Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Hương ước một làng cổ ở Hải dương (4)





Quân cấp công điền công thổ

Điều thứ 73

Làng không có công điền quân cấp

Điều thứ 74

          Những vườn đất làm đình chùa hay là những chỗ đất làm đình chùa thì giao cho thủ từ, thủ tự trông nom.

Điều thú 75

          Những hồ ao sông ngòi…không thể quân cấp được thì hàng năm phải đem đấu cố lấy tiền sung vào công quỹ. Khi đấu cố phải lập biên bản làm bằng chứng.

Điều thứ 76

          Làng có những tự điền sau: 1 mẫu ruộng thần, 27 mẫu ruộng Phật tự, không có ruộng hậu, có 4 mẫu ruộng tư văn. Những ruộng này giao cho ai quản cố thế nào, lấy hoa lợi làm gì thì mục tế tự sau này sẽ nói rõ.

Điều thứ 77

          Nếu làng có phiếu Quốc trái thì kê rõ là mấy phiếu và giao cho ai giữ, lãi Quốc trái phải sung vào công quỹ (Làng không có Quốc trái).

Điều thứ 78

          Vị trí đình chung thì tùy theo chức tước, phẩm hàm hay văn bằng tùy người mà cắt đặt. Bảng đối kê vị thứ phụ đính trong hương ước này có thể làm mẫu để xếp đặt các vị thứ ở trong đình.

Điều thứ 79.

          Khi có việc gì công ích phải chi tiêu nhiều thì Hương Hội có thể bán vị thứ để lấy tiền chi dùng, nhưng chỉ có những vị thứ trong Hương thôn thì mới có thể bán được thôi, trước khi bán phải xin phép quan trên y chuẩn mới được. Bán vị thế mà không xin phép thì coi như không vậy.

Điều thứ 80

          Bán bao nhiêu vị thứ, những vị thứ gì, và mỗi vị thứ bao nhiêu thì khi nào đến Hương hội sẽ họp bàn định rồi kê rõ vào đơn xin phép.

Điều thứ 81

          Khao nghĩa lf làm cỗ mới dân làng hay là kỳ dịch ăn mừng được bổ sung công chức, tuyển cử vân vân. Khao thì có thể nộp tiền thế khao theo như bản kê phụ đính trong hương ước này cũng được như người nào đã có chức phận gì ở trong làng thì đều phải khao thì mới được vị thứ trong đình.

Điều thứ 82

          Người nào trước có dịp khai rồi hoặc làm cỗ mới dân, hoặc nộp tiền công quỹ cũng vậy mà sau lại được thăng hàm hay thăng chức thì không phải khao nữa. Nhưng muốn làm rượu mời dân làng bạn hữu cũng mặc ý.

Điều thứ 83

          Tiền vọng tức là tiền nhập tịch mà người nào đã có vị thứ trong đình đều phải nộp. Tiền vọng thì bắt buộc phải nộp và chiểu theo bản đối kê phụ đính theo hương ước này.

Điều thứ 84

          Người nào trước đã có dịp gì nộp tiền vọng rồi sau lại thăng hàm thì không phải vọng nữa. Những người nào thăng chức được nhấc lên hàng trên thì phải đổi tính số tiền vọng trước với số tiền vọng lên chức mới này mà nộp bù.

Điều thứ 85

          Lên lão thì không phải nộp tiền gì cả. Nhưng người nào muốn sửa lễ yết thần, cỗ bàn mời thân bằng Kỳ Lý cũng mặc ý không ai bắt buộc.

Tế tự

Điều thứ 86

          Kê rõ số đình chùa miếu mạo trong làng: trong làng có hai đình – Phúc Khánh đình và Phúc Lộc đình; ba ngôi chùa: Quang Liệt tự, Thành Phúc tự, Thanh Am tự, một văn chỉ.

Điều thứ 87

          Hai đình làng có ngày mống 2 tháng giêng âm lịch là ngày Thánh đản, ngày mồng 7 tháng 3 và ngày 22 tháng 9 là ngày kỷ niệm thần tích. Tế lễ trong một ngày thì giải tán. Ba chùa cộng có 27 mẫu ruộng Phật tự, hàng năm chùa giao cho sư làng cấy để sửa biện những ngày Khánh đản, Phất tích là ngày mồng 8 tháng 4 và đèn hương những ngày sóc vọng. Hội tư văn có 4 mẫu ruộng, những người có chân trong hội cứ luân canh với nhau, hoa lợi ấy để sửa biện vào những ngày Xuân Thu đinh tế.

Điều thứ 88

Những lệ vào đám chỉ đến 7 ngày là cùng.

Điều thứ 89

          Trầu rượu, hương đăng những ngày sóc vọng thì lý trưởng đương thứ phải chu biện, làng sẽ giao đủ tiền công cho mà chu biện. Số tiền ấy thì dân trích vào tiền đấu giá chợ, mối năm được 72,00 đồng, mỗi tháng phát cho 6, 00 đồng. Những ngày sóc vọng lý trưởng sửa biện thì chỉ hoa nghi, trầu rượu, còn việc phụng sự thì dân sẽ cắt phụ lão 70 tuổi trở lên và những hương lý không còn tại chức.

Điều thứ 90

          Đình Phúc Khánh và Phúc Lộccộng có 2 mẫu thần từ giao cho các giáp luân canh. Những ruộng ấy dùng để chi phí vào những ngày kỷ niệm thần tích đã kê rõ trong điều 87.

Điều thứ 91

          Có làng bắt người đang cai tế đám phải xuất tiền chu biện lễ vật để cúng thần mời dân thì nay bỏ hẳn. Ai đến lượt đang cai hay tế đám thì làng phải gia cho một số tiền hoặc là ruộng lệ để cầy cấy lấy lời mà chu biện lễ vật. Ai đến lượt đang cai hay tế đám mà không muốn làm thì có thể nộp tiền chuộc lệ (tùy theo lệ từng giáp một)

Điều thứ 92

          Đang cai tế đám thì cứ cắt lượt người trong giáp đảm nhận, hoặc cắt theo tuổi, hoặc cắt theo thứ tự ngày vào hàng giáp.

Điều thứ 93

          Về Hậu, ruộng Hậu, giỗ Hậu: làng nay chưa có vị Hậu nào.

Điều thứ 94

          Nếu sau này có vị Hậu nào thì sẽ đem cầm cố lấy tiền sung công quý chi biện các giỗ.

Điều thứ 95.

          Cách cát mệnh bái trong những ngày đóng đám thì phải những người có chân như sau: Nếu sau này có những vị quan trường thì vị thứ mệnh bái sẽ cử vào những người ấy. Hiện nay thì phái văn thân cựu học thì phải cử vào nhất nhị trường trở lên. Cánh kỳ hào từ chánh phó tổng trở lên. Những phó lý trưởng, chánh phó hội và những người được thưởng thụ phẩm hàm. Ngạch binh lính thì tòng chinh có công được thưởng từ bát, cửu phẩm trở lên. Thông cướng, văn xướng thì cử những người có chân. Lý phó trưởng tân cựu, chánh phó hội tân cựu. Việc mệnh bái thì những người có chân kê trên thì cứ luân phiên mà đảm nhận trừ những khi có tang cố hay trở sụ nối gì thì không kể…
          Việc thông xướng, văn xướng nếu những người có chân kê trên vì lẽ gì trở sự thì có thể cắt xuống những người khác cũng được. Nhưng dù là có chân mệnhbái thông xướng hay văn xướng đã đành lại còn phải có vọng vào tư văn nữa thì dân mới cắt đảm nhiệm những việc ấy.

Điều thứ 96

          Lệ phần biếu xét ra ở chốn hương thôn là một cái cội rễ cạnh tranh kiện tụng thì từ nay về sau bỏ hẳn đi.

                                        Le, thư ký (đã ký)

                             Quan tổng đốc Hải Dương duyệt y



07/10/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...