Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Ít gặp


Họa thơ lục bát đã khó hơn rất nhiều so với họa thơ bằng bát cú luật Đường.Vậy mà thày Ngô Như Sâm lại còn họa thơ lục bát ngược vận thì quả là ít gặp. Phục thay, phục thay…
                                                     Đỗ Đình Tuân

Bác khen tôi rất chi mừng
Tuy già mình chửa dửng dưng sự đời
Chưa cài mắt, chửa đắp tai
Gái tơ vẫn thích, hoa tươi còn thèm
Làm thơ còn có người khen
Tơ mơ ối cụ còn thèm như tôi
Bác khen tôi tỉnh cả người
Trái tim thêm nóng, sự đời thêm ham
Tu tiên
Nhập tục
Yêu phàm…
                                    (Đỗ Mỗ)

Hoạ:

Chúng ta
          đâu phải
        phi phàm…
Nên chi càng quí càng ham  thú đời.
Cùng  là thân xác con người,
“Ngoài da đến thịt” bạn, tôi  đâu hèn.
Ai mà chẳng tích được khen
Bụng no con mắt vẫn thèm  như ai.
Tội gì bịt mắt bưng tai,
“Của đời người thế” ở đời của chung.
Đọc thơ bạn tôi cũng mừng,
                                            (Ngô Mỗ)

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Tác giả cổ Chí Linh 17


                                   Trần Tiến
                            (1709-1770 )

               Trần Tiến ng­­ười xã Điền Trì, huyện Chí Linh (nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dư­­ơng). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa hoạn ở huyện Chí Linh. Cha là Trần Cảnh, tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan đến Tham tụng-Th­ượng thư­, tư­ớc Diệu quận công. Ông nội là Trần Thọ, tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan đến Bồi tụng-Tả thị lang bộ Lễ, tư­ớc Phư­ơng trì hầu.
               Năm 21 tuổi ông đỗ h­­ương cống; Năm Cảnh H­­ưng thứ 9 (1748) ông đỗ tiến sĩ, sau làm quan đến chức Hàn lâm viện thị giảng, Phó đô ngự sử. Trần Tiến có tên chữ là Khiêm Đ­ường, hiệu là Cát Xuyên, tác giả các sách Đăng khoa lục s­ưu giảng, Cát Xuyên tiệp bút, Niên Phả lục.Trong lịch sử văn xuôi Việt Nam Trần Tiến đư­ợc xem là ng­ười sáng lập ra thể ký tự thuật. Trong tác phẩm Trần Khiêm Đư­ờng niên phả lục(1764), ngay mở đầu ông tự kể: “Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đư­ờng, con của thừa t­ướng Trần Công  và bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra”
               Theo Chí Linh phong vật chí, Trần Tiến có soạn sách địa phư­­ơng chí và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp của huyện Chí linh. Bài thơ viết bằng chữ Hán, không thấy có tựa đề, chúng tôi xin chép lại:
水青山終秀氣
分明勝地征兼記
古今忨賞盡柳人
地設天排多勝置
Phiên âm
Bích thủy thanh sơn chung tú khí,
Phân minh thắng địa trư­­ng kiêm ký.
Cổ kim ngoạn thư­­ởng tận liễu nhân, 1(?)
Địa thiết thiên bài đa thắng trí.
Dịch nghĩa
Nư­­ớc biếc non xanh chung đúc khí tốt,
Thắng cảnh đã ghi trong sách rõ ràng.
Xư­­a nay làng thơ nhiều ng­­ời ngâm thư­­ởng,
Tạo hóa sắp bầy nhiều cảnh trí đẹp.
Dịch thơ
Khí lành chung đúc sơn khê
Sách xưa thắng địa từng ghi rõ ràng
Non xanh nước biếc vô vàn
Trời bày đất xếp một miền núi sông.
                          Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú
1-Liễu nhân: theo các dịch giả(Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản) thì hai chữ ấy phải là “tao nhân” mới hợp nghĩa.

31/7/2012
Đỗ Đình Tuân    









Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Phúc đáp ông ngôi


GIÀ CẬY CON

(Kính tặng ông Đỗ Mỗ nhân xem bức ảnh trên đỉnh Ba Nà)

Được lên tận đỉnh Bà Nà
Là nhờ con gái tên là Nguyên Tiêu
Ngắm nhìn mây gió phiêu diêu
Cha con ông Đỗ ra chiều phong lưu?
Bao giờ con gái về hưu
Chắc tài trợ bố đến nhiều nơi hơn
Về già mà được nhờ con
Như ông Đỗ Mỗ vẫn còn chưa đông
Xóm "Tri Ân"sướng nhất ông.

Nhân Hưng,ngày 26-7-2012

Tạ Anh Ngôi


Ai sướng hơn ai ?

Tôi mong như Nhã, như Ngôi…
Được đi hầu khắp mọi nơi xứ mình
Giữa thời khói lửa chiến tranh
Trải nhiều gian hiểm dễ thành văn thơ
Đi tua du lịch bây giờ
Xem hoa cưỡi ngựa ngu ngơ biết gì
Hỏi ai sướng nhất, sướng nhì
Mà ông xếp hạng so bì hả ông ?

27/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Trả lời thơ bạn


Gửi bạn Đô Tuân

(Ngồi buồn, mở blốc ra xem,
Ngán thay con mắt kèm nhèm chán ghê.)
Mừng ông đi du lịch về,
“Chộp” được nhiều cảnh thoả thuê mắt …mờ.
Lại còn làm được cả thơ,
Vịnh người, vịnh cảnh… không ngờ rất siêu.
Chao ôi cái tuổi xế chiều,
Tim còn thổn thức, tình yêu còn nồng,
Tôi thèm được giống như ông.
26/7/2012
Cử Mỗ nhà quê


Đáp lời cụ cử nhà quê

                        Đỗ Đình Tuân trước chùa Non Nước (Đà Nẵng)


Bác khen tôi rất chi mừng
Tuy già mình chửa dửng dưng sự đời
Chưa cài mắt, chửa đắp tai
Gái tơ vẫn thích, hoa tươi còn thèm
Làm thơ còn có người khen
Tơ mơ ối cụ còn thèm như tôi
Bác khen tôi tỉnh cả người
Trái tim thêm nóng, sự đời thêm ham
Tu tiên
Nhập tục
Yêu phàm…
26/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Tổng kết...

                                        Bình minh trên biển Cửa lò

Suốt đợt đi dài vẫn khỏe khoe
Là nhờ gìn giữ ít ti toe
Người ta giỡn sóng mình hong gió
Họ nốc rượu nồng tớ chỉ bia
Lọ Pépparin phòng "tháo đuổi"
Pa min một vỉ chống "hơi xì"
Thật ra du lịch không cần lắm
Cưỡi ngựa xem hoa thấm tháp gì…?

26/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Giải thích


                          Bố TUÂN và con gái cả NGUYÊN TIÊU trên BÀ NÀ

Đi “TUA” nộp trước tiền rồi
Không ăn cũng thiệt không chơi cũng hoài
Chỉ vì Mỗ chẳng giống ai
Tắm biển thì lạnh, tắm hơi không tiền
Cho nên Mỗ  chỉ “phó nhìn”
Thấy sao “chụp” vậy chẳng thêm bớt gì
Ghép vần thành mấy câu thi
Cho đời thêm rõ “vấn đề” vậy thôi
Chớ nên vì Mỗ khác người
Mà đem bình luận dông dài tốn công.

23/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Tác giả cổ Chí Linh 16





                               Mạc Đĩnh Chi
                                 (1284?-1236)

            Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, người làng Long Động, thuộc huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1304, ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông. Năm 1308, ông được cử sang sứ Trung Quốc, được vua Nguyên rất phục tài và phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Sau ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, thăng Tả bộc xạ. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm. Có giai thoại kể rằng vua Trần Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo, cuộc sống thường ngày rất thanh bần đạm bạc, bèn gọi một viên quan đến hỏi:
- Đĩnh Chi sống thiếu thốn, ta muốn trích kho mang tiền đến cho Đĩnh Chi, liệu có nên không?
            Viên quan nọ đáp:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần biết rõ Đĩnh Chi vốn thanh liêm, cho người mang tiền đến e Đĩnh Chi không nhận. Giờ chỉ có cách đang đêm cho người lén bỏ vào nhà Đĩnh Chi may ra mới được.
            Nhà vua cho thế là phải, bèn sai người đem mười quan tiền đang đêm bí mật bỏ vào nhà Đĩnh Chi. Sáng hôm sau, Đĩnh Chi thấy tự nhiên có tiền ở trong nhà, ông vội đem tiền đến và tâu với nhà vua rằng:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần làm quan đã có lộc nước, nay tự dưng lại thấy có tiền trong nhà, thần xin mang đến nộp kho để dùng vào việc công ích.
            Nhà vua bảo với Đĩnh Chi rằng:
            - Tiền ấy không có chủ, cứ cầm lấy mà dùng.
            Đĩnh Chi đáp :
   Những đồng tiền này tuy không có chủ, nhưng không phải do thần làm ra, thần không dám nhận.
            Cuối đời khi đã hưu quan, Mạc Đĩnh Chi có mở trường dạy học tại quê nhà. Nơi ông mở trường dạy học, người đời sau suy tôn là cổ tích và gọi là “Trạng nguyên cổ đường”có nghĩa là nhà dạy học cũ của quan trạng nguyên.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của Mạc Đĩnh Chi:
Bài 1
Bài phú sen giếng ngọc1
Khách có kẻ:
Nơi nhà cao tựa ghế
Trưa mùa hạ nắng nồng.
Ao trong ngắm làn nước biếc
Nhạc phủ vịnh khúc phù dung.2
Chợt có người:
Mặc áo quê, đội mũ vàng
Tiên phong đạo cốt
Khác xa trần gian
Hỏi: “ở đâu lại?”
Rằng: “từ Hoa Sơn!” 3
Bèn bắc ghế, bèn mời ngồi
Dưa Đông Lăng đem cắt, quả Dao Trì đem mời 4
Bèn sang sảng nói, bèn ha hả cười.
Đoạn rồi, trông khách mà rằng:
“Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?”
Ta có giống lạ trong tay áo này 5
Chẳng phải như đào trần lý tục 6
Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy
Câu Kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì 7
Giậu Đào lệnh cúc sao ví được 8
Vườn Linh quân 9 lan sá kể gì
Âý là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa đây.
Khách rằng:
“Ngó như thuyền mà hoa mười trượng
Lạnh như sương mà ngọt như mật” đó ư?
Trước vẫn nghe tiếng, nay mới thấy thật
Đạo sỹ lòng vui hớn hở
Lấy trong tay áo trưng bày
Khách vừa trông thấy, lòng ngậm ngùi thay
Giấy mười thức 10 xếp sẵn
Bút năm sắc thấm(?) ngay 11
Làm bài ca rằng:
Thủy tinh  gác để làm cung
Cửa ngoài lóng lánh bao vòng lưu ly12             

Bùn thời tán bột pha lê
Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây
Mùi thơm ngào ngạt lên mây
Ngọc Hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương
Lạnh lùng hạt quế không hương
Tố Nga lại nổi ghen tuông bời bời
Bãi sông hái cỏ dạo chơi
Bến Tương luống những trông vời Tương Phi 13
Giữa dòng lơ lửng làm chi
Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi
Há rằng trống rỗng bất tài 14
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay 15
Mưa sa gió táp xưa nay cũng thường
Sợ khi lạt thắm phai hương
Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân.
Đạo sĩ nghe mà than rằng:
 “Sao anh lại ai oán như thế?”
Anh không thấy:
Hoa tử vi trên ao Phượng Hoàng 16
Hoa hồng dược trước thềm ngọc đường đó sao?
Địa vị cao cả, danh tiếng vẻ vang.
Triều minh thánh chúng đều là được quý
Cõi tao nhân anh đi mãi sao đang?
Khách bấy giờ:
Nghe lọt mấy lời, đem lòng kính mộ
Ngâm thơ Đình thượng của Thành Trai 17
Họa câu Phong đầu của Hàn Dũ 18
Gõ cửa thiền môn dãi tấc lòng
Kính dâng bài “Ngọc tỉnh liên phú”.
                                           Phan Võ dịch

Chú thích
1.Bài này Mạc Đĩnh Chi làm lúc thi đỗ trạng nguyên, nhà vua thấy ông tướng mạo xấu xí, không muốn lấy đỗ, ông dâng bài phú này để tỏ rõ phẩm giá thanh cao của mình. Nhà vua đọc bài phú hiểu rõ phẩm cách và tài năng của ông nên vẫn lấy đỗ.
2.Phù dung có hai nghĩa: một nghĩa chỉ hoa sen, một nghĩa chỉ hoa phù dung.
3.Hoa Sơn: một trong 5 núi lớn ở huyện Hoa âm, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
4.Dưa Đông Lăng: Thiệu Bình đời Tần, được phong Đông Lăng hầu, sau mất quan về trồng dưa, dưa ông ngon có tiếng.
5.Quả Dao Trì: chỉ quả bàn đào của Tây Vương mẫu ở Dao Trì. Cây Bàn đào ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết trái
6.Ưa sen: Chu Đôn Di, hiệu Liêm Khê, người đời Tống, rất thích hoa sen, cho hoa sen có phong cách quân tử, có làm bài “Aí liên thuyết”. Người đời gọi ông là quân tử yêu sen.
7.Đào trần lý tục: Hoa đào, hoa lý đầy núi đều là thứ trần tục, quê mùa, do câu: “Đào lý mãn sơn tổng thô tục”.
8.Câu Kỷ phòng tăng, mẫu đơn đất lạc: Câu kỷ là một thứ cây có hoa dùng để làm thuốc. Lưu Vũ Tích đời Đường vịnh cây câu kỷ có câu: “Tăng phòng dược thụ ỷ hàn tỉnh”, nghĩa là: Cây thuốc của nhà chùa tựa bên giếng lạnh. Còn hoa mẫu đơn ở đất Lạc Dương(TQ) là đẹp hơn cả, người ta thường gọi là Lạc Dương hoa.
9.Giậu Đào Lệnh: Đào Lệnh tức Đào Tiềm, người đời Tấn, làm quan ở Bành Trạch được chưa đầy ba tháng thì xin bỏ quan về nhà dạy học.Thơ Đào Tiềm có câu: “Thái cúc đông ly hạ”(Hái hoa cúc ở nơi Giậu phía đông).
10.Vườn Linh Quân: Khuất Nguyên tên chữ là Linh Quân, viết thiên Ly Tao trong đó có câu: “Dư ký tử lan, chi cửu uyển hề, hựu thu huệ chi bách mẫu”, nghĩa là: Ta tưới tử lan chín uyển ( mỗi uyển=30 mẫu xưa của TQ), lại trồng huệ trăm mẫu.
11.Bút năm sắc: do tích Giang Uyên nằm mộng thấy có người cho cây bút năm mầu, từ đó văn chương nổi tiếng.
12.Cung thủy tinh, cửa lưu ly: Trong bài Hoa sen đình ngọc tỉnh của Dương Thành Trai, có câu: “Cư tiên sơ xuất một, chiếu nhật dĩ do khiếp, quán chi thủy tinh cung, hoàn dĩ lưu ly điệp”, nghĩa là ông tiên trong ao vừa mới lấp ló lên, còn non nên e sợ bóng mặt trời chiếu đến, cho vào ở trong cung thủy tinh, có tường thành bằng lưuly bao bọc.
13. Tương Phi: vợ vua Thuấn
14. Trống rỗng bất tài: Sách Trang Tử viết: quả bầu năm thạch, bổ ra mà làm cái bầu thì trống rỗng không đựng được gì.
15.Mực thẳng ngay: sợi chỉ nhúng mực đen của thợ mộc dùng để bật vẽ đường thẳng trên thân cây gỗ khi cưa xẻ .
16.Hoa tử vi ao Phượng Hoàng: Đời Tấn, đời Đường, tòa Trung thư ở trong cung cấm, gần vua, bên tòa có ao, nên người ta thường gọi tòa Trung thư là ao Phượng Hoàng(ý nói ở địa vị cao quý). Lại vì trong tòa trồng hoa tử vi, cho nên đời Đường còn có tên gọi là tòa Tử Vi.
17.Thành Trai: tức Dương Vạn Lý, người đời Tống, có tập thơ Thành Trai, gồm 130 quyển do con là Trương Nhụ chép, lời thơ hùng tráng
18.Hàn Dũ: tức Hàn Xương Lê đời Đường. Thơ ông có câu:
Thái hoa phong đầu ngọc tỉnh liên,
Hoa khai thập trượng ngẫu như thuyền
Lãnh tỉ tuyết sương cam tỉ mật
Nhất phiến nhập khẩu trầm kha thuyên.
Nghĩa là:
Cây sen ở trong giếng ngọc trên nuí Thái Hoa
Hoa cao mười trượng ngỡ như thuyền
Mát lạnh như tuyết như sương,ngọt như mật
Ăn vào một miếng bệnh nặng cũng khỏi.

Bài 2
晚景
翠浮煙色
春蓝发
墙乌啼洛照
野鴈送歸雲
火前澜見
樵歌隔岸聞
旅人悲冷洛
借酒作为熏
Vãn cảnh
Không thúy phù yên sắc.
Xuân lam phát thủy văn.
Tường ô đề lạc chiếu.
Dã nhạn tống quy vân.
Ngư hỏa tiền lan kiến,
Tiều ca cách ngạn văn.
Lữ nhân bi lãnh lạc,
Tá tửu tác vi huân.
Dịch nghĩa
Cảnh chiều
Màu khói nổi lên giũa bầu trời biếc.
Gợn sóng lăn tăn trên dòng nước xanh mùa xuân.
Quạ bên tường kêu khi bóng xế.
Nhạn ngoài đồng đưa đám mây về.
Lửa thuyền câu lập lòe vụng trước,
Tiếng ca chú tiều văng vẳng bên kia bờ.
Nét mặt người lữ khách ủ ê khá thương.
Mượn chén rượu ngà ngà cho khuây.
Dịch thơ
Trời biếc in sắc khói.
Dòng xanh gợn lăn tăn.
Quạ tường kêu chiều xế.
Nhạn nội tiễn mây ngàn.
Lửa chài nhìn bãi trước,
Ca tiều nghe vũng bên.
Lữ khách buồn chẳng nói,
Mượn rượu giải ưu phiền.
            Đỗ Đình Tuân dịch.

23/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Tái cơ cấu cổng




Ngày xưa cổng hẹp lại vòng
Cho nên tiền của ngại không dám vào
Bây giờ thay cổng to cao
Bớt vòng cua gấp tiền vào dễ hơn
Ông Tuân khỏi phải làm vườn
Bà Thu thoải mái “đi buôn” tối ngày
Miễn là chớ ngã gẫy tay
Đầu va cột cổng thì gay cả làng.

22/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Bình minh Cửa Lò





Cửa Lò vào lúc bình minh
Khơi xa tầu biển chình ình chi mô
Không thấy “cửa” chẳng thấy “lò”
Sáng ra chỉ thấy phở bò, cháo lươn
Vuông vuông khách sạn cao tầng
Người đi tắm biển khoe thân khoe đùi
Ốm o còm cõi cả thôi
Ngó quanh chả kiếm được người nào “xuân” ?

Sao Đỏ, 16/7
Đỗ Đình Tuân

Phong Nha


Phong Nha ngắm



Rừng Phong Nha xanh biếc
Nước sông Son biếc xanh
Hang không người đào khoét
Triệu năm tự nhiên thành.
 
Cửa Lò, 15/7
Đỗ Đình Tuân


Và Phong Nha chui



Không chui không biết Phong Nha
Chui thì từa tựa vào nhà tùm hum
Cúi đầu từa tựa vào chum
Ngó lên từa tựa mấy chùm nho khô.

Cửa Lò, 15/7
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Cô gái thuyết minh trong Đại Nội




Áo dài tím, nón bài thơ
Dịu dàng, nhỏ nhẹ lại vừa tự tin
Nết đi dáng đứng thục hiền
Miệng cười kín đáo, mắt nhìn ranh khôn
Chuyện vua năm lượt sáu con *
Miệng em cười kể, mắt còn đong đưa.
Miệng cười: em kể chuyện vua
Mắt cười em hỏi : “kỳ chưa hả thày?”.

*Lấy ý từ câu: “Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử”(Một đêm ngủ với năm bà sinh sáu con-cả năm bà đều thụ thai và sinh con, trong đó có một bà sinh đôi)

Cửa Lò 15/7
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Bà Nà




Làng Tây trên đỉnh Bà Nà
Khách tây thì ít, khách ta lại nhiều
Chen nhau…
Lủng lẳng cáp treo
Trôi …
Lên đỉnh núi
Ngó đèo mây bay
Lễ chùa ta, ngắm tháp tây
Ăn chơi đủ thứ vui say mặc lòng…
Chỉ vì cái túi ăn đong
Cho nên thoáng chút lại vòng xuống ngay
Gọi là…
biết đó,
biết đây !

Huế 13/7
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Thơ phúc đáp




Với Thanh Dạ

Thú nào bằng thú tắm sông
Thỏa thuê bơi lội vẫy vùng chân tay
Buồn xem tắm biển chiều nay
Ôm phao giỡn sóng thế này tội chưa
Không bơi lặn, 
cũng nô đùa ?
Thà về sát muối bôi dưa ở nhà.

18/7/2012
Đỗ Đình Tuân




Với Tạ Anh Ngôi

Ai mà nghe tiếng đàn Tuân
Trái tim ấm lại, bắp chân thêm cường
Những đêm gió lạnh đông trường
Nửa chăn nửa chiếu nửa giường đợi Tuân
Nhiều dây chưa chắc đã “ăn”
Một dây thánh thót lắm lần thắng câu
Anh Ngôi nếu muốn "vào cầu"
Hãy chơi cái ngón đàn bầu Việt Nam.

18/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Chênh vênh




Xô bồ và nham nhở
Thành phố nghèo mầu xanh
Um tùm hòn Non Nước
Riêng mình 
xanh ...
chênh vênh.

Đà Nẵng,13/7
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Hội An





Đi hàng nghìn cây số
Đến bêu nắng Hội An
Giữa chiều hè đổ lửa
Nóng bừng bừng như than

Nhưng xù xì cổ thụ
Gốc cây đời cắm nhang
Những gái lành phổ cổ
Áo dài buông dịu dàng
Hoa
Đủ mầu
Tươi nở
Như chưa bao giờ tàn.
Mặt dẫu phừng phừng đỏ
Lòng vẫn đầy hân hoan.

Đà nẵng 13/7
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Tắm biển





Chơi biển không tắm biển
Hóng gió trên bờ
Nhìn …
Người như một vệt
Rác
Cứ phập phềnh
Trắng
Đen …

Hình như sóng không thích
Rác nhọ mép
Mẹ hiền
Nên trùng trùng lớp lớp
Sóng cứ đùn “rác” lên ?

Nhật Lệ 12/7
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Thơ họa bài "Quà sinh nhật"




Mừng ông con cháu đầy đàn,
Sớm hôm quấn quýt hỏi han vui buồn.
 Sáng ngày chăm chút mảnh vườn,
   Chiều vui dạo bộ trên đường nhẩn nha.
Hứng lên cất tiếng đàn ca,
Mấy giai điệu cũ đã xa nhớ thời…
Mừng ông khổ đã qua rồi ,
Cam lai đang đến ơn trời …thơ bay…

                             8-7-2012
                            Ngô Mỗ

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Quà sinh nhật



Ngày sinh con tặng cây đàn
Để ta tích tịch tình tang…đỡ buồn
Từ nay bên thú làm vườn
Lại thêm cả thú chơi đàn nữa nha
Cầm đàn miệng lại muốn ca
Những câu hát cũ đã xa…một thời…
Cam lai khổ tận đây rồi
Sống vui cho hết tuổi trời …thì bay…

7/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Rau thơm






3/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Một bài vè dân gian "hiện đại"


Chùa Nam

Chùa Nam (1) có chuyện nực cười (2)
Có bà thủ hộ vốn người giăng hoa
Ngoại năm mươi tuổi đã già
Đốt hương quét tước vào ra hộ chùa
Cùng sư đắp đổi muối dưa
Ông sư trông thấy bà chùa cũng vui
Những điều đơn bạc ai xui
Để cho gió dập cát vùi xót xa
Có người giáo học đâu ta
Đến chùa bảo học để mà nương thân
Tuổi còn đương độ  thanh xuân
Giai ba mươi tuổi đang tuần bảnh bao
Mụ già có ý mận đào
Sớm khuya bả lả ra vào làm quen
Khi đêm đứng nấp bóng đèn
Khi ngày trông thấy lòng quên cả chùa
Thế là bỏ cả muối dưa
Bỏ sư bỏ cảnh bỏ chùa theo giai
Vãi già giáo trẻ duyên hài
Đưa nhau ra ở mái ngoài chùa Nam
Ông sư ruột nóng như than
Tu hành gặp bước gian nan thế này
Nghĩ mình niệm Phật ăn chay
Cho nên phải chịu đắng cay đường tình
Nhiều đêm thanh vắng viết kinh
Sực khi nghĩ đến phận mình mà đau
Nói ra mang tiếng tranh nhau
Để lòng luống những âu sầu vì ai
Cũng đành nhắm mắt bưng tai
Kệ cho đôi nọ hôm mai tự tình
Sớm khuya gõ mõ viết kinh
Biết thân mình biết phận mình tăng ni
Anh giai kia nghĩ cũng kỳ
Thôn trên xã dưới thiếu gì gái tân
Sao anh chẳng kết Châu Trần
Lấy bà thủ hộ đã gần sáu mươi ?
Khác gì con với mẹ nuôi
Lại còn "cậu nó", "mợ tôi"... thêm buồn
Mụ già kia có khôn hồn
Trở vê chốn cũ thiền môn mà nhờ
Kẻo mai hết độ say sưa
Tuổi già sức yếu bơ vơ giữa đường
Lạ gì những chuyện lửa rơm
Say nhau chỉ một vài hôm lại tàn
Đến khi rồng ngược mây tan
Tuổi già sức yếu ai ham hả già ?
Thôi đừng sớm nguyệt tối hoa
Trở về chốn cũ mà nhờ thiền môn.
                         Phạm Khắc Liệt (3)

Ghi chú
1.Chùa Nam : chùa Nam Tào được xây dựng trên núi Nam Tào, thôn Dược Sơn xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh)
2.Chuyện nực cười: đây là một câu chuyện tình có thật xẩy ra khoảng cuối những năm 1950, sau hòa bình lập lại (1954) tại chùa Nam.
3.Cụ Phạm Khắc Liệt, tác giả bài vè này người thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, sinh 1909, mất 1973. Bài vè này ra đời trong một hoàn cảnh  khá đặc biệt: cụ đang chơi tổ tôm nhưng hết tiền chầu, mọi người trong cuộc biết cụ hay vận vè , lại nhân có “chuyện nực cười” ở chùa Nam bèn ra giá nếu cụ hoàn thành bài vè thì mọi người sẽ góp tiền chầu tổ tôm cho cụ. Kết quả là bài vè cũng "xong ngay" và lập tức làn truyền ra làng xóm. Sau khi có bài vè này xuất hiện, cặp "tình nhân" nọ cũng "rời nhau"  và bà vãi nọ lại trở về chùa Nam như cũ. Bài thơ được trí nhớ mọi người sau này khôi phục lại.

Ngày 2/7/2012
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)

                       



ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...