Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

VÀI Ý SAU KHI XEM BẢN ĐỒ CHÍ LINH CỔ


                
Tấm bản đồ Chí Linh cổ trong sách Đồng Khánh dư địa chí lược (Đồng Khánh 1886-1888) cho thấy huyện Chí Linh thời ấy bao gồm phần đất của gần như toàn bộ huyện Chí Linh và gần phân nửa huyện Nam Sách ngày nay. Khu Bắc Hà ( phía Bắc sông Kinh Thày) gồm 4 tổng:
1.Tổng Đông Đôi ( Xem trên bản đồ thì Đông Đôi chính là tên cổ của hai làng Triều và làng Nội ngày nay) gồm 11 xã ( xã ngày trước tương đương với cấp làng ngày nay, nhưng có lý trưởng, có triện đồng, là cấp chính quyền cơ sở như cấp xã ngày nay): 1.Vĩnh Trụ; 2.Tế Sơn; 3.Thủ Chân; 4. Mạc ngạn; 5.Đông Đôi; 6. Kỹ Sơn; 7.Lục Dương; 8. Mặc Động; 9.Lạc Đạo; 10.Lạc Sơn; 11.Ninh Bảo.
2.Tổng Chi Ngãi  gồm chin xã là: 1.Hoàng Gián; 2. Phục Thiện; 3.Đại Bát; 4.Đại Tân; 5.Chi Ngãi. 6.Lôi Động; 7.Yên Mô; 8. Thanh Tảo; 9.Dược Sơn.
3. Tổng Kiệt Đặc gồm 8 xã: 1.Kỳ Đặc; 2.Kiệt Đặc Thượng; 3.Kiệt Đặc; 4.Kinh Trung; 5.Cù Sơn; 6.Hậu Quan; 7.Mật Sơn; 8. Hữu Lộc.
4.Tổng Cổ Châu gồm 9 xã: 1.Cổ Châu; 2.Nam Gián; 3.Phao Sơn; 4. Phao Tân; 5.Lý Dương. 6.Tu Linh; 7.Chí Linh; 8.Đáp Khê; 9.Linh Giàng
Khu Nam Hà ( phía Nam sông Kinh Thầy) gồm 3 tổng:
1.Tổng An Điền  gồm 11 xã: 1.Tiền Trung (nhị thôn); Phụ Vệ (tam thôn); 3.Ninh Quan (nhị thôn); 4.Lâm Xuyên; 5.Lâm Xá; 6.Xác Khê; 7.Cổ Pháp; 8.An Điền; 9.Chi Điền; 10.Điền Thượng; 11.An Đinh.
2.Tổng An Hộ gồm 9 xã: 1.Hộ Xá tây; 2.Hộ Xá đông; 3.Điền Trì; 4.Lương Gián; 5.Tống Xá; 6.Lê Xá; 7.Hà Liễu; 8. Linh Khê. 9.An Ninh
3.Tổng Cao Đôi  gồm 8 xã: 1. Cao Đôi; 2. Trần Xá; 3.Linh Xá; 4.Ngô Đồng; 5.Quảng Tân; 6.Đột Lĩnh; 7.Lung Động; 8.Tạ Xá.
Tổng cộng 7 tổng gồm 65 xã
Chí Linh phong vật chí có một bài diễn ca viết bằng chữ hán được Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản dịch ra như sau:
Chí Linh trăm dặm cõi bờ
Ghi trong địa chí từ xưa rõ ràng
Cách sông, đông giáp Hiệp Sơn
Tây Thanh Lâm huyện đồng bằng bao la
Nam Thanh Lâm với Thanh Hà
Lạng Giang phía Bắc nhìn qua bản đồ
Giữa bẩy tổng có sông to
Hà Nam, Hà Bắc từ xưa còn truyền
Sáu nhăm(65) thôn xã cách liền
Nửa miền đồng ruộng nửa miền núi cao.
Thời ấy, hệ thống chính quyền còn gồm các cấp: xã-tổng-huyện-phủ-tỉnh-xứ-triều đình trung ương. Có lẽ phải đến đầu thế kỷ XX người Pháp cải cách hệ thống hành chính bỏ cấp phủ thì mới xuất hiện huyện Nam Sách (trước đây Nam Sách là tên một phủ của tỉnh Hải Dương). Các tổng Cao Đôi, An Hộ, An Điền khu Nam Hà mới cắt về cho Nam Sách. Huyện Chí Linh lấy thêm một số xã thuộc Đông Triều thành Tổng Vĩnh Đại gồm Vĩnh Đại, Bích Nham, Khê Khẩu, Đông Xá… Lại lấy thêm một số thôn thuộc Bắc Ninh để thành lập tổngTrạm Điền gồm Kim Điền, Phượng Sơn, Trạm Điền, Vạn Yên…Khi  lập huyện mới như thế thì chắc địa bàn các Tổng cũng có thay đổi ít nhiều.
Nhưng bản đồ Chí Linh cổ trong Đồng Khánh dư địa chí lược  đã  đồng nhất với Chí Linh bát cổ hay chưa thì cũng chưa chắc. Bởi vì Chí Linh trong Đồng Khánh dư địa chí thì Côn Sơn và Kiếp Bạc đều đã thuộc Chí Linh rồi. Nhưng hai di tích này lại không có trong Chí Linh bát cổ?  Trong khi đó nhiều sách cũ vẫn ghi Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc huyện Phượng Sơn (hay Phượng Nhãn) thuộc phủ Lạng Giang bên tỉnh Bắc chứ không thuộc tỉnh Đông ta.
Điều này là có lý vì bát cổ Chí Linh được ghi trong Chí Linh phong vật chí có thứ tự như sau:
1-Trạng nguyên cổ đường (Nhà cổ - nhà dạy học của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)
2-Tiều Ẩn cổ bích (nhà cổ của Tiều Ẩn tiên sinh Chu Văn An
3-Dược Lĩnh cổ viên (Vườn thuốc cũ trên núi Nam Tào)
4-Nhạn Loan cổ độ ( Bến đò cũ trên bến Nhạn Loan của Trần Khánh Dư)
5-Thượng Tể cổ trạch (nhà cũ của quan Thượng tể Trần Quốc Chẩn)
6-Phao Sơn cổ thành (thành cũ trên núi Phao Sơn)
7-Vân Tiên cổ động (động cổ Vân Tiên). Đại Việt sử ký toàn thư chép động này là Huyền Thiên cổ động nơi nhà sư Pháp Vân luyện thuốc đan. Tên động này do vua Dụ Tông đặt.
8.Tinh Phi cổ tháp (tháp cổ của bà Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ)
Trong bát cổ ấy thì có “lục cổ” thuộc triều Trần và chỉ có “nhị cổ” thuộc Mạc (Phao Sơn cổ thành và Tinh Phi cổ tháp). Có lẽ phải đến cuối Lê hoặc đầu Nguyễn thì các nhà nho mới chọn và suy tôn  “bát cổ” đó .
Bia bát cổ Chí linh có ghi các bài thơ xưng tụng các danh nhân và danh thắng đó. Theo Chí Linh phong vật chí thì 8 bài thơ đó do 2 tác giả làm. Người thư nhất là Nguyễn Tri Hoa người Hộ Xá (tức thôn An Xá ngày nay) đỗ hương cống ( thời Gia Long đầu Nguyễn vẫn còn gọi cử nhân là hương cống như thời Lê). Nguyễn Tri Hoa làm các bài :
1-Trạng nguyên cổ đường
2-Tiều Ẩn cổ bích       
3-Dược lĩnh cổ viên
4-Nhạn Loan cổ độ
5-Phao Sơn Cổ Thành
6-Vân Tiên cổ động
Người thứ hai là Trần Trọng Tích, giám sinh người xã Dục Kỳ? huyện Thanh Lâm làm các bài:
1-Thượng Tể cổ trạch
2-Tinh Phi cổ tháp.
Những bài thơ này Đỗ Đình Tuân đều đã dịch và giới thiệu trên Tri Ân  rồi. Ai cần xem cụ thể các bài thơ đó xin tìm đọc lại.
Như vậy rất có thể là Chí Linh trong Đồng Khánh dư địa chí chỉ là Chí Linh thời Nguyễn. Còn Chí Linh bát cổ là Chí Linh thời trước nữa . Côn Sơn, Kiếp Bạc còn thuộc huyện Phượng Sơn mà huyện lỵ của nó đóng ở vùng Phượng Sơn thuộc xã Hưng Đạo ngày nay. Ngoài lý do địa dư ra thì không có lý do gì đủ thuyết phục để các nhà nho thời đó lại không đưa Côn Sơn và Kiếp Bạc vào Chí Linh bát cổ cả.

24/2/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...