Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

"Vần và tứ trong thơ" đi vào đời sống thơ ca

-Trong tỉnh Hải Dương tại một thị trấn nọ, có một ông tổ trưởng tổ thơ khi có cuốn "Vần và tứ trong thơ"  trong tay đã đem photo phân phát cho tổ viên làm tài liệu tham khảo.
-Trên các trang mạng đã thấy có hiện tượng các bạn thơ nhắc nhau đọc "Vần và tứ trong thơ" để kiểm tra lại thơ mình... Sau đây chỉ là một ví dụ:
3. Cảm nhận từ: dizikimi [Blogger] Email 16.05.15@16:15
Lục bát truyện Kiều là một thứ Lục bát thuần khiết. Với 3254 câu Lục bát, Nguyễn Du đã huy động hầu hết các bộ vần trong tiếng Việt vào tác phẩm. Theo thống kê của Phạm Đan Quế thì trong truyện Kiều đã có những bộ vần như sau:
1-Vần a, oa: 155 cặp - 310 câu
2-Vần ai, oi, oai, ôi, ơi, ui, uôi, ươi: 266 cặp - 532 câu
3-Vần am, ôm, ơm, ươm: 6 cặp - 12 câu
4-Vần ăm, âm: 20 cặp - 40 câu
5-Vần an, oan, ơn: 50 cặp - 100 câu
6-Vần ă, ân, uân: 84 cặp - 168 câu
7-Vần ang, oang, uông, ương: 140 cặp - 280 câu
8-Vần ăng, âng, ưng: 25 cặp - 50 câu
9-Vần anh, ênh, inh, oanh, uynh: 116 cặp - 232 câu
10-Vần ao, eo, êu, iêu, iu, yêu: 111 cặp - 222 câu
11-Vần au, âu: 87 cặp - 174 câu
12-Vần ay, ây, oay, uây: 133 cặp - 266 câu
13-Vần e, ê, i, ia, oe, uê, uy, uya, y: 121 cặp - 242 câu
14-Vần em, êm, iêm, im: 9 cặp - 18 câu
15-Vần en, ên, iên, in, uyên, yên: 73 cặp - 146 câu
16-Vần iêng: 1 cặp - 2 câu
17-Vần o, ô, u, ua: 20 cặp- 40 câu
18-Vần on, ôn, uôn: 19 căp - 38 câu
19-Vần ong, ông, ung: 120 cặp - 240 câu
20-Vần ơ, ư, ưa: 71 cặp - 142 câu
Giống như Lục bát dân gian, mỗi cặp Lục bát truyện Kiều cũng gồm có ba chữ mang vần, nhưng ở Lục bát Truyện Kiều các chữ mang vần này có vị trí cố định: câu sáu có 1 chữ đó là chữ thứ 6, câu tám có 2 chữ đó là chữ thứ 6 và chữ thứ 8. Riêng hai chữ mang vần của câu tám phải:
-Đối xứng nhau về thanh điệu, nếu chữ này mang thanh không dấu thì chữ kia phải mang thanh huyền và ngược lại (điểm này cũng giống như Lục bát dân gian).
-Không được cùng vần, nhất là những chữ nguyên vần với nhau. Nói cách khác chúng phải luôn luôn khác vần nhau, vì nếu cùng vần thì sẽ xẩy ra hiện tượng chập vần, câu thơ ngang phè, khó lọt tai, chẳng hạn:
Hỏi rằng: "Nàng phải Nguyệt Nga,
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta.
Khi khuya nằm thấy Phật bà,
Người đà mách bảo nên già tới đây".
(Lục Vân Tiên)
Trong ca dao và nhiều bài Lục bát hiện nay vẫn thấy mắc khuyết tật này, nhưng trong suốt Truyện Kiều không thấy có bất cứ một trường hợp nào chập vần như thế cả. Có lẽ Nguyễn Du đã ý thức được điều này và loại trừ nó khỏi Lục bát truyện Kiều. Ta có thể tóm tắt quy luật gieo vần của Lục Bát Truyện Kiều như sau: chữ thứ 6 của câu tám vần với chữ thứ 6 của câu sáu trên, đổi vần và đổi thanh điệu sang chữ thứ 8 của câu tám rồi nối vần này xuống chữ thứ 6 của câu sáu dưới,... Cái chuỗi vần trong Lục bát Truyện Kiều chạy vòng vèo uốn lượn theo các chữ "Sáu-sáu,đổi vần và đổi thanh điệu, tám-sáu" rồi lại "Sáu-sáu, đổi vần và đổi thanh điệu, tám-sáu"...Nguyễn Du đã khai thác triệt để yếu tố đổi vần này làm Lục bát truyện Kiều khá tự do và linh hoạt. Từ đây ta cũng nhận ra một điều: chu kỳ gieo vần của Lục bát là bốn câu. Một cặp Lục bát mới chỉ là nửa chu kỳ. Nói cách khác muốn khép kín chu kỳ gieo vần của thơ Lục bát, vẫn cần phải có tối thiểu là bốn câu. Chẳng hạn:
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không
(Đồng Đức Bốn)
Nhưng rất hiếm khi Lục bát khép kín chu kỳ như thế.Trái lại nó thường tồn tại ở dạng nửa chu kỳ để tạo ra một khả năng kết dính tùy ý hơn, tự do hơn với những nửa chu kỳ khác.
Tính đa năng của Lục bát Truyện Kiều còn được tăng cường thêm ở cách ngắt nhịp. Thông thường khi đọc thơ Lục bát người ta hay đọc theo nhịp 2 chữ một: câu sáu ba nhịp và câu tám bốn nhịp. Nhưng đúng ra, phải ngắt nhịp theo ý nghĩa của các cụm từ trong dòng thơ. Theo cách này ta sẽ thấy Lục bát truyện Kiều khá đa dạng về cách ngắt nhịp. Sau đây chỉ là vài vị dụ tiêu biểu:
-Rằng / năm Gia Tĩnh / triều Minh
Bốn phương phẳng lặng / hai kinh vững vàng.
-Êm đềm / trướng rủ / màn che
Tường đông / ong bướm đi về / mặc ai.
-Dập dìu / tài tử / giai nhân
Ngựa xe như nước / áo quần như nêm.
-Sè sè nấm đất / bên đường
dàu dàu ngọn cỏ / nửa vàng / nửa xanh.
-Hiên tà / gác bóng nghiêng nghiêng
Nỗi riêng / riêng chạnh tấc riêng / một mình.
-Hỏi tên / rằng / Mã Giám Sinh
Hỏi quê / rằng / huyện Lâm thanh / cũng gần.
-Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh
Giật mình / mình lại thương mình / xót xa.
-Làm cho / trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền / biết tay.
-Cửa người / đầy đọa chút thân
Sớm / ngơ ngẩn bóng / đêm / năn nỉ lòng.
-Rằng / Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng / vẫy vùng bể khơi...
Ở Lục bát Truyện Kiều cũng bắt đầu thấy xuất hiện luật bằng trắc (hài thanh). Hình như Nguyễn Du đã vận dụng luật "nhị, tứ, lục phân minh" của thơ Đường luật (thể khởi bằng) vào lục bát truyện Kiều thì phải. Cho nên ta thấy, các chữ thứ 2, và thứ 6 (cả ở câu sáu và câu tám) phải luôn luôn là bằng; đối lại các chữ thứ 4 lại luôn luôn phải là trắc. Riêng ở câu sáu chữ thứ 2 có thể mang thanh trắc khi nó ngắt nhịp 3/3 và thường cũng là một phép tiểu đối (Mai cốt cách / tuyết tinh thần; Người nách thước / kẻ tay dao; Tưởng bây giờ / là bao giờ...) Đọc những câu Kiều dưới đây ta sẽ thấy rõ hơn:
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
Người lên ngựa / kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san.
Sự cân đối về thanh điệu cùng với phép tiểu đối được sử dụng khá phổ biến và linh hoạt đã làm cho câu thơ Lục bát truyện Kiều chuông chắn vuông vức, rất mực thước. Có thể nói câu thơ Lục bát đến truyện Kiều mới phát triển thành luật, một thứ luật cũng chặt chẽ nghiêm nhặt không kém gì luật thơ Đường. Nhưng kỳ lạ thay chính những câu thơ Lục bát truyện Kiều, những câu thơ luôn luôn phục tùng đúng luật, lại là những câu thơ mềm mại, uyển chuyển và hay đến hiếm có. Như vậy là luật thơ không hề trói buộc thơ. Nó chỉ tạo điều kiện cho thơ hay hơn. Bởi vì suy cho cùng thì luật thơ chính là những khuôn hình mẫu mực nhất, tối ưu nhất mà thơ nên có và cần phải có. Trong lịch sử phát triển thơ ca, luật thơ chỉ thấy xuất hiện ở những thời kỳ phát triển đỉnh cao: ở Trung Quốc là trường hợp thơ Đường Luật và ở Việt Nam là Lục bát truyện Kiều. Có thể nói Lục bát truyện Kiều vừa khuôn mẫu mực thước lại vừa linh hoạt biến hóa. Với Lục bát truyện Kiều, Nguyễn Du đã phát huy tối đã khả năng diễn tả vốn có của câu thơ Lục bát. Nó có thể miêu tả, có thể kể chuyện, có thể bình luận triết lý...nó có thể đối thoại, cũng có thể độc thoại...Có thể diễn tả cái hùng, cái bi, cái cao thượng, cái hài hước...Khả năng diễn tả của Lục bát chẳng kém gì văn xuôi, thậm chí còn có thể hơn văn xuôi ở sự cô đọng và khả năng phổ cập...
30/8/2011
@ Đỗ Đình Tuân

CHỊ ĐỌC THAM KHẢO BÀI VIẾT TRÊN ,ĐỂ KIỂM TRA CÁCH GIEO VẦN CỦA CÁC BÀI CHỊ ĐÃ ĐĂNG Ở TRANG TRƯỚC VÀ TRANG NÀY XEM MỌI NGƯỜI GIEO VẦN THẾ NÀO NHÉ.
Ví dụ câu của bài
KHÚC RU CHIỀU
"Miếng cay mẹ ngậm héo mòn tháng NĂM
Con đi mấy chục mùa MONG"
(Nguyễn Ngọc Tung)

3-1. Phản hồi từ: langchau [Blogger] Email 17.05.15@21:28
Tôi rất cảm ơn anh đã cho đọc bài của Đỗ Đình Tuân để rõ thêm về cách gieo vần trong thể thơ LB .
Xin thưa với anh là đợt GOM LB này về lỗi phạm vần (không phải vần chính) mà như : câu 6 và câu 8 thì từ thứ hai không được là vần trắc . Trường hợp này lỗi nhiều lắm , tôi đã chỉnh khá nhiều ở những câu có thể chỉnh được nếu như vẫn giữ được ý của câu . Nhưng gặp trường hợp sửa sẽ mất ý của tg thì đành phải để lại .
Còn như câu :
"Miếng cay mẹ ngậm héo mòn tháng năm
Con đi mấy chục mùa mong"
(Nguyên Ngọc Tung)
Đây là câu PHẠM LUẬT VẦN CHÍNH (vần của câu 6 và câu 8 )Tuy vậy đọc lên thấy khá êm tai nhất là nó liên hoàn được ý day dứt...tạo được sự xúc cảm cho người đọc (Chẳng có chữ nào hay hơn chữ "mong"để thay nó ở đây .
Cảm ơn anh nhiều .
17/01/2016
Đỗ Đình Tuân  

2 nhận xét:

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...