Thấy dân làng mình vui câu đối quá, tôi vội vàng “ngâm cứu” vội mấy tài liệu về nghệ thuật câu đối trình làng để các bạn cùng tham khảo thêm và vận dụng khi tham gia trò chơi câu đối. Nghệ thuật câu đối thực chất là nghệ thuật chơi chữ. Da trắng vỗ bì bach là một kiểu chơi chữ quá ghê gớm. Bởi vì nó cùng một lúc lồng được cả hai phép chơi chữ: phép chơi chữ đồng nghĩa dị âm (da trắng với bì bạch) và phép đồng âm dị nghĩa (bì bạch - da trắng với bì bạch là tiếng vỗ da ).Phép đồng âm dị nghĩa có thể rõ hơn ở câu: Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả. Vì thế tuy đã có rất nhiều người đối lại rồi, nhưng hầu hết mới chỉ đối lại được một nửa (phép đồng nghĩa dị âm) còn khía cạnh tượng thanh của “bì bạch” ( tức là phép đồng âm dị nghĩa) thì chưa ai đối nổi cả. Chẳng hạn:Trời xanh mầu thiên thanh; Tay sơ sờ tí ti; Nhà vàng ngồi đường hoàng; Rừng sâu mưa lâm thâm… có người khen là chỉnh nhưng cũng chỉ đối được có một nửa thôi. Hơn nữa chữ “mưa” ở đây lại lơ lửng giữa danh từ và động từ cũng làm cho ý nghĩa của vế đối thêm mờ nhạt đi nhiều. Nghe vế ra của người ta hình thì nét như trưng trước mắt, mà tiếng thì đanh như rót vào tai, vế đối so làm sao được.
Ngoài phép chơi chữ lồng kiểu này (rất ít thấy) thì phổ biến là chơi chữ kiểu liên kết: Cây xương rồng, rồng (giồng, trồng) đất rắn, long vẫn hoàn long; Đến phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường; bà đồ Nứa đi võng đòn tre, đến khóm trúc thở dài hí hóp; Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò (giò) đến hàng nem, chả muốn ăn…Cách nói lái: Chả lo gì, chỉ lo già; Nỏ cần chi, chỉ cần no; Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi ?...
Theo quy mô thì phép đối được chia thành ba thể: Tiểu đối :mỗi vế có 4 chữ trở xuống. Đối thơ: mỗi vế có từ 5 đến 7chữ và đối phú có từ trên 7 chữ trở lên. Những câu đối phú cũng được chia thành 3 kiểu câu. Nếu mỗi vế có từ 6 đến 9 chữ và do một mệnh đề tạo thành thì gọi là câu song quan. Nếu mỗi vế lại gồm 2 mệnh đề tạo thành thì gọi là câu cách cú. Nếu mỗi vế do 3 mệnh đề tạo thành thì gọi là câu hạc tất (gối hạc).
Trong phép tiểu đối và đối thơ thì yêu cầu chặt chẽ hơn. Phép đối thanh và phép đối từ loại phải được triệt để tôn trọng. Nhưng trong thực tế vẫn có sự linh hoạt nhất định.Chẳng hạn trong 7 chữ của thơ Đường luật thì chỉ bắt buộc các chữ 2,4,6 là phải đối thanh, còn các chữ ở các vị trí khác cho phép được linh hoạt:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Thanh Quan
Bởi không linh hoạt vận dụng, cứ máy móc theo nguyên tắc thì nhiều khi vế đối lại thành ra ngớ ngẩn vô nghĩa. Trong giai thoại đã có một lần có người ra cho mấy cậu học trò một vế đối như sau: “Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc”. Các cậu học trò này cũng vừa được học qua về phép đối, họ bèn vận dụng những nguyên tắc đối theo kiểu lý sự như sau: Thần thì đối với thánh; nông thì đối với sâu; giáo thì đối với mác; dân thì đối với quan; nghệ thì đối với gừng; ngũ thì đối với tam; cốc thì đối với cò. Sau đó họ ghép các chữ lại và được một vế đối lại như sau:
-Vế ra: Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc
-Vế đối:Thánh sâu mác quan gừng tam cò.
Không ngờ sự vận dụng máy móc nguyên tắc lại làm hỏng câu đối. Nhưng vận dụng cũng không có nghĩa là vô nguyên tắc. Mà sự vận dụng đều phải có mức độ cho phép của nó. Chẳng hạn về đối thanh: Đúng ra là phải thanh bằng đối với thanh trắc. Nhưng rất nhiều trường hợp cụ thể lại không thể làm nổi cho nên người ta chỉ bắt buộc một số chữ làm chốt là phải bằng đối với trắc. Đó thường là những chữ cuối phân câu, hoặc cuối câu:
Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ..ờ …tết
Sáng mồng một, va nêu đánh cộc, á… à.. xuân
Nguyễn Khuyến
Nhưng các chữ khác trong cụm từ vẫn phải có sự đối thanh ở mức tương đối thì nghe mới xuôi tai. Nếu cùng là thanh bằng thì nên lấy thanh không đối với thanh huyền, nếu là thanh trắc thì nên lấy thanh hỏi đối với thanh ngã, thanh sắc đối với thanh nặng. Nghĩa là nên lấy một thanh nổi đối với một thanh chìm và ngược lại.
Về từ loại cũng vậy, nguyên tắc là phải danh đối với danh, động đối với động, tính đối với tính, số từ đối với số từ, thực từ đối với thực từ, hư từ đối với hư từ…Nhưng trong tiếng việt vị trí trong câu, hoặc trong một văn cảnh cụ thể nào đó, nhiều khi cũng làm làm thay đổi từ loại của từ. Cho nên xem xét từ loại cũng phải xem xét trong văn cảnh cụ thể chứ không nhất thiết theo như từ điển được. Và cuối cùng vẫn phải dẫn đến một ý nghĩa hoặc tương đồng, hoặc tương phản với vế ra.
Trong một cặp câu đối do một người làm ra thì nhất thiết phải có một vế kết thúc bằng thành trắc và vế kia kết thúc bằng thanh bằng. Nếu vế đối do một người ra thách đối kết thúc là thanh bằng thì tất cả những vế đối lại bắt buộc phải kết thưc bằng thanh trắc. Chẳng hạn về thách đối của Đỗ Đình Tuân:
-Tết / túng / tiền / tiêu / tìm / tớn tác
Vế đối này kết thúc là thanh trắc thì các vế đối lại nhất thiết phải kết thúc bằng thanh bằng. Một điều nữa là đây thuộc loại câu đối thơ nêu yêu cầu độ chỉnh phải cao. Muốn đối được chỉnh vế này ta phải đem phân tích 7 âm tiết này gồm 6 từ: Tết / túng / tiền / tiêu / tìm / tớn tác. Trong 6 từ này có 2 danh từ (tết và tiền) 2 động từ ( tiêu và tìm) 1 tính từ đơn ( túng) 1 tính từ kép (tớn tác).Những vế đối sau đây được xem là chỉnh:
-Chị / chưa / chồng /chửa / chửi / chanh chua
Minh Hương
-Nhà / nhiều / nho / nhũn / nhá / nhôi nhai
-Đường / đầy / điếm / đón / đứng / đong đưa
Vũ Thị Song Thu
Dân xóm đang rất tích cực tham gia dự đối vui. Nhưng các vế đối ra quá khó, tính văn nghệ lại chưa cao nên đọc chưa thú mấy. Xin chúc dân xóm mình từ nay đến tết sẽ nghĩ ra được nhiều câu đối vừa hay, vừa chỉnh.Tiện đây tôi cũng xin ra một vế đối mong mọi người cùng tập dượt góp vui: Tết tung tăng, xuân xúng xính, hội hè...sum họp...
14/12/2011
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét