Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Tác giả cổ Chí Linh 16





                               Mạc Đĩnh Chi
                                 (1284?-1236)

            Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, người làng Long Động, thuộc huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1304, ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông. Năm 1308, ông được cử sang sứ Trung Quốc, được vua Nguyên rất phục tài và phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Sau ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, thăng Tả bộc xạ. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm. Có giai thoại kể rằng vua Trần Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo, cuộc sống thường ngày rất thanh bần đạm bạc, bèn gọi một viên quan đến hỏi:
- Đĩnh Chi sống thiếu thốn, ta muốn trích kho mang tiền đến cho Đĩnh Chi, liệu có nên không?
            Viên quan nọ đáp:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần biết rõ Đĩnh Chi vốn thanh liêm, cho người mang tiền đến e Đĩnh Chi không nhận. Giờ chỉ có cách đang đêm cho người lén bỏ vào nhà Đĩnh Chi may ra mới được.
            Nhà vua cho thế là phải, bèn sai người đem mười quan tiền đang đêm bí mật bỏ vào nhà Đĩnh Chi. Sáng hôm sau, Đĩnh Chi thấy tự nhiên có tiền ở trong nhà, ông vội đem tiền đến và tâu với nhà vua rằng:
            - Muôn tâu bệ hạ, thần làm quan đã có lộc nước, nay tự dưng lại thấy có tiền trong nhà, thần xin mang đến nộp kho để dùng vào việc công ích.
            Nhà vua bảo với Đĩnh Chi rằng:
            - Tiền ấy không có chủ, cứ cầm lấy mà dùng.
            Đĩnh Chi đáp :
   Những đồng tiền này tuy không có chủ, nhưng không phải do thần làm ra, thần không dám nhận.
            Cuối đời khi đã hưu quan, Mạc Đĩnh Chi có mở trường dạy học tại quê nhà. Nơi ông mở trường dạy học, người đời sau suy tôn là cổ tích và gọi là “Trạng nguyên cổ đường”có nghĩa là nhà dạy học cũ của quan trạng nguyên.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của Mạc Đĩnh Chi:
Bài 1
Bài phú sen giếng ngọc1
Khách có kẻ:
Nơi nhà cao tựa ghế
Trưa mùa hạ nắng nồng.
Ao trong ngắm làn nước biếc
Nhạc phủ vịnh khúc phù dung.2
Chợt có người:
Mặc áo quê, đội mũ vàng
Tiên phong đạo cốt
Khác xa trần gian
Hỏi: “ở đâu lại?”
Rằng: “từ Hoa Sơn!” 3
Bèn bắc ghế, bèn mời ngồi
Dưa Đông Lăng đem cắt, quả Dao Trì đem mời 4
Bèn sang sảng nói, bèn ha hả cười.
Đoạn rồi, trông khách mà rằng:
“Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?”
Ta có giống lạ trong tay áo này 5
Chẳng phải như đào trần lý tục 6
Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy
Câu Kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì 7
Giậu Đào lệnh cúc sao ví được 8
Vườn Linh quân 9 lan sá kể gì
Âý là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa đây.
Khách rằng:
“Ngó như thuyền mà hoa mười trượng
Lạnh như sương mà ngọt như mật” đó ư?
Trước vẫn nghe tiếng, nay mới thấy thật
Đạo sỹ lòng vui hớn hở
Lấy trong tay áo trưng bày
Khách vừa trông thấy, lòng ngậm ngùi thay
Giấy mười thức 10 xếp sẵn
Bút năm sắc thấm(?) ngay 11
Làm bài ca rằng:
Thủy tinh  gác để làm cung
Cửa ngoài lóng lánh bao vòng lưu ly12             

Bùn thời tán bột pha lê
Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây
Mùi thơm ngào ngạt lên mây
Ngọc Hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương
Lạnh lùng hạt quế không hương
Tố Nga lại nổi ghen tuông bời bời
Bãi sông hái cỏ dạo chơi
Bến Tương luống những trông vời Tương Phi 13
Giữa dòng lơ lửng làm chi
Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi
Há rằng trống rỗng bất tài 14
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay 15
Mưa sa gió táp xưa nay cũng thường
Sợ khi lạt thắm phai hương
Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân.
Đạo sĩ nghe mà than rằng:
 “Sao anh lại ai oán như thế?”
Anh không thấy:
Hoa tử vi trên ao Phượng Hoàng 16
Hoa hồng dược trước thềm ngọc đường đó sao?
Địa vị cao cả, danh tiếng vẻ vang.
Triều minh thánh chúng đều là được quý
Cõi tao nhân anh đi mãi sao đang?
Khách bấy giờ:
Nghe lọt mấy lời, đem lòng kính mộ
Ngâm thơ Đình thượng của Thành Trai 17
Họa câu Phong đầu của Hàn Dũ 18
Gõ cửa thiền môn dãi tấc lòng
Kính dâng bài “Ngọc tỉnh liên phú”.
                                           Phan Võ dịch

Chú thích
1.Bài này Mạc Đĩnh Chi làm lúc thi đỗ trạng nguyên, nhà vua thấy ông tướng mạo xấu xí, không muốn lấy đỗ, ông dâng bài phú này để tỏ rõ phẩm giá thanh cao của mình. Nhà vua đọc bài phú hiểu rõ phẩm cách và tài năng của ông nên vẫn lấy đỗ.
2.Phù dung có hai nghĩa: một nghĩa chỉ hoa sen, một nghĩa chỉ hoa phù dung.
3.Hoa Sơn: một trong 5 núi lớn ở huyện Hoa âm, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
4.Dưa Đông Lăng: Thiệu Bình đời Tần, được phong Đông Lăng hầu, sau mất quan về trồng dưa, dưa ông ngon có tiếng.
5.Quả Dao Trì: chỉ quả bàn đào của Tây Vương mẫu ở Dao Trì. Cây Bàn đào ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết trái
6.Ưa sen: Chu Đôn Di, hiệu Liêm Khê, người đời Tống, rất thích hoa sen, cho hoa sen có phong cách quân tử, có làm bài “Aí liên thuyết”. Người đời gọi ông là quân tử yêu sen.
7.Đào trần lý tục: Hoa đào, hoa lý đầy núi đều là thứ trần tục, quê mùa, do câu: “Đào lý mãn sơn tổng thô tục”.
8.Câu Kỷ phòng tăng, mẫu đơn đất lạc: Câu kỷ là một thứ cây có hoa dùng để làm thuốc. Lưu Vũ Tích đời Đường vịnh cây câu kỷ có câu: “Tăng phòng dược thụ ỷ hàn tỉnh”, nghĩa là: Cây thuốc của nhà chùa tựa bên giếng lạnh. Còn hoa mẫu đơn ở đất Lạc Dương(TQ) là đẹp hơn cả, người ta thường gọi là Lạc Dương hoa.
9.Giậu Đào Lệnh: Đào Lệnh tức Đào Tiềm, người đời Tấn, làm quan ở Bành Trạch được chưa đầy ba tháng thì xin bỏ quan về nhà dạy học.Thơ Đào Tiềm có câu: “Thái cúc đông ly hạ”(Hái hoa cúc ở nơi Giậu phía đông).
10.Vườn Linh Quân: Khuất Nguyên tên chữ là Linh Quân, viết thiên Ly Tao trong đó có câu: “Dư ký tử lan, chi cửu uyển hề, hựu thu huệ chi bách mẫu”, nghĩa là: Ta tưới tử lan chín uyển ( mỗi uyển=30 mẫu xưa của TQ), lại trồng huệ trăm mẫu.
11.Bút năm sắc: do tích Giang Uyên nằm mộng thấy có người cho cây bút năm mầu, từ đó văn chương nổi tiếng.
12.Cung thủy tinh, cửa lưu ly: Trong bài Hoa sen đình ngọc tỉnh của Dương Thành Trai, có câu: “Cư tiên sơ xuất một, chiếu nhật dĩ do khiếp, quán chi thủy tinh cung, hoàn dĩ lưu ly điệp”, nghĩa là ông tiên trong ao vừa mới lấp ló lên, còn non nên e sợ bóng mặt trời chiếu đến, cho vào ở trong cung thủy tinh, có tường thành bằng lưuly bao bọc.
13. Tương Phi: vợ vua Thuấn
14. Trống rỗng bất tài: Sách Trang Tử viết: quả bầu năm thạch, bổ ra mà làm cái bầu thì trống rỗng không đựng được gì.
15.Mực thẳng ngay: sợi chỉ nhúng mực đen của thợ mộc dùng để bật vẽ đường thẳng trên thân cây gỗ khi cưa xẻ .
16.Hoa tử vi ao Phượng Hoàng: Đời Tấn, đời Đường, tòa Trung thư ở trong cung cấm, gần vua, bên tòa có ao, nên người ta thường gọi tòa Trung thư là ao Phượng Hoàng(ý nói ở địa vị cao quý). Lại vì trong tòa trồng hoa tử vi, cho nên đời Đường còn có tên gọi là tòa Tử Vi.
17.Thành Trai: tức Dương Vạn Lý, người đời Tống, có tập thơ Thành Trai, gồm 130 quyển do con là Trương Nhụ chép, lời thơ hùng tráng
18.Hàn Dũ: tức Hàn Xương Lê đời Đường. Thơ ông có câu:
Thái hoa phong đầu ngọc tỉnh liên,
Hoa khai thập trượng ngẫu như thuyền
Lãnh tỉ tuyết sương cam tỉ mật
Nhất phiến nhập khẩu trầm kha thuyên.
Nghĩa là:
Cây sen ở trong giếng ngọc trên nuí Thái Hoa
Hoa cao mười trượng ngỡ như thuyền
Mát lạnh như tuyết như sương,ngọt như mật
Ăn vào một miếng bệnh nặng cũng khỏi.

Bài 2
晚景
翠浮煙色
春蓝发
墙乌啼洛照
野鴈送歸雲
火前澜見
樵歌隔岸聞
旅人悲冷洛
借酒作为熏
Vãn cảnh
Không thúy phù yên sắc.
Xuân lam phát thủy văn.
Tường ô đề lạc chiếu.
Dã nhạn tống quy vân.
Ngư hỏa tiền lan kiến,
Tiều ca cách ngạn văn.
Lữ nhân bi lãnh lạc,
Tá tửu tác vi huân.
Dịch nghĩa
Cảnh chiều
Màu khói nổi lên giũa bầu trời biếc.
Gợn sóng lăn tăn trên dòng nước xanh mùa xuân.
Quạ bên tường kêu khi bóng xế.
Nhạn ngoài đồng đưa đám mây về.
Lửa thuyền câu lập lòe vụng trước,
Tiếng ca chú tiều văng vẳng bên kia bờ.
Nét mặt người lữ khách ủ ê khá thương.
Mượn chén rượu ngà ngà cho khuây.
Dịch thơ
Trời biếc in sắc khói.
Dòng xanh gợn lăn tăn.
Quạ tường kêu chiều xế.
Nhạn nội tiễn mây ngàn.
Lửa chài nhìn bãi trước,
Ca tiều nghe vũng bên.
Lữ khách buồn chẳng nói,
Mượn rượu giải ưu phiền.
            Đỗ Đình Tuân dịch.

23/7/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...