Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

TRUYỆN NGẮN TRONG MỘT BÀI CA DAO CỔ

Truyện ngắn trong ca dao cổ

Bài ca dao cổ ấy chỉ có bốn câu mà là một truyện ngắn thực sự! Câu đầu:
      Mình nói với ta mình hãy còn son
Giới thiệu hai nhân vật nam nữ, người con gái đã nói với người con trai là mình còn son rỗi, chưa chồng. Họ đã yêu nhau chăng? Và như có sự hứa hẹn. Câu thứ hai:
       Ta đi qua cửa thấy con mình bò
          Mở ra mâu thuẫn đột ngột, người con gái đã nói dối! Vì sao cô ta nói dối ? Người con trai sẽ phản ứng ra sao ? Đồng thời câu này giới thiệu nhân vật thứ ba của câu chuyện: đứa bé đang bò nghịch...
Người đọc còn thấy thấp thoáng nhân vật thứ tư: Chồng xủa cô gái- Anh ta là người như thế nào ? Có lẽ đây không phải là một cuộc hôn nhân tốt đẹp ?
          Con mình những đất cùng tro
          Câu thơ ba nêu bật hình ảnh đứa bé lê la bò nghịch bẩn thỉu một mình. Qua chi tiết cô đọng đó, ta biết đôi vợ chồng này là nông dân nghèo khổ, làm lụng tất bật, không trông nom được con-nhưng ta vẫn muốn chờ xem thái độ của người con trai “bị lừa dối” ra sao, khi anh đứng trước cái ngõ có đứa trẻ đang bò chơi tha thẩn. Câu kết thật là tuyệt vời:
          Ta đi gánh nước rửa cho con mình
          Không, anh không giận người con gái đã lừa dối mình, anh thông cảm và cùng đau nỗi đau của cô, sự nghèo khó và cuộc hôn nhân không hợp ý, anh cũng chẳng có ác cảm gì với người chồng. Anh thương người con gái và thương đứa bé
          Kìa! Ta thấy như anh đang đứng trước mặt ta: đôn hậu và dịu dàng, đau xót lẫn thương yêu, anh nhìn đứa bé-Rồi đường đường chính chính như một người thân trong gia đình, anh bước vào cái sân đất mốc rêu của đôi vợ chồng nghèo, lấy chiếc nồi hông đã rạn và chiếc lọ sứt gánh nước về rửa cho đứa bé như rửa cho con mình vậy.
Chúng ta hãy đọc lại cả bốn câu:
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua cửa thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi gánh nước rửa cho con mình.
          Giản dị mộc mạc quá-nhưng thật là tuyệt. Chỉ bốn câu mà nói được hoàn cânhr lịch sử, nói được nỗi đau và tình thương rộng lớn của nông dân nghèo thời trước. Bài ca dao không phải chỉ đề cao thái độ nhân đạo của người đàn ông “bị lừa dối” mà ngẫm cho kỹ, còn tố cáo xã hội phong kiến một cách sâu sắc thâm trầm. Đọc xong ta vẫn vấn vương, day dứt một câu hỏi: cuối cùng rồi số phận của người con trai, của người con gái, của người chồng và cả của đứa bé nữa sẽ ra sao ?
          Không biết nên gọi đây là bài thơ tự sự hay là một truyện ngắn. Bởi vì quả thật bài ca dao này có những đức tính của một truyện ngắn: tư tưởng trong sáng và hàm súc ngắn gọn đặc biệt…Trong bốn câu có bốn nhân vật, có xã hội, có vấn đề, chi tiết dùng rất khéo, lời văn bình dị mộc mạc mà nội dung sâu sắc, câu trước câu sau dẫn dắt nhau chặt chẽ, khiến câu chuyện có sức hấp dẫn cao
          Toma lại là không phải người làm thơ mới cần học ca dâo, người viết truyện cũng nên học ca dao lắm lắm.

Người sưu tầm: Đỗ mạnh Tân
Nguồn sưu tầm: Thơ-số 2-2011
Tác giả bài viết?

Băn khoăn của người sưu tầm:

Trong bốn câu thơ có bốn nhân vật, chỉ xuất hiện ba. Nhân vật chồng cô gái chưa xuất hiện mà ta chỉ thấy có bóng dang-Một vấn đề đặt ra là: Khi người con trai gánh nước rửa cho dứa trẻ, bất chợt người chồng ở đâu về thì sự gì sẽ xẩy ra?
Thật là bạo phổi và liều lĩnh.!


Suy nghĩ của Đỗ Đình Tuân:

          -Bài ca dao này, về mặt thể loại dứt khoát phải gọi nó là một bài ca dao trữ tình. Nhưng là một bài ca dao trữ tình giàu “chất truyện”, thậm chí có thể xem gần như một truyện ngắn được viết bằng thơ lục bát. Nhưng gọi nó là một truyện ngắn thì lại không ổn.
          - Bốn câu ca dao này cũng chỉ xuất hiện có ba nhân vật thôi. Còn nhân vật mà bài viết gọi là “chồng cô gái” chỉ là một ngoại suy chứ không hề có bóng dáng gì trong bài ca dao này cả. Bài viết khẳng định đây làm “chồng cô gái”, họ đang sống nghèo khổ và cuộc hôn nhân của họ  không hợp ý là vội vàng và chưa đủ cơ sở. Bố đứa bé có thể chỉ là một thằng “Sở Khanh” gây hậu quả cho cô gái rồi bỏ rơi. Cũng có thể chỉ là một người chồng đã ly hôn, hoặc một người chồng đã qua đời…Nhưng đấy không phải là vấn đề mà bài ca dao quan tâm. Vấn đề bài ca dao muốn thể hiện và tập trung thể hiện là tình yêu của người con trai: đó là một tình yêu thiết tha và cao thượng, nó vượt lên trên những thường tình. Cho nên sự “nói dối” và cái “nạ dòng” của cô gái chả là gì cả đối với chàng trai. Anh chấp nhận tuốt. Anh sẵn sàng làm chồng  của cô gái và làm cha của đứa trẻ. Bởi thế tình yêu này đã hòa làm một với lòng nhân ái, không hề bị vẩn đục bởi lòng ích kỷ, là thứ rất hay gặp trong tình yêu trai gái.
-Cái ý mà bài viết cho rằng: “ mà ngẫm cho kỹ, còn tố có xã hội phong kiến một cách sâu sắc, thâm trầm” tôi cũng cho rằng hơi khiên cưỡng và áp đặt. Bởi vì xã hội nào thì vãn có những trường hợp tương tự như thế xẩy ra, chứ không riêng gì trong xã hội phong kiến.

Nguồn: Cóp lại từ nguyệt san Cánh Phượng số 15


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...