KIỀU BẢN TỊNH
(1100 – 1176)
Kiều Bản Tịnh quê gốc người làng Phù Diễn, quận Vĩnh Khang thuộc vùng Đan Phượng Hà Tây trước đây (nay thuộc Hà Nội). Ông từng theo học tại chùa Giáo Nguyên 1 , do Linh Nhân Hoàng thái hậu 2 cho xây dựng cạnh cung Cảnh Hưng, nơi mà nhà sư Mãn Giác đắc pháp.
Kiều Bản Tịnh là người tinh thông cả Nho và Phật. Năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Lý Anh Tông, ông đến trụ trì ở chùa Kiệt Đặc ?, thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Về sau ông lại nhận lời mời của Dương Công về tu ở chùa Càn An trong thành Thăng Long. Tại đây, ông cùng với Bảo Giám làm thành thế hệ thứ 9 của dòng thiền Quán Bích. 3
Tác phẩm còn lại 2 bài kệ 4
Bài 1:
发大願 Đại phát nguyện
世世生生 Thế thế sinh sinh
不昧佛旨 Bất muội Phật chỉ
自觉觉他 Tự giác giác tha
无間彼此 Vô gian bỉ thử
方便提携 Phương tiện đề huề
Dịch nghĩa:
Nói ra ý nguyện lớn của mình
Đời đời kiếp kiếp
Chẳng bao giờ làm mờ tối ý chỉ của Phật
Mình tự giác ngộ để giác ngộ cho người
Không phân biệt kẻ này người khác
Sẵn sàng dìu dắt
(Để họ) cùng đi vào một đường lối chung
Dịch thơ:
*Kiếp kiếp lại đời đời
Phật chỉ phải sáng ngời
Ta người đều giác ngộ
Đây đó chẳng phân đôi
Dắt dìu nhau phương tiện
Một lối cùng tới nơi.
Hoàng Lê
**Đời đời kiếp kiếp
Phật chỉ sáng ngời
Ta tự giác ngộ
Rồi giác ngộ người
Không phân đây đó
Luôn luôn sẵn sàng
Dìu dắt kẻ khác
Chung đi một đàng.
Đỗ Đình Tuân
Bài 2
鏡中出形像
幻身本自空寂生
犹如鏡中出形像
形像觉了一切空
幻身須臾証实相
Kính trung xuất hình tượng
Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như kính trung xuất hình tượng
Hình tượng giác liễu nhất thiết không
Huyễn thân tu du chứng thực tướng.
Kính trung xuất hình tượng
Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như kính trung xuất hình tượng
Hình tượng giác liễu nhất thiết không
Huyễn thân tu du chứng thực tướng.
Dịch nghĩa:
Bóng hiện trong gương
Tấm thân hư ảo này vốn từ hư không tĩnh mịch mà sinh ra
Cũng giống như cái bóng xuất hiện ở trong gương
Cái bóng thấy đấy nhưng hết thảy đều là không
Tấm thân hư ảo phút chốc lại chứng được cái thực tướng của mình.
Dịch thơ:
*Vốn từ không tịch ảo thân sinh
Như ở trong gương hiện bóng hình
Hình bóng vẫn rằng không hết thảy
Ảo thân, tướng thực, chứng rành rành.
Huệ Chi – Hoàng Lê
**Vốn từ không tịch sinh ra
Giống như cái bóng lập lòa trong gương
Có mà hết thảy đều không
Ảo thân phút bỗng được trông thực hình.
Đỗ Đình Tuân
Chú thích:
1.Chùa Giáo Nguyên: Theo cuốn “Văn thơ thời Lý” ( NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội – 1998) thì ghi là chùa Giáo Nguyên? Nhưng theo cuốn “Danh nhân Phật Giáo Việt Nam của Tô Hồng Cẩm (sách điện tử) lại ghiNguyên là chùa Giác Nguyên. Chùa này xây cạnh cung Cảnh Hưng trong Hoàng thành và mới sư Mãn Giác về trụ trì thì chắc chắn phải xây dựng từ trước năm 1096 (năm Mãn Giác viên tịch)
2.Linh Nhân Hoàng thái hậu: tức Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông
3. Phái Quán Bích: một trong các thiền phái phát triển trong thời Lý ở nước ta: Nam Phương, Quán Bích, Thảo Đường.
4.Kệ: một thể thơ thiền, thường dùng để tán tụng, diễn dịch ý tứ trong kinh ra.
27/2/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét