Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Sự tích ba vị Thành hoàng thôn Nam Gián xã Cổ Thành

           

Tích xưa đã chép càn khôn định vị  ly khảm nhất phương Thánh tổ họ Hùng dựng xây cơ nghiệp đạo minh vương thánh đế trên giang sơn muôn dặm. Họ Hùng dựng nghiệp thống nhất 15 bộ thành bộ tộc lớn, xây cung điện trên đất Việt Trì , sông Bạch Hạc, trị vì đáats nước hơn hai ngàn năm, truyền 18 chi vua đều lấy hiệu là Hùng vương. Người sau có thơ rằng:
          Vua Hùng sáng nghiệp đất Nam phương
          Thống nhất sơn hà nghiệp đế vương
Ngũ Lĩnh Hùng Sơn còn di tích
Hồng Lạc truyền lưu mãi hùng cường.
          Sách chép rằng cơ đồ vua Hùng truyền ngôi 18 đời đều lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở thành Phong Châu, lấy quốc hiệu là Văn Lang. Đến đời vua thứ 18, vua sinh được  12 hoàng nam và 6 công chúa nhưng sau chỉ còn hai công chúa. Công chúa thứ nhất là Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử. Công chúa thứ hai là Mị Nương lấy Tản Viên sơn thánh. Ngôi vua không người thừa kế. Vua bèn nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương trị vì được 15 năm thì bị Triệu Đà  là người phương Bắc sang xâm chiếm. nhà Thục mất. Triệu Đà lên ngôi vua, cha truyền con nối làm vua được 5 đời.
          Từ đấy nước ta lại thuộc vào Hán, Ngô, Tấn, Tề Lương cai trị 349 năm. Lúc này trời cho nước Nam sinh hiền chủ là tiền Lý Nam Đế lấy lại nước làm vua được 11 năm nước ta lại bị Bắc thuộc cho đến thời Đinh khởi nghiệp kế đến Lý Trần Lê nước ta mới trở thành một quốc gia phong kiến bền vững.
Thời tiền Lý Nam Đế thiên hạ thanh bình, ở Nam Định trấn, Thái Bình phủ, Đông Lan huyện, Cự Đống trang có một gia đình ông Lưu Công Hùng vợ là Đào Thị Nhã, vốn là người Tây Hán (Trung Hoa) lánh nạn chạy sang đất Việt đã được 8 đời, nay đã trở thành người Việt. Vốn nhà hào phú siêng năng sửa sang đạo Phật, luôn luôn làm những việc từ thiện. Gia đình trở nên khánh kiệt ông phải dậy học và làm thuốc để sinh sống. Trong gia đình luôn giữ chữ nhân nghĩa, đức hạnh hiền hậu, xử thế khoan hòa, hay làm việc thiện. Đến thời ông 40 tuổi, bà đã ngoại 30, vào khoảng thượng tuần tháng 7, ông bà nghỉ trong phòng, vào lúc nửa đêm, bỗng nghe thấy tiếng thần nhân gọi và nói rằng: “Vợ chồng nhà ngươi luôn làm việc thiện, tâm thành đã cảm động đến Hoàng Thiên nay trời cho hai ngôi Bạch Ngọc xuống trần để đáp lại công đức cho họ Lưu có người kế nghiệp”. Ông tỉnh dậy khoác áo ra cửa tạ thần nhưng thần đã biến mất. Ông cười và nói rằng: “ Việc thần nói vậy thật là huyền ảo”. Ông  vào nhà hỏi vợ “nàng có hay biết gì không?” Bà vui cười nói: “ Có biết”. Ông lại hỏi: “Thần nói thế nào ?” Bà kể lại lời nói của thần nhân. Ông bà bàn bạc mãi về việc đó. Sáng hôm sau ông bà làm lễ tạ. Sau đó Đào Thị mang thai, qua 9 tháng 10 ngày , đúng 10 tháng 3 âm lịch bà sinh ra một bọc 2 chàng trai thiên tư dĩnh dị,mày xanh mặt đẹp, mặt vuông tai to, ngũ lộ đường đường, tam đình bình đẳng thật khác với người đương thế, hào quang sán lạn huy hoàng trước cửa, mùi thơm sực nức trong nhà, mưa gió ba ngày không ngớt. Ông bà vui mừng và hết lòng yêu dấu nuôi dưỡng nâng niu. Bà thường gọi là chàng cả chàng hai. Đến năm hai chàng được 3 tuổi  đã biết kính nhường, nói năng lễ nghĩa. Năm lên 7 tuổi ông bà làm lễ đặt tên  chàng cả là Dũng, chàng hai là Uy đón thày cho 2 ông học tập. Năm 16 tuổi thiên tư cao sáng, học lực tinh thông, hay đọc binh thư, thao luyện võ lược. Hai chàng trở thành người tài nghệ vô song, tiếng tăm lừng danh đương thế. Năm 2 chàng tròn 20 tuổi, thì cả hai ông bà đều từ trần. Hai chàng đã làm lễ an táng  cho cha mẹ và phụng thờ đủ 3 năm, trọn niềm hiếu thảo.
Lúc bấy giờ nước ta nội thuộc nhà Lương hà khắc, Tiêu tư, Chiêm Thành, Lâm Ấp quấy rối bờ cõi, can qua biên thùy, giặc giã như ong như kiến , khắp nơi đều vậy, nhân dân trăm bề khốn khổ lầm than.
Lý Nam Đế khởi binh đánh giặc, xuống chiếu cho các châu quận, chiêu dụ anh tài võ sĩ tự nguyện đầu quân đánh giặc giúp nước. Hai anh em ông Lưu Dũng và Lưu Uy tuyển mộ hương binh gia thần được hơn hai ngàn người lên đường xin vua cho đi đánh giặc. Nhà vua cho gặp mặt, thấy hai ông ứng đối thông suốt về kế sách, khi tỷ thí lại thấy hai ông võ nghệ tinh thông, trí dũng hơn người, có tài thao lược nên nhà vua đã phong cho  Lưu Công Dũng làm chánh nguyên soái, kiêm các đạo thủy bộ chư doanh đại tướng quân; Lưu Công Uy làm Phó Nguyên soái đại tướng quân  cùng tuần phòng khu Đông Bắc trấn giữ và đề phòng bất trắc. Hai ông bái tạ nhậm chức rồi đưa quân lên đường, tinh kỳ rợp đất, chiêng trống vang trời, vừa một ngày thì đến Hải Dương trấn (cổ hiệu là châu Trung Gian gọi là Dương Tuyền), phủ Nam Sách, huyện Chí Linh, Nam Giản trang. Hai ông hội đồng trú quân cho quân sĩ nghỉ ngơi ăn uống. Đêm ấy hai ông nằm nghỉ trong miếu dưới thềm nhang án, đang thiêm thiếp mơ màng thì thấy một nam nhân đầu đội mũ tía, mặc áo ngọc châu, thân hình kỳ quái từ phía núi rừng đi lại, tự xưng là  sơn thần, hiệu Cao Minh, tên húy là Liệt, phụng mệnh thiên đình làm thành hoàng bản xứ, cai quản muôn dân. Đất có vua tất có bề tôi, nay hai ngài đem quân đi dẹp giặc tôi xin tự nguyện đem âm binh đi phù giúp giết giặc lập công. Sau đó đi vào nơi hiển vị nói to lên một tiếng rồi biến mất. Hai ông tỉnh dậy, hôm đó là ngày 26 tháng 10 âm lịch.
Sáng hôm sau hai ông cho triệu tập các cụ lão của Nam Giản trang để hỏi cho tường tận. Các phụ lão thưa rằng: “ Nam Giản trang chúng tôi vẫn thờ một vị thượng đẳng thần, hiệu là Cao Minh, tên Liệt, tự Hùng Triều cực kỳ linh ứng”.Hai ông nghe xong nói rằng: “Thật hợp với ý trời, có thần linh phù giúp quân ta nhất định thắng lợi”. Bèn truyền làm lễ tạ. Rồi hai ông đi xem xét  một lượt thấy địa thế nơi này  long hổ trùng bào,suối nhỏ chảy quanh, núi cao đột khởi tranh đua với sông hồ, đất bằng tiếp cận với sông núi, phong cảnh thật đẹp. Hai ông bèn truyền cho sĩ tốt lập một đồn sở chống địch. Sau đó các vị phụ lão và nhân dân  đều làm lễ tiếp kiến sứ giả  rồi cử binh đánh giặc. Ngay hôm đó hai ông tuyển lựa được 18 đinh tráng bản trang làm gia thần thủ túc, quân tướng họp mặt rồi cùng Lý bí chia đường đánh giặc, Bắc trục Tiêu Tư, Nam bình Lâm Ấp, thiên hạ thanh bình, quốc gia an thái.
Lý Bí yên vị làm vua xưng vị hiệu là Lý Nam Đế, đóng đô ở thành Long Biên, đổi niên hiệu là Thiên Đức, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân, đại khai khánh hạ phong thưởng tướng sĩ . Chánh nguyên soái Dũng Công được phong làm Lễ bộ thượng thư, Phó Nguyên soái Uy Công được phong làm Hình bộ thượng thư, phong tứ mã loan xa, áo mũ triều phục. Hai ông nhân đó thưa rằng: “Hai anh em thần phá được Chiêm Thành Lâm Ấp là nhờ có lòng trời giúp đỡ linh thần phù trợ mới lập được công lao như thế”. Bèn xa giá lên đường về đồn sở ở trang Nam Giản làm lễ tạ ơn linh thần. Nhân dân gia thần đều cùng dự lễ và tâu rằng: “từ khi hai ông lập đoanh đồn  ở đây nhân dân được yên tĩnh, làm ăn giầu có, lễ nghĩa khang thịnh, được như vậy cũng là nhờ uy đức của hai ông. Nhân dân coi hai ông như bậc phụ mẫu, muôn đời không quên công đức của hai ông”. Hai ông nghe vậy rất lấy làm hân hạnh, bèn truyền mổ lợn giết trâu mở yến tiệc chiêu đãi nhân dân. Mọi người cả già lần trẻ đều tâu rằng: Nơi yến tiệc hôm nay sau này sẽ là nơi thờ tự hai ông”. Hai ông đáp rằng: “ Anh em ta phá được Lâm Ấp, phụng mệnh triều đình về triều nhậm chức, trên đường chinh phạt qua đây, thấy sơn thủy hữu tình, nhân dân thuần hậu, mới thiết lập đồn sở chống giặc. Nay anh em ta về đây để bái tạ linh thần đã phù giúp. Anh em ta có di mệnh  mãi mãi sau này bản trang phải phụng thờ vị thần ở đây”. Hai ông lại cho vàng để mua ruộng sung vào việc tế tự. Mọi người đang ăn uống vui vẻ thì bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, ngày tối như đêm, có một đám mây vàng từ trên trời sa xuống yến sở như xa giá nghiêng xuống. Lúc sau trời quang mây tạnh, thấy hai ông cưỡi ngựa bay lên mây theo đường núi biến mất. Hôm đó là ngày 20 tháng 12 âm lịch.
Nhân dân viết biểu sớ kể rõ ràng sự việc tâu lên nhà vua. Vua cảm động và nhớ công lao to lớn của hai ông, tận trung với nước, có nghĩa vua tôi, bèn phong sắc cho ba vị:
-Nhất phong  Cao Minh hiển ứng hiệp linh phù chính đại vương.
-Nhất phong Minh Đạo phả hóa hùng tuấn anh linh đại vương.
-Nhất phong Minh Đức quảng hộ đại vương.
Sắc chỉ cho Nam Giản trang lên kinh thành đón sắc phong về lập miếu thờ tại đồn sở nơi thiết yến trước đây để phụng thờ mãi mãi dài lâu cùng đất nước.
Từ đó về sau theo niệm trước linh ứng các đời vua đều có gia phong mĩ tự cho ba vị đại vương.
Thời Trần Nhân Tông, quân Nguyên sang xâm lược. Nhà vua cử ông Trần Quốc Tuấn về làm lễ kỳ đảo bách thần . Ông đã về làm lễ tại miếu Nam Giản trang cầu nguyện ba vị đại vương âm phù thảo tặc cũng có linh ứng, sớm ngày xuất trận đã thắng quân Nguyên. Vì thế vua Trần cũng gia phong mĩ tự cho ba vị đại vương:
-Nhất gia tặng Cao Minh hiển ứng hiệp linh phù chính dực vận tán trị hiển ứng anh triết chiêu văn phả hóa bác đạt phong công tổng kính chính trực thượng đẳng thần.
-Nhất gia phong Minh Đạo hiển ứng hộ quốc an dân cương chính bác đạt hồng ân hiển thánh hựu dực  vận tán trị phong công vĩ tích hùng lược trác úy thượng đẳng thần.
-Nhất gia phong tặng Minh Đức linh ứng hùng uy chí lược tế thế an dân hậu đức hoành hưu quảng hộ đôn nghị  trung đẳng thần.
Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn đánh giặc Minh là Mộc Thạnh và Liễu Thăng cũng đến làm lễ ở miếu Nam Giản trang có hiển ứng, mười năm đại định được thiên hạ. Thái Tổ biểu phong mĩ tự ba vị đại vương: thượng đẳng thần sắc chỉ ban cấp Nam Giản trang trùng tu miếu tự để phụng thờ, quy định kiêng tên húy của ba vị đại vương là Liệt, Dũng, Uy và thể lệ thờ tự:
-Ngày sinh thần là ngày 10 tháng 3 chính lệ mổ trâu giết lợn tế lễ 6 ngày, sướng ca tùy ý.
-Ngày hóa của thần là ngày 20 tháng 12 chính lệ tùy nghi, cấm sướng ca.
-Ngày thần hiện là ngày 26 tháng 10 tùy nghi ca hát.
-Ngày xuân kỳ khánh hạ mồng 7 tháng Giêng tùy nghi xướng ca.
Hồng Đức nguyên niên
Hàn lâm Lễ bộ đông các học sĩ
Nguyễn Văn Bính phụng chỉ. 
                             Chung tất


11/11/2014
Đỗ Đình Tuân 

1 nhận xét:

  1. Kinh nhỉ . Anh có mang theo cả sách lên đó sao hay sưu tầm ở mô rứa?

    Trả lờiXóa

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...