Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (39)






145. Cam đường 1

Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công 2
Đất dư dời được 3 bạn cùng thông
Bút thơ đã chép hương còn bén 4
Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.5

1. Cam đường: cây cam đường hay còn gọi là đường lê quả ăn được.
2. Thiệu Công: Thiệu Công Thích đời Chu Vũ Vương đi kinh lý nước Nam thường ngồi dưới gốc cây cam đường để nghỉ ngơi. Khi Thiệu Công đi rồi nhân dân nhớ công đức làm thơ cam đường ca ngợi. Sau được sưu tập vào Kinh Thi
Thánh bài Cam đường ở thiên Thiệu Nam.
3.Đất dư dời được: Ý nói đã trông được cây cam đường bên cạnh cây thông
4. Câu 3 ý nói đức chính của thiệu công đã được chép thành thơ để lưu truyền mãi mãi.
5. Câu 4 ý nói: mỗi khi ngâm ngợi bài thơ cam đường thì ai cũng rung động.

246. Trường An hoa 1

Ấy chẳng Tây Thi thì Thái Chân
Trời cho tốt lạ mười phân
Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ
Rỡ tư mùa một thức xuân.

1. Trường An hoa: hoa trường an, nhưng chưa rõ là hoa gì
2. Trường An: Kinh đô nhiều triều đại của Trung hoa từ Tần đến Đường. Sau thành tên chung để chỉ kinh đô. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, chẳng lịch cũng thể con người Tràng An” (Người Thăng Long, Hà Nội xưa)
3. Tây Thi: Người đẹp nổi tiếng của  nước Việt thời Xuân Thu.
4. Thái Chân: tức Dương Quý Phi vợ yêu của Đường Minh Hoàng
5. Rỡ tư mùa: rực rỡ quanh năm.

247. Dương 1

Chiếm được thiều quang 2 chín mươi
Day day 3 hoa nở tốt hòa tươi
Đông phong 4 có ý bù trì nữa
Một phút xuân là một động người.

1. Dương: lọi cây cùng họ với Liễu nhưng lá không rủ mềm như liễu
2. Thiều quang: ánh nắng mùa xuân
3. Day day: lay động
4, Đông phong: gió xuân

CẦM THÚ MÔN
(Mục chim thú)

248. Lão hạc 1

Ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông
Ăn uống không nài bổng Vệ Công 2
Lầu nguyệt 3 đã quen tiên thổi địch 4
Non xuân từng bạn khách ăn thông 5
Cánh xâm bạch tuyết mười phần bạc
Đính 6 nhuộm đan sa chín chuyển hồng 7
Nghìn dặm trời dầu đủng đỉnh
Kham cười 8 anh vũ 9 mắc chưng lồng.

1. Lão hạc: chim hạc
2. Vệ Công: tức Vệ Úy Công. Tả truyện chép rằng Ý Công nước Vệ thích chim Hạc, đi xe cũng choc him hạc cùng đi. Khi có người Di, Dịch xâm lược, tướng sĩ kêu rằng “sao không sai hạc đi đánh giặc ? Hạc còn có lộc vị, chứ chúng tôi không có lộc vị, đánh thế nào được”. (TVG)
3. Lầu nguyệt: tức lầu Hoàng Hạc; Vũ Nguyên Hành có câu: “Hoàng hạc lầu trung nguyệt tịnh câu” (Trong lầu Hoàng Hạc mặt trăng như lưỡi liềm” (TVG)
4. Tiên thổi địch: theo Liệt tiên toàn truyện Phí Văn Vĩ đắc đạo thành tiên, thường đến uống rượu ở một quán vùng Giang Hạ, nợ tiền đến mấy năm mà chủ quán vẫn không kêu ca. Phí Văn Vĩ bèn vẽ lên vách một con hạc, khách đến cứ vỗ tay là con hạc lại nhảy múa làm vui. Nhờ thế quán rượu giầu lên gấp bội. Qua mười năm sau, Phí Văn Vĩ lại đến, thấy chủ quán đã giầu có, liền cầm ống địch thổi mấy bài, chốc lát con hạc bay đến trước mặt, tiên Phí Văn Vĩ bèn cưỡi hạc bay đi. Chủ quán bèn dựng lầu ở nơi đó gọi là Lầu Hoàng Hạc.
5. Khách ăn thông: Liệt tiên truyện chép rằng xưa Ốc Thuyên tu tiên, thích ăn quả thông, thân trở nên nhẹ có thể bay được (TVG)
6. Đính: chỉ mào của con Hạc
7. Đan sa chín chuyển hồng: xưa các đạo sĩ luyện đan sa thường nấu chín lần thành mầu đỏ thắm để làm thuốc trường sinh gọi là phép “cửu chuyển linh đan”. Cả câu tả mào con hạc đỏ thắm như như màu đan sa đã luyện chín lần.
8. Kham cười: đáng cười, nực cười
9. Anh vũ: chim vẹt

249. Nhạn trận 1

Nước dãy triều cường 2 chín bãi đầy
Làm kỳ chính 3 khéo nên bầy
Đàn 4 chìm đạn ngọc sao bắc
Phất dõi cờ lau 5 gió tây
Thu phát lệnh nghiêm 6 bài đỗ gấp
Sương thanh 7 bảng nhặt 8 tiếng kêu chày 9
………………………………………
Từ tái 10 đường nghèo lòng mựa ngây.

1. Nhạn trận: nhạn bay dàn hàng
2. Nước dãy triều cường: nước đầy lên khi triều cường
3. Làm kỳ chính: kỳ là lối đánh khác thường (du kích), chính là lối đánh chính quy
4. Đàn: bắn cung đầy loại đạn đá đi (khác với Xạ là bắn cung đẩy mũi tên đi)
5. Phất dõi cờ lau: Bông lau phất như cờ bay, gió tây (gió thu)
6. Thu phát lệnh nghiêm: Mùa thu đã đưa tin rét đến
7. Sương thanh: sương trong, sương lạnh
8. Bảng nhặt: bảng theo hiệu lệnh nghiêm nhặt
9. Tiếng kêu chầy: tiếng kêu chậm chạp, thủng thẳng
10. Tử tái: tức Nhạn môn quan, một cửa ải nằm ở tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Tương truyền chim nhạn bay về phương Nam là xuất phát từ đó

250. Điệp trận 1

Làm sứ đi thăm 2 tin tức xuân
Xòe hai cánh nhẹ mười phân
Nội hoa 3 chớp chớp 4 vây đòi hỏi 5
Doanh liễu 6 khoan khoan khéo lữa lần
Thục đế để thành leo lét
Phong vương 7 đắp lũy khóc rân
Chúa xuân dìu dập dư ba tháng
Mắng cầm ve 8 mới đỗ quân.

1. Điệp trận: đàn bướm
2. Làm sứ đi thăm: cũng như ong bướm được xem như vị sứ giả báo tin xuân
3. Nội hoa: bãi hoa, đồng hoa
4. Chớp chớp: cánh bướm xòe cụp chấp chới
5. Vây đòi hỏi: xúm lại
6. Doanh liễu: tức doanh Tế Liễu, nơi đóng bản doanh của tướng nhà Hán là Chu Á Phu.
7. Phong vương: chỉ con ông chúa
8. Mắng cầm ve: nghe tiếng đàn ve.

251. Miêu 1

Lọ vằn 2 sinh bởi mãi phương tây 3
Phụng sự Như Lai trộm phép thầy 4
Hơn chó được ngồi khi diện bếp 5
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây 6
Đi nào kẻ cấm buồng the kín 7
Ăn đợi ai làm bàn soạn 8. đầy
Khó lẫn sang chăng lỡ phụ
Nhân chưng hận chuột phải nuôi mày.

1. Miêu: con mèo
2. Lọ vằn: lọ lem, vằn vện, chỉ sắc lông loài mèo
3. Tương truyền loài mèo sinh ra từ đất Phật bên nước Tây Trúc (Ấn Độ)
4. Vắng sư thì loài mèo trèo lên nằm cả với tượng Như Lai
5. Diện bếp: quay mặt vào bếp
6. Theo cổ tích thì thày mèo dạy vó cho hổ nhưng không dạy hổ phép leo cây để phong bất trắc về sau.
7. Nơi buồng the kín đáo cũng không ai cấm được mèo đến.
8. Bàn soạn: mâm cỗ.

02/10/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...