Trong các nhà thơ thì có lẽ Nguyễn Khuyến là người để lại nhiều bài thơ dạy con hơn cả. Ông viết bằng chữ Hán rồi lại tự dịch sang chữ Nôm. Có lúc ông dạy chung các con , có lúc ông lại dậy riêng cụ thể từng người. Thông thường, người ta cũng chỉ “dạy con từ thuở còn thơ”, vì “bé không vin, cả gẫy cành”. Nguyễn Khuyến có khác hơn. Ông lại đặc biệt quan tâm đến việc dạy con ở tuổi trưởng thành. Bài thơ đầu tiên nói đến chuyện dạy con của Nguyễn Khuyến cho biết:
汝父风塵鬓漸斑
汝年今亦以加冠
Nhữ phụ phong trần mấn tiệm ban
Như niên kim diệc dĩ gia quan
Xuân nhật thị nhi
Cha của con trải cuộc đời gió bụi tóc đã dần điểm bạc
Con năm nay cũng đã đến tuổi đội mũ rồi.
Ngày xuân dạy con
Theo lễ giáo ngày xưa, con trai đến hai mươi tuổi, thì làm lễ đội mũ. Cho nên tuổi đội mũ tức là tuổi hai mươi-tuổi đã trưởng thành-chuẩn bị bước vào đời. Lúc này Nguyễn Khuyến còn đang làm quan cho nhà Nguyễn. Lòng ông còn mang nặng ơn vua, chí ông còn hăm hở việc đời, cho nên trong lời dạy con trước hết ông vẫn nhắc đến ơn vua; sau mới nhắc tới nghiệp nhà. Điều tâm huyết ông căn dặn con lúc ấy vẫn là dạy về sự học:
学海要疑防泛逸
儒家慎勿魘飢寒
Học hải yếu nghi phòng phiếm dật
Nho gia thận vật thị cơ hàn
Xuân nhật thị nhi
Biển học cần phòng ngừa sự phù phiếm tràn lan
Làm nhà nho nhất thiết không được sợ đói rét
Ngày xuân dạy con
Câu thơ là một trải nghiệm sâu sắc, chứng tỏ một quan niệm học tập khá thiết thực và vì thế nó thật sự là một lời nhắc nhở bổ ích, có thể liệt hạng vào hàng những danh ngôn về khuyến học.
Nhưng trước việc triều đình nhà Nguyễn cứ dần dần lùi bước trước họa xâm lăng và cuối cùng thì cam tâm làm nô lệ cho thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến ngày càng tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Chính lúc nhà Nguyễn thăng chức cho ông làm tổng đốc Sơn Tây thì ông đã khéo léo cáo bệnh để xin nghỉ chức. Ông trở về quê cũ, sống cuộc đời thanh bần với biết bao nỗi niềm u ẩn khôn khuây. Từ đó trong những lời dạy con của ông cũng đổi khác. Ta không còn thấy ông nhắc đến ơn vua nghiệp đời nữa mà chỉ còn thấy ông nhắc đến nghiệp nhà, bằng những câu thơ chân thực, ý vị và phảng phất nét ngang tàng kín đáo:
清貧吾自爱吾廬
群居不滿九高土
素業無他一束書
Thanh bần ngô tự ái ngô lư
Quần cư bất mãn cửu cao thổ
Tố nghiệp vô tha nhất thúc thư
Xuân nhật thị chư nhi
Trong cảnh nghèo trong sạch ta vẫn yêu ngôi nhà tranh của ta
Khu nhà ở quây quần không đấy chín sào đất
Nghiệp cũ chẳng có gì ngoài một bó sách
Ngày xuân dạy các con
Với các con bây giờ, ngoài việc “khuyến học” ông còn “khuyến làm” nữa:
而曹或可承吾志
筆研無荒稻菽蔬
Nhi tào hoặc khả thừa ngô chí
Bút nghiễn vô hoang đạo thúc sơ
Xuân nhật thị chư nhi
Các con nối chí cha nên nhớ
Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà
Ngày xuân dạy các con (Nguyễn Khuyến tự dịch)
So với đương thời và so với Nguyễn Khuyến trước đó, tư tưởng này thật quá mới mẻ. Dường như ông đã có ý thức giáo dục con cái trở thành những con người lao động có tri thức và biết làm người, chứ không phải để trở thành những ông quan.
Sau này, nỗi buồn mất nước càng giày vò ông, làm ông sớm già nua tiều tụy. Trong thơ ông tự kể, mới có năm mươi ba tuổi mà “tóc râu” đã “phờ”, mà tinh thần dường như cũng tê dại: “Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ”. Vậy mà ông vẫn khắc khoải mong con sống có ích, không bỏ phí thời gian vào rượu chè, đàn hát:
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
Ngày xuân dạy các con (Nguyễn Khuyến tự dịch)
Nguyễn Khuyến đã thật sự chán ghét chốn quan trường lúc đó. Ông không muốn dính vào và càng không muốn cho con mình phải dính vào. Nhưng trước sự o ép của bọn quan lại tay sai, cực chẳng đã ông đành phải dùng cách “hình nhân thế mạng”, cho con ra làm quan thay mình. Vì thế khi con ra làm quan ông viết liền mấy bài dạy con. Nội dung đại ý ông khuyên con: không chạy theo danh vọng, phải giữ vững khí tiết, chỉ nên làm chức quan nhỏ thôi (quan giữ cửa), từng ngày tùy việc mà ứng phó, hãy gia ơn và khoan thư cho dân, hãy vượt qua sóng gió của cuộc đời làm quan, bằng mái chèo “khinh tâm”(xem thường), hãy nhìn cuộc lợi trước mắt bằng “lãnh nhãn” (con mắt lạnh nhạt)… Và thâm thúy nhất là ông đã kín đáo nhắc con:
浪注金銀囊以罄
不知何賭局將殘
Lãng chú kim ngân nang dĩ khánh
Bất tri hà đổ cục tương tàn
Thị tử Hoan
Chớ rót bừa tiền bạc đến nhẵn túi
Không biết canh tổ tôm đã sắp tàn.
Dạy con là Hoan
Đọc tiếp hai câu sau ta mới thấy đây là một cái nháy mắt nhắc khéo con rằng: không nên dấn thân, không nên hết sức vào cái chế độ xã hội đang tàn tạ đương thời.
Từ đường nguyễn Khuyến
15/1/2012
ĐỖ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét