Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Viết thêm cho vần và tứ



                             Thơ Đường Luật xướng họa

                           
       Thực ra thì thể thơ nào cũng có thể xướng họa được, nhưng thể thơ thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt được dùng nhiều hơn cả. Có lẽ vì ngày xưa những người chơi thơ thường là các nho sinh, nho sĩ, ảnh hưởng nhiều lối thơ Trung Quốc. Nhưng cơ bản hơn là vì hai thẻ thơ này rất thuận lợi cho việc xướng họa. Chữ “xướng” () có nghĩa là người nêu ra đầu tiên và chữ “họa”() có nghĩa nghĩa là hòa theo vần của bài xướng (和韻).
       Có ba lối hòa vần:
1.     Họa nguyên vận
hòa đủ và giữ nguyên trật tự các tiếng mang vần của bài xướng (câu 1 hòa vần câu 1, câu 2 hòa vần câu 2, câu 4 hòa vần câu 4, câu 6 hòa vần câu 6, câu 8 hòa vần câu 8) thì gọi là họa nguyên vận. 
        ví dụ
       Tôn phu nhân quy Thục 1                        
BÀI XƯỚNG:
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà đem dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.
                          Tôn Thọ Tường
       Tôn Thọ Tường muợn chuyện Tôn phu nhân quy Thục để thanh minh cho việc hàng giặc Pháp của mình. Vì thế Phan Văn Trị mới đập lại như sau:
BÀI HỌA:
Cài trâm sửa trấp vẹn câu tòng
Mặt giã trời chiều biệt cõi đông
Ngút tỏa vầng Ngô in sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng !
                            Phan Văn Trị
Trật tự vần của bài xướng là:   tòng-đông-hồng-sông-chồng
Trật tự vần của bài họa vẫn là: tòng-đông-hồng-sông-chồng
Họa  nguyên vận có nghĩa là như thế

       2. Họa đảo vận
Cũng hòa đủ 5 vần của bài xướng nhưng không theo đúng trật tự các tiếng mang vần của bài xướng ( chẳng hạn câu 1 hòa vần câu 6, câu 2 hòa vần câu 1...) thì gọi là họa đảo vận
       Ví dụ:              
Cuộc chơi
(Bài xướng)
Ta vẫn là ta giữa đất trời
Bể dâu biến đổi mặc ai ơi !
Hữu duyên nhân thế còn vui vẻ
Hết nợ hoàng tuyền tạm nghỉ ngơi
Trần thế hỉ hoan tâm tự tại
Niết bàn thư thái dạ vui chơi
Luân hồi lai vãng bao lần nhỉ
Ta vẫn là ta giữa đất trời.
                           Phạm Khắc Uyên

Đâu bằng trần thế ?
(Bài họa đảo vận)
Trần gian bám đất cách xa trời
Biến hóa không ngừng chẳng tạm ngơi
Sinh giới muôn hình luôn đổi mới
Nhân sinh mặc sức thỏa vui chơi
Niết Bàn ảo vọng  nơi cực lạc
Thượng giới hư không bụi đá trời
Lai vãng luân hồi dù có thực
Đâu bằng trần thế thiện nam ơi ?
                                  Đỗ Đình Tuân
Trật tự vần của bài xướng là :       trời-ơi-ngơi-chơi-trời
Trật tự vần của bài họa đảo đi là : trời-ngơi-chơi-trời-ơi
(Nhưng bài họa này chưa đáp được thể thủ vĩ ngâm của bài xướng)

2.     Họa ngược vận
       Cũng là họa đảo vận, nhưng đảo ngược hẳn trât tự vần bài xướng thì gọi là họa ngược vận :
       Ví dụ :
Hĩm và cu
(Bài xướng)
Cùng là con đẻ của thầy u
Sao nỡ so bì HĨM với CU?
Dòng tộc ỉu xìu khi đẻ HĨM
Họ hàng hoan hỉ lúc sinh CU
Học hành chăm chỉ CU thua HĨM
Lao động miệt mài hĩm thắng CU
Vẫn cứ cho rằng mười cái HĨM
Cũng không sánh kịp một thằng CU
                                 Song Thu

Hĩm cùng cu
(Bài họa ngược vận) 
Đạo trời sinh hóa HĨM cùng CU
Kết hợp âm dương HĨM với CU
Khi mới sinh CU không thích HĨM
Lúc còn thơ HĨM chẳng ưa CU
Thế rồi khôn lớn CU tìm HĨM
Đến tuổi dậy thì HĨM kiếm CU
Trời kết nhân duyên CU với HĨM
CU thì làm bố HĨM làm u.
                            Đỗ Đình Tuân
Trật tự vần của bài xướng là :                         u-cu-cu-cu-cu
Trật tự vần của bài họa dảo ngược hẳn lai :    cu-cu-cu-cu-u
       4. Đạng đặc biệt
       Trong trường hợp bài xướng là thơ độc vận (một vần) thì bài họa chỉ có thể là nguyên vận chứ không còn đảo vậnngược vận nữa :
       Ví dụ :
Cụ và cu
(Bài xướng)
Cũng khởi đầu C đứng cạnh U
Sao cho rằng CỤ lớn hơn CU
Râu ria rậm rạp CU như Cụ
Da dẻ nhăn nheo CỤ giống CU
Chớ cậy ngày nay lên mặt CỤ
Mà quên thuở nọ vẫn thằng Cu
Lạ gì CU nặng CU thành CỤ
CỤ chẳng nặng thì CỤ hóa CU
                              Culacuca
 
Quý cu
(Bài họa nguyên vận)
Cu cụ ai mà chẳng có u
Nhờ u thai nghén đẻ ra cu
Trải nhiều chinh chiến cu thành cụ
Tu chốn chùa chiền cụ bỏ cu
Lắm kẻ đang cu mà đã cụ
Nhiều người dẫu cụ vẫn đang cu
Truyền đời nối kiếp cu thay cụ
Các cụ bao giờ chẳng quý cu ?
                          Đỗ Đình Tuân

       Trong những cách họa vần kể trên thì họa nguyên vận phổ biến hơn, còn họa đảo vậnhọa ngược vận  ít gặp hơn
       Ngoài ra chữ áp vận (chữ thứ 6 trong các câu có vần: 1,2,4,6,8) của bài họa cũng không được trùng với chữ áp vận của bài xướng. Đáp ứng được những yêu cầu này là ta có một bài họa hợp cách.

30/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Thím cháu Minh Hiển những ngày nghỉ tết dương lịch 2015







29/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh Đền Cao (8)







                                     Lễ hội đền cao


          Hàng năm, cứ vào các ngày 22, 23 và 24 tháng Giêng âm lịch, dân địa phương lại tổ chức lễ hội Đền Cao.
          Ngày 22, tất cả kiệu rước, nghi trang, cờ quạt, tán lọng...đều được sắp sửa ở Đến Cả (thờ hai bà Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu), chuẩn bị chu đáo cho ngày 23 sẽ rước về Đền Cao (thờ ông anh cả Vương Đức Minh) và làm lễ dâng hương.
          Ngày 23, lễ hội bắt đầu bằng đám rước: dội múa rồng, múa lân đi trước. Đội gồm 20 thanh niên khỏe mạnh, mặc áo lậu đỏ, chít khăn đỏ, múa nhảy theo nhịp trống. Con rồng được làm bằng thứ vải có màu sắc rực rỡ, uốn lượn uyển chuyển vờn nhau với mấy người đeo mặt nạ cầm côn.
          Sau đoàn múa rồng là đoàn rước kiệu. Tất cả gồm 6 kiệu:
          -Kiệu thứ nhất rước các sắc phong của năm anh em họ Vương.
          -Kiệu thứ hai rước ngai và bài vị của ông thứ nhất Vương Đức Minh.
          -Kiệu thứ ba rước ngai và bài vị ông thư hai Vương Đức Xuân.
          -Kiệu thứ tư rước ngai và bài vị ông thư ba Vương Đức Hồng.
          -Kiệu thứ năm rước ngai và bài vị của hai bà Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu.
          -Kiệu thứ sáu rước bài vị của Thành Hoàng làng.
          Đoàn rước kiệu có 58 người khiêng kiệu, 30 người đánh trống, gõ chiêng, che tán lọng. Họ đều được chọn từ những trai tráng khỏe mạnh và có đức độ của dân làng. Hô vận áo lậu mầu xanh, đỏ, tím, vàng, chít khăn đỏ và đi hài cỏ.
          Riêng kiệu của hai bà lại được để cho các cơ cánh người thập phương khiêng. Họ cũng ăn vận hóa trang giông như các quan văn tướng võ thời xưa. Đi bên cạnh các kiệu là các già làng vận lễ phục. Mỗi kiệu do một “ông Đám” đi trước chỉ huy.
          Chiêng tróng tùng... bili...bộ bát âm đi bài “Lưu Thủy” lamg không khí đám rước thêm rộn ràng trang nghiêm
          Đoàn rước kiệu xuất phát từ Đền Cả(nơi thờ hai bà Vương Thị Liễu và Vương Thị Đào), qua Đền Bến Cả (nơi thờ ông Vương Đức Minh), Đền Bến Tràng (nơi thờ ông Vương Đức Xuân), lên đến Đền Cao (nơi thờ ông Vương Đức Xuân) thì dừng lại.
          Tại đây, Ban tổ chức lễ hội tiến hành Lễ Dâng Hương. Ông trưởng Ban sẽ đọc tiểu sử và công lao của năm anh em họ Vương. Rồi các vị chức sắc trong hạt, trong làng, dại diện các cơ, cánh...lần lượt thắp hương tưởng niệm, nguyện cầu.
          Sau đó các bài vị, bát hương ở các kiệu được lần lượt rước vào đặt an vị trong Đền Cao để cho dân làng và khách thập phương đến làm lễ trong suốt những ngày hội.
          Ngày 24, các kiệu của ông Vương Đức Xuân, ông Vương Đức Hồng, hai bà Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu Và kiệu của Thành Hoàng làng được rước trả lại nơi thờ cũ.
          Do Đền Cao có tiếng là linh thiêng nên khách thập phương đi trẩy hội và lễ đền rất đông làm không khí những ngày này náo nhiệt hẳn lên. Những năm gần đây Lễ hội Đền Cao đã trở thành một lễ hội lớn ở trong vùng.

 29/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh Đền Cao (7)






                                Chuyện của một vị thủ nhang



          Theo tục lệ thì những người thủ nhang ở Đền Cao, nếu trong nội tộc có tang, đều phải tạm dời khỏi đền, về nhà chịu tang trong ba năm. Dân làng phải tìm vị thủ nhang khác để thay thế.

          Bấy giờ ông Dương Văn Diệm đang làm thủ nhang thì bà mẹ ông mất. Đúng ra theo lệ thì ông phải nghỉ ở nhà chịu tang mẹ đủ ba năm. Nhưng vì người thay thế ông công việc không quen, lại yếu đuối nên công việc sớm hôm hầu hạ Đức Ngài không được chu đáo. Thấy vậy ông Diệm rất áy náy trong tâm và suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng ông cứ mạnh dạn “phá lệ” xin làng cho được trở lại làm thủ nhang. Nhiều vị cao niên và chức sắc trong xã tỏ vẻ rất e ngại vì sợ rằng “phá lệ” như thế nhỡ bị các ngài quở phạt thì thật tội nghiệp.

          Riêng ông Diệm vẫn nghĩ rằng chẳng lẽ cứ phải bỏ việc “hầu hạ” các ngài về nhà “chịu tang” mới là có hiếu và ngược lại thì không? Ông thấy lý lẽ này không ổn lắm. Nhất là thấy khói hương trên đền tàn lạnh tình cảm ông bị cắn dứt nên ông cứ đánh liều “phá lệ” xem sao.

          Ông tắm gội sạch sẽ, ăn chay, tu luyện cho mình thật thanh thản , tĩnh tâm, rồi sửa lễ lên Đền kêu khấn:

          -Con một lòng thành cung phụng trước cửa Đức Ngài. Con vô cùng khắc khoải buồn rầu khi thấy cảnh Đền hương tàn khói lạnh, vắng vẻ quạnh hiu. Con xin tình nguyện trở lại hầu hạ cửa ngài- Nếu có bị quở phạt con xin chết trước cửa Ngài để tỏ lòng mình.

          Từ đó ông lại làm thủ nhang. Mọi người vẫn nghe ngóng chờ đợi nhưng không thấy Đức Ngài quở phạt. Có lẽ lòng thành của ông Diệm đã động đến cửa Ngài chăng? Riêng ông Diệm thì rất tin như thế. Ông vẫn thường nói với mọi người rằng “Cứ phải có lòng thành thì mới động đến Đức Ngài được”.


28/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Quà tặng năm 2014







28/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Phái mạnh nhà ta về quê ăn cưới







27/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Truyền thuyết và mẩu chuyện quanh Đền Cao (6)






                                    Thánh cũng công tâm


          Tin đồn Đức Thánh Đền Cao rất thiêng đã lan truyền đi khắp vùng. Ai bị mất trộm, hay bị vu oan sửa lễ lên đền kêu cầu thì thế nào cũng được thánh độ. Một lần có một anh nọ công tác ở Sở Điện lực tỉnh H.., cũng sắm lễ vật, phóng xe máy lên Đền Cao kêu cầu. Anh trình bày với ông thủ từ rằng:

          -Thưa ông, ngày mồng 8 tháng 4 này, tòa án mở phiên xét xử cháu. Cháu nhờ ông kêu giúp cho được tai qua nạn khỏi, mọi điều đều vô sự, công ăn việc làm đều đặn, xin đa tạ công ơn.

          Vị thủ từ đã trả lời rằng:

          -Tôi hầu hạ Đức Ngài đã mấy chục năm nay, tôi biết ngài rất thiêng nhưng cũng rất công tâm. Nếu quả anh có oan trái trong vụ án này thì tôi kêu giúp cho được giải oan, còn nếu anh có tội thì dù tôi có kêu giúp, Đức ngài cũng chẳng cho đâu!
            Nghe nói anh ta ra tòa và vẫn phải nhận hình phạt của pháp luật. 

27/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Chút em…?





Chút em như hoa pơ lang *
Tươi bên bờ suối lũ làng ước mơ
Chút em như một bài thơ
In trong tuyển tập đang chờ người ngâm
Chút em… ủ kín âm thầm
Sẽ tuôn như mạch nước ngầm trong veo.

*Hoa pơ lang: một loại hoa gạo đỏ như miền Bắc gọi

27/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Phái đẹp trong nhà về quê ăn cưới









25/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh đền Cao (5)







                                          Hổ ở Đền Cao

          Từ những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước, Đền Cao còn là một nơi rừng rú thâm nghiêm. Khách viếng thăm hoặc lên lễ đền không mấy ai dám bước bộ vào khu rừng quanh đền vì lau lách, vì gai góc rậm rạp, vì e sợ sự linh thiêng của đền và còn vì sợ hổ nữa.
          Tin Đền Cao có hổ đã lan truyền từ lâu. Người thì cho là các ngài hiện mình, người lại cho là hổ thật.
          Đầu năm 1960, một bà trung niên nhà ở chân đền, lên rừng bẻ cành gai về để “giữ vía” cho lợn đã gặp hổ. Con hổ to lớn đã chồm lên vồ bà. Bản năng tự vệ đã giúp bà chạy thoát. Dân quân và dân làng suốt ngày hôm đó đã quần nhau với hổ. Tiếng súng, tiếng chiêng trống, tiếng hò hét ầm ĩ. Vòng vây bắt hổ cứ khép  chặt  dần. Cuối cùng hổ chạy lên núi rồi chui vào một cái hầm. Người ta ném lựu đạn xuống, con hổ lại vọt lên...nó trúng thêm nhiều phát đạn nữa rồi cũng bị bắt. Mười một người giáp chiến với hổ đã bị thương nhưng sau đó đều khỏi cả. Từ đó mọi người mới tin đây là hổ thật.

26/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh đền Cao (4)






                                     Ông Tổ làng Lạc Đạo



          Ở làng Lạc Đạo (chân Đền Cao), vào thời Bắc thuộc xảy ra một chuyện đau lòng nhưng tiếng thơm còn mãi. Ngày ấy, dân làng Lạc Đạo phải sống trong cảnh tàn sát dã man của quân giặc. Nhà nhà đều bị đốt sạch, người người đều bị giết sạch. Sau vụ thảm sát điêu tàn ấy, cả làng chỉ còn sống sót lại có một chàng thanh niên khỏe mạnh,  ẩn được trong một bờ dứa dại mọc um tùm trên bờ giếng chùa Tháp; và 12 cô gái đẹp nhất làng bị bắt giữ để phục dịch và làm lao công cho chúng. Chúng bắt 12 cô san đồi, cuốc đất trồng một vườn hoa lớn và giao hẹn rằng: vườn hoa này sống và tươi tốt thì chỗ này là đất của nước các quan, các quan sẽ đóng lại và ở hẳn đất này. Từ đó ngày ngày các cô gái phải xuống giễng chùa Tháp gánh nước tưới hoa. Cũng vì thế anh chàng thanh niên kia đã được 12 cô gái thay phiên nhau bớt phần cơm của mình nuôi sống.

          Nhưng một hôm không may con chó của giặc đánh hơi thấy hơi người nó sủa mách ầm ĩ vào trong bụi dứa. Bọn giặc bèn lùng sục và dùng gươm phát quang bụi dứa dại. Chúng phạt đứt một cánh tay của chàng thanh niên nọ. Nhưng giữa lúc ấy một con cáo trong bụi dứa chạy vụt ra chạy mất. Con chó vội đuổi theo con cáo. Anh thanh niên nhờ vậy mà thoát chết.

          Ngày tháng qua đi, quan hệ giữa chàng trai và 12 cô gái càng thêm mật thiết. Các cô vẫn tưới hoa và bí mật nuôi dấu chàng thanh niên ẩn mình trong bụi dứa. Rồi một hôm chàng nghĩ ra một kế: ngầm sai các cô gái lấy nước sôi tưới nhẹ từ xa vào gốc làm cho những cây hoa héo dần đi.Các cô gái đã kín đáo làm theo kế sách của chàng trai. kết quả là vườn hoa chết héo cả. Thấy vườn hoa chết bọn giặc cho rằng đất này không ở được và lẳng lặng rút quân về nước.

          Cả 12 cô gái đã thuận tình kết hôn với một chàng trai cụt tay. Chẳng bao lâu họ sinh con đẻ cái đầy nhà. Họ lần lượt đặt tên cho các con theo họ mẹ: họ Dương, họ Trần, họ Mạc, họ Nguyễn, họ Cao, họ Hoàng...là những họ lớn ở An Lạc ngày nay. Mỗi họ lại ra sinh cơ lập nghiệp ở một chòm xóm riêng quanh vùng. Ông chồng già yếu rồi mất vào ngày 15 tháng 10. Vì thế  ngày nay cả làng Lạc Đạo hàng năm đến ngày đó vẫn làm giỗ Cụ Tổ Cụt.


25/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh đền Cao (3)






                             Chuông lại hoàn chuông


          Đền Cao có hai cái chuông: một to, một nhỏ. Năm 1950, quân Pháp đống ở đồn Thiên vào đền lấy đi hai cái chuông mang về bốt thiên để làm hiệu lệnh, hay định mang về chính quốc để làm đồ cổ thì không rõ.

          Chỉ biết rằng từ hôm mang chuông về đồn Thiên quân ngụy và những người bị bắt lên đồn làm phu đều bỏ trốn; còn Tây thì xuống đến làng nào cũng bị đánh: chết và bị thương rất nhiều.

          Hỏi ra chúng mới biết là tại chúng đã lấy chuông ở Đền Cao nên bị thần linh quở phạt. Từ hôm ấy, chúng không dám để chuông trên đồn nữa mà lệnh cho dân làng lên đồn  mang chuông về.



          Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có một bọn trộm đem xe máy lên đền lấy trộm đi mất quả chuông con.

          Bà coi đền thấy mất chuông bèn thắp hương kêu cầu các Thần.Quả nhiên ba tháng sau, có một ông ở phố Thiên nhắn về là ông đã nhìn thấy cái chuông con ở Đền Cao vứt ở thùng đất nhà mình. Bà con ở Đền Cao lại đi mang chuông về.

          Không rõ vì lý do gì mà quả chuông đã được đánh sạch sẽ bóng loáng rồi mà kẻ trộm vẫn không dám mang đi đành phải vứt trả lại. Dân trong vùng thì nói rằng các vị Thần Đền Cao rất thiêng nên các ngài đòi lại.



 24/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Truyền thuyết và mấu chuyện xung quanh đền Cao (2)






                                             Đôi voi đá

          Đôi voi đá đặt ở phía trước sân chính điệnVôi được tạo trên hai phiến đá hoa cương, nét thời gian đã làm rêu phong cổ kính.
          Chuyện kể rằng: cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi. Năm vị công thần họ Vương được phong Phúc thần thượng đẳng. Đền thờ được đặt ở Đền Cao. Từ đó về sau có nhiều cuộc xâm lước của các triều đình phong kến Trung Quốc sang nước ta. Có cuộc ngắn ngày, có cuộc dài ngày. Giặc phương Bắc phá cả những quả núi mà chúng cho rằng đó là đất phát, có vượng khí, nhất là những thế đất có long mạch phát Đế phát Vương.
          Một lần chúng kéo đến phá hai đầu voi ở núi Bàn Cung (đào sạt hai đầu núi có hình đầu voi). Việc làm ngang ngược ấy đã động đến các thần ở Đền Cao và các thần đã ra tay trừng trị. Quân chúng đánh trận nào thua trận ấy, rồi ốm bệnh, rồi đánh lộn nhau, rồi đột tử chết không biết bao nhiêu mà kể...
          Trong đội quân xâm lược ấy có một pháp sư biết rõ sự này nên đã tâu trình với bản quốc. Chúng phải tạc đôi voi này mang sang để tạ thần Đền Cao và lui binh về nước.
          Đôi voi đá ở Đền Cao có nghệ thuật tạo hình khá đặc sắc. Đường chạm khắc nhẹ nhàng thanh thoát không tạo nét kỳ khu nhưng lại đặc tả được thần tượng và sức vóc, gợi sự khỏe khoắn mà thâm trầm. Nó vừa có dáng tĩnh của voi đứng lại vừa có vẻ động của voi đi, rất hiếm thấy.

23/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

Xóm ngoài đổ đương bê tông










22/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Truyền thuyết và mẩu chuyện xung quanh đền Cao (1)






                             Năm anh em sinh từ một bọc

          Truyện kể rằng ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh tu nhân tích đức, làm ăn ở Dược Đậu Trang đã mấy năm, vẫn chưa có con, trong lòng lấy làm phiền muộn.

          Một đêm kia bà Đào Thanh nằm mơ thấy mình ngủ giữa trời, bỗng nhiên có 5 ngôi sao sáng lần lượt bay vào miệng bà. Sáng ra lấy làm lạ bà bèn kể với chồng. Buổi chiều đi làm về bà ra sông Nguyệt Giang tắm, từ đấy bà cảm thấy người đổi khác.

          Sau chín tháng mười ngày, bà Thanh sinh ra một cái bọc. Trong có ba con trai và hai con gái. Ở nửa ba người con trai có màng bọc đỏ chói. Ở nửa hai cô con gái có màng bọc màu xanh. Ông bà vô cùng phấn khởi, sau một năm mới đặt tên cho là Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu.

          Năm anh em gắn bó yêu quý nhau hết mực. Ngày tòng chinh theo Lê Đại Hành đánh giặc, cả năm anh em đều lên đường. Lúc chiến thắng vua cho mời họ lai kinh báo tiệp, đáng lẽ ba người anh trai về trước, hai người em gái về sau, nhưng cả năm người một mực xin nhà vua cho họ ở lại cho hết thời gian chịu tang cha mẹ.

          Rồi chẳng may người anh cả Vương Hồng Minh chết đột ngột, bốn người em còn lại cứ âu sầu buồn bã, héo mòn theo nhau chết cả.

          Người ta bảo vì họ ở cùng một bọc cho nên tâm tính giống hệt nhau, cơ thể giống hệt nhau, nên sống chết cũng cùng nhau.

22/01/2015
Đỗ Đình Tuân 


Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THẦN TÍCH ĐỀN CAO XÃ AN LẠC



                 

                             Bản dịch ngọc phả

                        Bản tóm tắt doNguyễn Bỉnh soạn
                          Thiếu Khanh Nguyễn Hiền sao

          Hoàmg triều Vĩnh Hựu thứ 3, tháng  mùa đông, ngày lành, Điện quản giám bách thần, nhân chức Thiếu khanh, tôi Nguyễn Hiền tuân phụng sao như chính bản tiền triều.

          Tiều Lê trong dòng người Việt công thần giúp nước có nhiều công lao lớn nổi bật đáng được sắc phong là:
          Ba vị Đại Vương, hai vị Công chúa ghi trong Ngọc Phả sau đây(Triều Lê bản chính, công thần quyể bốn thuộc tám bộ).
          Sự tích Việt Nam xưa Đức thánh tổ Hoàng Đế xây dựng cơ nghiệp, hoạch định cương vực khai sáng nước Việt là họ Hùng, mười tám đời ngự trị. Trời Nam đại quý sáng lập nên thành đô, dựng nên vạn vật làm nên cơ đồ rạng rỡ.
          Những người giúp nước có công lao trung nghĩa, dù thần thánh hay người trần, sống hoặc chết nhưng công loa sự nghiệp vẫn còn, tiếng thơm mãi mãi cùng sông núi, đạo đức sáng cùng mặt trăng mặt trời.
          Lại nói nước Nam có họ Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ đều anh hùng cai trị nước ta. Thời Tiền Lê vua Lê Đại Hành cai trị đất nước lòng nhân như trời như bể, trí dũng như thần như thánh chuyên việc lấy đức cùng dân làm gốc. Người đời đều gọi là vua quý.
          Lại nói cũng trong thời ấy ở Dược Đậu trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương có một gia đình ở vào bậc trung ăn ở nhân hậu có tiếng, họ Vương tên là Tĩnh, vợ họ Đào tên là Thanh. Vợ chồng thương quý nhau, gia đình thuận hòa đầm ấm. Bà Thanh có thai, ăn uống khác thường chọn toàn các thứ ngon mà trong sạch. Tới kỳ sinh nở bà sinh ra một bọc được 5 người con: ba trai, hai gái (Đó là ngày 26 tháng 10 vào giờ Mão). Con trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú, vẻ võ tướng đã hiện trên nét mặt, khác hẳn người thường. Con gái mặt như hoa, da như phấn không vương chút bụi trần, môi tựa son tô dáng vẻ chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, như bậc thần nữ trong giới quần thoa.
          Cha mẹ nuôi nấng được một năm mới đặt tên:
                   -Con trai thư nhất họ Vương húy là Đức Minh.
                   -Con trai thứ hai họ Vương húy là Đức Xuân.
                   -Con trai thứ ba họ Vương húy là Đức Hồng.
                   --Con gái thứ tư họ Vương húy là Thị Đào.
                   -Con gái thứ năm họ Vương húy là Thị Liễu.
          Sau khi đặt tên, thấm thoát thoi đưa, ngày qua tháng lại, năm người con đã mười hai tuổi, cha mẹ cho đi học. Học được hai năm đã làu thông văn, truyện. Năm anh em mười tám tuổi, chẳng may cha mẹ đều mất (Ngày 6 tháng 3).
          Lại nói, thời ấy nước ta nhà Đinh vận mạt không đương nổi gánh nặng Quốc gia, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, niên hiệu là Thiên Phúc, phải lo phòng giữ đất nước.
          Cũng năm ấy, giặc Tống Xâm lược. Nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo, Quách Tiến làm tướng chia quân làm hai đường thủy bộ đánh thẳng vào thành trì nước ta. Nhà vua thân hành đi dẹp giặc. Qua trấn Hải Dương thuộc địa giới Dược Đậu Trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách thì trời đã chiều. Vua cho dừng lại và đóng đại bản doanh ở đó. Tại đây vua truyền hịch cho các bậc hiền tài ở khắp nơi về ứng tuyển.
          Năm anh em họ Vương đều vào yết kiến nhà vua. Sau thử tài vua thấy cả năm người trí dũng khác thường, nhà vua trọng dụng. Năm anh em cùng làm tướng theo vua chống giặc. Cả năm vào trận đều bách chiến bách thắng. Vua yêu mến phong cho ba người anh là Đại tướng, phong cho hai em là Mẫu nghi thiên hạ.
          Các vị nhận phong lại tiếp tục theo vua đánh giặc. Ba ông và hai bà chỉnh đốn quân ngũ chia quân thành hai đạo thủy bộ tấn công quân Tống. Giặc Tống không kháng cự nổi, thua to, hoảng sợ bỏ thành trì mà chạy. Từ đó nước ta yên bình.
          Quân chiến thắng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi rồi về Dược Đậu Trang. Vua cho hạ trại ăn mừng bảy ngày(từ ngày 14 tháng 11). Hết bảy ngày vua cùng các tướng trở về kinh đô. Năm vị tướng họ Vương xin được ở lại cho đủ năm để chịu tang cha mẹ, mãn tang sẽ vào triều đình bái yết
          Chẳng may năm ấy cả năm vị họ Vương cùng mất. Nhân dân trong vùng lấy làm thương tiếc và không khỏi lạ lùng. Đã làm biểu dâng lên nhà vua tâu trình về sự hệ trọng ấy. Vua xem biểu thương xóta năm vị công thần có công với nước liền sai sứ thần trở về dân trang tổ chức lễ phúng viếng. Và truyền cho nhân dân trong vùng lập nên bốn miếu để thờ phụng, ban cho hai mươi bốn mẫu công điền cầy cấy để cúng lễ. Vua sắc phong cho năm vị họ Vương Thượng đẳng phúc thần:
          -Ông thứ nhất: Thiên Bồng đại tướng quân Đại vương- Đền lập tại núi Thiên Bồng (tên gọi Đến Cao).
          -Ông thứ hai: Dực thánh linh ứng Đại vương-Đền lập tại khu đất bằng trước làng (tên gọi Bến Tràng).
          -Ông thứ ba: Anh vũ Dũng lược Đại vương-Đền lập tại trước trang cạnh sông (tên gọi Bến Cả).
          -Bà thứ tư: Đào Hoa trinh thuận Công chúa-Đền lập đầu trang (tên gọi Đền Cả).
          -Bà thứ năm: Liễu hoa linh Công chúa- Đền thờ cùng với Đền Cả.
          Cứ mỗi năm vào 24 tháng Giêng đầu Xuân lại làm đại lễ cả dân thờ cúng, lễ dùng hương hoa cỗ chay.
          Năm Hồng Phúc Nguyên niên mùa xuân ngày lành, tôi là Nguyễn Bỉnh, Hàn lâm các học sĩ kính soạn

                           Ngày 1 tháng 2 mùa xuân năm Canh Thìn
                                  Kính sao bản chính ở Đền Cao

21/01/2015
Đỗ Đình Tuân 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...