Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Mời trộm ăn dưa-Một tiếng cười đầy ý vị

Mời trộm ăn dưa

Trộm ơi cậu thích ăn dưa
Xin mời cậu cứ tự do vào lều
Cậu ăn thì được bao nhiêu
Dưa mình trồng được xin chiều cậu thôi
Dưa non chấm muối tỏi tươi
Ăn no lồi rốn cậu chơi với mình
Việc gì phải nấp phải rình
Quả dưa mang tội mang tình vào thân
Sang năm chịu khó làm phân
Mình cho cậu giống ta cùng trồng dưa
Ngày ngày hai buổi sớm trưa
Cùng nhau đi chợ bán dưa lại về.

                                    Nguyễn Song Hào

Mời trộm ăn dưa
Một tiếng cười đầy ý vị

Tôi được nghe bài thơ này khoảng cuối năm 1996 hoăc đầu năm 1997 gì đấy. Đó là vào một buổi chiều, tại sân nhà cụ Ngọc, thôn  Vĩnh Đại xã Văn Đức (Chí Linh). Hôm đó hội thơ làng Vĩnh Đại, có tổ chức một buổi giao lưu. Tôi và tác giả bài thơ này đều thuộc diện khách mời.
Ngay khi nghe xong tôi đã rất thích thú và đè nghị tác giả cho xin bản thảo. Đến khi câu lạc bộ Côn Sơn  ra được mấy số nội san thì tôi mới “cho in” bài thơ đó lên mục “Thơ vui” ở Nội san số 7 ra tháng 7 năm 1997. Bài thơ cũng được nhiều độc giả yêu thích. Đến năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập câu lạc bộ Côn Sơn ( Câu lạc bộ Hưu trí của huyện chí Linh), bài thơ lại được tuyển vào Hương Côn Sơn tập 2.
Cho đến nay, mỗi lần đọc lại tôi vẫn thấy hứng thú, bởi vì bài thơ vẫn cứ khơi dậy trong tôi một tiếng cười rất ý vị. Ngày ấy tác giả còn đang là một cựu chiến binh nông dân trồng dưa thực thụ. Hàng năm cứ đến vụ dưa là lại quần đùi, áo cộc, nón mê suốt ngày, suốt đêm, suốt vụ  ở ngoài đồng gắn bó với ruộng dưa, với lều canh dưa, để vừa chăm dưa  vừa giữ trộm.
Nhưng xem ra cái ông già canh dưa này khá vui tính và rất thân thiện với bọn trẻ rình trộm dưa. Vì thế ông ta đã có một lối hành xử với kẻ trộm khá lạ đời. Thông thường, một người canh dưa thấy bọn trộm đang nấp nom bên ruộng dưa nhà mình thì chí ít cũng đánh tiếng đe loi, mà dữ tính hơn thì có thể tóm sống rồi đá đít bạt tai cho chừa tính tắt mắt…Nhưng đằng này tác giả bài thơ lại không làm thế. Ông đã mời kẻ trộm vào lều, dằm muối tỏi, chọn loại dưa non ngon mỡ màng cho ăn một bữa thật thoải mái, rồi sau đó ông mới khuyên bảo. Thái độ thì thân tình “mình mình cậu cậu” mà đối đãi thì quá ư hào phóng:
Dưa non chấm muối tỏi tươi
Ăn no lồi rốn cậu chơi với mình.
Kể ra cũng là cách đối đãi này nhưng là đối với một người bạn thân thì ý nghĩa của bài thơ chắc chả còn gì. Nhưng là đối với kẻ trộm thì lại là quá tuyệt vời. Chính nó đã “đặc biệt hóa” bài thơ và gây một ấn tượng rất khó phai mờ trong lòng người đọc. Cái ý nghĩa nhân văn, nhân ái cũng phần lớn toát ra từ đây.
Bài thơ còn vẽ ra được hai bức tranh tương phản của hai lối sống. Lối sông của kẻ trộm thì rình mò, trốn lủi hết sức tội nghiệp:
Việc gì phải nấp phải rình
Quả dưa mang tội mang tình vào thân
Còn lối sống của người lao động chân chính thì sao mà đường hoàng thanh thản thế:
Ngày ngày hai buổi sớm trưa
Cùng nhau đi chợ bán dưa lại về
          Có thể nói toàn bộ bài thơ là một lời khuyên nhủ thật chân thành và giầu sức thuyết phục. Bởi nó đã được nghệ thuật hóa trong một tiếng cười nhẹ nhàng mà hàm chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Ở đây ta tuyệt nhiên không thấy giọng giáo huấn, dạy đời mà chỉ thấy một tiếng cười vui vui ngồ ngộ. Nhưng thực chất nó là một bài học luân lý về cách sống ở đời nhưng đã được tiếng cười làm mềm hóa đi nên rất ấm áp và thấm thía. Cái ý vị của tiếng cười trong Mời trộm ăn dưa là ở chỗ đó.
          Những năm cuối đời bác Hào bị điếc nặng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn đi dự họp thơ ở câu lạc bộ. Đầu năm 2010 này, bác đã đi về cói vĩnh hằng. Hôm đưa đám bác, tôi có xuống viếng. Đêm về thức giấc bỗng nhớ đến bài thơ của bác và miên man nghĩ đến kiếp người. Nhân đó có làm một bài thơ viếng bác để trong lòng:
Ngày nào “Mời trộm ăn dưa”
Vừa vui vừa tếu lại vừa nhân văn
Nón mê quần cộc nhọc nhằn
Vẫn mong kẻ trộm làm ăn đàng hoàng
Yêu thơ yêu xóm yêu làng
Bài đầu bác viết “Bích Nham” quê mình
Mười hai năm ấy bao tình
Bác đi nhưng bóng nhưng hình chưa đi
Nội san thơ bác còn ghi
Đọc thơ như thấy bác về bên tôi
Đang nghe, đang ngóng…đang cười…
Nào hay bác đã ra người trăm năm?

                                         Thị xã Chí Linh 2/11/2010
                                                  Đỗ Đình Tuân
                                                   













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...