Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI (7)


                                         Trại Hai Tô

Mẹ tôi mất được chừng hơn năm thì làng tôi cùng với làng Dâu, Nam Gián Đông và Nam Gián Đoài bị dồn dân lên trại Hai Tô. Ngày nào bọn sếp Tây và lính Bảo Hoàng cũng xuống các làng để đốc thúc việc dỡ nhà, chặt tre lên lập khu làng mới. Một buổi sáng, tôi thấy một tên sếp tây cao cao gầy gầy, mặc quần soóc, áo cộc tay, súng lục trễ ngang hông dẫn lính xuống làng từ khá sớm. Bọn lính ngụy thì đi lùng sục nhốn nháo khắp nơi. Thỉnh thoảng lại nghe một tiếng súng nổ. Chúng bẻ mía, vặt bưởi…và vừa đi, vừa nhồm nhoàm ăn. Tên sếp tây và viên thông ngôn đi theo thì không. Hắn đi vào từng nhà. Bố tôi thấy hắn vào thì chân tay run run, mặt mày tái mét, đứng chắp tay , miệng lẩm bẩm “Lạy quan lớn, lạy quan lớn…!”. Hắn nói xì xồ một câu gì đó bằng tiếng Pháp, viên thông ngôn dịch ra: “ Quan lớn lệnh phải lập tức dỡ nhà ngay!”. Thế là bố tôi phải đi dỡ nhà. Hai gian nhà làm từ hồi ở trên ngọn Sông Đào về đến hôm nay lại phải dỡ ra để mang lên trại Hai Tô. Khi quay ra, hắn thấy tôi, hắn vừa xoa đầu tôi vừa nói bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: “ Ê…tí nhau…tí nhau…”. Rồi hắn vẫy mấy tên lính ngụy, ra hiệu bảo “cho tí nhau ăn với”. Một tên lính ngụy đưa cho tôi tẫm mía hắn đang tước vỏ ở trên miệng và một tên khác thì đưa cho tôi mấy múi bưởi. Hôm ấy, nhà nào đi vắng mà đóng cửa thì hắn cho quân lính đập phá cửa ra. Hắn còn cho quân lính ra đồng ách mọi việc làm đồng lại để về thực hiện lệnh dỡ nhà, dồn làng. Từ hôm đó, làng tôi và mấy làng lân cận tíu tít việc dỡ nhà, vác cây que, gồng gánh đồ đạc lên làm ở khu làng mới  trên trại Hai Tô.
Hai Tô là tên một điền chủ người làng Dâu (tên chữ là làng Cổ Châu Thượng). Nhưng ông ta không ở làng mà lập một mình một trại ở giữa cánh đồng, cách Phả Lại chừng hai cây số về phía đông nam theo đường chim bay. Thực ra dinh cơ này được xây dựng từ thời bố ông Hai Tô tức là cụ Hai Tiến. Khác hẳn với những điền chủ ở trong vùng như cụ Tổng Liêu (Nam Gián Đoài), Cụ Hậu Thang (Cổ Châu Hạ) thường xây tư dinh kín cổng cao tường ở giữa làng, ông Hai Tiến, dựa vào thế của một ông anh làm quan hai đóng trên đồn Phả Lại, và tiếp thu lối xây dựng điền trang của người Pháp, đã xây dựng trang trại ở giữa cánh đồng. Ông khoanh vùng ruộng đất của mình bằng hệ thống bờ cao, gần giống như kiểu ở đồn điền Hậu Quan của một ông chủ Pháp. Dinh cơ của ông gồm có một tòa  nhà gác hai tầng và hàng chục gian nhà ngói vừa làm kho tàng, vừa là nơi ở cho những người làm thuê…Để bảo vệ trang trại, gia đình ông trang bị mấy khẩu súng săn và nuôi một đàn chó rất dữ. Đàn chó này, có thời, đã là một nỗi khiếp sợ của những người nông dân làm ruộng xung quanh. Không ít người đã tìm cách bán lại ruộng đất cho ông  để đi mua nơi khác. Nhưng người ta càng muốn lảng xa ông thì trang trại của ông lại càng mở rộng.
Ông Hai Tô chỉ là người kế thừa thuộc thế hệ thứ hai. Người ông ta cao ráo, trắng trẻo, cũng tầm tuổi bố tôi hoặc hơn chút ít. Ông ta có hai vợ. Bà vợ đầu chỉ sinh được một con trai. Còn bà vợ hai thì vừa mắn đẻ lại đẻ nhiều. Bà sinh hạ cho ông chẵn chục người con cả trai lẫn gái. Trong số đó có hai người Nguyễn Văn Toản và Nguyễn Văn Thao là bạn học cũ của tôi từ thời tiểu học. Nguyễn Văn Toản người thấp bé nhẹ nhàng chắc là giống mẹ. Còn Nguyễn văn Thao dáng cao lớn hao hao như bố nhưng mặt bị rỗ nhằng rỗ nhịt, hậu quả của bệnh dịch đậu mùa năm 1947. Tính Thao láu táu và hơi hiếu thắng. Tranh cãi với hắn điều gì thì hắn vung tay vung chân cãi lại rất hăng. Người con gái lớn-nhưng là đốt thứ tư của bà hai-sau này trở thành em dâu cháu chú cháu bác với tôi. Thím ấy hơn tôi hai tuổi, người nhỏ nhắn, tính dịu dàng nhẫn nhịn, nói năng lại nhỏ nhẹ nên trong họ, ngoài làng ai cũng khen là một nàng dâu thảo. Có điều suốt trong thời chiến tranh chống Mỹ, chồng biền biệt trong chiến trường xa, mình thím ấy ở nhà nuôi mẹ già, con thơ nên kinh tế gia đình lúc nào cũng bần bách. Ngoài theo công điểm với hợp tác xã, thím ấy cứ phải xoay xỏa tìm việc làm thêm. Giữa thời người ta cấm đoán mọi chuyện làm ăn buôn bán tư nhân, thím ấy vẫn tìm ra một nghề cũng khá khôn ngoan: buôn chuối. Cứ mua chuối xanh của người ta về đem dấm chín rồi lại gánh ra chợ bán, xem như là bán của nhà. Dần dà thành quen, thành “phân công lao động động xã hội”. Ai có chuối cũng cứ gọi đến thím. Và thím ấy cũng tự nhiên thành một bà “nái chuối” chuyên nghiệp. Tôi là người ít về làng, càng ít có dịp về qua nhà thím, nên lần nào thấy anh, là thím ấy cũng cứ khoắn khỏa mời cho bằng được. Lần nào vào cũng thấy trong một góc nhà lỏng chỏng ngổn ngang bày la liệt những nải chuối, chín có, xanh có. Lần gần đây nhất vẫn thế. Tôi hỏi: “Thế thím vẫn còn làm nghề này hay sao?”. Thím ấy trả lời: “ Vâng, em vẫn làm đấy bác ạ. Cứ ai gọi bán thì em lại mua”. Tôi hỏi thăm về Toản, về Thao, hai người bạn học cũ chưa từng gặp lại và được biết Toản bây giờ lập nghiệp mãi trên Lục Ngạn, còn Thao thì đã hy sinh từ năm 1972.
Ông Hai Tô là người chơi súng săn và cũng rất hay khoác súng  xuống đồng làng tôi săn bắn. Ngày ấy chim chóc còn nhiều. Ở những cánh đồng trũng thỉnh thoảng vẫn có những đàn vịt giời, vịt le… đông đúc xà xuống kiếm ăn. Ông thường tìm cách tiếp cận những đàn chim ấy. Khi đã vừa tầm bắn, ông thường nổ liền hai phát súng. Phát thứ nhất nhằm vào đàn chim đang bơi. Phát thứ hai nhằm vào đàn chim khi vừa cất cánh. Đạn là đạn ghém. Mỗi viên có hàng trăm mảnh chì, mảnh gang nhỏ nhôi ở bên trong. Chùm sát thương của mỗi viên rộng như cái sàng, cái nia ấy.Cho nên chỉ với hai phát đạn, ông đã có một xách nặng “chiến lợi phẩm” đem về. Nhưng người ta thán phục ông hơn cả là về cái việc ông đã bắt sống được chim bồ nông mà người vùng tôi hay gọi là chim lềnh đềnh. Bồ nông là một loài chim to khỏe, thường đi ăn lẻ từng con một, rất ít khi thấy đi ăn đôi. Ở làng Vĩnh Trụ có một cặp vợ chồng nhà nọ khênh đôi lợn sang bán bên chợ Rồng (Nam Sách). Tiền đút cả vào ruột tượng. Non Trưa về đến đồng làng thấy một con bồ nông ai bắn bị thương cứ chập choạng định bay lên mà không bay được, liền chạy ra vồ. Vồ được, nhưng lại không kiếm đâu ra dây trói, bèn lấy luôn cái ruột tượng trói chân nó lại rồi treo lên đầu đòn gánh mếch ở sau lưng. Đi được một quãng thì chim bồ nông bất đồ lại vỗ cánh bay lên, tha luôn cả cái ruột tượng đi theo. Người đàn ông chưng hửng, buột miệng: “ Ôi thôi...! Thế là toi…!”. Còn người đàn bà thì tiếc của quá, vừa dậm chân vừa kêu khóc: “ Ới làng nước ơi, chim bồ nông nó tha mất đôi lợn của tôi rồi, giời đất ơi…!”. Còn có một người làng Chin thấy một con bồ nông ăn rất gan ở gần ruộng nhà mình thì nghĩ bụng “chắc là bắt sống được”. Thế là ông ta lội xuống đội bèo, giả vờ làm một đám bèo trôi tiến lại gần chim bồ nông. Con chim bồ nông cũng từ từ bơi lại, đang định đưa cái mỏ to như cổ tay, quăm quắm nhọn như múi giáo bổ xuống đám bèo thì ông ta sợ quá bèn đứng òa lên ù té chạy. Con bồ nông cũng hoảng quá, quay ngoắt ngay lại vừa kêu quang quác vừa chạy xé nước một đoạn dài rồi mới cất cánh lên được. Thế là người sợ chim, chim sợ người, hai bên cùng chạy. Nhưng ông Hai Tô thì không thế. Ông cũng đội bèo tiến lại gần chim bồ nông. Rồi ông túm cẳng chim bồ nông, kéo nó xuống nước, quần nhau với nó ở dưới nước, vặn cổ, bẻ cánh nó cho đến khi bồ nông đuối sức ông mới cầm cẳng xách lên. Lúc ấy thì bồ nông không thể bay, cũng không thể mổ lại ông được nữa.
Cái trại Hai Tô một mình chơ vơ giữa cánh đồng, vừa ngang tàng vừa thách thức thế, mà lại rất an toàn. Trước cách mạng tháng Tám 1945, hầu hết các nhà giầu kín cổng cao tường ở giữa làng giữa xóm lại rất hay bị bọn giặc cướp đến “hỏi thăm”. Riêng trại Hai Tô thì không dám. Đơn giản vì một lẽ giặc cướp không thể tiếp cận được. Đến thời kỳ “Tiêu thổ kháng chiến”, cả thị trấn Phả lại đều bị phá, dinh cơ Cụ Hậu làng tôi cũng bị phá. Riêng trại Hai Tô thì vẫn cứ nguyên vẹn. Lý do đơn giản cũng chỉ vì nó chơ vơ trống trải, không có dân, lại gần đồn Phả Lại nên Tây cũng chẳng xuống đó đóng làm gì.  Mà Tây không đóng thì ta cũng chẳng phí công, phí sức mà đi phá. Với lại gần đồn Tây thế phá bằng cách nào để không lộ được? Mãi đến năm 1949, người Tây mới nẩy ra cái ý tưởng xây dựng nơi đây thành một trại tập trung. Dinh cơ của ông hai Tô cũ nay thành nơi để cho sếp Tây và lính ngụy đóng đồn. Đằng sau đồn để một bãi đất rộng làm nơi tập tành cho nghĩa dũng, nơi tập trung dân chúng mỗi khi có “quan lớn” về hiểu dụ. Chúng tôi có được dự một lần quan Tây về hiểu dụ, sau đó phát thuốc và chủng đậu cho bọn trẻ con chúng tôi. Có đâu hai cái bàn phủ ga trắng. Trên bàn để khay, panh, kéo, kim tiêm, bông băng, thuốc đỏ…Bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng vén ống tay  lên đến tận vai, xúm xít xung quanh chờ đến lượt chủng đậu. Đồn binh và khu đất rộng ấy là trung tâm của trại tập trung. Bốn góc đồn là  dân của bốn làng bị dồn lên đây ở. Vây kín bốn xung quanh trại tập trung là hai lớp rào chéo mắt cáo bằng tre, bằng nứa. Mỗi làng có một cổng đi riêng. Rào hai lớp nên cổng cũng có hai cổng: cổng trong và cổng ngoài. Cổng cũng là cổng tre, có một cán cổng ở giữa. khi mở thì chống cổng lên, khi đóng thì hạ cổng xuống, kéo cán cổng vào phía trong. Cuối cán cổng đục một lỗ tròn để lùa con sỏ chốt chặt vào với cọc chốt cổng. Bên cạnh cổng trong làng nào cũng có ba gian điếm canh. Làng tôi ở góc phía tây nam đồn. Cổng hướng về phía làng Phao Tân. Nhà tôi ở ngay cạnh điếm canh của làng. Bố tôi làm chỉ có một gian và mở cửa dọc nhìn ra phía nhà thờ Tu Linh. Lý do phải mở cửa dọc chỉ là vì nhà làm tạm bợ, vội vàng, chân tường và bức vách để thấp nên không đủ độ cao mở cửa ngang được.
Dân sống trong trại tâp trung này gặp rất nhiều phiền toái. Thứ nhất là đi làm đồng rất xa. Từ trại Hai Tô về làng tôi phải đi bộ đến ba cây số. Thời gian đi lại mất nhiều, chưa kể buổi chiều lại phải về sớm để kịp giờ “đóng cổng trại”. Đó là lý do nhiều đàn ông làng tôi cứ trốn trại ở lại làng. Có lẽ biết vậy nên đêm nào móoc chiê (đạn cối) trên đồn Phả Lại cũng cầm canh bắn xuống các làng. Ở trong trại Hai Tô tối tối chúng tôi vẫn thường nghe thấy tiếng đạn bay rè rè qua đầu, rồi lâu lâu mới nghe tiếng ình ình ở dưới làng xa. Cũng đôi lần tôi về làng. Cảnh làng hoang vắng và trống trải lắm. Những bụi tre làng bị  đạn moóc chiê vặn tơi tướp rũ rượi cả xuống đường làng. Những sân gạch bị trúng đạn vỡ tung tóe lên thành những hố sâu. Hai cây táo sau chùa quả sai lủng liểng mà không có người vặt. Cây táo xoan cao lắm tôi không dám trèo. Chỉ có cây táo bột,  thân nó nghiêng nghiêng ngả ngả tôi mới dám trèo lên hái vội mấy chùm thâm thấp quả sai lúc lỉu. Những quả táo tròn to bắng cái chén hạt mít, đã chín trắng, bỏ vào miệng ăn những bột là bột…Xóm tôi, tôi chỉ biết có bác Trương Hương là ở nhà thôi. Bác biến cái ụ  tròn tròn, trước đây vẫn để bục thóc lên trên, thành nhà ở kiêm luôn hầm trú ẩn. Bốn xung quanh là tường đất đắp dầy. Bên trong là một “tăng xê” đặt vừa một cái chõng tre và một khoảng trống con con để đồ vặt: đèn, điếu, ấm nước…Có hai cửa tò vò thông nhau để ra vào, lên xuống cho tiện. Bên trên hầm nhà được chát kín bằng bùn rơm. Trên lớp bùn rơm, bác vẫn đội cho nó một “cái nón” to bằng cái nong, khung tre, lợp rạ để tránh thấm nước xuống hầm nhà. Đó là một ngôi nhà tròn duy nhất tôi thấy ở làng tôi. Ngôi nhà tròn này tồn tại khá lâu. Mãi đến năm 1958, nó còn được tu sửa chỉnh trang để làm “phòng hạnh phúc” cho vợ chồng bác Thi. Bác Thi tuy lấy vợ sớm, từ năm 1953, nhưng sau đó “bác giai” đi thanh niên xung phong mở đường vào chiến dịch Điện Biên. Đến năm 1958 thì xin phục viên và hai vợ chồng mới “tái tân hôn” trong cái ngôi nhà tròn độc đáo này.
Bất tiện thư hai là thiếu nước. Trước đây ở làng chỉ vài bước chân là ra đến cầu ao. Nay lên ở trại chơ vơ giữa cánh đồng khô hanh không kiếm đâu ra nước. Chiều nào bố tôi cũng phải dắt tôi đi hàng cây số ngược lên đến gần làng Phao Tân mới có ao, có ngòi để rửa ráy và gánh nước về ăn. Bố tôi gánh nước bằng hai cái ang sành nhũng nhẵng đi trước. Tôi thất thểu theo sau. Những buổi chiều mùa đông hanh heo và sương giá. Chân tôi mỏi rời mỏi rã mà những vết nẻ răm, nẻ miếng trên mu bàn chân, đằng sau gót chân, thấm lạnh, thấm nước lại càng lốt nhốt đau. Vậy mà nhiều khi tôi vẫn phải chạy gằn theo bố để kịp giờ về trại. Bởi ở trại, chiều nào lính ngụy và nghĩa dũng trong đồn cũng ra điếm canh. Đầu tiên họ dóng một hồi kẻng báo rõ dài. Ý muốn nhắc nhở mọi người ai chưa vào trại thì hãy khẩn trương. Đến giờ thì họ sập cổng xuống. Ở cổng ngoài họ còn gắn thêm một quả mìn muỗi.
Buổi tối ở trên trại buồn lắm. Trẻ con không có chỗ tập trung để nô đùa như ở dưới làng. Nhà tôi lại làm độc lập ở gần điếm canh và nhìn đi một hướng. Các nhà khác thường làm thành dãy và nhìn cả về khu trung tâm. Hàng xóm gần gũi với nhà tôi chỉ có hai nhà là gia đình bà Ngọc và gia đình ông Trương Tự. Nhà họ làm ngay đằng sau nhà tôi và cùng hướng với nhà tôi. Nhưng hai nhà ấy đều không có trẻ con. Gia đình bà Ngọc chỉ còn bà và hai người con lớn là anh Ngà và cô Khiêm. Cô Khiêm đã đi lấy chồng nhưng chê chồng nên lại về nhà ở. Anh Ngà  thì nghe đồn đâu đang “mê” chị Ái, con gái thứ hai bác Lý Tín nhà tôi. Ban ngày, tôi chẳng thấy mặt họ đâu. Nhưng buổi tối thì thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp họ đứng với nhau ở đầu nhà. Hai người đứng đối diện nhau, tay vân vê như đang mân mó một vật gì, miệng lầm rầm nói chuyện và thỉnh thoảng thì lại khúc khích cười. Còn bà Ngọc thì người làng tôi mệnh danh cho bà là Bà Vú, bởi vì bà chuyên đi đỡ đẻ giúp cho mọi người trong làng. Không có ca đẻ nào bình thường ở làng mà lại không phải gọi đến bà. Cho nên cái danh hiệu “Bà Vú” mà người làng tôi phong tặng cho bà gói ghém cả lòng quý mến và biết ơn. Hàng năm, cứ đến tết “ Ông thày, bà cốt” (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là người làng tôi kẻ ít người nhiều đều có một chút quà nhỏ: cân đường, cân mứt, cân cam, nải quả hoặc con gà…đến biếu Bà Vú.
Gia đình ông Trương Tự cũng chỉ có ba người: hai ông bà và người con trai út tên là Sơ. Anh Sơ chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng tôi cũng chẳng thấy mặt mũi anh đâu. Ông Trương Tự thì đang đau bệnh nặng. Ông mắc căn bệnh gọi là “Lên đầu gối ông voi”. Hai đầu gối cứ sưng to lên và một thời gian sau thì ông mất. Bà Trương Tự người thấp đậm và lặng lẽ như một cái bóng. Tôi không thấy bà ấy cười nói bao giờ. Bà ấy thường mặc một cái váy đụp rất lôi thôi và cũ kỹ, cái áo cánh nâu cũng đã bạc trắng, đội cái nón chóp che gần như kín mặt, quảy đôi quang sọt lên Phả Lại nhặt phân. Ai mua thì bà ấy lại gánh ra tận ruộng vãi cho. Ngày ấy chưa phổ biến dùng phân hóa học như bây giờ. Chỉ dùng phân chuồng (phân trâu, phân lợn trộn với mùn rác độn chuồng lợn) là chính. Phân bắc (phân người) đã được xem là “thức ăn cao cấp” của lúa rồi. Các lão nông làng tôi đánh giá cao phân bắc lắm. Họ bảo: “Dùng cái anh phân bắc này, vụ sau làm đất tuy có nặng tay một chút nhưng tốt bền và chắc hạt”. Họ cũng truyền tụng nhau một câu chuyện rằng các ông chủ Pháp ngày trước cũng quý cái món này. Có những thương lái đã đi mua gom từng thuyền đầy phân bắc về để bán lại cho người Pháp. Những ông chủ Pháp thường ăn mặc rất lịch sự: com lê trắng, mũ phớt trắng. Ấy vậy mà sẵn sàng sắn ống tay áo lên, thục ngay xuống thuyền phân bới lộn lên xem có lẫn giấy, lẫn giẻ hay không. Mua về, họ đem trộn thêm với đất thó, cán mỏng ra đem phơi khô rồi mới đóng bao đem về tận bên Pháp để trồng trọt.
Thời ấy “Nền văn minh toa lét” còn nằm mãi bên Tây. Người Việt Nam còn đang tôn thờ “Chủ nghĩa ỉa đồng”: “ Thứ nhất quận công, Thứ nhì ỉa đồng” kia mà. Ngồi chuồng do vừa bẩn vừa thối, mũi cứ phải chun lại đến ngạt thở. Còn ngồi ngoài đồng, chao ôi là thoáng mát, chẳng có con ruồi con nhặng nào vo ve quấy nhiễu, bao nhiêu thứ mùi khó chịu lại nhờ gió xua đi cả. Ai cũng nghĩ vậy thôi, chứ thật ra ở những cánh đồng, bãi đất  dìa phố chợ hoặc bên trại lính, giấy lộn vứt ngổn ngang, phân người cũng nằm ngồi la liệt. Ruồi nhặng và ròi bọ cũng tởm lợm lắm. Nhưng đó lại là nguồn nguyên liệu cho bà Trương Tự khai thác. Sáng bà đi là trưa về có một gánh. Quá trưa bà đi  thì chiều về lại thêm gánh nữa. Tôi thấy ngày nào bà ấy cũng lầm lũi và kiên nhẫn làm như thế.
Không biết ai loan tin, nhưng có một buổi chiều, người làng tôi nhốn nháo ra cổng trại để xem quân Tầu Tưởng chạy loạn. Chúng tôi cũng theo ra. Nhìn lên đường 17, chỉ thấy lố nhố  một đoàn quân đi. Bắt đầu xuất hiện từ Phả Lại rồi cứ kéo dài dần ra. Đường đê thì cao, nền trời thì trắng, từ xa nhìn lên tôi chỉ thấy những bóng người đen đen lầm lũi nối đuôi nhau, dài mãi, dài mãi…Lúc ấy tôi chưa hiểu là họ chạy loạn gì. Chỉ sau này học sử thì mới biết đó là lúc quân Tầu Tưởng thua quân Tầu Mao. Đây là đoàn quân họ rút chạy qua đường Việt Nam. Lại một buổi sáng, chừng nửa buổi, nghe tiếng súng nổ đì đẹt phía quán Hàng Bà Nhất. Lúc sau thì thấy lính ngụy và nghĩa dũng vác súng ra phục kín phía bờ rào nhắm bắn về phía tiếng súng nổ. Người làng tôi cũng lố nhố đứng ra xem. Bọn trẻ con thì chỉ thập thò định chạy ra lấy “cát tút” (vỏ đạn) làm đồ chơi, nhưng người lớn không cho ra. Đó là trận ta đánh độn thổ trên đường 17, lính Hai Tô phải ra bắn yểm trợ.
Sau đó chỉ vài hôm thì bố tôi đem tôi gửi sang bên ngoại. Giữa buổi trưa một ngày mùa đông nắng đẹp, bố tôi cho tôi cưỡi một con nghé đực, rồi bố tôi dắt nghé đi trước, tôi cưỡi nghé theo sau. Từ cổng trại Hai Tô đi tắt đồng lên đê Lý Dương. Từ Lý Dương  theo đường nhựa đến Hàng Bà Nhất. Đến đây bố tôi lại cho đi tắt cánh đồng bãi làng Chí Linh để ra bờ sông Kinh Thày đoạn ngang làng Ninh Xá. Ngày ấy làng Chí Linh còn ở ngoài đê, chưa đắp đê bối khoanh vùng lại như ngày nay. Về mùa lũ cánh đồng bãi làng Chí Linh nước ngập trắng băng. Ngọn nước sông Lục Đầu và ngọn nước sông Đuống đến đây thì bị tòe ra, dòng nước chảy chậm lại. Làng Ninh Xá cũng vì thế mà trở thành một cái túi để hứng phù sa bồi tụ. Cho nên phần ngoài đê làng Ninh Xá còn có một bãi bồi rộng lắm. Người ta còn tân tre, trồng mây, trồng cây ăn quả, trồng rau mầu, có thời kỳ còn làm cả bãi họp chợ nữa. Mỗi nhà cũng thường có một chiếc “cầu sông” để rửa ráy, tắm giặt, và kín nước về ăn. Ở những “cầu sông” ấy cũng thường hay có người. Bố tôi gọi với qua sông nhờ một người đang đi gánh nước về nhắn tin hộ. Một lát sau thì bác Cương tôi đưa thuyền sang đón. Trâu nghé làng tôi bơi nước đã quen nên việc đưa con nghé qua sông cũng rất dễ dàng. Chỉ cần buộc thừng vào thuyền, bơi thuyền đi là nó ngoan ngoãn bơi theo. Sông nước mùa đông cạn dòng nên chỉ một loáng đã sang bờ bên kia.
Ông ngoại tôi năm ấy đã gần sáu mươi tuổi, dáng người cao cao, lưng hơi còng, mái đầu và bộ râu ba chòm đã bạc trắng như cước. Bà ngoại tôi sinh được bảy người con: bốn trai, ba gái. Bốn trai là Cương, Dũng, Lược và cậu út Mão (vì sinh năm Mão 1927). Ba người con gái là: Chải, Chuốt, Rẽ. Mẹ tôi là Chuốt. Nhưng vì trùng tên với một người làng, người ta đến xin tên, ông tôi mới đổi tên gọi là Nhỡ. Bá Chải lấy chồng người làng Trần Xá tên là Đồng nên tôi gọi là bá Đồng. Bá Đồng sinh được hai con: một trai, một gái rồi cũng mất vì bệnh hậu sản trước mẹ tôi mấy năm. Dì Rẽ lấy chồng làng sinh con trai đầu lòng tên Thiều nên tôi gọi là dì Thiều. Bà ngoại tôi mất từ năm 1930, lúc đó mẹ tôi mới mười một tuổi và cậu Mão mới ở tuổi thứ tư. Ông ngoại tôi sau đó cũng “đi bước nữa”, lấy “ Bà Trẻ” và sinh thêm được hai người nữa là dì Cún Hai và cậu Mạch. Tôi, Thiều và cậu Mạch bằng tuổi nhau. Bốn gia đình: bác Cương, bác Dũng, bác Lược và Bà Trẻ đều ở liền nhà nhau. Đặc biệt hai nhà bác Cương và gia đình Bà Trẻ  còn liền cả sân nhau và nhìn đối diện vào nhau nữa. Nhưng lúc đó thì ông tôi đã ở với gia đình bác Cương và mọi công việc cúng giỗ tổ tiên ông bà…đã giao cả cho con trai trưởng. Nhà ông ngoại tôi lúc đó có hai người đi kháng chiến không có mặt ở nhà là cậu Mão và anh Đoàn ( tên bố mẹ đặt là Chắc) con giai trưởng của bác Cương.
Hai chú cháu cũng tầm bằng tuổi nhau. Chú đi bộ đội được một thời gian thì lở ghẻ đầy người, liệt vào hạng bệnh binh cho thoái ngũ. Nhờ có trình độ văn hóa lớp 5 thời ấy nên được tuyển đi dạy học mãi trên Dương Hưu, Vĩ Loại, Sơn Động, Bắc Giang. Cháu đi bộ đội, bị thương, trở về hoạt động cơ sở ngay trong xã. Thời mất đất phải vượt sông Kinh Thày sang trọ ở làng tôi hoạt động. Run rủi thế nào lại lấy cô em gái con ông chú tôi làm vợ. Đó là cô Hải con gái cả chú Hội Mậu nhà tôi. Ông này gan như cóc tía. Nhà ngay cạnh đồn địch thế mà đôi lần vào buổi tối, cũng lần về thăm nhà. Ông tôi biết là lại hốt hoảng vội đi nhắc các con  lo cảnh giới. Còn mẹ anh thì vội kéo anh vào trong buồng, rì rầm vài câu, dúi cho con ít tiền, rồi vội tống đi ngay: “ Lần sau, cấm chỉ về con nhé! Mày về, tao lo lắm!”. Ông chú, ngược lại nhát như cáy ngày. Sau lần chúng cho quây nhà tôi, cuôc hầm bắt hụt, cứ ở tịt trong vùng tự do, không dám bén mảng về nữa. Lần ấy, bố tôi cũng rầy rà lây. Chúng bắt bố tôi ra tra hỏi: “ Mày dấu hai tên Kham -Mão ở đâu thì phải thành thật khai ra. Nếu không thì rũ tù!”. (Kham là một người anh khác của tôi cũng người làng Ninh Xá) Bố tôi người run như cầy sấy cứ sự thật mà khai: “Bẩm quan lớn, mấy hôm trước hai tên ấy có qua đây thăm nhà tôi thật. Nhưng không gặp chị, gặp cô chúng nó lại đi ngay. Hiện giờ thì tôi không biết chúng ở đâu cả. Quan lớn không tin thì cứ việc đi khám xét. Chúng cho quân lính đi sục hầm và đào cuốc linh tinh cả. Nhưng cũng không tìm được hai tên Kham-Mão thật. Vậy mà chúng vẫn bắt bố tôi sang đồn Ninh Xá. Bố tôi cõng tôi ở trên lưng theo bọn lính áp tải sang đồn Ninh Xá. Đến đồn chúng giữ bố tôi lại còn giả tôi về nhà ngoại. Mẹ tôi đang chơi bên nhà ngoại, thấy chồng bị bắt thìchỉ ôm tôi mếu máo khóc.Còn ông tôi thì lo quýnh lên, vội họp các bác tôi lại hội ý, bàn cách chạy chọt lo lót để “gỡ” bố tôi ra. Ông tôi bảo mẹ tôi và các bác phải lo nhanh lên, nếu để nó giải xuống huyện là rắc rối đấy. Không hiểu mẹ tôi và các bác lo lót thế nào mà chỉ vài hôm sau là bố tôi được thả ra ngay.
Ở bên ngoại ban ngày thì rất vui, vì tôi sẵn bạn chơi. Nhất là ba cậu cháu tôi bằng tuổi nhau lại gần nhà nên rất hay đàn đúm rủ nhau đi chơi. Ở bờ đê làng Ninh Xá lúc đó còn có một thứ cây gọi là cây bọ mò có hoa nở đỏ rất đẹp. Chúng tôi thường lấy hoa làm đồ chơi, lấy lá làm đồ vày nghịch: đem làm cac loại bánh hoặc trộn với bột đất, bột gạch non để chế biến các loại thuốc…Nhưng ông tôi thấy thì ông tôi dẹp ngay vì sợ bọ mò rúc vào người sinh lở ghẻ. Ông tôi cũng lại sợ chúng tôi lên bờ đê không may bị  xe cộ kẹp, sợ chúng tôi ra bờ sông chơi không may chết đuối…Vì thế cứ thấy vắng bóng chúng tôi là ông tôi lại vội đi tìm. Ông tôi thường lững thứng lên đê, tay cầm cái quạt giấy che đầu, mắt dò tìm các hướng. Hễ thấy chúng tôi đâu là ông tôi lại lập tức gọi về ngay. Làng Ninh Xá gần chợ Nành. Chợ Nành trước đây họp ở vị trí giữa làng Ngô Đồng và làng Ninh Xá. Nhưng thời tạm chiếm, để ngăn quân du kích lợi dụng chợ làm địa bàn hoạt động, nên quan Tây kéo chợ về họp ngay ở bãi bồi ngoài đê làng Ninh Xá. Bãi bồi này khá rộng. Hai đầu chợ còn có hai cây thị to lắm. Họp chợ ở đây vừa gần đồn lính lại vừa gần sông, nhu cầu mua bán trao đổi nhiều,  ngoài các phiên chính như trước, còn đẻ thêm những phiên sép, nên chợ Nành gần như có thường xuyên. Cũng nhờ lộc chợ Nành mà tôi  hay được các bác, các dì, các mợ, các chị….mua quà về cho ăn nên hầu như lúc nào cũng ướt mép.
Nhưng tối đến là tôi lại nhớ nhà. Từ ngày mất mẹ tôi đã quen quấn bố. Đi đâu cũng bố, trừ có việc đi làm. Khi thì bám quần bố, lúc thì trên lưng bố. Bây giờ xa bố, tôi thành bâng khuâng. Tối nào tôi cũng khóc đòi về. Mà hồi ấy tự nhiên tôi lại rất thèm hơi ấm phụ nữ. Tôi chỉ đòi ngủ với các chị, các cô gái trẻ, chứ không chịu ngủ với ông, với bác. Có một lần, tôi đang ngủ với mấy chị thì bác Dũng thức tôi dậy bảo sang giường ngủ với bác. Thế là tôi hờn. Tôi cứ ngồi trên cái phản giữa nhà khóc gào bố, gào mẹ: “Ới bố ơi, bố sang đón con! Ới mẹ ơi, mẹ về bế con!”. Tiếng khóc ấy của tôi hình như cứa vào lòng thương em, thương cháu của bác Dũng. Mặt mày bác Dũng tự nhiên méo sệch đi, run rẩy rồi dàn dụa nước mắt. Bác khóc nức nở và phải dùng cả cánh tay áo đưa lên gạt nước mắt. Thế là tôi lại được ngủ với các chị như cũ. Tôi nắm giữa các chị, Tuy chỉ đắp chiếu thôi mà tôi thấy một hơi ấm nóng bao trùm lên khắp người tôi. Tôi thổn thức thêm một lúc rồi ngủ đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau thì tôi vẫn thấy mình nằm trên giường bác Dũng.
Vài tháng sau thì nghe tin ta phá trại Hai tô rồi. Vào một đêm sương mù dày đặc. Ta gài được tay trong mở cổng đồn cho quân du kích vào đánh úp. Bọn nghĩa dũng thì  đầu hàng ngay. Còn mấy tên sếp ngụy cố thủ trên nhà gác cũng bị quân ta đột nhập tiêu diệt. Dân các làng được dịp, chỉ vơ vội những thứ cần thiết, dắt cưỡi trâu bò chạy vội về làng. Trại Hai Tô lại thành một trại trống không. Giữa thời loạn lạc đạn bom cũng không ai lên đấy làm gì. Nó cứ phơi mưa, phơi nắng và tự lụi tàn. Riêng khu nhà xây, tư dinh cũ của nhà Hai Tô thì mãi đến những năm cải cách, nông dân nàng Dâu mới lên phá phách và đào bới đến viên gạch cuối cùng.
                                                                      27/3/2011


Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

TRUYỆN NGẮN TRONG MỘT BÀI CA DAO CỔ

Truyện ngắn trong ca dao cổ

Bài ca dao cổ ấy chỉ có bốn câu mà là một truyện ngắn thực sự! Câu đầu:
      Mình nói với ta mình hãy còn son
Giới thiệu hai nhân vật nam nữ, người con gái đã nói với người con trai là mình còn son rỗi, chưa chồng. Họ đã yêu nhau chăng? Và như có sự hứa hẹn. Câu thứ hai:
       Ta đi qua cửa thấy con mình bò
          Mở ra mâu thuẫn đột ngột, người con gái đã nói dối! Vì sao cô ta nói dối ? Người con trai sẽ phản ứng ra sao ? Đồng thời câu này giới thiệu nhân vật thứ ba của câu chuyện: đứa bé đang bò nghịch...
Người đọc còn thấy thấp thoáng nhân vật thứ tư: Chồng xủa cô gái- Anh ta là người như thế nào ? Có lẽ đây không phải là một cuộc hôn nhân tốt đẹp ?
          Con mình những đất cùng tro
          Câu thơ ba nêu bật hình ảnh đứa bé lê la bò nghịch bẩn thỉu một mình. Qua chi tiết cô đọng đó, ta biết đôi vợ chồng này là nông dân nghèo khổ, làm lụng tất bật, không trông nom được con-nhưng ta vẫn muốn chờ xem thái độ của người con trai “bị lừa dối” ra sao, khi anh đứng trước cái ngõ có đứa trẻ đang bò chơi tha thẩn. Câu kết thật là tuyệt vời:
          Ta đi gánh nước rửa cho con mình
          Không, anh không giận người con gái đã lừa dối mình, anh thông cảm và cùng đau nỗi đau của cô, sự nghèo khó và cuộc hôn nhân không hợp ý, anh cũng chẳng có ác cảm gì với người chồng. Anh thương người con gái và thương đứa bé
          Kìa! Ta thấy như anh đang đứng trước mặt ta: đôn hậu và dịu dàng, đau xót lẫn thương yêu, anh nhìn đứa bé-Rồi đường đường chính chính như một người thân trong gia đình, anh bước vào cái sân đất mốc rêu của đôi vợ chồng nghèo, lấy chiếc nồi hông đã rạn và chiếc lọ sứt gánh nước về rửa cho đứa bé như rửa cho con mình vậy.
Chúng ta hãy đọc lại cả bốn câu:
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua cửa thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi gánh nước rửa cho con mình.
          Giản dị mộc mạc quá-nhưng thật là tuyệt. Chỉ bốn câu mà nói được hoàn cânhr lịch sử, nói được nỗi đau và tình thương rộng lớn của nông dân nghèo thời trước. Bài ca dao không phải chỉ đề cao thái độ nhân đạo của người đàn ông “bị lừa dối” mà ngẫm cho kỹ, còn tố cáo xã hội phong kiến một cách sâu sắc thâm trầm. Đọc xong ta vẫn vấn vương, day dứt một câu hỏi: cuối cùng rồi số phận của người con trai, của người con gái, của người chồng và cả của đứa bé nữa sẽ ra sao ?
          Không biết nên gọi đây là bài thơ tự sự hay là một truyện ngắn. Bởi vì quả thật bài ca dao này có những đức tính của một truyện ngắn: tư tưởng trong sáng và hàm súc ngắn gọn đặc biệt…Trong bốn câu có bốn nhân vật, có xã hội, có vấn đề, chi tiết dùng rất khéo, lời văn bình dị mộc mạc mà nội dung sâu sắc, câu trước câu sau dẫn dắt nhau chặt chẽ, khiến câu chuyện có sức hấp dẫn cao
          Toma lại là không phải người làm thơ mới cần học ca dâo, người viết truyện cũng nên học ca dao lắm lắm.

Người sưu tầm: Đỗ mạnh Tân
Nguồn sưu tầm: Thơ-số 2-2011
Tác giả bài viết?

Băn khoăn của người sưu tầm:

Trong bốn câu thơ có bốn nhân vật, chỉ xuất hiện ba. Nhân vật chồng cô gái chưa xuất hiện mà ta chỉ thấy có bóng dang-Một vấn đề đặt ra là: Khi người con trai gánh nước rửa cho dứa trẻ, bất chợt người chồng ở đâu về thì sự gì sẽ xẩy ra?
Thật là bạo phổi và liều lĩnh.!


Suy nghĩ của Đỗ Đình Tuân:

          -Bài ca dao này, về mặt thể loại dứt khoát phải gọi nó là một bài ca dao trữ tình. Nhưng là một bài ca dao trữ tình giàu “chất truyện”, thậm chí có thể xem gần như một truyện ngắn được viết bằng thơ lục bát. Nhưng gọi nó là một truyện ngắn thì lại không ổn.
          - Bốn câu ca dao này cũng chỉ xuất hiện có ba nhân vật thôi. Còn nhân vật mà bài viết gọi là “chồng cô gái” chỉ là một ngoại suy chứ không hề có bóng dáng gì trong bài ca dao này cả. Bài viết khẳng định đây làm “chồng cô gái”, họ đang sống nghèo khổ và cuộc hôn nhân của họ  không hợp ý là vội vàng và chưa đủ cơ sở. Bố đứa bé có thể chỉ là một thằng “Sở Khanh” gây hậu quả cho cô gái rồi bỏ rơi. Cũng có thể chỉ là một người chồng đã ly hôn, hoặc một người chồng đã qua đời…Nhưng đấy không phải là vấn đề mà bài ca dao quan tâm. Vấn đề bài ca dao muốn thể hiện và tập trung thể hiện là tình yêu của người con trai: đó là một tình yêu thiết tha và cao thượng, nó vượt lên trên những thường tình. Cho nên sự “nói dối” và cái “nạ dòng” của cô gái chả là gì cả đối với chàng trai. Anh chấp nhận tuốt. Anh sẵn sàng làm chồng  của cô gái và làm cha của đứa trẻ. Bởi thế tình yêu này đã hòa làm một với lòng nhân ái, không hề bị vẩn đục bởi lòng ích kỷ, là thứ rất hay gặp trong tình yêu trai gái.
-Cái ý mà bài viết cho rằng: “ mà ngẫm cho kỹ, còn tố có xã hội phong kiến một cách sâu sắc, thâm trầm” tôi cũng cho rằng hơi khiên cưỡng và áp đặt. Bởi vì xã hội nào thì vãn có những trường hợp tương tự như thế xẩy ra, chứ không riêng gì trong xã hội phong kiến.

Nguồn: Cóp lại từ nguyệt san Cánh Phượng số 15


























Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

HỌA VẦN LỤC BÁT


XƯỚNG HỌA VỚI NGÔ HUYNH QUA MẠNG

Như đã hứa với bạn là sau tết sẽ trả món nợ hoạ thơ . Nay xin trả nợ bạn đây.Riêng hai câu in đâm có tiểu đối mà bạn ra trong đề thì Mỗ tôi lại phải xin khất nợ lại sau

 
Xướng:

Xuân về chúc cặp Sâm Dung
Bách niên giai lão răng long bạc đầu
Tháng ngày quấn quýt bên nhau
Uyên ương khó sánh, Trần Châu nào bì
Cháu con, của nả đề huề
Văn xuôi đôi tập, thơ đề trăm thiên
Càng già càng tráng kiện thêm
Sức nghe, sức đọc dẻo bền sâu xa
Xuân này mọi việc thăng hoa
Thi nhân đắc hứng, Thương gia vào cầu.

Đ 31/1/2011


Hoạ:

Xuân nay Ngô Mỗ  ung dung                     
Chỉ duy mái tóc… nhìn chung trắng đầu
Bốn mốt xuân sống cùng nhau
Duyên ưa  phận đẹp Trần Châu sánh bì
Ơn trời, mọi  sự bình huề  
Văn chương thơ phú phẩm đề đôi thiên
Cầu mong sức khoẻ dôi thêm
Để còn dung dưỡng chí  bền đường  xa
Xuân về trời đất thắm hoa
Chúa  xuân chắc ứng lòng ta sở cầu

Ngô 5-3-2011

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

CHỈ CÓ HAI THÔI

Tri Ân chỉ có "hai giai"
Thứ nhất Cẩm Tú, thứ hai Tô Hà
Những "giai" còn lại xóm ta
"Dẻo nhân" thì được, chưa là "giai nhân"!
                                         9/3/2011
                                     Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI (6)

                                Giỗ chạp
      (Viết nhân ngày giỗ Bà Tặng, thứ tự có thể sẽ thay đổi khi cuốn sách viết xong)
            
 Hàng năm cứ đến chừng độ hai mươi tháng mười là ba anh em xóm Đống Xộp lại rủ nhau vào ông trưởng để hỏi giỗ. Hỏi giỗ tức là hỏi ý ông trưởng xem năm nay định tổ chức giỗ bố, giỗ mẹ như thế nào? Nếu ông trưởng bảo: “Năm nay thất bát hoặc đang có khó khăn riêng, tôi chỉ lưng cơm quả trứng  kính cáo các cụ thôi”. Năm ấy các ông thứ, ông út sẽ tự lo liệu: hoặc hàn âm cúng riêng ở nhà, hoặc đóng góp tí chút để đến ngày kỵ nhật thì bảo vợ con ở nhà, một mình vào làm giỗ với ông trưởng. Còn nếu anh trưởng bảo “Năm nay được mùa, kinh tế cũng tạm dư dật, tôi cũng định làm mươi mâm để họp mặt anh em con cháu”…Thế thì năm ấy làm giỗ chung,  các ông thứ, ông út phải góp giỗ cho ông trưởng. Mời mọc những ai đó là quyền ông trưởng. Các ông thứ, ông út sau khi đã thỏa thuận được với “bà trưởng” trưởng về khoản đóng góp tài chính, thì đến ngày kỵ nhật, chỉ việc đưa cả vợ con đến nhà ông trưởng tham gia làm đám giỗ, rồi trước cúng sau ăn. Riêng về khoản đóng góp tài chính thì ông trưởng năm nào cũng chỉ phán một câu rất đường lối “Đóng góp bao nhiêu là tùy các chú”. Mà thế cũng đúng thôi, vì khi chia ruộng đất thừa kế cho các con, ông bà tôi đã để riêng cho ông trưởng một thửa ruộng rộng hơn một mẫu ở khu gốc bồ kết làm ruộng tự điền rồi. Cây bồ kết không còn. Không ai rõ nó to lớn rườm rà và gai góc như thế nào. Cũng không biết ai là người đầu tiên đến đây khai phá chặt đốn cây bồ kết và thửa ruộng này đã qua tay bao nhiêu đời chủ ? Người làng tôi chỉ gói nó trong một cái tên rất ngắn gọn “Mẫu bồ kết”. “Mẫu bồ kết” nằm gối đầu lên đống Mả Bà và chỏa chân ngay mép bờ con Sông Đào, vừa gần làng lại rất thuận tiện nước nôi. Nó thuộc loại bờ xôi ruộng mật năm hai vụ lúa. Dành thửa ruộng này làm ruộng tự điền là ông bà tôi đã rất ưu ái cho ông trưởng rồi. Như vậy về lý thì ông trưởng phải gánh vác việc cũng giỗ cha mẹ. Bảo các ông thứ, ông út tùy tâm đóng góp cũng là rất phải. Nhưng “bà trưởng” mới là người trực tiếp lo toan việc thu chi tính toán. Trong đầu “ bà trưởng” chắc chắn là đã có sẵn một bản dự toán: làm bao nhiêu mâm, tổng chi phí mất bao nhiêu, ông trưởng chịu bao nhiêu, các ông thứ, ông út mỗi người phải gánh bao nhiêu…Cho nên không phải cứ tùy tâm bao nhiêu “bà trưởng”cũng nhận cho đâu. Nếu “dưới ngưỡng” thì “bà trưởng” sẽ bảo: “ Nếu chú khó khăn thì chú cầm về, chị không nhận đâu!”. Thế là các ông thứ, ông út cứ phải về mà lo thêm tiền đóng góp cho “đủ ngưỡng”. Năm nào tôi cũng thấy cứ sau khi đi góp giỗ về là các vị  lại bậm bục với nhau, không thoải mái. 
Những năm làm giỗ chung thường hay tổ chức vào ngày giỗ ông. Làm giỗ chung thì chúng tôi được vào nhà bác Lý Khang ăn cỗ. Bọn trẻ con chúng tôi thường được bố trí ăn ở “mâm trẻ con”. Hàng chục đứa xúm quanh một mâm cỗ “ lào nhào như chào mào mổ gấc”. Đứa gắp, đứa bốc, đứa ăn, đứa khóc, đứa giằng giọ nhau rất chi là lộn xộn. Bởi thế “mâm trẻ con” nào cũng phải có một, hai người lớn trông coi để giữ gìn trật tự. Các món xôi, món thịt mỡ luộc thì chia đều ra cho mỗi đứa một phần. Đưa nào nhút nhát chậm chạp thì phải gắp, sẻ cho chúng ăn. Đứa nào sắc sói lanh chanh thì phải can thiệp… cũng khá là vất vả. Nhưng được cái đám trẻ con  chúng tôi “đánh nhanh, hết chóng”. Chỉ một loáng là chúng  tôi đã buông đũa bát và cầm phần xôi thịt của mình đứng dậy rồi mỗi đứa chạy đi một ngả. Đứa ra bám mẹ. Đứa ra bám bà. Còn tôi, tôi chạy luôn về nhà chứ không dám sán bố. Bởi bố tôi  ngồi ăn cỗ ở nhà trên có đông khách khứa. Năm làm to thì mời đủ đại diện các hộ nội ngoại. Năm làm vừa thì chỉ mời đến đại diện các chi nội ngoại thôi. Nhưng năm nào tôi cũng thấy ở nhà trên đông chật. Mọi người ăn uống, cười nói, trò chuyện rất ồn ào. Tôi rất ngại lên đó.Với lại tôi đã có “kinh nghiệm xương máu” vì một lần “sán bố” mà ăn đòn rồi. Lần ấy, vào đầu năm 1950, chị  Khang tôi đi lấy chồng. Chị lấy anh Đồng Tố Soạn trên làng Nam Gián Đông. Anh đã có một đời vợ và một đứa con trai tầm tuổi tôi. Vợ anh, trong một lần chạy càn, đang lội qua Sông Đào thì bị tây bắn chết. Còn chị Khang lúc đó vẫn là một gái tân chừng hăm nhăm, hăm sáu tuổi. Nhưng gái quê như thế cũng là vào loại muộn . Ngày ấy đã thực hiện cưới xin theo nghi thức “Đời sống mới”. Các đám cưới thường tổ chức rất giản dị, tiết kiệm. Nhất là bên nhà gái, cỗ bàn thường do bên nhà trai cung cấp, nên thường tổ chức rất hạn hẹp, để khỏi mang tiếng với dân làng là còn “thách cưới”, còn “hủ lậu”, không khéo lại còn rày rà với chính quyền nữa. Nhưng dù là giản tiện thế nào thì bố tôi vẫn vào diện phải mời. Nhưng trước khi đi bố tôi đã dặn tôi không được vào nhà đám. Tôi chạy sang nhà thím Đặng chơi. Nhưng khi về thì thấy nhà khóa cửa. Thế là tôi cứ long tong chạy vào cổng nhà đám. Cũng chỉ định gọi bố để lấy chìa khóa thôi. Nhưng bố tôi thì lại nghĩ rằng tôi cố tình không nghe lời, nên ông hằm hằm chạy ra rút ngay một đoạn que rào vụt tôi tới tấp và đuổi về. Từ trong nhà đám tôi thấy có nhiều người can với ra: “cho cháu nó vào đây!”. Nhưng bố tôi không nghe và càng đánh tôi đau hơn. Tôi ôm đít chạy về. Đến đoạn đầu nhà bác Lý Tín, không thấy bố đuổi nữa, tôi bèn ngồi lại khóc hờn. Vừa khóc vừa gào bố. Lúc ấy chị Khang mới chạy ra. Chị định dỗ tôi và dắt tôi vào. Nhưng tôi càng hờn và dãy dụa hơn. Chị bất lực, đành chỉ nhìn tôi ầng ậng nước mắt. Một lúc sau chị  đành phải bỏ về. Thế là ngày chị đi lấy chồng, em được trận lằn mông. Không ngờ cái đám cưới không được ăn cỗ ấy lại thành ra một kỷ niệm sâu sắc.
Mười ngày sau lại đến ngày giỗ bà. Ngày giỗ bà rất ít khi được làm chung. Nhưng năm nào bố tôi cũng làm giỗ riêng ở nhà. Năm thì bố tôi đồ một chõ xôi, nấu một nỗi chè làm mâm chay cúng cụ. Năm thì bố tôi lại mổ một con gà làm mâm cỗ mặn cúng cụ. Ấy là ngày giỗ “bà già”. Ngoài bà già ra tôi còn những hai “bà trẻ” nữa. Bà hai đẻ ra chú Tặng nên chúng tôi thường gọi là “Bà Tặng”. Còn bà ba đẻ ra chú Sen thì chúng tôi lại thường gọi là “Bà Ba Sen”.
Bà Ba Sen còn trẻ lắm. Khi ông tôi mất bà mới độ khoảng bốn mươi tuổi. Hai con thì đều còn nhỏ cả, ở quê chồng không biết dựa vào ai nên bà đã đem  con về quê mình ở. Rồi bà tái giá  lấy đời chồng thứ hai. Nhưng bà cũng không sinh thêm được ai  nữa. Mãi về sau khi con lớn bà mới phải theo con về quê chồng cũ ở. Cũng chỉ được hơn chục năm, đến năm 1971 phân lũ thì gia đình chú Sen cũng di cư lên Bình Giang ở. Bà Sen vốn là một người có nhan sắc. Đến tuổi già rồi nhưng trông bà vẫn đẹp. Nhưng bà hoàn toàn “đóng băng” với chúng tôi. Có thời bà ngồi bán hàng nước ở Quán Năm Gian, cách thị trấn Nam sách cũ về phía Hải Dương chừng vài trăm mét. Thứ bẩy chủ nhật nào tôi cũng học ở Hải Dương đi về qua đây, nhưng cứ chợt nhìn thấy tôi là bà lại vội nhìn lảng đi ngay. Chưa có một lần nào bà gọi tôi vào quán. Cũng chưa một lần nào bà hỏi thăm tôi được một vài câu. Sau này, khi đã về làng tôi ở, tôi cũng không thấy bà đi lại chơi bời với các bác các chú tôi bao giờ. Cũng có một đôi lần bọn anh em con chú con bác chúng tôi tổ chức  lên thăm bà,  nhưng bà cũng chỉ tiếp chúng tôi một cách hững hờ gượng gạo. Ngay cả trong những lần giỗ chạp ông bà nội tôi, tôi cũng không thấy bà có mặt? Mãi đến năm 1981 Bà Ba Sen mới qua đời.
Chỉ có Bà Tặng là ít nhiều gợi cho tôi cảm giác gần gũi của một bà nội. Có lẽ vì bà là người cùng làng và cùng họ với mẹ tôi. Đột nhiên tôi nghĩ rất có thể chính bà đã là người “đánh mối” cho cuộc nhân duyên của bố mẹ tôi ? Thế là tôi lại về làng để thẩm định cái suy nghĩ ấy. Tôi hỏi bà mẹ kế tôi. Bà cụ sau hai tháng nằm bất động để điều trị  gãy xương, nay đã hai tay chống cái ghế nhựa  lom khom đi lại trong nhà được rồi. Trông bà cụ đi cứ như người ta đang “úp nơm” trong cái nền nhà vậy. Bà cụ cho biết Bà Tặng không những đã “đánh mối” cho bố mẹ tôi  mà còn “đánh mối” cho cả chú thím Đặng tôi nữa. Thảo nào mà  ngày còn sống ma Bà Tặng, cụ rất hay ra nhà tôi và chú Đặng chơi. Bà Tặng trông người giản dị. Mùa rét bà thường mặc cái áo bông trần hạt lựu đã dung dúc cũ, đầu đội khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Nhưng bà cụ không mặc váy mà chỉ mặc cái quần ống hơi bó và bỏ lửng ở trên mắt cá chân một đoạn. Chân thường đi đất, tay cầm gậy. Có lẽ vì đường làng ngày ấy còn lầy lội và bẩn thỉu nhiều, chứ bà cụ trông vẫn khỏe mạnh ngay ngắn. Những ngày làng tôi còn giữ lệ “Đăng cai lễ chùa”, tuần rằm mồng một nào bà cũng chia phần cho các cháu - trong đó có tôi - mỗi đứa một khoanh chuối dày chừng nửa phân và nửa chéo oản to bằng độ hai đầu ngón tay. Giọng nói bà cũng hơi khàn khàn. Nhưng bà ít nói thường chỉ biểu lộ tình cảm bằng cử chỉ và cái nhìn chia sẻ thôi. Mãi đến năm 1952 Bà Tặng mới qua đời. Nhưng từ khi các bà mất chúng tôi cũng chưa một lần được “ăn giỗ” các bà. Trong chi họ cũng không thấy khi nào nhắc nhở đến việc cúng giỗ các bà cả. Cứ như là bỏ khoán cho con cháu các bà thôi.
Tôi cũng nghe nói ngày trước các đám xá cúng giỗ ở “nhà tôi” thường được tổ chức rất linh đình trang trọng. Nhưng đến thế hệ bố tôi thì thời thế biến loạn, hết lo chống giặc nọ, lại đến lo chống giặc kia, hết lo đánh giặc ngoại xâm, lại lo đánh kẻ thù giai cấp, đời người cứ lăn lên lộn xuống như xóc ốc, không mấy lúc được an nhiên. Mục đích thì cũng định giải phóng quốc gia, giải phóng con người nhưng thực tế thì con người cứ phải gánh chịu hết hy sinh nọ đến hy sinh kia, phải chấp nhận một cuộc sống cứ ngày càng co thắt hơn và chật chội thêm. Mọi nhu cầu của con người đều bị cắt xén đến mức tối thiểu. Người sống đã thế thì người chết còn lo sao cho chu tất được. Những ngày giỗ thường chỉ làm “giỗ dúi”. Còn chạp thì coi như không có. Ngày thanh minh cũng không thấy dở dói ăn uống, lễ bái gì. Chỉ thấy mỗi hộ cắt cử một người, đem theo một cái cuốc vào nhà bác trưởng để đi tảo mộ. Bác trưởng cầm một nắm hương, dẫn đoàn quân vác cuốc theo sau, đi hết đống này sang đống khác. Đến đâu có mộ người nhà thì bác dừng lại chỉ dẫn. Một người đánh một vầng cỏ úp ngược lên đỉnh mộ. Bác trưởng thắp một nén hương cắm lên đỉnh vầng cỏ. Ngôi mộ nào rậm rạp thì phát dãy cho quang quẻ. Ngôi mộ nào sạt lở thì đắp bồi vào. Ngôi mộ nào quá bé cũng đắp to thêm cho dễ nhận. Nhưng cũng không làm được đều đặn hàng năm. Khi các cụ già yếu, không có người dẫn đi thì cũng bỏ. Ngày ấy, toàn là mộ đất cả. Ngôi nào cũng tròn tròn như một nấm cỏ xanh trông cứ sàn sàn giống  nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Người thời ấy còn nghèo, nhưng lại sợ làm giầu. Vì giầu bị coi là bóc lột, giầu đồng nghĩa với tội ác. Ngay từ thời tôi còn rất bé, tôi đã thấy người làng tôi truyền nhau một câu ca dao:
Ai ơi chớ vội làm giầu
Thằng Tây nó tếch, thằng Tầu nó sang.
Mãi đến những năm “Đổi mới”, kể ra so với những nước phát triển thì cũng chưa là gì, nhưng cứ tự so với mình những năm trước đó thì cũng có phần đã “dễ thở” hơn, lớp người trẻ làng tôi mới rục rịch làm giầu. Đầu tiên là phong trào “ngói hóa”. Cũng toàn là vắt mồ hôi mình ra trộn với đất mà dựng xây nên. Có bao nhiêu gò đống, nhất là những gò đống gần làng, họ đào cho bằng nhẵn, để lấy đất sét nung gạch. Có bao nhiêu cầu quán, bia đá họ cậy cho bằng sạch để nung vôi xây tường. Nhà gạch lợp ngói mọc lên san sát. Những ngôi nhà tre mái rạ cổ truyền vĩnh viễn đi vào quên lãng. Nhưng dương thịnh thì âm suy. Không biết bao nhiêu ngôi mộ-nơi yên nghỉ của những lớp người làng thưở trước-bị khai quật. Cũng toàn là những ngôi mộ mà con cháu xa đời bỏ quên trở thành mộ vô chủ. Cũng đa phần chỉ còn thấy tiểu sành, nồi hông với đất không. Những ngôi mộ như thế lập tức bị thanh lý. Họ đem đổ xuống sông, xuống ao, thậm chí còn đổ xuống để độn đường. Chỉ có những ngôi mộ nào còn có xương thì họ mới chôn tạm ra chỗ khác, khấn vái xin tha thứ và phù hộ cho họ “ăn nên làm ra”… Ngay đến “Lăng Cụ Hậu” xây đá đẹp thế  mà họ cũng chặt đứt ra, chắp vá nham nhở, đưa thêm mộ con cháu vào, thành một khu mộ địa rất lộn xộn. Đống Mả Bà, đống Mả Sác…rộng mênh mông, xưa kia vẫn là bãi thả trâu, mộ san sát như bát úp, vậy mà nay thành đất bằng, thành ao, thành làng xóm dân cư đông đúc.
Mới đầu người làng tôi còn làm giầu bằng cách làm thêm vụ đông: trồng hành, tỏi xuất khẩu. Nhưng xem ra vất vả mà thu nhập cũng kém xa so với việc đem bán mồ hôi ở xứ người. Thế là người làng tôi lại đua nhau đi lao động xuất khẩu. Người sang Nga, sang Đức; người sang Nhật, sang Hàn…Cứ đi bán mồ hôi như thế vài năm là cũng có “đôi trăm” . Khi về đã thành người có dấn có vốn. Cũng có người “tái đầu tư” cho con em đi tiếp. Có người ra phố mở mang kinh doanh, nhưng cũng có người chỉ đầu tư vào một “căn nhà hiện đại”…Bộ mặt làng tôi bây giờ đã hoàn toàn khác trước. Nhà tranh không còn, tre trở thành vô ích. Những lũy tre làng bị đốn trụi, thay thế bằng các loại cây ăn quả mà phổ biến nhất là nhãn, là vảỉ…
Cùng với việc làm giầu, người làng tôi cũng rục rịch  vận động nhau khôi phục cái lệ tục cưới xin, cúng giỗ đã bị mai một và bỏ quên hàng mấy chục năm. Riêng chi họ nhà tôi, vào khoảng năm 1990, ông Đỗ Đình Tuấn(tên cha mẹ đặt ở nhà là Đỗ Đình Vĩnh) con trai trưởng cụ Lý Khang về nghỉ hưu. Với tư cách là một chi trưởng trong dòng họ, ông bắt đầu vận động trong chi khôi phục việc giỗ ông nội tôi hàng năm, mà mọi người cứ quen gọi là “giỗ họ”.Tôi ở xa, không rõ là các vị ấy họp bàn như thế nào, nhưng được thông báo là chi nhà đã thành lập “Hội đồng gia tộc chi 2” để lo việc “giỗ họ”. Hội đồng gồm bốn ông “nhánh trưởng” đang ở làng, hai bà cô và một bà thím còn tương đối khỏe mạnh và tỉnh táo. Cụ thể là: ông Tuấn, ông Thi, ông Tân, ông Huy, bà Đăng, bà Hồi, bà Lưu. Từ đó  hàng năm cứ đến rằm tháng mười là “Hội đồng” lại họp bàn bạc  thống nhất mức đóng góp, phân công ban tài chính, ban hậu cần…Đến ngày giỗ thì cứ theo số lượng người đóng góp mà làm cỗ. Nhộn nhịp và đông đảo hơn cả vẫn là bộ phận hậu cần. Chừng nửa buổi thì các ông “nhánh trưởng” đem lễ ra đồng tạ mộ, tiện thể làm luôn cả công việc của ngày thanh minh. Xong lễ ở ngoài đồng mới về làm lễ ở từ đường. Ông chi trưởng đứng nghiêm cẩn trước bàn thờ đọc lời khấn. Hai ông “ nhánh trưởng” đứng chuốc rượu ở hai bên bàn thờ đặt hai mâm cỗ. Các bà, các mợ rải chiếu ngồi sau chắp tay để sẵn dưới cằm, thỉnh thoảng lại vái phụ họa theo ông chi trưởng. Những người còn lại đứng vây quanh trước bàn thờ.
Làm lễ xong, trong khi chờ đợi các cụ về thụ lễ, thì con cháu cũng tranh thủ “họp họ”. Hội đồng gia tộc báo cáo, đề xuất. Mọi người góp ý bổ sung. Những vấn đề cứ dần dần nảy sinh. Đầu tiên là lập “Quỹ tình nghĩa” để thăm hỏi ốm đau và phúng viếng đám héo. Đám héo thì đương nhiên rồi. Nhưng còn khoản thăm hỏi người sống ốm đau thì quả là nan giải. Hội đồng gia tộc không tai mắt nào để theo dõi cho khắp, cũng không lấy hơi sức đâu mà đi cho đều. Thế là lại thắc mắc tị nạnh nhau, kính chẳng bõ phiền. Sau phải bỏ. Lại đến việc lập “Quỹ khuyến học”. Cũng đã thu được chừng nửa số hộ. Số còn lại ỳ ra không chịu nộp. Trong hội nghị họ chẳng nói gì, chỉ sờ cằm cười tủm. Nhưng ra ngoài thì họ bảo: “Con nhà tôi nó học dốt như bò ấy, có khuyến nó cũng chẳng học”. Thế là cũng không thành. Cũng có ý kiến đề xuất lập “Quỹ hương hỏa” để thay thế cho chế độ “tự điền”. Nhưng mọi người đều im thin thít cả, không thấy ai hưởng ứng. Nhưng mười năm cuối cùng của thế kỷ XX, “Hội đồng gia tộc chi 2” cũng làm được mấy công việc đáng kể. Năm 1995, chủ trương các cháu đứng ra xây mộ cho ông bà. Việc này làm được. Năm 2000 chủ trương soạn thảo lại “Đỗ tộc gia phả”, vừa chuyển ngữ, vừa bổ sung thêm. Việc này cũng hoàn thành. Cũng có người đề xuất việc tổ chức cúng giỗ luân phiên giữa giỗ ông với giỗ bà. Nhưng lúc đó nhiều người còn phân vân về việc ông có nhiều bà quá. Nếu chỉ giỗ “bà già” mà không giỗ các “bà trẻ” thì không phải. Mà giỗ luân phiên hết ông rồi lần lượt đến các bà thì ngày “giỗ họ” sẽ chạy lung tung ra suốt quanh năm. Anh em con cháu bây giờ cũng không ở cùng làng như trước, mà gần cũng khắp huyện, khắp tỉnh và các tỉnh xung quanh. Việc triệu tập nhau lại đâu có dễ dàng gì. Thôi thì cứ làm gộp cả vào ngày giỗ ông, mời đủ các bà về cùng dự, vừa đầm ấm gia đình, vừa thuận tiện cho con cháu. Cái lý của thời chúng tôi là như thế.
Nhưng cuối năm 2008, ông Đỗ Đình Thi, nhánh trưởng nhánh 2 từ trần. Ông Thi cũng ốm đau quặt quẹo từ lâu rồi. Ông ấy mắc một căn bệnh về phổi. Có thời kỳ đã bị nghi là lao phổi, nhưng không phải. Khi bệnh phát, ông ấy có cảm giác nóng rát ở phía sau ngực và khó thở. Vốn làm việc trong ngành y, lại sợ chết nên rất chịu khó đi nằm viện. Hai ông bà cứ khăn gói đưa nhau đi bệnh viện luôn luôn. Nhè nhẹ thì nằm ở huyện. Nặng hơn thì lên tỉnh. Cũng có kỳ phải lên tận Hà Nội. Có khi vừa xuất viện về được vài hôm thì lại đi nhập viện. Ông đi nằm viện thì bà phải đi theo để chăm ông. Hai ông bà gần như dân chuyên nghiệp đi nằm viện. Tuy cũng bằng tuổi ông, nhưng bà còn khỏe mạnh. Càng đi bệnh viện chăm ông thì bà càng béo trắng ra và lùn tịt lại. Còn ông, bệnh đã thành mãn tính và càng ngày càng nặng. Về sau ông cũng chán, không lên tuyến trên nữa. Chỉ tự điều trị ở nhà và cùng lắm thì vào huyện nằm thôi. Hôm rằm tháng tám năm Mậu Tý (14/9/2008), tôi đang ăn trưa thì thấy cả vợ và con cái ông ấy vào thăm tôi. Mời ăn, mời uống gì cũng không được. Bà ấy giải thích với tôi: Vừa ấy ăn uống ở ngoài kia cả rồi. Tự nhiên sáng nay ông ấy bắt cả nhà phải đưa ông ấy vào thăm chùa Côn Sơn rồi vào đây thăm các chú. Tự nhiên tôi cũng nghĩ “Chắc là bác ấy dở đời rồi đây”. Nghĩ vậy thôi chứ không dám nói ra miệng. Bác ấy nói với tôi: “ Lần nào các chú về nhà cũng vào thăm anh, mà anh thì chẳng mấy khi đến thăm các chú được. Hôm nay anh cảm thấy người khoe khỏe nên báo các cháu đưa đi thăm thú một số nới, qua đây thăm chú, lát nữa ra chỗ chú Tu một lúc thì anh về”. Gần ba tháng sau, tôi nhận được điện ở nhà báo: “Bác Thi hôm qua lại vào nằm viện đấy, bác đã ra thăm chưa?”. Chiều hôm sau tôi ra thăm, thấy bác ấy đã ngồi dậy được.. Bác ấy bảo: “ Tôi tỉnh rồi, chắc không làm sao đâu”. Đứa con gái lấy chống ở Nam Hà cũng vừa về. Thấy bố yếu nó cứ vừa sụt sịt khóc vừa hỏi chuyện bố. Bác ấy bảo con gái: Bố mệt lắm, hỏi it thôi, để bố nghỉ”. Tôi ngôi chơi với bác một lúc thì xin phép ra về. Hẹn đến tối sẽ đưa mọi người ra thăm. Nhưng chưa kịp ra thì đã nhận được điện ở nhà báo lên. “Bác Thi mất lúc7giờ, đã đưa về nhà rồi. Hôm đó là ngày 12 tháng 11 năm Mậu Tý(8/12/2008).
Đến cuối năm 2009, ông Đỗ Đình Tuấn, nhánh trưởng nhánh 1, cũng đồng thời là chi trưởng chi 2, tai biến. Một chàng rể lai xe máy cho ông sang Hải Dương ăn cưới cháu. Ngang đường thì tự nhiên ông xỉu. Anh chàng rể cũng sáng ý, nhanh tay. Thấy xe láng đi bất thường, nó nghĩ ngay là chắc bố làm sao, bèn quờ tay giữ bố và từ từ phanh xe lại. Tiện có di động, nó gọi  cho anh vợ ngoài Hải Dương thuê ngay xe về đưa ông đi cấp cứu. Ông qua cơn nguy biến nhưng một bên chân tay bị liệt. Thế là phải để ông ở nhà người con trai bên Hải Dương thuê bác sĩ về nhà để “phục hồi chức năng”. Vài tháng sau ông cũng tập tễnh chống nạng đi lại được vài bước. Hy vọng là có thể phục hồi nên ông đòi về quê. Nhưng cũng không dám về ngôi nhà hương hỏa tổ tiên để lại dưới làng ở nữa. Vì nhà vắng, hè cao, lại không tiện đường giao thông. Sẵn có ngôi nhà ông xây mấy năm trước trên Bình Giang cho con trai trưởng, nhưng đang bỏ không, nên ông về đó ở. Ai đến thăm, ông cũng vừa nói vừa khóc nức nở, nước mắt nước mũi cứ dàn dụa ngoen ngoét cả ra. Ít lâu sau ông đã chống nạng tự đi được ra cửa ngồi chơi, thì đùng một cái ông lại bị tái phát. Lại phải đưa ông đi. Rồi cũng lại phải đưa ông về. Nhưng bây giờ thì tình trạng của ông trầm trọng hơn nhiều. Hôm 16/10/2010(9/8/Canh Dần), tôi đến thăm ông ở Hải Dương, được bà ấy cho biết: mấy hôm nay không ngủ được nhưng từ sáng đến giờ lại thấy ngủ li bì gọi cũng không được. Ông nằm  ngủ trên giường, đắp kín chăn đến cổ, chỉ hở có khuôn mặt, trông đã thấy gầy hơn kỳ trước. Hôm 26/1/2011(24/1/Tân Mão), tôi lại đến thăm ông ở Bình giang. Tôi gõ cửa, chờ một lúc thì thấy bà ấy ra mở cửa. Thấy tôi, bà ấy quay vào gọi: “ này ông Tuấn ơi ! Ông Tuân ông ấy về chơi đây này”. Nhưng không thấy ông ấy trả lời. Tôi vào vẫn thấy ông ấy nằm ngủ trên giường. Tay phải đã bị trói lại, bởi nghe đâu gần đây, ông ấy đâm ra bực bội, hay dùng  tay phải, chân phải (bên không bị liệt) để hất tung chăn chiếu và bà ấy vào gần thì nhiều khi lại đấm đá rất đau. Tôi ngồi bên cạnh giường. Bà ấy ngồi phía đầu giường, vừa lay đầu chồng vừa hỏi: “Ông có biết ông Tuân là con ai không?”. Ông ấy lí nhí một câu gì đó tôi nghe không rõ. Nhưng bà ấy phiên dịch là “Ông Đăng!-Thế là cũng biết đấy chú ạ”. Rồi bà ấy lại hỏi: “ Thế ông có biết hôm nay là ngày gì không?”. Ông ấy lại trả lời cũng lí nhí tôi nghe không rõ. Cái tai tôi bây giờ tuy chưa điếc đặc nhưng cũng nghễnh ngãng nhiều rồi. Cứ phải nói to to thì mới nghe được. Còn nói bé thì chịu. Vì thế mà bà ấy lại phải phiên dịch cho tôi nghe cái tiếng mà ông ấy vừa lí nhí: “Giỗ ông Đăng”. Đúng rôi. Thế là ông ấy vẫn tỉnh. Bà ấy lại lay đầu ông ấy bảo: “Nói chuyện với ông Tuân một lúc nhé!” Nhưng không thấy ông ấy có bất cứ một phản ứng gì. Bà ấy nói với tôi: “Cũng cứ lúc tỉnh, lúc mê, lúc biết , lúc không như thế đấy chú ạ. Có hỏi thì mới nói, chứ không chủ động tự nhiên mà nói đâu”. Theo những người có kinh nghiệm về căn bệnh này thì ông ấy bị liên tiếp hai lần gần nhau như thế thì khả năng phục hồi là không thể.
Vì thế mà ngày “giỗ họ” chi tôi năm nay không mở mang được, chỉ làm gói gọn thôi. Chi tôi có sáu nhánh, mỗi nhánh cử hai người gồm bố và con trưởng. Ông Thi đã mất. Ông Tuấn đang nằm liệt. Tôi hôm ấy cũng đang viêm thanh quản nói không ra tiếng nên không về được. Vậy là chỉ có ba ông “nhánh trưởng” còn lại với sáu người con trưởng. Hôm ấy làm có hai mâm, cũng ở trên Bình Giang, chứ không về từ đường làng cũ được. Tuy đã có ý định từ lâu, nhưng hôm ấy mới chính thức bàn giao việc “giỗ họ” cho thế hệ thứ tám. Chúng tôi chỉ còn làm lớp người cố vân. Các cháu bàn bạc và quyết định từ năm nay, ngoài giỗ ông ra, thì mỗi năm sẽ lần lượt tổ chức thêm một lần giỗ bà nữa cho tình anh em thêm gắn bó. Cái ý ấy bây giờ lại thành ra hợp lý. Vì ông chi trưởng đang nằm liệt. Mà con giai ông chi trưởng thì lại ở mãi bên thành phố Hải Dương. Trong khi đó thì con cháu “Bà Tặng”, con cháu “Bà Ba Sen” lại đang ở quê nhà. Làm san ra như thế lại thành ra thuận lợi và đẹp đẽ mọi đường.
Ngày hôm nay ( mồng 3 tháng 2 âm lịch) mới là ngày chính giỗ “Bà Tặng” lần thư 59. Nhưng các cháu đã tổ chức vào ngày chủ nhật từ hôm qua rồi. Tôi bận dự đại hội Người Cao Tuổi không về được. Chỉ cử con dâu trưởng và con gái về dự. Tối về, tôi mới điện cho chú Huy: “Thế nào, kết quả tốt không?”. Chú Huy trả lời: “Đông vui lắm bác ạ. Làm tất cả 11 mâm. Các cháu nó cũng vừa mới giải tán xong”.






Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

BÀI THƠ CŨ BÂY GIỜ MỚI ĐỌC


Gửi em…
(Kỷ niệm những ngày vỡ nợ,
em phải tạm trốn đi Quảng Ninh buôn bán)

Đừng liều lĩnh nhé em ơi
Thiệt anh lắm đó suốt đời bơ vơ
Lấy gì nuôi được con thơ
Lấy ai anh cậy anh nhờ hôm mai ?
Đừng đi đâu nhé-quê người
Về đây ta sống suốt đời bên nhau
Nghèo thì ăn cháo, ăn rau
Nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn
Xa em giấc ngủ chập chờn
Mỗi đêm là một đêm trường nhớ em
Cầu cho em được bình yên
Dẫu xa anh vẫn như liền tấc gang
Bao giờ tết đến xuân sang
Em về ta sẽ liên hoan sum vầy
Cùng nhau nâng cốc rượu đầy
Má em ửng đỏ anh say la đà
Em nhìn anh rất thiết tha
Anh nhìn em vẫn như là ngày xưa.
                         Cuối năm 1990
                          Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...