Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (3)

 
Hương này!
Thày làm mấy gian công trình phụ thôi.Mái lợp ngói hybrô xi măng. Tường xây bằng gach ba banh.Chỉ có thiết bị bên trong là hiện đại.Công trình của thầy gồm các "hạ mục" 12 mét vuông(1 gian) cho cô con gái Đỗ Thị Thương Chi (tuổi hợi 1983, kỹ sư chăn nuôi thú y); 16 mét vuông nhà bếp và nhà ăn.; 12 mét vuông nữa cho: 2 mét vuông toa lét; 4 mét vuông nhà tắm và 4 mét vuông nhà trống để sau này có thể để máy giặt hoặc máy phát điện( nếu như tình trạng thiếu điện cứ dài dài và thành bệnh kinh niên). Còn thày cô thì vẫn ở nhà cũ xây dựng từ 1986, lợp ngói giếng đáy.Căn nhà ấy bây giờ đã dột và xuống cấp rồi. Em chưa vào, nhưng chị Hà của em thì vào rồi. Thày xây dưng căn nhà ấy vất vả lắm. Tự mình lên núi đánh đá về xây móng. Tự mình ra suối gánh cát về tự đóng lấy gạch Ba banh. Căn nhà chỉ vẻn vẹn có 32 mét vuông mà phải xây dựng mất 3 năm, từ 1986 đến 1989. Mãi đến năm 2000 thày mới làm thêm được phần hiên trước rộng 16 mét vuông. Vì thế lần này thày chỉ bỏ ngói Giếng Đáy xuống cho ngói Hybrô xi măng lên (Vì phải thay cây que bề trên). Quây thêm một gian hiên thành phần gian thò để nối liền với công trình phụ mới xây dựng. Vì thế mà "nhà trên" lại vừa thấp, vừa cũ kỹ hơn nhà dưới. Mọi người cứ bảo thày phải "nâng cấp" cái nhà trên cho cao và sang để tương xứng với căn nhà mới xây dựng tuy giản dị, truyền thống nhưng rất hiện đại và sang trọng. Nhưng thày không có tiền vả lại đó còn gắn với kỷ niệm của một thời khốn khó nữa. Đầu tiên thày đưa cô Thu về đây còn phải ở có 6 mét vuông "lều vó" mà cô Thu đã ngỡ ngàng khen thày là "tài thế"! căn nhà ấy vẫn còn ảnh nhưng thày chưa phục dựng được.

Về bài giới thiệu thơ thày Trường.có một chi tiết là bọn đầu gấu đến gọi ra để cảnh cáo. Đó là một đoạn thày đã cường điệu lên để nói cái nguy hiểm của làm thơ trào phúng thời nay. Nghĩa là cái chuyện"Mấy tên đầu gấu" kéo đến nhà mới chỉ nằm trong ý định của họ thôi. Nhưng thực tình thì thày cũng chỉ định đùa vui thôi nên mới gọi cả tên thật ra như vậy chứ có in ấn tuyên truyền gì đâu. Nhiều người đến hỏi thày đều nói vậy
Thày lại có khách đến.Hẹn Hương ở kỳ sau nói tiếp. Cho thày số điện thoại di động. Và gửi cho Thày mấy tấm ảnh thật xinh gái vào để thày được chiêm ngưỡng trò cũ của thày bây giờ như thế nào chứ. Chào em
**

Ban chiều vì có khách nên thày bỏ dở cuộc trò chuyện với Hương. Bây giờ xin tiếp tục.Trở lại thiên truyện "Cha và dì" của em nhé. Đây là một truyện em viết khá tinh tế. Truyện giống như một bài thơ ấy. Rất bâng khuâng và buồn man mác. Những nhân vật trong truyện người nào cũng đẹp, đẹp như mơ như mộng ấy, nhưng rất khó gặp ở trong đời. Nếu phải tìm một thiếu xót cụ thể của truyện thì thày chỉ tìm thấy có một từ sai thôi. Không rõ vì tác giả hiểu sai hay đánh máy nhầm ?. Đó là từ "nguyên sinh" ở cuối trang hai. Đúng ra phải là "quyên sinh" quyên là liều là bỏ còn sinh là mạng sống, sự sống của cá nhân mình. Nó đồng nghĩa với tự tử. Còn nguyên sinh là sự sống ban đầu.Sự sống ở giai đoạn sơ khai mới hình thành. Cả ở bản em gửi ra cho thày và cả ở bản trên mạng đều sai như nhau.
Cũng phải bàn thêm về văn phong, phong cách. Không bao giờ nên cố tình bắt chước người này hay người khác làm gì. Cứ phải viết theo khẩu khí và thói quen tự nhiên của mình thôi. Em viết hiền lành thật thà nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc, giầu nữ tính thì đó là phong cách của Minh Hương. Thày nghĩ cứ sống thật với mình, viết thực như mình thì tự nhiên sẽ có phong cách. Phong cách cũng không phải nhất thành bất biến. Cùng với sự biến đổi của “con người tinh thần người viết”, phong cách tự nhiên cũng sẽ biến đổi theo.
Từ lần trò chuyện sau Minh Hương phải vào vai cô giáo đi. Thày không quên "tính lãi" Hương đâu. Đừng có mà đánh trống lảng. Cô giáo càng đi sâu vào công việc “bếp núc” của từng truyện thì "trò Tuân" càng có điều kiện học được cách viết truyện ngắn. Chẳng may, nếu ông trời không cho "trò Tuân" viết được truyện ngắn thì chí ít "trò Tuân" cũng biết đọc truyện ngắn một cách "có tâm" hơn với người viết truyện.Dưới đây "trò Tuân" gửi cô giáo một bài viết nghiên cứu về thơ lục bát: "Lục bát từ dân gian đến hiện đại"

11/6/2010 
Kính thưa thày!
Vẫn biết rằng, mỗi người có một cuộc đời, nhưng em vẫn thấy se lòng khi đọc đi đọc lại những điều thầy tâm sự về tình yêu và sự nghiệp của mình. Em chúc cho thày và cô Thu mãi mãi hạnh phúc bên nhau, cho dù cuộc sống còn đó những bộN bề, lo toan  vất vả, khi tuổi của thày đã ngấp nghé thất thập rồi. Em cũng mừng cho thày cô có một cậu út đang biết vượt lên khó khăn để sớm đáp đền và mang lại hạnh phúc cho cha mẹ. Em thấy an lòng là thầy đang sống rất an nhiên tự tại, luôn bầu bạn với văn chương, điều đó đã giúp thày thêm yêu cuộc sống.
Còn về "bếp núc" truyện ngắn của em thực ra không có gì đâu ạ. Bất chợt trong cuộc sống, thấy có ít nhiều những cảm xúc về một vấn đề nào đó, thường là những người thật, việc thật thì em bị tình cảm chi phối, muốn được chia sẻ, thế là em viết. Vì là truyện ngắn, không phải bút ký nên em được quyền hư cấu, tưởng tượng. Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu; thiện và ác. Em luôn khát vọng những điều tốt đẹp, em muốn những nhân vật của em phải là "Người", phải vượt lên trên những bản năng. Chính vì vậy, em viết rất thật đấy ạ. Chuyện Cha và dì, em góp nhặt từ 2 chuyện có thật là: Có một người bạn của em, sau khi người cha mất đã có ý định đi tìm người em mà cha mình đã có với người không phải là mẹ mình, chỉ có điều họ là anh em trai, còn trong truyện em cho họ là gái để dễ vào truyện. Còn người Dì, thì em gép vào một chuyện thật nữa là có một người bạn cùng công tác với em, đã chịu rất nhiều thiệt thòi để không làm ảnh hưởng đến người yêu, một mình nuôi con. Những nhân vật đó, họ đều ở rất xa thày và cô Thu, nhưng khi đọc, thày cũng nói là giống chuyện của thày, tất nhiên là không phải hoàn toàn, nhưng cái cốt là sự hiện hữu và sức mạnh của tình yêu. Một tình yêu vĩnh hằng, một tình yêu tâm linh, một tình yêu thánh thiện với đúng nghĩa của nó, dù là nghiệt ngã, oan trái, không thuận với những khuôn mẫu thông thường, mang tính phổ biến của xã hội. Thực ra, nhân vật của em cũng có hạn chế đấy ạ. Tuy không nói trắng ra, nhưng người mẹ trong truyện cũng không thể vượt được mặc cảm của mình để đến gặp người dì, mà mãi đến trước khi chết mới nhờ con gái của mình làm điều mà chồng mình mong muốn. Và người đọc cũng tự hiểu rằng, để nói được những điều vị tha, độ lượng như vậy, người mẹ cũng đã trải qua bao nhiêu đau khổ, hờn ghen, oán trách. Đó là lẽ thường, là bản năng mà. Chỉ khi trải qua được cái bản năng đó thì cái phần "Con" mới thoát được thành "Người". Do đó, rất khó có thể có nhiều  "Người" như thế ở đời, nhưng chắc chắn là có.
Thày nói là thày chưa viết được truyện ngắn !? Thực ra, em nghĩ là thày đã viết nhiều rồi đấy ạ, có điều là thày chưa chuyển thể đấy thôi. Cuộc sống của chính thày và cuộc sống xung quanh đã được thày ghi lại rất sống, rất thực. Nhưng vì quá tôn trọng sự thật, thày không muốn diễn khác đi một tí, cộng thêm yêu cầu quá khắt khe, qúa cao nên thày chưa chấp nhận mình đấy ạ. Em xin được chép lại tâm sự của thày hôm trước: ...  “Thày thường rất chú ý đến những “chợt thấy” đầu tiên này. Vì nhiều khi nó mới là thần khí chân thực của tác phẩm. Cố nhiên vì mới là “chợt thấy” thì nó còn mơ hồ chưa rõ nét. Phải có thời gian nghiền ngẫm và thẩm định lại...” Vâng đúng là như vậy đấy ạ, từ cái bất chợt ta thấy được, đó là "ý " , ta suy ngẫm, rồi xuất thần các "tứ" đổ về. Chỉ thế thôi ạ. Không biết thầy có đồng ý với em như vậy không ạ?
Lần sau em sẽ nói thêm về truyện "Vườn Mai", Em chúc thày vui, khỏe. Cho em gửi lời thăm có Thu và bé Chi.
Em chào Thày!

1/9/2014
ĐỖ Đình Tuân

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (2)


6/6/2010
Hương này.
Như thường lệ, cứ nửa đêm thức giấc là thày lại không ngủ được nữa. Vì thế mà thày thường bật máy tính ra đọc. Cố nhiên là đầu tiên phải xem thùng thư có ai gửi cho mình không? Có một thời cái trang web NNYVN... nó rất hay gửi vào. Đầu tiên thày còn thử đọc, nhưng rồi nhiều quá không đọc xuể nên lại phải gửi thư trống trả lời để nó cắt đi cho. Từ đó thùng thư chỉ còn là thư bè bạn văn chương. Gần đây lại thêm Hà và Hương gửi thư ra nữa. Thày rất vui.
Thày cũng mới đọc qua 3/5 truyện ngắn của em gửi ra. Và cũng có một số “thoát kiến”( chợt thấy) . Thày thường rất chú ý đến những “chợt thấy” đầu tiên này. Vì nhiều khi nó mới là thần khí chân thực của tác phẩm. Cố nhiên vì mới là “chợt thấy” thì nó còn mơ hồ chưa rõ nét. Phải có thời gian nghiền ngẫm và thẩm định lại. Thày thấy Hương có tài viết truyện ngắn thật sự đấy. Truyện nào viết cũng có chiều sâu, mang tầm khái quát lớn.
“Cây khế vườn xưa” là môt cái bi kịch của tình yêu, nhưng chủ yếu vẫn là bi kịch của chiến tranh. Truyện giầu chất thơ và tiềm ẩn một “chất kịch” lớn đấy. Khúc cuối là một trường đoạn phim khá xúc động. Nhưng vì sự “cài bẫy” chưa khéo để người đọc đoán trước được rồi nên sức hấp dẫn của nó bị giảm đi. Câu cuối cùng của truyện hoàn toàn có thể bỏ đi được. Cứ để mặc cái cây khế trút hết lá trơ trụi đứng đấy thì tự nhiên nó sẽ thành một ẩn dụ.
“Vườn mai” là một cái bi kịch của lòng tốt rất phổ biến và khá thường gặp.Con người trong truyện này, ai đối với nhau cũng “tốt bụng” cả mà ai cũng cứ phải sống ấm ức không thanh thản được. Truyện viết thế là giỏi. Nhưng những câu lý sự giải thích thì lại không cần. Lý sự và triết lý trọng truyện cũng cần, nhưng đó phải là những lý sự, những triết lý “ngộ ra” , “mở ra” chứ không nhằm giải thích thêm cho ý nghĩa của truyện. Vì như thế tự nhiên nó sẽ thành thừa.
“Nỗi đau” là một cái bi kịch lớn của chiến tranh. Chiến tranh đã tạo ra những hoàn cảnh để con người phải tự bóp chết những “mầm sống” vô tội. Thời chống Pháp đã có một “Bà mẹ sông Hồng” đã phải bỏ đứa trẻ xuống sông để giữ bí mật cho bộ đội vượt sông rồi. Đến thời Chống Mỹ lại thấy xuất hiện một ông Tư này. Mô tuýp giống nhau nhưng hoàn cảnh cụ thể thì có khác nhau. Cái tên Chiến Thắng và sự chết ngạt của bé Chiến Thắng gợi ra một ẩn dụ ghê gớm về sự vô nghĩa của chiến tranh. Nhưng đoạn kết thì lại vớt vát quá. Đáng ra cứ để cho ông Tư muốn nói ra mà không thể nói ra. Nghĩa là bản thân cái “nỗi đau” ấy cũng chết ngạt nốt thì truyện có khi lại sống hơn chăng?
Ấy là “trò Tuân” cứ mạo muội mấy ý với “cô giáo Hương” thôi. Xin được tác giả trao đổi lại dài dài thêm. Hương chỉ nên đưa dần dần từng truyện một thì nó không bộn, đọc dễ tập trung hơn.
Lần này “trò Tuân” gửi thêm cho “cô giáo Hương” một bài giới thiệu thơ để cô giáo cho ý kiến. Số là thế này: Thày Bùi Trác Trường, giáo viên dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp ở trường ta (cấp 3 Chí Linh) ấy. Thày đã nghỉ hưu cũng lâu lâu rồi, có cho in một tập thơ và nhờ thầy viết lời giới thiệu và đặt tên hộ cho tập thơ. Thày đã đặt tên cho tập thơ là Gió lành  và có mấy lời Tản mạn xung quanh tập Gió lành

7/6/2010

Kính thưa thày!
Em vô cùng cảm ơn những nhận xét của thày về 3 truyện ngắn của trò Hương. Thế là em lại được học thêm những kỹ năng trong khi viết văn. Từ khi xa thày, học đại học Nông nghiệp, ra công tác, trò Hương của thày đã vận những kiến thức đã học được từ thày Tuân để viết luận văn tốt nnghiệp đại học, rồi viết các văn bản của một Chánh văn phòng, rồi viết báo, viết truyện ngắn, thi thoảng làm thơ, viết tạp bút... Cứ thế, trò Hương lầm lũi làm việc, sống và công tác, được nhiều người khen là văn hay chữ tốt. Nhưng tuyệt nhiên, không ai góp ý cho trò Hương của thày những hạn chế, non yếu trong viết lách. Vẫn biết là mình còn nhiều yếu điểm, nhưng lung mung không rõ ràng, do vậy mà không thoát ra được. Hôm nay, lại tiếp tục được học thày, trò Hương ngộ ra rất rõ nét về mình: Minh Hương của Thày viết truyện ngắn mới chỉ có tấm lòng của người viết, còn về "Nghề" thì còn non tay lắm. Qua 3 truyện ngắn thày đã nhận xét, trò Hương đã rút ra 3 bài học để nếu còn viết thì sẽ vận dụng: Bài học thứ nhất qua truyện CÂY KHẾ VƯỜN XƯA  là : Muốn bất ngờ phải bí mật; Bài học thứ hai qua truyện VƯỜN MAI là : Nói ít hiểu nhiều -không nói thay; Bài học thứ ba qua truyện NỖI ĐAU là: Phải đi đến tận cùng của sự dồn nén.Lần này em gửi truyện CHA VÀ DÌ. Thày đọc và lại chuyện trò với em nhé.
Em đã đọc bài của thày về tập thơ Gió lành. Em học được thêm lối viết khéo léo và rất ngọt, hóm hỉnh và rất sống động của thày. Nhưng em vẫn hơi phân vân phần thày viết viết về chuyện làm thơ vui của thày. Hơi lo cho Gió Lành  bị "Gió dữ" đâu đó tạt qua, lại gặp tai bay vạ gió như người viết lời bình ngày nào thì lại khốn khổ!? 
Em xin lỗi, Thày trò mình cứ mải chuyện văn chương, em muốn biết hiện thầy làm nhà đến đâu rồi a? Em chúc thày và gia đình hạnh phúc, thày sẽ viết được nhiều những điều mà thày còn ấp ủ!


30/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thuận đà







(Họa đảo vận bài “Chia tay bạn thơ”
của Ninh Hà dời đất Chí Linh ra Hà Nội)

Bỏ nơi rừng suối bác dời xa
Gần gũi cháu con sống thuận đà
Dâu rể đôi bên đều ấm tổ
Gia đình một mối dễ êm nhà
Công kia việc nọ càng đông khách
Đón tết mừng xuân sẽ lắm hoa
Còn chút tình xưa nơi đất cũ
Thôi đành cất giữ đáy tim ta.


30/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Phụ chép: Chia tay bạn thơ:

Trót bén duyên rồi không nỡ xa
Phải đâu mơ mộng chốn phồn hoa
Một đàn con trẻ bay rời tổ
Hai tấm thân đơn giữ nếp nhà
Dan díu nàng thơ đằm nghĩa bạn
Vấn vương con chữ thắm tình ta
Năm mươi năm ấy bao hoài niệm
Thổn thức trong tim mãi đậm đà.

Thu 2014
Ninh Hà

Mưa chiều nay










29/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (1)


  
Thứ Bảy 22 tháng 5 năm 2010
Em chào Thày ạ!
Em là Hương, em chị Tô Hà, học sinh cũ của Thày. Chị Hà cho em số mail của Thày, được biết Thày vẫn khỏe và thường lên mạng, em viết mấy dòng kính thăm Thày.
Em đã nghỉ hưu, ở nhà lo nội trợ. Cũng thi thoảng viết bài cho báo Người cao tuổi.Nghe chị Hà nói, Thày cũng thường xuyên viết.  Em muốn được đọc những tác phẩm của thày được không ạ? Thày cho em theo địa chỉ này hoặc giới thiệu những địa chỉ thày thường đăng bài, em tìm đọc cũng được.
Về nghỉ hưu rảnh rỗi, em đã đánh máy lại những truyện ngắn em viết cách đây hơn mười năm rồi và gửi lên mạng. Hiện em đang gửi bài cho Văn Chương Việt và Chim Việt Cành Nam. Em chọn một số truyện kính gửi thày, thày đọc và chấm điểm cho em như ngày em còn được học Thày nhé. Hiện giờ em chưa viết thêm được truyện nào, có một truyện đang viết dở nhưng thấy hình như chưa được ổn lắm nên còn để ngẫm nghĩ thêm.
Em chào Thày và kính chúc Thày, Cô mạnh khỏe, hạnh phúc!
Em mong thư của Thày! 
23 tháng 5, năm 2010

Thày đã nhận được thư và những truyện ngắn của Hương rồi
Nhưng thày chưa đọc được. Để thư thả thày sẽ đọc và cho ý kiến. Còn thày toàn viết chơi thôi. Nhiều nhất là thơ bông phèng, rồi đến các bài bình thơ và nghiên cứu về thơ,  một số hồi ký đời thường viết theo yêu cầu của một dịp nào đó. Nhưng nói chung văn thày có một loại độc giả riêng. Không rõ các em có thuộc diện độc giả ấy không. Thày sẻ gửi dần cho em đọc sau nhé
Thày giáo cũ: Đỗ Đình Tuân

27 tháng 5 năm 2010

Hương này!
Thày chỉ làm thày của các em khi còn mười tám đôi mươi thôi. Bây giờ các em đã trưởng thành cả rồi.Tô Hà thì đã thành nhà báo hình. Minh Hương thì đã trở thành nhà văn viết truyện ngắn...Còn thày thì vốn đã cùn mòn đi vì thời gian vùi lấp và... Nếu đã truyền được cho các em được điều gì từ trước thì đó mới là cái còn lại, là cái lãi của thày thôi. Vì thế mà về yêu cầu đọc và chấm điểm cho em như ngày trước thì thày không dám nữa. Nhưng thày sẽ đọc và trao đổi với em như những người bạn văn chương thì có lẽ đúng hơn và cũng lý thú hơn. Trò hương của thày có đồng ý thế không. Còn em muốn đọc những bài viết của thày thì thày rất sẵn sàng. Thậm chí còn rất sung sướng nữa là đằng khác. Nhưng thày chỉ viết chơi thôi. Chỉ thỉnh thoảng mới có bài in báo và lên mạng. Thày cũng định tập hợp tất cả chúng lại theo từng thể loại và rồi khi nào có điều kiện thì in, hoặc tung lên mạng cho bầu bạn cùng đọc. Chính cái yêu cầu này của em càng kích thích thày làm cái việc đó đấy. Kỳ này thày sẽ gửi cho em một "ký ức tuổi học trò" mới viết của thầy cho Hương nếm thử. Vì là "của thày" cho nên dù chua, dù chát thế nào Hương cũng phải cố mà nuốt đấy.
Về 5 truyện ngắn của Hương  thì chỉ có 3 cái "Cây khế vườn xưa", "Vườn mai" và " Nỗi đau" là đọc được chữ thôi. Còn có hai cái Hương lại viết bằng "tiếng chăm" hay sao ấy, nó cứ loằng ngoằng không đọc được. Thày định nhờ cô Phan Thị Bích Hằng giỏi "âm ngữ" nhờ công chúa Huyền Trân dịch cho mà Hằng đi chữa bệnh chưa về. Nên lại phải nhờ tác giả Minh Hương chuyển lại phông chữ hộ thì "trò Tuân" mới đọc được. Phải mở ngoặc thêm tí chút ở chỗ này: Tuy không có số sách ghi chép nhưng về lý là Hương đã học thày 3 năm, tức là đã "nợ thày" 3 năm. Mà đã nợ thì phải "tính lãi". Cứ theo lãi xuất ngân hàng bây giờ đi. 1% tháng nhé. Nhưng thày chỉ lấy hữu nghị cho em nhẹ thôi. 10% năm. Hương ra trường 36 năm rồi. vị chi là 360%. Cứ thế mà đại khái tính ra thì Hương cũng nợ thày 10 năm dậy. Thày biết Hương viết truyện ngắn giỏi, hay khiêm tốn hơn cứ tạm gọi là viết được đi. Còn thày thì lại rất mê viết cái thể này mà không sao viết được. Viết xong đọc lại là chán ngay. Làm văn chương có cái khổ thế đấy. Thích mà không thể làm. Muốn mà không thể được. Cho nên thày mới phải "đòi nợ" Hương là thế. Thày dạy nhiều học trò chứ, nhưng thày có "đòi nợ" ai đâu. Chỉ có đòi nợ "trò Hương" thôi. Ấy là vì "trò Hương" biết viết truyện ngắn. Mà thày thì vẫn cứ muốn viết được cái món truyện ngắn này. Hương cũng không cần phải thiên kinh vạn quyển làm gì. Bây giờ mà phải ngồi bó giò đọc sách Bàn về truyện ngắn nọ kia để dậy "trả nợ" thày thì còn đâu ra thì giờ mà nội trợ chăm chồng chăm con? Rồi lại còn phải giành thì giờ để "viết" nữa chứ. Thày chỉ muốn Hương hãy kể lại hoàn cảnh, lý do và quá trình làm việc cụ thể đối với từng cái truyện mà Hương viết ấy. "Trò Tuân" sẽ chăm chú lắng nghe. Chỗ nào "ngộ" ra được điều gì đó thì "trò Tuân" sẽ "trừ nợ" dần đi cho "cô giáo Hương". Bao giờ hết nợ thì "thày lại hoàn thày và trò lại hoàn trò". Nếu "cô giáo" đồng ý thế thì ta bắt đầu từ cuộc trò chuyện lần sau. "Trò Tuân” xin chúc cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, viết hay và dạy giỏi.

Thứ Bảy, 5 tháng 6 năm 2010
Kính thưa thày!
Trước tiên, em xin được thày tha lỗi vì đã để thày phải mong đợi thư đáp lễ của em. Sau nữa, em xin được có ít lời phân trần để thày có cớ để tha lỗi.
Thưa thày! Sau khi gửi thư cho thày, hầu như lần nào lên mạng em cũng mở hộp thư để mong được nhận thư thày, địa chỉ mail này của em mới lập và chỉ mới gửi thư cho riêng thày. Thế nhưng vào hộp thư đến đều trống. Nghe chị Hà nói thầy đang làm nhà, em nghĩ chắc là thày rất bận. Hôm qua, chị Hà gọi điện nói thày đã gửi thư, thêm một ngày mất điện... Bây giờ, mở mail ra thì có thư của thày nhưng lại vào mục khác, không hiểu sao nó lại vào mục đó chứ. Vậy là trò Hương thất lễ với thày nhiều lắm. Thày tha lỗi cho em không ạ? Dù Thày có tha lỗi, trò Hương cũng thấy mình đáng trách nhiều lắm, vẫn lại muốn khóc thôi...
Em đã đọc rất kỹ "ký ức tuổi học trò" của thày. Thày cho phép em được nói cảm nghĩ của mình nhé: Ngoài những bài giảng, những bài văn mẫu của thày em đã được nghe, được học, đây là lần đầu tiên em được đọc văn của thày. Văn của Thày giáo già viết về tuổi thiếu thời. Vậy mà hình như vẫn còn mới tinh, rõ một một,sống động, rất dí dỏm, chân thực và cảm động.  
Em rất đồng ý với thày là cần hệ thống lại những bài viết của thày để cho bạn bè, học trò của thày được đọc và tán thưởng. Còn về việc thày tính lãi với trò Hương thì biết nói với thày thế nào đây ạ! trò vừa mừng vì được thày tính lãi và bày cách để trả lãi cho thày, vừa lo không biết có làm được không? Tuy vậy, em cũng muốn được thưa với thày suy nghĩ của em. Thực ra, em viết truyện ngắn chỉ để giải thoát cho chính mình. Việc đăng tải là cơ duyên, do có người khích lệ gửi bài đi, rồi báo đăng rồi cũng có người đọc... Điều chính là khi viết rồi, đọc lại thấy chính mình được chia sẻ. Còn so với các nhà văn thì em tự biết: mình còn quá nhỏ bé, văn viết hiền quá, thật quá và còn nhiều cái yếu quá nữa. Vậy nên, làm sao thày lại có thể đòi em trả lãi được cơ chứ. Thày ơi, trò của thày tự thấy mình còn phải học thày nhiều lắm. Được đọc những dòng tâm sự của thày, em cảm động và thấy dù bây giờ mình cũng đã bắt đầu già nhưng với thày thì mình vẫn là cô học trò nhỏ của thày. Em thật bất ngờ vì nhận thấy: Thày vẫn trẻ, hóm hỉnh, vui tính như ngày xưa. Đó là điều thú vị và quý giá nhất đấy ạ.
Em sẽ chỉnh lại phông chữ, và gửi thêm cho thày một số truyện ngắn nữa. Em cũng mong được đọc thêm nhiều thể loại viết nữa của thày. Thư sau em sẽ thưa lại một số hoàn cảnh khi em viết truyện ngắn để thày hiểu thêm khi đọc truyện của trò Hương nhé.
Em kính chào thày. Chúc thày - cô và gia đình hạnh phúc.
27/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Hoa súng nở




Sớm nay hoa súng nở tưng bừng
Một góc ao quê hớn hở mừng
Vội vác máy ra làm mấy chớp
Khoe cùng hàng xóm để vui chung.










27/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Hỏi gà ?





Sang thăm nhà Nguyễn Hồng Nga
Thấy nhà vắng chủ trôm gà về đây
Gà thì bới, trâu thì cầy
Sao em lại khổ thế này hả em ?

27/8/2014
Đỗ Đình Tuân


 


Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Hỏi mùa thu ?






Thu ơi thu đến lâu rồi
Cái mưa cái nắng còn oi khắp mình ?
Thu ơi sao khéo vô tình
Chẳng cho cái gió một cành heo may ?

20/8/2014
Đỗ Đình Tuân


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Gửi tác giả tập truyện “Góc Khuất”







(Viết trước lúc có tin được tặng sách)

Muốn xem “Góc Khuất” của em
Mà không được tặng ngồi thèm nhịn suông
“Góc Khuất” em cất trong rương
Hay là em gửi trong buồng nhà ai ?
Để anh sắm cuốc, mượn mai
Tối nay khoét ngạch trôm vài quyển xem.


19/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Độc cầm khúc 15


Mười chín tháng Tám
Nhạc và lời: Xuân Oanh
Mandolin: Đỗ Đình Tuân



             Lời bài hát

1.Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp công một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mời chín tháng Tám, khi khối dân căm hờn kêu thét
Đứng lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung
Mời chín tháng Tám, ánh sáng tự do đem tới
Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng
Máu pha tươi hồng trên lá cờ, đi khắp chốn giang sơn.
Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề:
Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa.
Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam

2. Toàn dân Việt Nam…





Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Chờ...?






Bụng buồn còn nói năng chi
Vắng em anh chẳng thấy gì là vui
Đành rằng có cũng không thôi
Vẫn hơn chẳng thấy bóng người vào ra
Còn chăng cô gái quê xa
Sao không thấp thoáng lại nhà cho vui ?

18/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Trước chùa Bái Đính






Ông Ngôi trông đến là oai
Trước chùa Bái Đính giơ hai ngón xòe
Chắc là ông định ti toe
Nửa theo cõi Phật nửa ve cõi Người
Khuyên ông đừng thế ông ơi
Thế thì « nửa Phật nửa Người » dở dang
Trốn đời vẫn phải đa mang
Khéo không đến phải bỏ làng mà đi... !


17/8/2014
Đỗ Đình Tuân


Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Chuồn chuồn đỏ






Em “Chuồn chuồn đỏ” xinh ghê
Làm anh quên cả lối về mất thôi
Ước  gì đường bớt xa xôi
Để anh qua lại con thoi ngày ngày...

16/8/2014
Đỗ Đình Tuân


Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Chưa thu







Thu hãy ngang đầu chửa xuống mông
Thơ ai thu đã nảy trong lòng ?
Trời cao nắng vẫn chang chang hạ
Gió sớm mai còn hẩy hẩy đông
Nước lũ phù sa chưa lặng sóng
Mây trời vần vụ chửa xanh trong
Năm nay năm nhuận thu về muộn
Vắng gió heo may khí vẫn nồng.

14/8/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Xem chuồn chuồn bay tức hứng





Sáng nay có trận mưa to
Chiều nay mưa ngớt mới dò ra ao
Chuồn chuồn bay thấp bay cao
Mà không tóm được con nào tiếc thay
Ước gì vào được Thung Mây
Tóm con chuồn chúa về đây giam lồng.


 
13/8/2014
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...