Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

THƠ VUI

Cơm nguội

Hạt gạo đã trắng lại thơm
Thổi nồi cơm điện vừa ngon vừa mềm
No rồi vẫn muốn ăn thêm
Tội gì mất tiền mua phở mà xơi ?
Củ hành miếng thịt không tươi
Cái thìa đôi đũa bao người mó tay
Khác chi quả ổi ngâu vầy
Quả na ruồi đậu vứt đầy ngõ hoang
Long bong bát phở nhà hàng
Sao bằng cơm nguội đem rang …nóng ròn?
                  

Làm thơ và đánh chão

Thơ thi nhau viết ngắn
Chão thi nhau bện dài
Chão dai hơn thì thắng
Thơ ngắn hơn thì tài.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

XEM ẢNH TRÊN XÓM TRI ÂN

Phách tặng hoa thày Thịnh
Ai tặng hoa thày An?
Thày Hùng và trò Khoản
Thì "lia bia" bên bàn...
           Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

TRÔNG SAU NGƯỜI BẢO VẪN TRAI SON





          Đó là câu “thừa đề” của bài Tuổi tám mươi của cụ Vũ Bá Huyên, nguyên văn như sau:
Tôi thọ năm nay tám chục tròn
Trông sau người bảo vẫn trai son
Là nhờ nhà nước tinh thần tốt
Lại được gia đình vật chất ngon
Thể dục năng rèn cơ chậm tóp
Dưỡng sinh siêng luyện cốt lâu giòn
Rượu chè thuốc sái a lê tuốt
Nên tuổi tuy già dáng vẫn thon.
Bài thơ là một bức chân dung tự họa khá thành công của tác giả. Đọc bài thơ ta thấy hiện lên một ông già tuổi tuy cao nhưng vẫn tinh tường nhanh nhẹn. Cụ có một đời sống vật chất tuy đạm bạc nhưng đầy đủ tươm tất, một đời sống tinh thần trong sáng lành mạnh và khá viên mãn. Giọng điệu bài thơ thì  vừa tự nhiên lại vừa vui nhộn chứng tỏ tác giả là một người rất vui tính. Cái ông già hay hay trong thơ ấy chính là cái hình bóng khá trung thành của ông già Vũ Bá Huyên trong đời thực...
          Tôi biết cụ Vũ Bá Huyên từ khi về công tác tại Trường cấp III Chí Linh tháng 9 năm 1968. Lúc ấy cụ phụ trách công tác văn phòng của nhà trường. Ấn tượng đầu tiên tôi thấy ở cụ là một người nhanh nhẹn, hoạt bát và vui tính. Ngày ấy cụ mới ở độ tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc” nhưng xem chừng cụ vẫn là người “trẻ hơn tuổi”. Cụ chưa hề làm thơ nhưng chịu khó đọc sách và hay kể chuyện tiểu thuyết cổ Tầu. Những mấu chuyện kể trong Tam quốc diễn nghĩa hay Chinh Đông chinh Tây cụ thuộc lắm. Cụ cũng hay kể chuyện Tiếu lâm để cho mọi người cùng rôm rả...
Thấm thoắt thế mà đã hơn bốn mươi năm. Bây giờ thì cụ đã ngót chín chục xuân rồi - người cao tuổi nhất trong CLB mình. Cụ cũng đã làm xong những công việc cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Nhà cửa đất cát đã sang tên tặng cho cháu nội. Thế là về danh chính, cụ chẳng còn tài sản, của nả gì vướng bận ở cõi đời này nữa. Bây giờ cụ ở vào cái tư thế sẵn sàng chờ lệnh lên đường. Năm ngoái cụ cũng đã tập hợp các sáng tác của mình kể từ khi về hưu (1982) vào trong một tập thơ lấy tên là Kiếp người gồm 63 bài thơ Lục bát cùng các thể thơ khác và 194 bài thơ Đường luật (chủ yếu là bát cú,chỉ rải rác mấy bài tứ tuyệt).Tổng cộng là 257 bài.
Ở phần thơ Lục bát, đáng chú ý có bài Tiểu sử diễn ca phả. Đây là bài tác giả tự kể về cuộc đời mình theo lối diễn ca lục bát. Qua đây ta có thể thấy được tên khai sinh của cụ là Vũ Bá Huyên, tên thường gọi ở làng là Thiên. Trong gia đình cụ là con út “rốt lòng”. Quê ở thôn Sàng, Đạo Lý , Lý nhân, Hà Nam, thành phần cố nông. Trước nạn đói năm 1945, nghe theo lời kêu gọi của Việt Minh, cụ theo dân làng đi phá kho thóc Nhật.  Nhưng sau đó quân Nhật đi truy lùng thu hồi thóc và bắt giết những người tham gia phá kho. Cụ phải bỏ làng đi tha phương cầu thực. Vì có người quen ở làng Thủ Chính xã Đồng Lạc huyện Chí Linh nên cụ đã nương náu tại đây và làm thuê gánh mướn độ thân. Sau cách mạng cụ được tham gia vào dân quân và dạy bình dân học vụ. Khi Pháp đánh chiếm Chí Linh (3/1946) cụ tình nguyện lên đường tòng quân. Năm 1951 vì tình hình sức khỏe cụ phải dời quân ngũ lại trở về Thủ Chính, Đồng Lạc vừa tham gia dân quân du kích, vừa dậy bình dân, bổ túc. Hòa bình cụ làm Trưởng ban bổ túc, vỡ lòng ở xã rồi sau đó được điều lên dạy phổ thông. Năm  1966 cụ lên làm công tác văn phòng ở trường cấp 3 Chí Linh và ở đây gần như liên tục cho đến lúc về hưu(1982). Kết thúc bài thơ Tiểu sử diễn ca phả ấy cụ viết:
Hôm nay con cháu sum vầy
Đông vui tôi kể lại ngày đã qua
Phòng khi tôi vội đi xa
Tiểu sử đã được viết ra thực lòng
Tiếng ai như cụ Tào Công
Đưa thuyền đã gọi mời ông lên đò
Ngân Hà sông rộng sóng to
Vĩnh hằng có chuyến hẹn hò kiếp sau.
Thì ra cụ viết lại tiểu sử của mình chỉ là nhằm cho con cháu sau này biết được cuộc đời của cụ thôi. Tập thơ còn có bài Bạn cũ người xưa để lộ ra một mối tình thuở thiếu thời, rất gắn bó.
Lúc kiếm củi , khi hái rau
Khi xuống ao tắm té nhau đùa cười
Không mấy khi là xa rời
Có tấm mía cũng chẻ đôi để phần
Học trên lớp cũng ngồi gần
Chấm chung lọ mực toán văn truy bài
Xuân là gái, tôi là trai
Bạn bè cứ chế là hai vợ chồng.
Hai người cũng đã có tình ý với nhau. Hai bên gia đình cũng đã dọn đường đi lại. Vậy mà hai người phải mãi mãi xa nhau. Cụ đi biệt tích không về. Cô Xuân ở nhà vẫn có ý đợi chờ. Rồi Xuân chết trong một lần đi cắt cỏ về giữa sông Hồng gặp tố lốc chìm thuyền. Lần đầu tiên cụ trở lại quê thì Xuân không còn nữa. Cụ choáng váng chỉ còn biết ra mộ thắp hương viếng người tình cũ. Lạ thay, từ đó cô Xuân thỉnh thoảng vẫn hiện về trong mộng dường như vẫn có ý đợi chờ ở thế giới bên kia... Chỉ tiếc là mối tình trong đời thực thì nặng thế mà bài thơ thì còn nhẹ, chưa xứng tầm. Có lẽ do cụ chưa đầu tư cho đủ độ sâu, độ chín... Bản tính cụ là người nhanh nhẹn dốc vác. Làm việc gì cũng săm sắn muốn xong ngay. Cái tính ấy với những việc cụ thể ngoài đời như vận động đi họp, thu bài, thu tiền... thì tốt, nhưng đem nó vào việc làm thơ thì lại không ổn. Cứ có ý định làm thơ là tôi thấy cụ xoay trần ra viết, hăm hở viết cho bằng được. Cố nhiên rồi bài thơ cũng hoàn thành nhưng đa phần nó khô, nó nhạt, nó không mang được cảm xúc và hồn vía của người viết. Có lẽ vì thế mà tuy cụ viết khá nhiều nhưng những bài còn để lại ấn tượng cho người đọc thì không nhiều lắm.
Ở chủ đề tự sự, tự họa này còn phải kể đến bài Kiếp người. Khác với Tuổi tám mươi, ở Kiếp người có cái giọng than nghèo khá xót xa:
Tôi sinh Giáp Tý năm đầu hội
Tám mốt tuổi rồi của nả đâu
Miệng vẫn rau dưa ngày mấy bữa
Mình thì áo vải  vận dài lâu
Sáng ra đi giậm vài con tép
Chiều lại vun trồng mấy luống rau
Muốn được giầu sang chờ kiếp khác
Kiếp này khấm khá hẳn còn lâu !
Bài thơ gợi ra một niềm thương cảm đối với những kiếp người lương thiện mà suốt đời nghèo hèn không dám mơ tưởng đến giầu sang...Đó cũng là thân phận của nhiều người thuộc thế hệ cụ. Đáng mừng là con cháu bây giờ đã khấm khá hơn. Chúng có thể báo đáp phần nào cho các cụ. Nhưng quen sống trong cảnh nghèo, sự tằn tiện đã thành thiên tính, nên dù chẳng túng thiếu gì, cụ vẫn sống rất thanh bần, đạm bạc. Có điều là con cháu phương trưởng, ông bà song toàn, lạị đã có đến chắt nội thì còn gì phúc ấm hơn thế nữa. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010 xin chúc cụ luôn mạnh khỏe và vạn sự như ý.
                                      10/11/2010
                                     Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Ảnh khỏa thân lên đá đen

Hơn 10 tác phẩm nude của nhiếp ảnh gia Thái Phiên được Công ty mỹ nghệ Việt An mua bản quyền chuyển sang chất liệu đá đen. Trên chất liệu đá đen, ba tác phẩm đầu tiên được chuyển đổi thành công là Hóa thân, Khúc tự tìnhDáng xuân không chỉ mang sức sống và tôn vinh vẻ quyến rũ, gợi cảm của người con gái như trên mặt giấy mà còn mang màu sắc sang trọng, quý phái, pha chút huyền hoặc. Lần đầu tiên có tác phẩm được mua bản quyền để chuyển sang hình thức thể hiện khác, nghệ sĩ Thái Phiên cho biết, anh hy vọng công chúng sẽ đón nhận và yêu thích các tác phẩm này. Sau bước thử nghiệm, lần lượt nhiều tác phẩm khác của Thái Phiên tiếp tục "se duyên" với chất liệu đá. "Tôi nghĩ ảnh của mình đã được “khắc trên giấy” bằng tập Xuân thì cũng chỉ tồn tại được vài chục năm rồi sẽ ố màu, rách nát. Nhưng nếu khắc trên đá thì Xuân thì sẽ tồn tại hàng ngàn năm", anh chia sẻ. Bên cạnh những thiết kế tranh khắc trên đá đen, Công ty Việt An còn thực hiện các loại tranh sơn mài trên đá và quả bầu khô. Những tấm bích họa phong cảnh và con người được khắc họa sắc sảo trên bề mặt sần sùi của đá, trên những quả bầu lâu năm của vùng cao Tây Nguyên. Dòng sản phẩm khắc, vẽ sơn mài trên các chất liệu này được thể hiện bởi đội ngũ họa sĩ xuất thân từ Đại học Mỹ Thuật TP HCM. Việt An cũng đã ký kết hợp tác mở showroom trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm với doanh nghiệp Dzoãn của chuyên gia ẩm thực Việt Nam, bà Nguyễn Dzoãn Cẩm VânDưới đây là hình ảnh của 3 tác phẩm nude được chuyển sang đá đen và vài sản phẩm mỹ nghệ mới lạ của Việt An. 

1.Hóa thân 
 2.Khúc tình tự


3.Dáng xuân

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Thừa


Thừa

Hết cơm, hết thịt, hết rau dưa
Còn ít nước canh, ít mắm thừa
Với một Song Thu nhăn nhó mặt
Bởi vừa ăn phải miếng cam chua.
                        Bữa trưa11/11/2010
                         Đỗ Đình Tuân

Vài hình ảnh nhà thày Tuân thời kỳ "Tái thiết"

             Téc nước mới mua về còn để dưới sân
                              Lối đi ra cổng cũ
                            Góc vườn phía Nam
               Nhà ngang và công trình phụ đang xây
             Góc vườn phía Tây là vườn vải nhãn xanh tốt

                                          Khóm chuối hột và bụi tre góc tây nam

                        Góc vườn phía đông nam

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Thơ vui gửi Vân Anh



Nha Trang nước ngập mênh mông
Phố phường thành suối, thành sông...ngâm nhà
Lềnh bềnh nồi chảo trôi ra
Rủ theo sách ốc bỏ nhà trôi đi
Vân Anh ngồi khóc tỉ ti
Nồi ơi, sách hỡi bay đi đằng nào
Bao giờ bay mới về tao
Tao phơi, tao sấy...bỏ vào bếp đun?

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

VÀI HÌNH ẢNH VỀ TUÂN +THU 25 NĂM


                        (Bó hoa tươi 25 bông hồng do cháu Quỳnh Giang tặng)

1.Tuân + Thu 25 năm

2.Cac chị em gái đến mừng


3.Các anh em rể đến mừng

4.Anh em trai cùng anh em rể


5. Chị em gái và chị em dâu

6.Ảnh chụp chung cuộc gặp mặt

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

THAM GIA SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ: "NHÀ GIÁO CHU VĂN AN VỚI NÚI PHƯỢNG HOÀNG"

Trình bày bài nghiên cứu"Vùng núi kiệt Sơn-Phượng Hoàng trong các thư tịch cổ" tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Nhà giáo Chu Văn An với núi Phượng Hoàng" ngày 7/11/2010
Cũng chỉ có khoảng 40 người ngồi nghe phía dưới, nhưng chăm chú và nhiều người tỏ ra thích thú đối với bài viết này.

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Gửi thày cảnh, cô Kim những ngày mưa lũ


Mưa lũ Nha Trang
(Gửi tặng thày cảnh, cô Kim những ngày mưa lũ)

Nha Trang mưa lũ nước mênh mông
Thày Cảnh, cô Kim nổi bập bồng
Đang gọi tầu suồng mau tới cứu
Không thì tính mạng sẽ trôi sông.

Nha Trang mưa lũ nước mênh mông
Thày Cảnh, cô Kim trượt  cầu vồng
Rơi trúng một tầu buôn mút xốp
Không thì chắc chắn gãy xương hông.

Nha Trang mưa lũ nước mênh mông
Thày Cảnh, cô Kim cưỡi thuyền rồng
Leo tận gác ba cùng gác bốn
Mất tiền xây dựng sướng thay không?

                        Chí Linh 4/11/2010
                             Đỗ Đình Tuân

Chí Linh bát cổ (Kỳ VIII)

其八

星妃古塔

玉手折高枝
鏡顏留古塔
從古此江山
至今幾蓂荚
花草自射開
漁樵相對荅
山色正清蒼
秋聲何箫颯

Phiên âm:

Kỳ bát


Tinh Phi cổ tháp

Ngọc thủ chiết cao chi
Kính nhan lưu cố tháp
Tòng cổ thử giang san
Chí kim kỷ minh giáp
Hoa thảo tự tạ khai
Ngư tiều tương đối đáp
Sơn sắc chính thanh thương
Thu thanh hà tiêu táp

Dịch nghĩa:

Bài 8


Tháp cổ Tinh Phi

Tay ngọc vin bẻ cành cao
Mặt gương còn lưu trên tháp cổ
Giang sơn từ bấy đến giờ
Đã có bao tấm gương đoan trinh tốt đẹp như vậy
Hoa cỏ tự tàn tự nở
Ngư tiều cùng nhau đối đáp
Sắc núi đã xanh càng thêm xanh
Tiếng thu bao nhiêu độ nghe xào xạc.

Dịch thơ:

Tay ngọc vin bẻ cành cao
Gương trên tháp cổ còn lưu chốn này
Non sông từ bấy đến nay
Mấy ai thục nữ sánh tày Sao Sa
Tự tàn tự nở cỏ hoa
Ngư tiều đối đáp lại qua tháng ngày
Xanh xanh sắc núi xanh thay
Thu sang bao độ heo may xạc xào.
                     Đỗ Đình Tuân dịch

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Chí Linh bát cổ (Kỳ VII)

其七

雲僊古洞

玄天一煉丹
千古成名山
名山今不改
丹瀘昔已寒
流光古殿失
冰壺舊典刊
岩下泉聲隱
洞裏草花閒
蒼蒼松老嫩
鑿鑿石巑岏
樵炭飛光易
梵燈續焰難
陳世鶯將老
雲僊鶴不還
爲訪高人跡
履幽及層巒
山深增寂寞
秋興客盤桓
村翁相對話
江山眼界寬

Phiên âm:

Kỳ VII
Vân Tiên cổ động

Huyền Thiên nhất luyện đan
Thiên cổ thành danh san
Danh san kim bất cải
Đan lô tích dĩ hàn
Lưu Quang cổ điện thất
Băng Hồ cựu điển san
Nham hạ tuyền thanh ẩn
Động lý thảo hoa nhàn
Thương thương tùng lão nộn
Tạc tạc thạch toàn ngoan
Tiều thán phi quang dị
Phạn đăng tục diệm nan
Trần thế oanh tương lão
Vân Tiên hạc bất hoàn
Vi phỏng cao nhân tích
Lý u cập tằng loan
Sơn thâm tăng tịch mịch
Thu hứng khách bàn hoàn
Thôn ông tương đối thoại
Giang sơn nhãn giới khoan


Dịch nghĩa:

Bài 7

Động cổ Vân Tiên

Đức Huyền Thiên từng luyện đan ở đây
Nên từ ngàn năm nay núi này trở thành nổi tiếng
Núi danh tiếng đến nay vẫn không thay đổi
Nhưng lò luyện đan thì đã nguội tắt từ lâu rồi
Điện Lưu Quang xưa cũng không còn
Thơ Băng Hồ vẫn ghi trong sách
Dưới đá ngầm có tiếng suối chảy
Trong động hoa cỏ lặng lẽ
Xanh xanh cây thông già đổi lá
Lởm chởm đá núi gập ghềnh
Đốt than lửa rực hồng của ông tiều thì dễ
Nhưng giữ ngọn đèn thờ Phật của nhà chùa thì lại khó
Chim oanh ở trần thế đã sắp già
Mà không thấy chim hạc động Vân Tiên về đón
Muốn thăm dấu tích các bậc cao nhân
Thì phải giấm đạp lên các bui cây rậm rạp ở sườn núi
Càng đi vào rừng sâu càng thấy thêm vắng vẻ
Cảnh trời thu càng như quyến luyến với khách
Cùng với ông già xóm núi trò chuyện
Sông núi như thu cả vào trong tầm mắt

Dịch thơ:

Huyền Thiên từng luyện đan
Núi này thành danh san
Danh san nay vẫn thế
Lò luyện xưa nguội tàn
Điện Lưu Quang đã mất
Thơ Băng Hồ còn in
Dưới đá tiếng suối chảy
Trong động hoa cỏ lan
Xanh xanh thông đổi lá
Lởm chởm đá gập ghềnh
Đốt than ông tiều đễ
Giữ đèn chùa khó khăn
Chim oanh đời sắp vãn
Hạc không về hỏi han
Tìm dấu cao nhân cũ
Phải giẫm bừa núi non
Rừng sâu thêm vắng vẻ
Lòng khách càng miên man
Chuyện với ông già núi
Mắt thu cùng giang san
                 Đỗ Đình Tuân dịch

Dịch bài thơ thày Tư gửi cho


白居易

弎年別

滺滺一別以三年
相望相思明月天
長斷青天望明月
別來三十六回圓

Phiên âm:

Bạch Cư Dị

TAM NIÊN BIỆT 

Du du nhất biệt dĩ tam niên,
Tương vọng tương tư minh nguyệt thiên.
Trường đoạn thanh thiên vọng minh nguyệt ,
Biệt lai tam thập lục hồi viên .

Dịch nghĩa:

Xa nhau dằng dặc đã ba năm
Mong nhau nhớ nhau dưới trời trăng sáng
Đứt nối trời trong và trăng sáng
Từ ngày xa nhau đến giờ đã ba mươi sáu lần trăng tròn trở lại

Dịch thơ :


BA NĂM XA BẠN

Xa nhau dằng dặc ba năm
Nhớ nhau vời vợi trăng rằm bao đêm
Từ khi xa cách bạn hiền
Tròn ba sáu lượt trăng lên...lại tròn
                              Đỗ Đình Tuân dịch




Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Mời trộm ăn dưa-Một tiếng cười đầy ý vị

Mời trộm ăn dưa

Trộm ơi cậu thích ăn dưa
Xin mời cậu cứ tự do vào lều
Cậu ăn thì được bao nhiêu
Dưa mình trồng được xin chiều cậu thôi
Dưa non chấm muối tỏi tươi
Ăn no lồi rốn cậu chơi với mình
Việc gì phải nấp phải rình
Quả dưa mang tội mang tình vào thân
Sang năm chịu khó làm phân
Mình cho cậu giống ta cùng trồng dưa
Ngày ngày hai buổi sớm trưa
Cùng nhau đi chợ bán dưa lại về.

                                    Nguyễn Song Hào

Mời trộm ăn dưa
Một tiếng cười đầy ý vị

Tôi được nghe bài thơ này khoảng cuối năm 1996 hoăc đầu năm 1997 gì đấy. Đó là vào một buổi chiều, tại sân nhà cụ Ngọc, thôn  Vĩnh Đại xã Văn Đức (Chí Linh). Hôm đó hội thơ làng Vĩnh Đại, có tổ chức một buổi giao lưu. Tôi và tác giả bài thơ này đều thuộc diện khách mời.
Ngay khi nghe xong tôi đã rất thích thú và đè nghị tác giả cho xin bản thảo. Đến khi câu lạc bộ Côn Sơn  ra được mấy số nội san thì tôi mới “cho in” bài thơ đó lên mục “Thơ vui” ở Nội san số 7 ra tháng 7 năm 1997. Bài thơ cũng được nhiều độc giả yêu thích. Đến năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập câu lạc bộ Côn Sơn ( Câu lạc bộ Hưu trí của huyện chí Linh), bài thơ lại được tuyển vào Hương Côn Sơn tập 2.
Cho đến nay, mỗi lần đọc lại tôi vẫn thấy hứng thú, bởi vì bài thơ vẫn cứ khơi dậy trong tôi một tiếng cười rất ý vị. Ngày ấy tác giả còn đang là một cựu chiến binh nông dân trồng dưa thực thụ. Hàng năm cứ đến vụ dưa là lại quần đùi, áo cộc, nón mê suốt ngày, suốt đêm, suốt vụ  ở ngoài đồng gắn bó với ruộng dưa, với lều canh dưa, để vừa chăm dưa  vừa giữ trộm.
Nhưng xem ra cái ông già canh dưa này khá vui tính và rất thân thiện với bọn trẻ rình trộm dưa. Vì thế ông ta đã có một lối hành xử với kẻ trộm khá lạ đời. Thông thường, một người canh dưa thấy bọn trộm đang nấp nom bên ruộng dưa nhà mình thì chí ít cũng đánh tiếng đe loi, mà dữ tính hơn thì có thể tóm sống rồi đá đít bạt tai cho chừa tính tắt mắt…Nhưng đằng này tác giả bài thơ lại không làm thế. Ông đã mời kẻ trộm vào lều, dằm muối tỏi, chọn loại dưa non ngon mỡ màng cho ăn một bữa thật thoải mái, rồi sau đó ông mới khuyên bảo. Thái độ thì thân tình “mình mình cậu cậu” mà đối đãi thì quá ư hào phóng:
Dưa non chấm muối tỏi tươi
Ăn no lồi rốn cậu chơi với mình.
Kể ra cũng là cách đối đãi này nhưng là đối với một người bạn thân thì ý nghĩa của bài thơ chắc chả còn gì. Nhưng là đối với kẻ trộm thì lại là quá tuyệt vời. Chính nó đã “đặc biệt hóa” bài thơ và gây một ấn tượng rất khó phai mờ trong lòng người đọc. Cái ý nghĩa nhân văn, nhân ái cũng phần lớn toát ra từ đây.
Bài thơ còn vẽ ra được hai bức tranh tương phản của hai lối sống. Lối sông của kẻ trộm thì rình mò, trốn lủi hết sức tội nghiệp:
Việc gì phải nấp phải rình
Quả dưa mang tội mang tình vào thân
Còn lối sống của người lao động chân chính thì sao mà đường hoàng thanh thản thế:
Ngày ngày hai buổi sớm trưa
Cùng nhau đi chợ bán dưa lại về
          Có thể nói toàn bộ bài thơ là một lời khuyên nhủ thật chân thành và giầu sức thuyết phục. Bởi nó đã được nghệ thuật hóa trong một tiếng cười nhẹ nhàng mà hàm chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Ở đây ta tuyệt nhiên không thấy giọng giáo huấn, dạy đời mà chỉ thấy một tiếng cười vui vui ngồ ngộ. Nhưng thực chất nó là một bài học luân lý về cách sống ở đời nhưng đã được tiếng cười làm mềm hóa đi nên rất ấm áp và thấm thía. Cái ý vị của tiếng cười trong Mời trộm ăn dưa là ở chỗ đó.
          Những năm cuối đời bác Hào bị điếc nặng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn đi dự họp thơ ở câu lạc bộ. Đầu năm 2010 này, bác đã đi về cói vĩnh hằng. Hôm đưa đám bác, tôi có xuống viếng. Đêm về thức giấc bỗng nhớ đến bài thơ của bác và miên man nghĩ đến kiếp người. Nhân đó có làm một bài thơ viếng bác để trong lòng:
Ngày nào “Mời trộm ăn dưa”
Vừa vui vừa tếu lại vừa nhân văn
Nón mê quần cộc nhọc nhằn
Vẫn mong kẻ trộm làm ăn đàng hoàng
Yêu thơ yêu xóm yêu làng
Bài đầu bác viết “Bích Nham” quê mình
Mười hai năm ấy bao tình
Bác đi nhưng bóng nhưng hình chưa đi
Nội san thơ bác còn ghi
Đọc thơ như thấy bác về bên tôi
Đang nghe, đang ngóng…đang cười…
Nào hay bác đã ra người trăm năm?

                                         Thị xã Chí Linh 2/11/2010
                                                  Đỗ Đình Tuân
                                                   













ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...