Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (27)






157. Bảo kính cảnh giới 30

Chẳng khôn chẳng dại chỉ ương ương
Chẳng dại người hòa lại chẳng thương 1
Bến liễu 2 mới dời thuyền chở nguyệt
Gác vân 3 còn giữ bút đeo hương
Sách ngâm 4 bạc dãy mai trong tuyết
Đối uống 5 vàng đầy cúc thuở sương
Văn đạt 6 chẳng cầu yên mỗ phận
Ba gian lều cỏ đất Nam Dương. 7

1.Câu 1+2: ý từ câu tục ngữ: “thương cho người ta rái (nể), dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét”
2. Bến liễu: bến có trồng cây liễu
3. Gác vân: dịch “vân các, vân đài, vân thự” chỉ nơi chứa sách có để cỏ vân, một loại cỏ thơm trừ được mọt hại sách. Cũng chỉ nơi làm việc văn thư.
4. Sách ngâm: đòi có thơ ngâm
5. Đối uống: dịch đối ẩm (uống cùng, uống với)
6. Văn đạt: có tiếng tăm vang dội. Do chữ trong bài “Xuất sư biểu” của Gia Cát Lượng “bất cầu văn đạt ư chư hầu” (không muốn có tiếng tăm vàng dội đến các nước chư hầu). Nghĩa cả câu thơ này: Chẳng cần có tiếng tăm vang dội, chỉ cần yên phận
7. Nam Dương: tên đất thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi Gia Cát Lương đời Tam Quốc ở ẩn trước khi ra giúp Lưu Bị.

158. Bảo kính cảnh giới 31

Chân mềm ngại bước dặm mây xanh 1
Quê cũ tìm về cảnh cũ thanh
Hương cách gác vân 2 thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh
Ân tư 3 là ấy âu dường chúa
Lỗi thác 4 vì nơi lụy bởi danh
Bui có 5 một niềm trung hiếu cũ
Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh.6

1. Dặm mây xanh: dịch chữ dặm thanh vân, chỉ con đường làm quan, con đường công danh
2. Gác vân: xem chú bài 157
3. Ân tư: túc “ân tứ” (ơn của vua ban cho)
4. Lỗi thác: lỗi lầm, sai lầm
5. Bui có: chỉ có, duy có
6. Nẻo ba canh: lúc canh ba ( nửa đêm)

159. Bảo kính cảnh giới 32

Mọi việc dừng hơn hết mọi âu 1
Điền viên lánh mặt ta dầu 2
Sách ngâm song có mai và điểm 3
Dời ngó 4 rèm lồng nguyệt một câu
Dưới công danh nhiều thác cả 5
Trong ẩn dật có cơ mầu
Đạo quân thân nhẫn dầu 6 ai lỗi
Hổ xanh xanh ở trốc đầu. 7

1. Câu 1: Không làm gì là hơn cả, sẽ hết mọi lo âu
2. Câu 2: lánh về với ruộng vườn để sống thảnh thơi theo ý mình (ta dầu)
3. Câu 3: Đòi có thơ ngâm bên ngoài cử sổ có vài bông hoa mai.
4. Dời ngó: đưa mắt nhìn. Cả câu: đưa mắt nhín ra ngoài rèm cửa thì thấy một vầng trăng khuyết như một lưỡi câu.
5. Tác cả: sai lầm lớn
6. Nhẫn dầu (hoặc dầu nhẫn): ví như
7. cả hai câu 7+8 nói: ví như ai có lỗi đạo quân thân thì hổ với trời xanh ở trên điỉnh đầu.

160. Bảo kính cảnh giới 33

Sóng khơi ngại vượt biển triều quan 1
Lui tới đòi thì 2 miễn phận an
Ghé cửa 3 đêm chờ hương quế lọt
Quét hiên ngày lệ 4 bóng hoa tan
Đời dùng người có tài Y, Phó 5
Nhà ngặt ta bền đạo Khổng, Nhan 6
Kham hạ 7 hiền xưa toan lẩn được
Ngâm câu “danh lợi bất như nhàn”.

1. Biển triều quan: do chữ “hoạn hải” (bể hoạn) coi con đường làm quan, con đường công danh nhiều bất trắc như sóng gios nơi biển cả.
2. Đòi thì: theo thời, do chữ tùy thời trong kinh dịch
3. Ghé cửa: đến gần cửa. Có bản phiên “hé cửa, cả cửa”
4. Lệ: nại, sợ
5. Y, Phó: Y Doãn và Phó Duyệt, hai công thần của nhà Thương.
6. Khổng, Nhan: Khổng Tử và Nhan Hồi (học trò giỏi của Khổng Tử). Đạo Khổng Nhan: đạo nho
7. Kham hạ: hèn gì, thảo nào

161. Bảo kính cảnh giới 34

Yêu nhục 1 nhiều phen vẫn đã từng
Lòng người sự thế thấy lâng lâng 2
Trọng thì nên ngõ 3 nhờn 4 thì dại
Mất chẳng hề âu được chẳng mừng
An lạc một lều dầu địch 5
Thái bình mười chước 6 ngại dâng
No nao 7 biết được lòng tri kỷ
Vịnh non tây nguyệt một vầng.

1.Yêu nhục: được yêu và bị nhục
2. Lâng lâng: nhẹ nhõm, thảnh thơi
3. Ngõ: khôn, giỏi
4. nhờn: chữ nôm viết là các ông TVG, PTĐ, ĐDA phiên là “nhàn” (giữ nguyên âm Hán Việt), Snhneider phiên là “hèn” , BVN phiên là “nhờn”. Tân biên phiên là “nhờn” và hiểu là “khinh nhờn, coi thường...”
5. Địch: Tân biên phiên là “địch” và hiểu là thuận theo.
6. Thái bình mười chước: do chữ “thái bình thập kế”, từ tích Đỗ Yêm đời Tùy gặp Văn Đế nhân dâng “12 sách lược thái bình”
7. No nao: chớ chi, chừng nào.

162. Bảo kính cảnh giới 35

Thế tình khéo uốn vẫn bằng câu 1
Đòi phận mà yên 2 há sở cầu
Diếp 3 còn theo yên gác phượng 4
Rầy đà kết bạn sa âu 5
Được thì 6 xem án công danh dễ
Đến lý 7 hay cơ tạo hóa mầu
Kham hạ 8 Trương Lương 9 chẳng khứng ở
Tìm tiên để nộp ấn phong hầu.

1. Câu một nói : khéo uốn mình theo thế tình thì cũng có thể cong được như lưỡi câu.
2. Đòi phận mà yên : dịch chữ « tùy phận nhi an »
3. Diếp : trước, ngày trước. Từ cổ ngày nay còn ít địa phương dùng.
4. Gác phượng : tức Phượng các, tên gọi khác của Trung Thư sảnh (dinh quan Thượng thư). Câu này nhắc tới thời kỳ còn làm quan Thượng thư ở triều đình.
5. Sa âu : chim âu ở bãi cát, thường ví với người đi ở ẩn
6. Được thì : gặp thời
7. Đến lý : suy cho hết lẽ ( suy cho cùng...)
8. Kham hạ : hèn gì, thảo nào
Trương Lương : công thần của Hán Cao Tổ (Lưu Bang), tự là Tử Phòng, sau khi giúp nhà Hán diệt được Tần, thắng được Sở, mượn cớ nhiều bệnh rồi trả lại ấn phong hầu, theo Xích Tùng tử đi tu tiên.

21/09/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...