Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Thanh và tục trong văn chương

                       

Trong đời thực, các bậc văn nhân, danh sĩ ngày xưa không kiêng kỵ gì cái “chuyện ấy” cả. Thậm chí các cụ còn rất biết tận hưởng. Ngoài chính thất, trắc thất, thứ thất…thuộc hàng thê, các cụ còn có thêm thiếp. Chưa kể còn cô đầu, kỹ viện nữa. Nhưng trong văn chương thì lại rất hiếm thấy các cụ “nói tục”. Vì sao vậy? Có lẽ vì trong quan niệm của các cụ văn chương vốn là một thú vui tao nhã, mà muốn tao nhã thì nó phải “Thanh” chứ không thể “tục” được.
Cái tục chỉ thấy xuất hiện trong văn chương bình dân truyền miệng, văn chương của những người lao động sáng tạo ra. Nhưng đa phần cái tục trong văn chương bình dân cũng chỉ là phương tiện sáng tạo. Nhất là trong chuyện tiếu lâm thì cái tục càng thấy xuất hiện nhiều. Nhưng cùng với nó thường là một lời cảnh báo nhiều khi quá đáo để và ghê gớm. Chẳng hạn chuyện “Ông không mồm” kể rằng:
Có một ông lão râu rậm che kín hết cả mồm miệng. Một hôm ông đang đi trên đường thì gặp một đám trẻ con đang chơi. Một đứa trong đám trẻ nhìn ông. Nó không nhìn thấy miệng ông đâu bèn reo lên:
-A... chúng bay ơi, ông không mồm!
Ông lão tức quá, bèn một tay vạch râu cho hở lỗ miệng ra, một tay thì chỉ vào lỗ miệng mình và mắng bọn trẻ rằng:
-Tiên sư cha chúng bay, không mồm thì cái l… mẹ mày đây à?
Đây là một lời cảnh báo các cụ rất sâu sắc: nếu cứ quen mồm nói tục thì sẽ tự biến mồm mình thành “cái ấy”.
Trong văn chương nước ta cũng có hai trường hợp pha trộn giữa văn chương bình dân truyền miệng và văn chương viết. Đó là thơ Hồ Xuân Hương và thơ Bút Tre. Trường hợp thơ Bút Tre, tôi đã nói kỹ trong bài “Lục bát Bút Tre”. Ở đây chỉ muốn thêm vài ý về thơ Hồ Xuân Hương. Cái mà ta vẫn quen gọi là thơ Hồ Xuân Hương chưa hẳn đã là thơ riêng của nữ sĩ. Chắc chắn ở đây đã có sự pha trộn của thơ ca dân gian vào đó nữa. Những bài như Bánh trôi nước, Mời trầu, Tự tình…có thể là của bà.  Nhưng lại có nhiều bài khác, gần lắm với tư tưởng nhân dân: Lấy lẽ, Không chồng mà chửa…Rất có thể những bài kiểu này là do dân gian sáng tác và cài vào thơ Hồ Xuân Hương chăng? Hồ Xuân Hương cũng là người cực giỏi trong việc sử dụng cái tục làm phương tiện sáng tạo. Bà tục không phải chỉ để tô hô ra là xong. Mà thường thấy là cùng với sự tô hô ra cho ta nhìn thấy, sờ được thì lập tức lại hướng ta nghĩ ngay đến một điều khác cao cả hơn, nhân văn hơn. Chẳng hạn trong Hang Thánh Hóa thì "cái ấy" thành ra như “cội nguồn trần thế”; trong Động Hương Tích thì "cái ấy" cũng “bầu trời cảnh bụt” thu hút khách thập phương lắm lắm "Lâm tuyền kéo cả phồn hoa lại...". Ngay ở trong câu đối tết của bà thì “cái ấy” cũng là “cánh càn khôn” là “lò tạo hóa” chứ đâu phải tục tĩu tầm thường:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
khép chặt lại,
kẻo ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một mở lò tạo hóa,
mở toang ra,
cho thiếu nữ rước xuân vào.
Như vậy thì cái tục trong thơ bà đúng ra phải gọi là “siêu tục”. Mà đã là “siêu tục” thì đích thị cũng là “thanh”. Còn nếu chúng ta cứ quanh quẩn hết “rồng lộn” lại đến “lộn về bần” thì chả giải quyết vấn đề gì. Nó chỉ thêm nhàm và gây khó chịu cho những người đọc nghiêm túc.

22/12/2011
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...