Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Chúc người ở tuổi 70



Chúc ai sang tuổi bẩy mươi
Nỗi lo bớt bớt, nụ cười thêm thêm
Câu thơ, chén rượu liền liền
Ngày ngày ngâm ngợi, đêm đêm giấc dài
Chăm vườn ẵm cháu hôm mai
Gánh lo toan để kệ người toan lo
Qua sông đã cập bến đò
Lo chăng, lo cái con bò trắng răng.


26/1/2012
(mồng 4/Tết/Nhâm Thìn)
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Lời cầu chúc đầu năm




Đầu năm nhờ mạng Tri Ân
Gửi lời cầu chúc xa gần, thân quen
Thầy trò, bầu bạn, anh em…
Mừng xuân chơi tết Nhâm Thìn cực vui
Sang năm tiếp tục yêu đời
Yêu làng, yêu nước, yêu người …vân vân…

23/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

BẢNG CẬP NHẬT CÁC VẾ ĐỐI LẠI

  

        Vế ra: Đến Đông Triều gặp cô luyến tương tư

Thứ tự
Ngày  tháng…
Các vế đối lại…
1
19/1/2012
Về Sao Đỏ thấy thày Tư lưu luyến.
                                               Thanh Dạ
2
19/12/2012
Sang phố Hóp thấy chị Kim do dự.
                                      Vũ Thị Song Thu
3
19/12/2012
Ra Sao Đỏ thấy bá Hường khỏe mạnh
                                     Vũ Thị Song Thu
4
20/12/2012
 Vào Nha Trang thấy cô Kim ngắm cảnh
                                                    Trò Hương 
5
20/1/2012
 Đi Siêu thị xem Vân Anh trúng thưởng
                                                   Trò Hương


Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Lại ngẫu hứng cho cả làng đối được


           
Sáng hôm nay, ra rửa ảnh ở cửa hàng Tuấn Trọng, trông thấy bà Luyến đi đường bên kia, chào với một câu, nhưng nàng lơ đãng không nghe tiếng nên không trả lời. Tự nhiên tôi nghĩ bụng “Chắc lại đang nhớ anh Tư chăng?”. Vừa nghĩ vậy xong thì ngẫu hứng bật ra một vế đối: “Ra ngoài phố gặp bà Luyến tương tư”.Tôi cứ hí hứng thích thú một mình mãi với cái vế đối vừa nghĩ ra. Định rửa ảnh xong về nhà sẽ tung ngay lên mạng thách cả làng cùng đối cho vui.  Nhưng rồi khách khứa, gà qué, vườn tược suốt không lúc nào ngồi vào máy được. Nhưng vừa làm vườn tôi vừa suy nghĩ và thấy rằng nếu cứ nguyên xi như lúc ban đầu thì tính văn nghệ chưa cao. Tính văn nghệ phần lớn được hình thành từ yếu tố hư cấu. Nói nôm na tức là phải biết bịa thêm ra thì nó mới hay được.
Nhưng “bịa ra” như thế nào trong trường hợp cụ thể này? Nghĩ mãi tôi mới hé ra được mấy ý: Thứ nhất là để từ “bà” tuy thật đấy nhưng già quá không hợp với mùa xuân. Thứ hai là để ở Sao Đỏ cũng thật quá, nhỡ như bà Luyến cũng đọc mạng (cố nhiên là khả năng rất ít) bà ấy kiện thì sao? Đành rằng ở Sao Đỏ cũng đầy bà có tên là Luyến. Nhưng thôi để cho an toàn cứ chuyển béng cái địa điểm sang một huyện khác. Được sự gợi mở của các ý trên tôi bèn thay đổi độ tuổi của nhân vật và địa điểm xẩy ra câu chuyện. Nguyên văn vế đối ấy bây giờ thành:

 ĐẾN ĐÔNG TRIỀU GẶP CÔ LUYẾN TƯƠNG TƯ !

Không ngờ sau khi bịa ra như thế câu chuyện tình bỗng trở thành trẻ trung, xuân sắc và cũng chân thực hơn rất nhiều . Bời vì bây giờ nó đã thành một câu chuyện cũ của ba, bốn mươi năm về trước. Vì thế tôi tự cho rằng đây là một vế đối hay và rất dễ đối. Tôi cũng tin rằng các vế đối lại sẽ có nhiều vế đối cực hay. Xin mời mọi người hãy tham gia và cùng chời đợi.

18/1/2012
Đỗ Đình Tuân 


Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Kết quả tiết mục “Mời đối ngày cuối năm”


                  
                             
Từ hơn một tháng nay xóm mạng Tri Ân sôi nổi với trò chơi câu đối. Cuộc chơi “Mời đối ngày cuối năm” cũng chỉ là một  tiết mục nhỏ trong rất nhiều tiết mục mời đối, thách đối đan cài vào nhau, làm cho dân làng nhốn nháo rối tinh rối mù cả lên không biết nên chơi chỗ nào bỏ chỗ nào. Thôi thì cũng ngó chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo như người đi xem hội vậy.
Trong một không khí như thế thì trò chơi “Mời đối ngày cuối năm” rồ lên một tý rồi chìm nghỉm, tắt lịm cũng là dễ hiểu. Nhưng đã nói thì phải làm, đã hứa thì phải thực hiện. Trong bài “ Vài ý kết thúc…” tôi đã chọn ba vế đối gần trùng với vế tự đối vào vòng chung kết và xin ý kiến bình chọn của dân làng. Nhưng dân làng ít người tham gia bầu chọn quá. Tôi xấu hổ không giám công bố số phiếu bầu nên đành áp dụng nguyên tắc thể thao: ai cán đích trước thì được. Theo nguyên tắc này thì Minh Hương là người trúng giải.
Vì số “tiền thưởng” quá nhỏ, nên không tiện gửi qua đường bưu điện, theo sáng kiến của “cánh trẻ nhà này” đành chuyển số tiền thành “thẻ điện thoại” và gửi vào tài khoản điện thoại của Minh Hương. Xin mọi người hãy chia vui cùng Minh Hương, bởi một tỷ tiền công cũng không bằng trăm ngàn đồng tiền thưởng?
Ấy là chuyện riêng của một tiết mục “Mời đối ngày cuối năm”. Còn các tiết mục khác cũng rất hay làm cho vụ đối của xóm mạng mình rất hiệu quả. Ngay cả câu mời đối ngẫu hứng của tôi thôi mà cũng lập tức có những vế đối lại khá hay và lý thú. Chẳng hạn như vế đối của Nguyễn Khắc Nguyệt: đem Ăn tái sướng tê mà đối với Nhìn sung thấy sướng thì về mọi phương diện đều rất chuẩn.
-Về đối chữ: thì sung sướng là một nội động từ (động từ chỉ hoạt động tâm lý, khác với ngoại động từ chỉ hoạt động cơ bắp và các hoạt động của giới tự nhiên bên ngoài)- đối lại tái tê cũng là một nội động từ. Sung sướng là một từ ghép cùng phụ âm đầu s-đối lại tái tê cũng là một từ ghép cùng phụ âm đầu t.
-Về đối nghĩa: thì sung sướng là một trạng thái tâm lý Vui vẻ hạnh phúc- đối lại tái tê lại là một trạng thái tâm lý đau buồn khổ não. Đây là trường hợp đối tương phản. Nhưng trong đối nghĩa vẫn có thể đối tương đồng. Chẳng hạn có thể dùng hân hoan đối với sung sướng
-Về đối thanh: thì sung sướng có thứ tự thanh điệu là B-T(bằng-trắc)-đối lại tái tê lại có thứ tự thanh điệu hoàn toàn ngược lại T-B (trắc-bằng)
-Về lối chơi chữ: thì ở vế ra dùng hai động từ nhìn thấy để tách ghép với từ sung sướng thành nhìn sung thấy sướng-đối lại ở vế đối cũng dùng hai động từ ănsướng để tách ghép với từ tái tê thành ăn tái sướng tê…
Đối lại phải như thế thì mới chỉnh và hay được    
Ở nhiều tiết mục đối khác cũng đều có những vế đối lại chỉnh và hay. Với cách chơi như xóm mạng ta thế này, tôi tin vụ đối sang năm của xóm ta có khả năng còn hay hơn nữa, nếu như cư dân xóm ta còn hứng và trò chơi câu đối vẫn tiếp tục được duy trì.
Xin cám ơn.

18/1/2012
Đỗ Đình Tuân





Nên bớt tự hào



Họa thơ Thanh Dạ

Mang tiếng con Rồng với cháu Tiên
Tràn lan tiêu cực khắp ba miền
Sánh cùng thiên hạ ngày thêm tụt
Vẫn nghĩ rằng ta giỏi với hiền?

17/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Cám ơn Ngọc Hoàng



Họa thơ Thanh Dạ
       (Lần 2)

Ngọc Hoàng thưởng mỗ cục vàng to
Hết cảnh bần hàn lấm trấu tro
Bè bạn sang chơi xin thả cửa
Cháo ngan, rượu sếch với chè kho…

17/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Nhờ Táo Quân




Tri Ân suốt một năm rồi
Kẻ hay viết tục, người lười tham gia…
Chầu giời Táo chớ nói ra
Xin cho đóng cửa trong nhà sửa sai
Ra giêng ngày rộng tháng dài
Chứng nào tật ấy không ai sửa gì
Nghe xong Nhà Táo cười khì
Sửa hay không sửa tùy nghi bọn mày
Chầu giời Nhà Táo hôm nay
Nói toàn cái tốt cái hay ở đời
Ngọc Hoàng chắc sẽ cực vui
Gia ơn lưu phúc các người to hơn.

16/1/2012
(23/tháng Chạp/Tân Mão)
Đỗ Đình Tuân

Rồng đen



Hoạ thơ Thanh Dạ

Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cầy
                            (Ca dao)

Đầu rồng vừa dữ lại vừa to
Lưỡi đỏ răng vàng cổ xám tro
Bão lũ trông xa chuồn tắp lự
Trần gian ngũ cốc lại đầy kho.

15/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Ngày xuân Nguyễn Khuyến dạy con


                      

Trong các nhà thơ thì có lẽ Nguyễn Khuyến là người để lại nhiều bài thơ dạy con hơn cả. Ông viết bằng chữ Hán rồi lại tự dịch sang chữ Nôm. Có lúc ông dạy chung các con , có lúc ông lại dậy riêng cụ thể từng người. Thông thường, người ta cũng chỉ “dạy con từ thuở còn thơ”, vì “bé không vin, cả gẫy cành”. Nguyễn Khuyến có khác hơn. Ông lại đặc biệt quan tâm đến việc dạy con ở tuổi trưởng thành. Bài thơ đầu tiên nói đến chuyện dạy con của Nguyễn Khuyến cho biết:
汝父风塵鬓漸斑
汝年今亦以加冠
Nhữ phụ phong trần mấn tiệm ban
Như niên kim diệc dĩ gia quan
                                    Xuân nhật thị nhi
Cha của con trải cuộc đời gió bụi tóc đã dần điểm bạc
Con năm nay cũng đã đến tuổi đội mũ rồi.
                                    Ngày xuân dạy con
Theo lễ giáo ngày xưa,  con trai đến hai mươi tuổi, thì làm lễ đội mũ. Cho nên tuổi đội mũ tức là tuổi hai mươi-tuổi đã trưởng thành-chuẩn bị bước vào đời. Lúc này Nguyễn Khuyến còn đang làm quan cho nhà Nguyễn. Lòng ông còn mang nặng ơn vua, chí ông còn hăm hở việc đời, cho nên trong lời dạy con trước hết ông vẫn nhắc đến ơn vua; sau mới nhắc tới nghiệp nhà. Điều tâm huyết ông căn dặn con lúc ấy vẫn là dạy về sự học:
学海要疑防泛逸
儒家慎勿魘飢寒
Học hải yếu nghi phòng phiếm dật
Nho gia thận vật thị cơ hàn
                                    Xuân nhật thị nhi
Biển học cần phòng ngừa sự phù phiếm tràn lan
Làm nhà nho nhất thiết không được sợ đói rét
                                    Ngày xuân dạy con
Câu thơ là một trải nghiệm sâu sắc, chứng tỏ một quan niệm học tập khá thiết thực và vì thế nó thật sự là một lời nhắc nhở bổ ích, có thể liệt hạng vào hàng những danh ngôn về khuyến học.
Nhưng trước việc triều đình nhà Nguyễn cứ dần dần lùi bước trước họa xâm lăng và cuối cùng thì cam tâm làm nô lệ cho thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến ngày càng tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Chính lúc nhà Nguyễn thăng chức cho ông làm tổng đốc Sơn Tây thì ông đã khéo léo cáo bệnh để xin nghỉ chức. Ông trở về quê cũ, sống cuộc đời thanh bần với biết bao nỗi niềm u ẩn khôn khuây. Từ đó trong những lời dạy con của ông cũng đổi khác. Ta không còn thấy ông nhắc đến ơn vua nghiệp đời nữa mà chỉ còn thấy ông nhắc đến nghiệp nhà, bằng những câu thơ chân thực, ý vị và phảng phất nét ngang tàng kín đáo:
清貧吾自爱吾廬
群居不滿九高土
素業無他一束書
Thanh bần ngô tự ái ngô lư
Quần cư bất mãn cửu cao thổ
Tố nghiệp vô tha nhất thúc thư
                                    Xuân nhật thị chư nhi
Trong cảnh nghèo trong sạch ta vẫn yêu ngôi nhà tranh của ta
Khu nhà ở quây quần không đấy chín sào đất
Nghiệp cũ chẳng có gì ngoài một bó sách
                                    Ngày xuân dạy các con
Với các con bây giờ, ngoài việc “khuyến học” ông còn “khuyến làm” nữa:
而曹或可承吾志
筆研無荒稻菽蔬
Nhi tào hoặc khả thừa ngô chí
Bút nghiễn vô hoang đạo thúc sơ
                                    Xuân nhật thị chư nhi
Các con nối chí cha nên nhớ
Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà
                        Ngày xuân dạy các con (Nguyễn Khuyến tự dịch)
So với đương thời và so với Nguyễn Khuyến trước đó, tư tưởng này thật quá mới mẻ. Dường như ông đã có ý thức giáo dục con cái trở thành những con người lao động có tri thức và biết làm người, chứ không phải để trở thành những ông quan.
Sau này, nỗi buồn mất nước càng giày vò ông, làm ông sớm già nua tiều tụy. Trong thơ ông tự kể, mới có năm mươi ba tuổi mà “tóc râu” đã “phờ”, mà tinh thần dường như cũng tê dại: “Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ”. Vậy mà ông vẫn khắc khoải mong con sống có ích, không bỏ phí thời gian vào rượu chè, đàn hát:
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
                        Ngày xuân dạy các con (Nguyễn Khuyến tự dịch)
 Nguyễn Khuyến đã thật sự chán ghét chốn quan trường lúc đó. Ông không muốn dính vào và càng không muốn cho con mình phải dính vào. Nhưng trước sự o ép của bọn quan lại tay sai, cực chẳng đã ông đành phải dùng cách “hình nhân thế mạng”, cho con ra làm quan thay mình. Vì thế khi con ra làm quan ông viết liền mấy bài dạy con. Nội dung đại ý ông khuyên con: không chạy theo danh vọng, phải giữ vững khí tiết, chỉ nên làm chức quan nhỏ thôi (quan giữ cửa), từng ngày tùy việc mà ứng phó, hãy gia ơn và khoan thư cho dân, hãy vượt qua sóng gió của cuộc đời làm quan, bằng mái chèo “khinh tâm”(xem thường), hãy nhìn cuộc lợi trước mắt bằng “lãnh nhãn” (con mắt lạnh nhạt)… Và thâm thúy nhất là ông đã kín đáo nhắc con:
浪注金銀囊以罄
不知何賭局將殘
Lãng chú kim ngân nang dĩ khánh
Bất tri hà đổ cục tương tàn
                                    Thị tử Hoan
Chớ rót bừa tiền bạc đến nhẵn túi
Không biết canh tổ tôm đã sắp tàn.
                                    Dạy con là Hoan
Đọc tiếp hai câu sau ta mới thấy đây là một cái nháy mắt nhắc khéo con rằng: không nên dấn thân, không nên hết sức vào cái chế độ xã hội đang tàn tạ đương thời.

                            Từ đường nguyễn Khuyến
15/1/2012
ĐỖ Đình Tuân

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Vài ý kết thúc cuộc vui “Mời đối ngày cuối năm”

     

Ngày 10/12/2011 trên Tri Ân cuộc đời có đăng bài THÁCH ĐỐI, toàn văn bài thách đối ấy như sau:
“Kính thưa toàn thể cư dân xóm Tri Ân!
Tết Nhâm Thìn sắp đến với tất cả chúng ta, có một độc giả mến mộ văn tài của các cư dân xóm ta gửi đến một vế đối để thách đối với giải thưởng là rượu Phú Lộc đủ cho cả xóm ta say lướt khướt.. Sau đây là vế đối:- Tết Thìn tới, trời trong trẻo thắm tươi, toàn tuổi trẻ tâm tình thủ thỉ  Kính mong bà con ta cùng thể hiện để nhận thưởng”.
Từ đấy phong trào chơi câu đối trên Tri Ân bắt đầu nảy nở và phát triển ngày càng “rầm rộ”. Hòa vào phong trào ấy, ngoài việc tham gia dự đối, bàn luận về câu đối…đến ngày 28/12 tôi cũng nảy ra ý định mời xóm Tri Ân dự đối vui. Nguyên văn bài mời đối ấy như sau
Mời đối ngày cuối năm
Nhân ngày cuối năm, Đỗ Đình Tuân tức hứng bật ra một vế đối cũng hơi ngồ ngộ. Thấy cũng có vẻ vui vui và dễ đối, nên muốn mời dân làng xóm Tri Ân cùng dự đối cho vui. Vì vế đối dễ nên nếu chỉ yêu cầu đối chỉnh thôi thì quá đơn giản. Vì thế người thách đối có yêu cầu  hơi khác thường một chút là: người dự đối vừa phải đối chỉnh vừa phải trùng với vế tự đối của tác giả.
Ai có câu đối trùng với vế tự đối của người thách sẽ được trả nhuận bút 100.000 đồng tiền Việt Nam. Trường hợp có nhiều câu đối trùng nhau thì chọn câu sớm nhất được đăng trên Tri Ân để chi trả. Vậy xin kính báo.
Vế đối ngẫu hứng bật ra là:
            -Vợ ông Ba, bà Ba là bà cả !
Trong 8 ngày đầu tháng 1/2012 cuộc mời đối đã có 7 tác giả tham gia dự đối với tổng số là 17 vế dự đối. Trong thực tế thì cuộc đối cũng đã kết thúc từ ngày 9/1/2012. Hôm nay tôi xin có vài lời kết thúc. Trước hết tôi xin công bố vế tự đối của tôi là:
            -Con má cả, cậu cả là anh hai
            Trong tiếng Việt giữa miền Bắc và miền Nam có một số khác biệt. Chẳng hạn trong cách gọi con người miền Bắc gọi người con thứ nhất là con cả, các con tiếp theo là thứ và người con cuối cùng là út. Riêng con giai thì người lớn nhất gọi là con trưởng  (chịu trách nhiệm trông coi việc hương khói cho bố mẹ sau này). Như vậy con trưởng là con thứ và con út là rất thường gặp. Cách gọi các con bắt đầu từ số 2 chỉ là cách gọi riêng của miền Nam. Trong vế tự đối tôi dùng “Con má cả” chỉ để miền Nam hóa và làm cho phân câu sau “cậu cả là anh hai” được chính xác hơn. Ở phân câu này chữ  “là” có thể thay bằng “tức” hoặc “gọi” nhưng nếu dùng “tức”, hoặc “gọi” thì thực chất vẫn có chữ “là” cho ngầm ẩn đi thôi, chứ nói cho đầy đủ thì phải dùng “tức là” hoặc “gọi là”. Vì thế dùng “là” vẫn tốt hơn cả cho dù nó có trùng từ với vế ra, nhưng yêu cầu ở loại đối phú không bắt buộc phải chặt chẽ như ở tiểu đối hoặc đối thơ.
            Trong 17 vế dự đối có 3 vế gần trùng với vế tự đối của tôi:
            -Chồng mợ cả, cậu cả tức cậu hai
                                                            Minh Hương
            -Chồng bá cả, bác cả tức bác hai
                                                Vũ Thị Song Thu
            -Chồng bà cả, ông cả tức ông hai
                                                Tạ Anh Ngôi
            Tôi xin chọn ba câu ấy cùng vào vòng chung kết. Xin mời cư dân xóm mạng Tri Ân bình chọn cho người nhận giải. Ý kiến bình chọn xin đăng vào phần nhận xét của bài này. Kết quả tôi xin công bố vào ngày tất niên của năm Tân Mão. Xin trân trọng cám ơn.
            14/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Tái bút:
Chiều qua vợ chồng thằng trưởng (Đỗ Nguyên Nhật) lại xe xuống cho bố một cây sung cảnh để vui tết. Sáng nay nhân pha trà tiếp khách ngồi uống trà nhìn ra sân thấy cây sung cảnh bèn tức hứng nảy ra vế đối. Cũng không giám mời những xin in lên đây để ai thấy hứng và đồng cảm thì cùng đối cho vui. Câu tức hứng ấy là:
-Nhìn sung thấy sướng

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Hai mươi tám vì sao


二十八秀

夜月香光盛秀中
詢秋草操孟河风
景金貴寪長扁使
私世英隗奉德容

Nhị thập bát tú

Dạ nguyệt hương quang thịnh tú trung
Tuân thu thảo thạo mạnh hà phong
Cảnh kim quý vĩ trường biên sử
Tư thế anh ngôi phụng đức dung...


Hai mươi tám vì sao

Tri ân hai tám vì sao
Nghe tên bẻ chữ tên nào cùng hay
Ra đời hơn một năm nay
Thơ văn xướng họa càng ngày càng rôm

(thừa một ngôi sao đành ngầm hiểu ở ... vậy)

12/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Đối với Tạ Anh Ngôi


Vế ra:
-Chồng tê vợ cũng tê, rủ nhau đến phố tê, ăn cháo tê tê, nóng tê cả lưỡi;
Các vế đối:
-Ông thứ bà lại thứ, lái đò sang Phú Thứ, chọn mua thứ thứ, mỗi thứ một ngôi.

-Kẻ khoái người không khoái, xin mời sang phủ Khoái, tìm nơi khoái khoái, vẫn khoái như ai. 

Phụ chép:
Tự chúc
Xuân mới sắp sang tớ chúc tớ
Năm Rồng sẽ có nhiều mừng rỡ
Lăm lăm tay cuốc tỏ oai vườn
Quăm quắp chòm râu không sợ vợ
Hắn quát thì mình cứ lặng yên
Hắn cười thì ta cũng hơ hớ
Không may đụng độ phải giao tranh
Cái sỏ cái tai nhất định vỡ.

11/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Mơ chúc Việt Nam




Nhâm Thìn mơ chúc Việt Nam ta
Gỡ rối năm nay gỡ được ra
Lạm phát ghìm cương đi nước kiệu
An sinh cải thiện vượt thêm xa
Quan tham bỗng chốc thành liêm khiết
Hiến pháp tự nhiên hóa cộng hòa
Nước bé nhưng không thành nhược tiểu
Tự cường tự chủ trước Trung Hoa.

Ảnh minh họa: cây bòng bong

11/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Đối với Thanh Dạ

Vế ra:

-Hết năm Mão, mèo còn xin mũ mão;

Vế đối:

-Đến tháng Dần,* cọp thêm tỏ oai hùm.

* Tháng giêng khởi dần

10/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Mơ chúc nhân loại



Năm Thỏ qua đi lại đến Rồng
Chúc toàn nhân loại chóng thành công
Khó khăn kinh tế mau qua khỏi
Ô nhiễm không gian giảm bất đồng
Đại quốc thôi chơi trò dậm dọa
Tiểu bang chống đỡ khỏi long đong
Mèo đen mèo trắng chung vồ chuột.
Bốn biển năm châu sớm đại đồng.



10/1/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

BẢNG THEO DÕI THAM GIA DỰ ĐỐI TUẦN I (2-9/1/2012)


                          
Thứ tự
Ngày tháng
Văn bản và tác giả
1
1/1/2012
1- Chồng mợ Cả, cậu Cả  tức cậu Hai.
2- Chồng thím Bảy, Chú Bảy là chú Út
                                                             (Trò hương)
2
1/1/2012
A   1-Anh tên Đẻ, anh Đẻ là con nuôi.
                                                              (Thanh Dạ)


3
1/1/2012
 1, Chồng bá cả, bác cả tức bác hai
 2, Chồng thím Bốn , chú Bốn là chú ba
  Vũ Thị Song Thu
4
1/1/2012
Chồng cô Tư, chú Tư tự: Phu Tứ
VA
5
3/1/2012
Chồng bà cả,ông cả tức ông Hai.
                                                      T A N
6
3/1/2012
Cậu con út, cậu út cũng cậu hai
                                            Thanh Dạ
7
3/1/2012
Chồng cô Út, chú Út tức chú Hai
                                             NKN
8
4/1/2012
1, Con bác trưởng, anh Trưởng tận thứ tư
2, Nhà cụ Thứ, bà thứ tức bà hai

                                            Vũ Thị Song Thu
9
5/1/2012
   1, Chồng thím Tứ, chú Tứ tự thứ tư  (Trò Hương)
   2, Con Cụ Cả, bà cả là bà Ba  (Trò Hương)
10
5/1/2012
  1. Con bà cả, ông cả là ông ba 
                                       (TAN)
11
7/1/2012
Nguyễn Hữu Trung dự đối
(Thày Tuân chưa rõ nội dung câu đối của em là câu nào để cóp vào đây?)
12
8/1/2012
1/ Chồng bà Bảy, ông Bảy lại ông hai
2/ Họ nhà vả, quả vả chính nụ hoa

Lưu ý:
1.                          Đã có rất nhiều vế đối gần trùng với vế đối của người thách, khả năng trùng vẫn có thể xẩy ra.
2.                          Những vì phong trào ra thách đối của làng nở rộ nên “cuộc đối vui lĩnh thưởng” của tôi xin phép được kết thúc sớm vào ngày 15/1/2012 để giành thời gian cho cư dân trong làng dự các cuộc vui khác.
                            Xin trân trọng kính báo
9/1/2012
Đỗ Đình Tuân

                                                     

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...