Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI (6)

                                Giỗ chạp
      (Viết nhân ngày giỗ Bà Tặng, thứ tự có thể sẽ thay đổi khi cuốn sách viết xong)
            
 Hàng năm cứ đến chừng độ hai mươi tháng mười là ba anh em xóm Đống Xộp lại rủ nhau vào ông trưởng để hỏi giỗ. Hỏi giỗ tức là hỏi ý ông trưởng xem năm nay định tổ chức giỗ bố, giỗ mẹ như thế nào? Nếu ông trưởng bảo: “Năm nay thất bát hoặc đang có khó khăn riêng, tôi chỉ lưng cơm quả trứng  kính cáo các cụ thôi”. Năm ấy các ông thứ, ông út sẽ tự lo liệu: hoặc hàn âm cúng riêng ở nhà, hoặc đóng góp tí chút để đến ngày kỵ nhật thì bảo vợ con ở nhà, một mình vào làm giỗ với ông trưởng. Còn nếu anh trưởng bảo “Năm nay được mùa, kinh tế cũng tạm dư dật, tôi cũng định làm mươi mâm để họp mặt anh em con cháu”…Thế thì năm ấy làm giỗ chung,  các ông thứ, ông út phải góp giỗ cho ông trưởng. Mời mọc những ai đó là quyền ông trưởng. Các ông thứ, ông út sau khi đã thỏa thuận được với “bà trưởng” trưởng về khoản đóng góp tài chính, thì đến ngày kỵ nhật, chỉ việc đưa cả vợ con đến nhà ông trưởng tham gia làm đám giỗ, rồi trước cúng sau ăn. Riêng về khoản đóng góp tài chính thì ông trưởng năm nào cũng chỉ phán một câu rất đường lối “Đóng góp bao nhiêu là tùy các chú”. Mà thế cũng đúng thôi, vì khi chia ruộng đất thừa kế cho các con, ông bà tôi đã để riêng cho ông trưởng một thửa ruộng rộng hơn một mẫu ở khu gốc bồ kết làm ruộng tự điền rồi. Cây bồ kết không còn. Không ai rõ nó to lớn rườm rà và gai góc như thế nào. Cũng không biết ai là người đầu tiên đến đây khai phá chặt đốn cây bồ kết và thửa ruộng này đã qua tay bao nhiêu đời chủ ? Người làng tôi chỉ gói nó trong một cái tên rất ngắn gọn “Mẫu bồ kết”. “Mẫu bồ kết” nằm gối đầu lên đống Mả Bà và chỏa chân ngay mép bờ con Sông Đào, vừa gần làng lại rất thuận tiện nước nôi. Nó thuộc loại bờ xôi ruộng mật năm hai vụ lúa. Dành thửa ruộng này làm ruộng tự điền là ông bà tôi đã rất ưu ái cho ông trưởng rồi. Như vậy về lý thì ông trưởng phải gánh vác việc cũng giỗ cha mẹ. Bảo các ông thứ, ông út tùy tâm đóng góp cũng là rất phải. Nhưng “bà trưởng” mới là người trực tiếp lo toan việc thu chi tính toán. Trong đầu “ bà trưởng” chắc chắn là đã có sẵn một bản dự toán: làm bao nhiêu mâm, tổng chi phí mất bao nhiêu, ông trưởng chịu bao nhiêu, các ông thứ, ông út mỗi người phải gánh bao nhiêu…Cho nên không phải cứ tùy tâm bao nhiêu “bà trưởng”cũng nhận cho đâu. Nếu “dưới ngưỡng” thì “bà trưởng” sẽ bảo: “ Nếu chú khó khăn thì chú cầm về, chị không nhận đâu!”. Thế là các ông thứ, ông út cứ phải về mà lo thêm tiền đóng góp cho “đủ ngưỡng”. Năm nào tôi cũng thấy cứ sau khi đi góp giỗ về là các vị  lại bậm bục với nhau, không thoải mái. 
Những năm làm giỗ chung thường hay tổ chức vào ngày giỗ ông. Làm giỗ chung thì chúng tôi được vào nhà bác Lý Khang ăn cỗ. Bọn trẻ con chúng tôi thường được bố trí ăn ở “mâm trẻ con”. Hàng chục đứa xúm quanh một mâm cỗ “ lào nhào như chào mào mổ gấc”. Đứa gắp, đứa bốc, đứa ăn, đứa khóc, đứa giằng giọ nhau rất chi là lộn xộn. Bởi thế “mâm trẻ con” nào cũng phải có một, hai người lớn trông coi để giữ gìn trật tự. Các món xôi, món thịt mỡ luộc thì chia đều ra cho mỗi đứa một phần. Đưa nào nhút nhát chậm chạp thì phải gắp, sẻ cho chúng ăn. Đứa nào sắc sói lanh chanh thì phải can thiệp… cũng khá là vất vả. Nhưng được cái đám trẻ con  chúng tôi “đánh nhanh, hết chóng”. Chỉ một loáng là chúng  tôi đã buông đũa bát và cầm phần xôi thịt của mình đứng dậy rồi mỗi đứa chạy đi một ngả. Đứa ra bám mẹ. Đứa ra bám bà. Còn tôi, tôi chạy luôn về nhà chứ không dám sán bố. Bởi bố tôi  ngồi ăn cỗ ở nhà trên có đông khách khứa. Năm làm to thì mời đủ đại diện các hộ nội ngoại. Năm làm vừa thì chỉ mời đến đại diện các chi nội ngoại thôi. Nhưng năm nào tôi cũng thấy ở nhà trên đông chật. Mọi người ăn uống, cười nói, trò chuyện rất ồn ào. Tôi rất ngại lên đó.Với lại tôi đã có “kinh nghiệm xương máu” vì một lần “sán bố” mà ăn đòn rồi. Lần ấy, vào đầu năm 1950, chị  Khang tôi đi lấy chồng. Chị lấy anh Đồng Tố Soạn trên làng Nam Gián Đông. Anh đã có một đời vợ và một đứa con trai tầm tuổi tôi. Vợ anh, trong một lần chạy càn, đang lội qua Sông Đào thì bị tây bắn chết. Còn chị Khang lúc đó vẫn là một gái tân chừng hăm nhăm, hăm sáu tuổi. Nhưng gái quê như thế cũng là vào loại muộn . Ngày ấy đã thực hiện cưới xin theo nghi thức “Đời sống mới”. Các đám cưới thường tổ chức rất giản dị, tiết kiệm. Nhất là bên nhà gái, cỗ bàn thường do bên nhà trai cung cấp, nên thường tổ chức rất hạn hẹp, để khỏi mang tiếng với dân làng là còn “thách cưới”, còn “hủ lậu”, không khéo lại còn rày rà với chính quyền nữa. Nhưng dù là giản tiện thế nào thì bố tôi vẫn vào diện phải mời. Nhưng trước khi đi bố tôi đã dặn tôi không được vào nhà đám. Tôi chạy sang nhà thím Đặng chơi. Nhưng khi về thì thấy nhà khóa cửa. Thế là tôi cứ long tong chạy vào cổng nhà đám. Cũng chỉ định gọi bố để lấy chìa khóa thôi. Nhưng bố tôi thì lại nghĩ rằng tôi cố tình không nghe lời, nên ông hằm hằm chạy ra rút ngay một đoạn que rào vụt tôi tới tấp và đuổi về. Từ trong nhà đám tôi thấy có nhiều người can với ra: “cho cháu nó vào đây!”. Nhưng bố tôi không nghe và càng đánh tôi đau hơn. Tôi ôm đít chạy về. Đến đoạn đầu nhà bác Lý Tín, không thấy bố đuổi nữa, tôi bèn ngồi lại khóc hờn. Vừa khóc vừa gào bố. Lúc ấy chị Khang mới chạy ra. Chị định dỗ tôi và dắt tôi vào. Nhưng tôi càng hờn và dãy dụa hơn. Chị bất lực, đành chỉ nhìn tôi ầng ậng nước mắt. Một lúc sau chị  đành phải bỏ về. Thế là ngày chị đi lấy chồng, em được trận lằn mông. Không ngờ cái đám cưới không được ăn cỗ ấy lại thành ra một kỷ niệm sâu sắc.
Mười ngày sau lại đến ngày giỗ bà. Ngày giỗ bà rất ít khi được làm chung. Nhưng năm nào bố tôi cũng làm giỗ riêng ở nhà. Năm thì bố tôi đồ một chõ xôi, nấu một nỗi chè làm mâm chay cúng cụ. Năm thì bố tôi lại mổ một con gà làm mâm cỗ mặn cúng cụ. Ấy là ngày giỗ “bà già”. Ngoài bà già ra tôi còn những hai “bà trẻ” nữa. Bà hai đẻ ra chú Tặng nên chúng tôi thường gọi là “Bà Tặng”. Còn bà ba đẻ ra chú Sen thì chúng tôi lại thường gọi là “Bà Ba Sen”.
Bà Ba Sen còn trẻ lắm. Khi ông tôi mất bà mới độ khoảng bốn mươi tuổi. Hai con thì đều còn nhỏ cả, ở quê chồng không biết dựa vào ai nên bà đã đem  con về quê mình ở. Rồi bà tái giá  lấy đời chồng thứ hai. Nhưng bà cũng không sinh thêm được ai  nữa. Mãi về sau khi con lớn bà mới phải theo con về quê chồng cũ ở. Cũng chỉ được hơn chục năm, đến năm 1971 phân lũ thì gia đình chú Sen cũng di cư lên Bình Giang ở. Bà Sen vốn là một người có nhan sắc. Đến tuổi già rồi nhưng trông bà vẫn đẹp. Nhưng bà hoàn toàn “đóng băng” với chúng tôi. Có thời bà ngồi bán hàng nước ở Quán Năm Gian, cách thị trấn Nam sách cũ về phía Hải Dương chừng vài trăm mét. Thứ bẩy chủ nhật nào tôi cũng học ở Hải Dương đi về qua đây, nhưng cứ chợt nhìn thấy tôi là bà lại vội nhìn lảng đi ngay. Chưa có một lần nào bà gọi tôi vào quán. Cũng chưa một lần nào bà hỏi thăm tôi được một vài câu. Sau này, khi đã về làng tôi ở, tôi cũng không thấy bà đi lại chơi bời với các bác các chú tôi bao giờ. Cũng có một đôi lần bọn anh em con chú con bác chúng tôi tổ chức  lên thăm bà,  nhưng bà cũng chỉ tiếp chúng tôi một cách hững hờ gượng gạo. Ngay cả trong những lần giỗ chạp ông bà nội tôi, tôi cũng không thấy bà có mặt? Mãi đến năm 1981 Bà Ba Sen mới qua đời.
Chỉ có Bà Tặng là ít nhiều gợi cho tôi cảm giác gần gũi của một bà nội. Có lẽ vì bà là người cùng làng và cùng họ với mẹ tôi. Đột nhiên tôi nghĩ rất có thể chính bà đã là người “đánh mối” cho cuộc nhân duyên của bố mẹ tôi ? Thế là tôi lại về làng để thẩm định cái suy nghĩ ấy. Tôi hỏi bà mẹ kế tôi. Bà cụ sau hai tháng nằm bất động để điều trị  gãy xương, nay đã hai tay chống cái ghế nhựa  lom khom đi lại trong nhà được rồi. Trông bà cụ đi cứ như người ta đang “úp nơm” trong cái nền nhà vậy. Bà cụ cho biết Bà Tặng không những đã “đánh mối” cho bố mẹ tôi  mà còn “đánh mối” cho cả chú thím Đặng tôi nữa. Thảo nào mà  ngày còn sống ma Bà Tặng, cụ rất hay ra nhà tôi và chú Đặng chơi. Bà Tặng trông người giản dị. Mùa rét bà thường mặc cái áo bông trần hạt lựu đã dung dúc cũ, đầu đội khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Nhưng bà cụ không mặc váy mà chỉ mặc cái quần ống hơi bó và bỏ lửng ở trên mắt cá chân một đoạn. Chân thường đi đất, tay cầm gậy. Có lẽ vì đường làng ngày ấy còn lầy lội và bẩn thỉu nhiều, chứ bà cụ trông vẫn khỏe mạnh ngay ngắn. Những ngày làng tôi còn giữ lệ “Đăng cai lễ chùa”, tuần rằm mồng một nào bà cũng chia phần cho các cháu - trong đó có tôi - mỗi đứa một khoanh chuối dày chừng nửa phân và nửa chéo oản to bằng độ hai đầu ngón tay. Giọng nói bà cũng hơi khàn khàn. Nhưng bà ít nói thường chỉ biểu lộ tình cảm bằng cử chỉ và cái nhìn chia sẻ thôi. Mãi đến năm 1952 Bà Tặng mới qua đời. Nhưng từ khi các bà mất chúng tôi cũng chưa một lần được “ăn giỗ” các bà. Trong chi họ cũng không thấy khi nào nhắc nhở đến việc cúng giỗ các bà cả. Cứ như là bỏ khoán cho con cháu các bà thôi.
Tôi cũng nghe nói ngày trước các đám xá cúng giỗ ở “nhà tôi” thường được tổ chức rất linh đình trang trọng. Nhưng đến thế hệ bố tôi thì thời thế biến loạn, hết lo chống giặc nọ, lại đến lo chống giặc kia, hết lo đánh giặc ngoại xâm, lại lo đánh kẻ thù giai cấp, đời người cứ lăn lên lộn xuống như xóc ốc, không mấy lúc được an nhiên. Mục đích thì cũng định giải phóng quốc gia, giải phóng con người nhưng thực tế thì con người cứ phải gánh chịu hết hy sinh nọ đến hy sinh kia, phải chấp nhận một cuộc sống cứ ngày càng co thắt hơn và chật chội thêm. Mọi nhu cầu của con người đều bị cắt xén đến mức tối thiểu. Người sống đã thế thì người chết còn lo sao cho chu tất được. Những ngày giỗ thường chỉ làm “giỗ dúi”. Còn chạp thì coi như không có. Ngày thanh minh cũng không thấy dở dói ăn uống, lễ bái gì. Chỉ thấy mỗi hộ cắt cử một người, đem theo một cái cuốc vào nhà bác trưởng để đi tảo mộ. Bác trưởng cầm một nắm hương, dẫn đoàn quân vác cuốc theo sau, đi hết đống này sang đống khác. Đến đâu có mộ người nhà thì bác dừng lại chỉ dẫn. Một người đánh một vầng cỏ úp ngược lên đỉnh mộ. Bác trưởng thắp một nén hương cắm lên đỉnh vầng cỏ. Ngôi mộ nào rậm rạp thì phát dãy cho quang quẻ. Ngôi mộ nào sạt lở thì đắp bồi vào. Ngôi mộ nào quá bé cũng đắp to thêm cho dễ nhận. Nhưng cũng không làm được đều đặn hàng năm. Khi các cụ già yếu, không có người dẫn đi thì cũng bỏ. Ngày ấy, toàn là mộ đất cả. Ngôi nào cũng tròn tròn như một nấm cỏ xanh trông cứ sàn sàn giống  nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Người thời ấy còn nghèo, nhưng lại sợ làm giầu. Vì giầu bị coi là bóc lột, giầu đồng nghĩa với tội ác. Ngay từ thời tôi còn rất bé, tôi đã thấy người làng tôi truyền nhau một câu ca dao:
Ai ơi chớ vội làm giầu
Thằng Tây nó tếch, thằng Tầu nó sang.
Mãi đến những năm “Đổi mới”, kể ra so với những nước phát triển thì cũng chưa là gì, nhưng cứ tự so với mình những năm trước đó thì cũng có phần đã “dễ thở” hơn, lớp người trẻ làng tôi mới rục rịch làm giầu. Đầu tiên là phong trào “ngói hóa”. Cũng toàn là vắt mồ hôi mình ra trộn với đất mà dựng xây nên. Có bao nhiêu gò đống, nhất là những gò đống gần làng, họ đào cho bằng nhẵn, để lấy đất sét nung gạch. Có bao nhiêu cầu quán, bia đá họ cậy cho bằng sạch để nung vôi xây tường. Nhà gạch lợp ngói mọc lên san sát. Những ngôi nhà tre mái rạ cổ truyền vĩnh viễn đi vào quên lãng. Nhưng dương thịnh thì âm suy. Không biết bao nhiêu ngôi mộ-nơi yên nghỉ của những lớp người làng thưở trước-bị khai quật. Cũng toàn là những ngôi mộ mà con cháu xa đời bỏ quên trở thành mộ vô chủ. Cũng đa phần chỉ còn thấy tiểu sành, nồi hông với đất không. Những ngôi mộ như thế lập tức bị thanh lý. Họ đem đổ xuống sông, xuống ao, thậm chí còn đổ xuống để độn đường. Chỉ có những ngôi mộ nào còn có xương thì họ mới chôn tạm ra chỗ khác, khấn vái xin tha thứ và phù hộ cho họ “ăn nên làm ra”… Ngay đến “Lăng Cụ Hậu” xây đá đẹp thế  mà họ cũng chặt đứt ra, chắp vá nham nhở, đưa thêm mộ con cháu vào, thành một khu mộ địa rất lộn xộn. Đống Mả Bà, đống Mả Sác…rộng mênh mông, xưa kia vẫn là bãi thả trâu, mộ san sát như bát úp, vậy mà nay thành đất bằng, thành ao, thành làng xóm dân cư đông đúc.
Mới đầu người làng tôi còn làm giầu bằng cách làm thêm vụ đông: trồng hành, tỏi xuất khẩu. Nhưng xem ra vất vả mà thu nhập cũng kém xa so với việc đem bán mồ hôi ở xứ người. Thế là người làng tôi lại đua nhau đi lao động xuất khẩu. Người sang Nga, sang Đức; người sang Nhật, sang Hàn…Cứ đi bán mồ hôi như thế vài năm là cũng có “đôi trăm” . Khi về đã thành người có dấn có vốn. Cũng có người “tái đầu tư” cho con em đi tiếp. Có người ra phố mở mang kinh doanh, nhưng cũng có người chỉ đầu tư vào một “căn nhà hiện đại”…Bộ mặt làng tôi bây giờ đã hoàn toàn khác trước. Nhà tranh không còn, tre trở thành vô ích. Những lũy tre làng bị đốn trụi, thay thế bằng các loại cây ăn quả mà phổ biến nhất là nhãn, là vảỉ…
Cùng với việc làm giầu, người làng tôi cũng rục rịch  vận động nhau khôi phục cái lệ tục cưới xin, cúng giỗ đã bị mai một và bỏ quên hàng mấy chục năm. Riêng chi họ nhà tôi, vào khoảng năm 1990, ông Đỗ Đình Tuấn(tên cha mẹ đặt ở nhà là Đỗ Đình Vĩnh) con trai trưởng cụ Lý Khang về nghỉ hưu. Với tư cách là một chi trưởng trong dòng họ, ông bắt đầu vận động trong chi khôi phục việc giỗ ông nội tôi hàng năm, mà mọi người cứ quen gọi là “giỗ họ”.Tôi ở xa, không rõ là các vị ấy họp bàn như thế nào, nhưng được thông báo là chi nhà đã thành lập “Hội đồng gia tộc chi 2” để lo việc “giỗ họ”. Hội đồng gồm bốn ông “nhánh trưởng” đang ở làng, hai bà cô và một bà thím còn tương đối khỏe mạnh và tỉnh táo. Cụ thể là: ông Tuấn, ông Thi, ông Tân, ông Huy, bà Đăng, bà Hồi, bà Lưu. Từ đó  hàng năm cứ đến rằm tháng mười là “Hội đồng” lại họp bàn bạc  thống nhất mức đóng góp, phân công ban tài chính, ban hậu cần…Đến ngày giỗ thì cứ theo số lượng người đóng góp mà làm cỗ. Nhộn nhịp và đông đảo hơn cả vẫn là bộ phận hậu cần. Chừng nửa buổi thì các ông “nhánh trưởng” đem lễ ra đồng tạ mộ, tiện thể làm luôn cả công việc của ngày thanh minh. Xong lễ ở ngoài đồng mới về làm lễ ở từ đường. Ông chi trưởng đứng nghiêm cẩn trước bàn thờ đọc lời khấn. Hai ông “ nhánh trưởng” đứng chuốc rượu ở hai bên bàn thờ đặt hai mâm cỗ. Các bà, các mợ rải chiếu ngồi sau chắp tay để sẵn dưới cằm, thỉnh thoảng lại vái phụ họa theo ông chi trưởng. Những người còn lại đứng vây quanh trước bàn thờ.
Làm lễ xong, trong khi chờ đợi các cụ về thụ lễ, thì con cháu cũng tranh thủ “họp họ”. Hội đồng gia tộc báo cáo, đề xuất. Mọi người góp ý bổ sung. Những vấn đề cứ dần dần nảy sinh. Đầu tiên là lập “Quỹ tình nghĩa” để thăm hỏi ốm đau và phúng viếng đám héo. Đám héo thì đương nhiên rồi. Nhưng còn khoản thăm hỏi người sống ốm đau thì quả là nan giải. Hội đồng gia tộc không tai mắt nào để theo dõi cho khắp, cũng không lấy hơi sức đâu mà đi cho đều. Thế là lại thắc mắc tị nạnh nhau, kính chẳng bõ phiền. Sau phải bỏ. Lại đến việc lập “Quỹ khuyến học”. Cũng đã thu được chừng nửa số hộ. Số còn lại ỳ ra không chịu nộp. Trong hội nghị họ chẳng nói gì, chỉ sờ cằm cười tủm. Nhưng ra ngoài thì họ bảo: “Con nhà tôi nó học dốt như bò ấy, có khuyến nó cũng chẳng học”. Thế là cũng không thành. Cũng có ý kiến đề xuất lập “Quỹ hương hỏa” để thay thế cho chế độ “tự điền”. Nhưng mọi người đều im thin thít cả, không thấy ai hưởng ứng. Nhưng mười năm cuối cùng của thế kỷ XX, “Hội đồng gia tộc chi 2” cũng làm được mấy công việc đáng kể. Năm 1995, chủ trương các cháu đứng ra xây mộ cho ông bà. Việc này làm được. Năm 2000 chủ trương soạn thảo lại “Đỗ tộc gia phả”, vừa chuyển ngữ, vừa bổ sung thêm. Việc này cũng hoàn thành. Cũng có người đề xuất việc tổ chức cúng giỗ luân phiên giữa giỗ ông với giỗ bà. Nhưng lúc đó nhiều người còn phân vân về việc ông có nhiều bà quá. Nếu chỉ giỗ “bà già” mà không giỗ các “bà trẻ” thì không phải. Mà giỗ luân phiên hết ông rồi lần lượt đến các bà thì ngày “giỗ họ” sẽ chạy lung tung ra suốt quanh năm. Anh em con cháu bây giờ cũng không ở cùng làng như trước, mà gần cũng khắp huyện, khắp tỉnh và các tỉnh xung quanh. Việc triệu tập nhau lại đâu có dễ dàng gì. Thôi thì cứ làm gộp cả vào ngày giỗ ông, mời đủ các bà về cùng dự, vừa đầm ấm gia đình, vừa thuận tiện cho con cháu. Cái lý của thời chúng tôi là như thế.
Nhưng cuối năm 2008, ông Đỗ Đình Thi, nhánh trưởng nhánh 2 từ trần. Ông Thi cũng ốm đau quặt quẹo từ lâu rồi. Ông ấy mắc một căn bệnh về phổi. Có thời kỳ đã bị nghi là lao phổi, nhưng không phải. Khi bệnh phát, ông ấy có cảm giác nóng rát ở phía sau ngực và khó thở. Vốn làm việc trong ngành y, lại sợ chết nên rất chịu khó đi nằm viện. Hai ông bà cứ khăn gói đưa nhau đi bệnh viện luôn luôn. Nhè nhẹ thì nằm ở huyện. Nặng hơn thì lên tỉnh. Cũng có kỳ phải lên tận Hà Nội. Có khi vừa xuất viện về được vài hôm thì lại đi nhập viện. Ông đi nằm viện thì bà phải đi theo để chăm ông. Hai ông bà gần như dân chuyên nghiệp đi nằm viện. Tuy cũng bằng tuổi ông, nhưng bà còn khỏe mạnh. Càng đi bệnh viện chăm ông thì bà càng béo trắng ra và lùn tịt lại. Còn ông, bệnh đã thành mãn tính và càng ngày càng nặng. Về sau ông cũng chán, không lên tuyến trên nữa. Chỉ tự điều trị ở nhà và cùng lắm thì vào huyện nằm thôi. Hôm rằm tháng tám năm Mậu Tý (14/9/2008), tôi đang ăn trưa thì thấy cả vợ và con cái ông ấy vào thăm tôi. Mời ăn, mời uống gì cũng không được. Bà ấy giải thích với tôi: Vừa ấy ăn uống ở ngoài kia cả rồi. Tự nhiên sáng nay ông ấy bắt cả nhà phải đưa ông ấy vào thăm chùa Côn Sơn rồi vào đây thăm các chú. Tự nhiên tôi cũng nghĩ “Chắc là bác ấy dở đời rồi đây”. Nghĩ vậy thôi chứ không dám nói ra miệng. Bác ấy nói với tôi: “ Lần nào các chú về nhà cũng vào thăm anh, mà anh thì chẳng mấy khi đến thăm các chú được. Hôm nay anh cảm thấy người khoe khỏe nên báo các cháu đưa đi thăm thú một số nới, qua đây thăm chú, lát nữa ra chỗ chú Tu một lúc thì anh về”. Gần ba tháng sau, tôi nhận được điện ở nhà báo: “Bác Thi hôm qua lại vào nằm viện đấy, bác đã ra thăm chưa?”. Chiều hôm sau tôi ra thăm, thấy bác ấy đã ngồi dậy được.. Bác ấy bảo: “ Tôi tỉnh rồi, chắc không làm sao đâu”. Đứa con gái lấy chống ở Nam Hà cũng vừa về. Thấy bố yếu nó cứ vừa sụt sịt khóc vừa hỏi chuyện bố. Bác ấy bảo con gái: Bố mệt lắm, hỏi it thôi, để bố nghỉ”. Tôi ngôi chơi với bác một lúc thì xin phép ra về. Hẹn đến tối sẽ đưa mọi người ra thăm. Nhưng chưa kịp ra thì đã nhận được điện ở nhà báo lên. “Bác Thi mất lúc7giờ, đã đưa về nhà rồi. Hôm đó là ngày 12 tháng 11 năm Mậu Tý(8/12/2008).
Đến cuối năm 2009, ông Đỗ Đình Tuấn, nhánh trưởng nhánh 1, cũng đồng thời là chi trưởng chi 2, tai biến. Một chàng rể lai xe máy cho ông sang Hải Dương ăn cưới cháu. Ngang đường thì tự nhiên ông xỉu. Anh chàng rể cũng sáng ý, nhanh tay. Thấy xe láng đi bất thường, nó nghĩ ngay là chắc bố làm sao, bèn quờ tay giữ bố và từ từ phanh xe lại. Tiện có di động, nó gọi  cho anh vợ ngoài Hải Dương thuê ngay xe về đưa ông đi cấp cứu. Ông qua cơn nguy biến nhưng một bên chân tay bị liệt. Thế là phải để ông ở nhà người con trai bên Hải Dương thuê bác sĩ về nhà để “phục hồi chức năng”. Vài tháng sau ông cũng tập tễnh chống nạng đi lại được vài bước. Hy vọng là có thể phục hồi nên ông đòi về quê. Nhưng cũng không dám về ngôi nhà hương hỏa tổ tiên để lại dưới làng ở nữa. Vì nhà vắng, hè cao, lại không tiện đường giao thông. Sẵn có ngôi nhà ông xây mấy năm trước trên Bình Giang cho con trai trưởng, nhưng đang bỏ không, nên ông về đó ở. Ai đến thăm, ông cũng vừa nói vừa khóc nức nở, nước mắt nước mũi cứ dàn dụa ngoen ngoét cả ra. Ít lâu sau ông đã chống nạng tự đi được ra cửa ngồi chơi, thì đùng một cái ông lại bị tái phát. Lại phải đưa ông đi. Rồi cũng lại phải đưa ông về. Nhưng bây giờ thì tình trạng của ông trầm trọng hơn nhiều. Hôm 16/10/2010(9/8/Canh Dần), tôi đến thăm ông ở Hải Dương, được bà ấy cho biết: mấy hôm nay không ngủ được nhưng từ sáng đến giờ lại thấy ngủ li bì gọi cũng không được. Ông nằm  ngủ trên giường, đắp kín chăn đến cổ, chỉ hở có khuôn mặt, trông đã thấy gầy hơn kỳ trước. Hôm 26/1/2011(24/1/Tân Mão), tôi lại đến thăm ông ở Bình giang. Tôi gõ cửa, chờ một lúc thì thấy bà ấy ra mở cửa. Thấy tôi, bà ấy quay vào gọi: “ này ông Tuấn ơi ! Ông Tuân ông ấy về chơi đây này”. Nhưng không thấy ông ấy trả lời. Tôi vào vẫn thấy ông ấy nằm ngủ trên giường. Tay phải đã bị trói lại, bởi nghe đâu gần đây, ông ấy đâm ra bực bội, hay dùng  tay phải, chân phải (bên không bị liệt) để hất tung chăn chiếu và bà ấy vào gần thì nhiều khi lại đấm đá rất đau. Tôi ngồi bên cạnh giường. Bà ấy ngồi phía đầu giường, vừa lay đầu chồng vừa hỏi: “Ông có biết ông Tuân là con ai không?”. Ông ấy lí nhí một câu gì đó tôi nghe không rõ. Nhưng bà ấy phiên dịch là “Ông Đăng!-Thế là cũng biết đấy chú ạ”. Rồi bà ấy lại hỏi: “ Thế ông có biết hôm nay là ngày gì không?”. Ông ấy lại trả lời cũng lí nhí tôi nghe không rõ. Cái tai tôi bây giờ tuy chưa điếc đặc nhưng cũng nghễnh ngãng nhiều rồi. Cứ phải nói to to thì mới nghe được. Còn nói bé thì chịu. Vì thế mà bà ấy lại phải phiên dịch cho tôi nghe cái tiếng mà ông ấy vừa lí nhí: “Giỗ ông Đăng”. Đúng rôi. Thế là ông ấy vẫn tỉnh. Bà ấy lại lay đầu ông ấy bảo: “Nói chuyện với ông Tuân một lúc nhé!” Nhưng không thấy ông ấy có bất cứ một phản ứng gì. Bà ấy nói với tôi: “Cũng cứ lúc tỉnh, lúc mê, lúc biết , lúc không như thế đấy chú ạ. Có hỏi thì mới nói, chứ không chủ động tự nhiên mà nói đâu”. Theo những người có kinh nghiệm về căn bệnh này thì ông ấy bị liên tiếp hai lần gần nhau như thế thì khả năng phục hồi là không thể.
Vì thế mà ngày “giỗ họ” chi tôi năm nay không mở mang được, chỉ làm gói gọn thôi. Chi tôi có sáu nhánh, mỗi nhánh cử hai người gồm bố và con trưởng. Ông Thi đã mất. Ông Tuấn đang nằm liệt. Tôi hôm ấy cũng đang viêm thanh quản nói không ra tiếng nên không về được. Vậy là chỉ có ba ông “nhánh trưởng” còn lại với sáu người con trưởng. Hôm ấy làm có hai mâm, cũng ở trên Bình Giang, chứ không về từ đường làng cũ được. Tuy đã có ý định từ lâu, nhưng hôm ấy mới chính thức bàn giao việc “giỗ họ” cho thế hệ thứ tám. Chúng tôi chỉ còn làm lớp người cố vân. Các cháu bàn bạc và quyết định từ năm nay, ngoài giỗ ông ra, thì mỗi năm sẽ lần lượt tổ chức thêm một lần giỗ bà nữa cho tình anh em thêm gắn bó. Cái ý ấy bây giờ lại thành ra hợp lý. Vì ông chi trưởng đang nằm liệt. Mà con giai ông chi trưởng thì lại ở mãi bên thành phố Hải Dương. Trong khi đó thì con cháu “Bà Tặng”, con cháu “Bà Ba Sen” lại đang ở quê nhà. Làm san ra như thế lại thành ra thuận lợi và đẹp đẽ mọi đường.
Ngày hôm nay ( mồng 3 tháng 2 âm lịch) mới là ngày chính giỗ “Bà Tặng” lần thư 59. Nhưng các cháu đã tổ chức vào ngày chủ nhật từ hôm qua rồi. Tôi bận dự đại hội Người Cao Tuổi không về được. Chỉ cử con dâu trưởng và con gái về dự. Tối về, tôi mới điện cho chú Huy: “Thế nào, kết quả tốt không?”. Chú Huy trả lời: “Đông vui lắm bác ạ. Làm tất cả 11 mâm. Các cháu nó cũng vừa mới giải tán xong”.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...