Ít có tập thơ nào mà tôi đọc
liền một mạch như Mùa quả muộn. Bây giờ có nhiều người in sách lắm, nhất là
sách thơ. Khác với khi xem các thể loại văn chương, cách tôi đọc thơ rất lạ,
chỉ cần vài bài giở ngẫu nhiên mà không rung động thì có cố cũng không đọc được
nữa. Thế mới khâm phục những người làm biên tập, thích hay không cũng phải đọc
cho hết chứ không thể như người thưởng thức. Nhưng cuốn ‘Mùa quả muộn’ thì
khác.
Đọc đến bài thứ tư “Phố
đêm”, tôi phải trở lại bài thứ nhất “Gọi em” và đọc lại. Chợt thấy sởn cả gai
ốc. Lâu lắm rồi mới thấy một cảm giác như vậy. Một niềm thương cảm dâng lên
trong lòng khiến sống mũi cay cay. ‘Gọi em’ là tiếng gọi gần như vô vọng. Hình
dung người đàn ông không giấu nổi nỗi buồn và cất tiếng gọi, gửi vào đó tiếng
lòng mình. Khung cảnh quanh nhà với hàng ổi, hàng doi, ao cá quen thân; nhìn
mấy đứa con ngây thơ chạy nhẩy, vô tư líu lô, có lúc nào chúng nhắc hay đòi mẹ
không nhỉ. Tất cả làm cho nỗi nhớ thương càng cháy bỏng. Niềm thương nhớ ấy gắn
với một nỗi lo lắng thực sự hiện hữu: Xã bên, huyện bên, tỉnh bên, trên đài,
trên báo có nhiều chuyện buồn và thương tâm lắm. Cùng cực kiếm sống, đã không
ít người lỡ bước sa chân, không dính vào hàng cấm thì có khi cũng tha phương ở
nước người. Thế là lo lắng, đêm đêm “giấc ngủ chập chờn”. Rồi chẳng làm gì
được, có khi là không có tin tức gì về người vợ đang xa, chỉ biết mong “em ơi
về ở cùng anh”. Câu thơ được nhắc đi nhắc lại như một lời thổn thức, cứ mong
thế, cứ gọi thế. Người đàn ông tin rằng lời gọi ở tận cùng thương cảm của mình
sẽ đến được người ở xa. Chẳng biết chị có nghe thấy chăng, và nghe thì có quyết
bỏ hết mọi việc mà về chăng, nhưng người đọc, dù không trong cảnh ấy mà cũng
rùng mình khi đọc câu thơ đứt ruột kia.
Gọi đấy mà cũng là tâm sự
đấy: em mà có làm sao thì anh bơ vơ lắm. Người đàn ông gần như cả đời chỉ gắn
với chữ nghĩa, mà chữ nghĩa thực sự thì chuyện áo cơm không phải chuyện đùa(!),
rồi đây “lấy gì nuôi được con thơ”, và cả bản thân anh nữa, cậy nhờ ai hôm sớm?.
Gọi đấy mà cũng là lời hứa
đấy: Anh vẫn đợi chờ em, cả cái không gian này “bốn mùa gió trăng” vẫn đang đợi
em, dù nghèo khó rồi “nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn”, em cứ về đây dù “vơi
bát cơm ăn” nhưng sẽ vui trong cảnh thanh bần.
Gọi đấy mà cũng để nhắn gửi
“cầu cho em được bình yên”. Chỉ cần thế thôi, tiền bạc lúc này không quan trọng
nữa, chỉ cần không có chuyện gì xẩy ra với em thì đã là một hạnh phúc. Nhân
gian đã nói từ đời nào: “còn người, còn của”, “còn da lông mọc, còn chồi nảy
cây”…
Và trên tất cả là mong
mỏi một tương lai sum vầy, trong mùa xuân của trời đất cũng là mùa xuân lòng người
khi đoàn tụ, cùng chung nâng cốc rượu đầy, anh vẫn như ngày nào, la đà say men
nồng tình yêu bởi em má đỏ ửng hạnh phúc. Tiếng gọi khẳng định một tương lai
quyết không chia xa một lần nữa cho tới lúc rời khỏi cuộc đời với câu kết “trăm
năm ta sống một nhà bên nhau”.
Bài ‘gọi em’ phải đặt cạnh bài ‘phố đêm’ mới
thấy hết bức tranh đời thường cảm động ấy. Từ khi gọi đến lúc này đã 4 năm
(1990-1994), không ai biết những gì đã xẩy ra trong thời gian đã qua. Nhưng giờ
người vợ đã về ở cùng chồng con và đang lo toan cuộc sống thường ngày với một
“gánh hàng”. Bà vợ ông Tú Xương ngày trước cũng “quanh năm buôn bán ở mom
sông”, cũng “lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Nhưng bà vợ trong bài thơ ‘phố
đêm’ thì đích thị là “con cò mà đi ăn đêm” rồi. Những cái đêm của huyện lỵ vùng
bán sơn địa kia nào có nhộn nhịp gì cho cam. Dám chắc là ít người qua lại, ít
người mua, “người thưa” thớt lắm và “em ngồi bán ổi bán na”. Mấy món quà quê
quen thuộc ấy lại bán ở cái nơi cũng là đồng đất quê mùa, nào có thiếu gì những
cây ổi, cây na trong các nhà nửa phố, nửa quê. Thế đủ biết là gánh hàng chắc chỉ
vài đồng vốn còm, hoặc là người đàn bà này mang trái cây vườn nhà mình bán lẻ
để kiếm được hơn một vài đồng, thay vì bán cả vườn cho người ta vào hái quả.
Nhưng cái gánh hàng còm cõi
là cả một cơ nghiệp để lo chuyện áo cơm kia đấy. Vì người chồng tài hoa cặm cụi
đọc, cặm cụi viết, cặm cụi dịch như là cái nghiệp đã vướng vào thân chứ phải
đâu là nghề chữ nghĩa kiếm tiền. Anh bảo “thơ anh chỉ đổi được tràng vỗ tay”,
là so với cái hiện thực lo bữa ăn hàng ngày từ cái “gánh hàng” của em thôi, chứ
người đời đọc những gì anh viết không thể nghĩ như vậy. Không nghĩ như vậy,
nhưng cũng mới chỉ có những “tràng vỗ tay” thật. Thơ viết ra, đọc cho bạn bè
nghe, cho học trò nghe thì khen, nhưng phải bỏ thêm tiền ra mua chính thơ mình
để tặng cho đủ những người cần tặng. Thế thì so làm sao được với “gánh hàng”
của em. Cái cách nói này là đề cao công lao người vợ lắm. Người vợ nào không
sung sướng khi được chồng biết đến cái công lênh ấy.
Đọc bài ‘phố đêm’, không còn cái
bi ai của ‘gọi em’ nữa. Giờ thì tác giả đã nhận thấy “thoáng bay hương đồng”,
đã thấy “bầu trời cao tít” và cơ man nào là sao trong cái dải Ngân Hà kia. Tôi
phải đọc đi đọc lại câu “bóng em nhỏ tối như là chấm đêm”. Đúng rồi, chấm đêm,
chấm đêm. Một từ không thông dụng, chưa thấy mấy người dùng. Ô hay, cả cái vũ
trụ này, cả cái dải Ngân hà kia, cả cái không gian huyện lỵ về đêm kia đã đọng
lại, tập trung lại một điểm thôi, trong con mắt người viết (đang đi tìm vợ mà),
chỉ là một điểm thôi. Người viết này giỏi cả toán nữa, một điểm, một chấm thôi,
nhỏ lắm, nhưng thiêng liêng lắm, là một thành tố khó định nghĩa trong toán học
và người ta hiểu với nhau nó là tiên đề, nó có sẵn, không chứng mình được. Thấy
chưa, một niềm vui vỡ òa trong anh khi nhìn thấy “chấm đêm” ấy. Ai đã đi tìm
người thân trong đám đông, trong không gian rộng lớn lại không có cảm giác đó.
Có mà không nói ra được, thì đây, ông Tuân nói hộ đây rồi: một “chấm đêm”,
nhưng là cả vũ trụ, phải không? Giờ thì trong tôi đã có thêm một từ mới “chấm
đêm”, nó gắn với một người phụ nữ gian khổ, nhọc nhằn lo cho chồng con có được
một bữa ăn, một tấm áo mới. “chấm đêm”, tôi yêu và xin cúi đầu trước những
“chấm đêm” ấy.
Phần lục bát có nhiều bài
hay. Nhưng với tôi, hai bài ‘gọi em’ và ‘phố đêm’ là điển hình nhất. Mùa quả
muộn không phải mạnh ở phần lục bát, phần thơ thất ngôn bát cú đặc sắc hơn
nhiều. Nhưng giờ chưa phải là lúc nói đến phần đó. Dừng lại ở phần lục bát, nếu
làm biên tập, tôi sẽ bỏ một số bài, vì nó làm loãng cái hồn người viết. Nhưng
đó là “nếu”. Tôi vẫn có trong tay cả một tập thơ với bao tâm tình, mời gọi sẻ
chia. Hiểu được một phần trong đó, nhất là phần thơ kiểu cổ cũng là hạnh phúc
lắm thay./.
Được
đăng bởi TRI ÂN CUỘC ĐỜI vào lúc 17:23
Nhãn:
BÌNH
THƠ, Đỗ
Văn Nghị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét