Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Nhà sư Huyền Quang với hội chùa Côn Sơn

                       
Hàng năm, lễ hội chùa Côn Sơn (chùa Hun) thường được mở đầu từ ngày rằm tháng Giêng âm lịch, ngày tết Nguyên Tiêu, ngày lễ Phật lớn nhất và quan trọng nhất  trong năm “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”, và kết thúc lễ hội vào ngày 21 tháng giêng âm lịch là ngày giỗ của nhà sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Nhân dịp này tôi xin giới thiệu với độc giả triancuocdoi vài nét về nhà sư Huyền Quang và một số bài thơ của ông.
Huyền Quang sinh năm 1254 và mất năm 1334
Huyền Quang là pháp danh. Tên thật của ông có nhiều sách chép khác nhau. Toàn Việt thi lục chép là Trần Đạo Tái. Tam tổ thực lục chép là Lý Tải Đạo. Nhưng tên Lý Đạo Tái được nhiều sách chép hơn cả.
Lý Đạo Tái người làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay thuộc huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh? Năm 20 tuổi ông đỗ thi hương. Năm 21 tuổi ông đỗ đầu thi hội. Theo Ngô Thì Nhậm ông còn đỗ trạng nguyên kỳ thi tam giáo. Sau đó ông làm quan trong Viện nội hầu, từng đã có lần tiếp sứ giả nhà Nguyên.
          Thủa hàn vi ông bị người đời xem thường, hai lần từng dạm vợ và sêu tết nhà gái những cuối cùng đều bị từ hôn. Đến khi ông đỗ trạng thì người đời lại xâu xúm, mồi chài, níu kéo:
Lúc khó thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chin nghìn anh em
Chán ghét thói đời đen bạc ấy, ông đã quyết định cắt tóc đi tu
Khi ông đã vào tu trong chùa Yên Tử, nhà vua còn sai một cung nữ tài sắc đến thử lòng ông. Nàng cung nữ ấy chính là nàng Nguyễn Thị Điểm Bích (thường gọi tên không là nàng Điểm Bích). Nhân một đêm trăng, nàng Điểm Bích có làm một bài thơ nôm để “ghẹo” Huyền Quang. Nguyên văn bài thơ đó như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình
Nhưng bài thơ ấy cũng không “đánh ngã” được Huyền Quang. Ông vẫn một dạ tu hành và trở thành vị tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm. Huyền Quang là nhà tu hành có rất nhiều đóng góp trong thiền phái Trúc Lâm và có ảnh hưởng rất lớn trong các tín đồ Phật tử. Năm 1334, sau khi  lập đàn tràng ở triều đình trở về đến chùa Côn Sơn thì viên tịch tại đây. Hôm đó vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch. Xá lị ông sau đó được đặt trong Minh Đăng bảo tháp, hiện ở lưng núi phía sau chùa Côn sơn. Cũng từ đó hang năm, tại chùa Côn Sơn và một số chùa khác trong vùng đều có tổ chức lễ hội để lễ Phật và tưởng niệm ông.
Huyền Quang còn để lại các tác phẩm: Chư phẩm kinh công văn tập  và Ngọc tiên thi tập nhưng đều thất truyền, chỉ còn lại 24 bài thơ viết bằng chữ Hán được chép lại trong Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương. Sau đây chúng tôi xin chọn dịch và giới thiệu mấy bài để các bạn cùng thưởng lãm
Cúc hoa
Vương thân vương thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ thị trùng dương
Dịch nghĩa: Hoa cúc
Quên thân mình, quên đời quên hết cả
Yên lặng ngối lâu trên chiếc giường mát
Cuối năm trong núi không có lịch tính ngày tháng
Nhìn hoa cúc nở mới biết đã đến tiết trùng dương
Dịch thơ
Lặng trên giường mát ta ngồi
Quên mình, quên hết sự đời bấy nay
Cuối năm ngày tháng nào hay
Nhìn hoa cúc nở biết ngày trùng dương.
                                    Đỗ Đình Tuân (dịch)

Sơn vũ
Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thùy đa
Dịch nghĩa : Nhà trong núi
Đêm thu gió thu xao xác ngoài mái hiên
Nhà trong núi đìu hiu tựa lùm cây xanh
Tấm lòng tu hành từ lâu đã hóa theo Phật
Tiếng dế vì ai mà kêu rầu rĩ mãi                  
Dịch thơ
Gió thu xao xác thổi hiên ngoài
Nhà dười vòm cây không bóng ai              
Tấc dạ tu hành theo cõi Phật
Dế kêu rầu rĩ suốt đêm dài             
                                    Đỗ Đình Tuân (dịch)

Ngọ thụy
Vũ quá khê sơn tịnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn túy mang mang
Dịch nghĩa: Ngủ trưa dậy
Mưa xong khe núi sách sẽ
Rừng như bao phủ một giấc mộng lành
Quay lại nhìn thế giới trần tục
Mắt mở mà lòng vẫn mơ màng như say
Dịch thơ
Sau mưa khe núi sạch
Rừng phủ giấc mộng vàng
Ngoái nhìn cõi trần thế
Mắt mở lòng mang mang.
                                    Đỗ Đình Tuân (dịch)

Phiếm chu
Thủy đĩnh thừa phong phiếm diểu mang
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại
Nguyệt hạ ba tâm giang mãn sương
Dịch nghĩa: Đi chơi thuyền
Chiếc thuyền theo gió lướt trên mặt nước bát ngát
Non xanh nước biếc lại thêm cảnh mùa thu trong sáng
Vài tiếng sáo nhà chài văng vẳng ngoài rặng hoa lau
Trăng rơi vào lòng sóng. Mặt sóng phủ đầy sương
Dịch thơ
Cưỡi thuyền lướt sóng mênh mông
Trời thu bát ngát một vùng nước mây
Thuyền ai vài tiếng sáo bay
Trăng rơi sóng nước sương đầy mặt sông
                                    Đỗ Đình Tuân (dịch)

Quá Vạn Kiếp
Lạng châu nhân vật thủy lưu đông     
Bách tuế quang âm niểm chỉ trung
Hồi thủ cố sơn ngưng vọng xứ
       Sổ hàng quy nhạ thiếp tình không
       Dịch nghĩa: Qua Vạn Kiếp
Nhân vật lạng châu như nước chảy về đông
Thời gian trăm năm chỉ trong cái búng móng tay
Ngoảng đầu lại đăm đăm nhìn về nơi núi cũ
Mấy hàng chim nhạn bay về như viết lên khoảng trời trong.
        Dịch thơ
Người Lạng châu nước về đông
Trăm năm ngắn ngủi trong vòng bũng tay
Ngoái nhìn núi cũ xanh cây
Nhạn về như viết trong mây mấy hàng.
                                       Đỗ Đình Tuân (dịch)         

5/2/2012
Đỗ Đình Tuân                                                           
                                                                                                        



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...