung vui
Hát tiếp khúc tình ca hạnh phúc đời đời
Để nước mắt thôi rơi sau những nụ cười
                      (Thơ gọi người ơi)
Nàng khá chủ động trong cách dùng chữ, phép đối ngẫu, dấu hỏi tu từ, kể cả cách bỏ chữ trong thơ nàng cũng khá hiệu quả:
Thời gian ơi mình tìm nhau ở đâu
Mái đầu xanh giờ đã đổi mầu
Chân bước đi không về lối cũ
Để vần thơ vương vấn sầu…                        
                                 (Tìm nhau ở đâu?)
Ngay cả trong cách miêu tả của nàng cũng biến hóa như vậy. Trong một bài thơ có đến ba lần tả trăng nhưng ngôn ngữ mỗi lần mỗi khác :
-Thu đang xế nhưng trăng không tàn tạ

-Trăng thơ thới nghiêng mình soi vũ điệu

-Nén tiếng thở dài hằng nga chếch bóng

                      (Thơ chẳng đổi mầu)
Phép đối ngẫu tương phản trong thơ nàng luôn tạo ra những câu thơ vừa ám ảnh vừa khơi gợi. Đôi khi cũng khá giật mình:
Ơi trái tim nàng hồn thơ cháy bỏng mà dịu êm
Ai biết nâng niu trong trần gian đá sỏi
Hoàng hôn buông phủ mờ nông nổi
Ngạo nghễ cười che khuất niềm đau.
                         (Thơ chẳng đổi mầu)
Cũng như những người cùng cảnh ngộ, đôi khi nàng cũng có cái khát vọng muốn“trao gửi chút bình yên”. Nhưng điều này đã không xẩy ra với nàng. Nguyên vẹn trong nàng là một nỗi đau thật lớn. Nhưng hơn những người cùng cảnh ngộ,  nàng biết đem nỗi đau riêng mình để sinh nở những câu thơ (những câu thơ hiểu theo đúng nghĩa của nó). Đến lượt những câu thơ này đã đem nỗi đau của nàng chia sẻ với bầu bạn gần xa. Sự chia sẻ ấy tuy không làm tắt được nỗi đau nhưng sẽ làm dịu bớt những cơn đau.Có lẽ đó chính là cái hạnh phúc của riêng nàng chăng ?

26/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Định nghĩa mới về phố







Phố là dòng sông cạn

Cho dòng người chảy qua

Mưa xuống nước bao la

Cho dòng người ngụp lặn



Phố là dòng sông cạn…



24/5/2013

Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Xóm TRI ÂN chúc "VẦN VÀ TỨ..."















 


22/5/2013
Đỗ Đình Tuân 

Phản hồi đầu tiên về VẦN VÀ TỨ


                                                                   Bác Nguyễn Trân Trân


VẦN VÀ TỨ

Tặng Đỗ Đình Tuân
Tác giả cuốn “Vần và tứ” nhà XB Hải Phòng 2013

                  Nguyễn Trân Trân

Chúc mừng “Vần và tứ” ra lò
Biển cả văn chương đâu bến bờ
Bác lái con thuyền đi dẫn lối
Tôi theo chân bác đến miền mơ
Thơ hay – Nay có “Vần và tứ”
Có sách nào tôi dám hững hờ
Thêm bạn thêm bè thêm hiểu biết
Cám ơn người dẫn lối đường thơ.
                                    22-5-2013

22/5/2013
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Sách về

                                   Cán bộ Nhà xuất bản và Công ty in chụp ảnh chung với tác giả


                                  Cán bộ Nhà xuất bản và Công ty in chụp ảnh chung với chủ đầu tư


21/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Hoa mùa hè

 Hoa đăng tiêu


 Hoa giấy đỏ cánh đơn


Hoa hồng tú cầu


Hoa ngọc nữ


21/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Trân - Tuân xướng họa

Nguyễn Trân Trân xướng:



Kính chẳng bõ phiền

Bác lập Bờ lốc tôi lại in
Chúng mình theo đuổi một niềm tin
Văn chương chữ nghĩa là như thế
Nào khác tuổi thơ chơi trốn tìm
Đã gặp thấy nhau là rất sướng
Bởi cùng chung cảnh bị đời quên
Gặp thời lươn lẹo âm thầm vậy
Theo đuổi chi, kính chẳng bõ phiền

20/5/2013
Nguyễn Trân Trân




Đỗ Đình Tuân họa:


Bớt nỗi  phiền

Chọn ảnh chọn thơ ta cứ in
Vừa chơi vừa góp việc thông tin
Giúp người chụp, viết khâu truyền bá
Hộ kẻ đọc xem đoạn kiếm tìm
Ảnh đẹp mắt nhìn ai chẳng thích
Thơ hay tâm đọc dễ gì quên
Tai nghe mắt thấy là ham thích
Thêm được niềm vui bớt nỗi phiền.

20/5/2013
Đỗ Đình Tuân
 

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Tri kỷ nhọ






Tôi  lên “cửu phẩm” đã lâu rồi

Tri kỷ hôm nay mới thấy nhời

Thương lúc nửa đêm canh trộm chó

Thương khi gà gáy gác tình người

Lo tầm xuân nụ tơ hơ ngỏ

Để gió bên vành hấp háy coi

Tri kỷ ai ơi tri kỷ nhọ

Đầu không lo giữ giữ gì đuôi ?

18/5/2013

Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Thơ khuyên vua Thành Thái






尊族大歸
Tôn tộc đại quy
(Tôn trọng gia tộc thì sẽ có sự quy tụ, đoàn kết lớn)
尊禄大危
Tôn lộc đại nguy
(Tôn sùng bổng lộc – khuyến khích tham nhũng – thì rước lấy nguy hiểm lớn)
尊才大盛
Tôn tài đại thịnh
(Tôn trọng nhân tài thì đất nước hưng thịnh lớn)
尊佞大衰
Tôn nịnh đại suy
(Tôn sùng gian nịnh thì đất nước rơi vào suy vong lớn)

Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm
(Bố của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện)



Tạm dịch:

Đề cao gia tộc đại kết đoàn
Đề cao lợi lộc đại nguy nan
Hiền tài tôn trọng đại hưng thịnh
Sàm nịnh đề cao đại nát tan.


17/5/2013
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm và dịch)

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Tri kỷ bếp

(Gửi Thanh Dạ Và Tạ Anh Ngôi)





"Hồng nhan tri kỷ" ở trong mơ

Trong những tâm hồn lãng đãng thơ

Thực tế ngoài đời coi hiếm lắm

Khó lòng đi kiếm với đi vơ.



Thôi đành há miệng để chờ sung

Chả dại mà đi x xứ lùng

Quanh quẩn ở nhà tri kỷ bếp

Rượu nồng cơm dẻo... cứ ung dung.

13/5/2013

Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...