Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Thơ LỘC LƯ ?



(Trao đổi ngắn)
 




Hỏi: 

Có một vị trong CLB thơ ĐM, đột ngột hỏi tôi: xin cho biết trong cách làm thơ Đường kiểu Việt Nam theo thể thơ có tên gọi là thơ "LỘC LƯ" (thơ Đường VN phá cách) ? Tôi chưa từng nghe, nên không biết gì về loại thơ này .Thầy có hiểu biết gì về khái niệm thơ  này thì "bổ túc " cho tôi với ?

Đáp:
Cũng như bác, tôi chưa nghe thấy thể thơ đường Việt Nam nào gọi là thể LỘC LƯ . Chữ "Lộc Lư" này là "hươu la" hay là "sừng con la" ? Càng không thấy có thể thơ đường nào gọi là thể thơ "phá cách". Đã là thơ LUẬT thì phải theo luật. Thơ Đường Luật bát cú tuy rất chặt chẽ nhưng vẫn có chỗ "trói" và chỗ "cởi". Chỗ cởi là "Nhất tam ngũ bất luận" (các chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 trong một câu thơ 7 chữ không nhất thiết phải là bằng hay là trắc). Nhưng chỗ "trói" của nó là "nhị tứ lục phân minh" (các chữ thứ 2, thứ 4, thứ 6 thì nhất thiết phải là bằng hoặc trắc, tùy theo thể "khởi bằng" hay "khởi trắc" và tùy theo vị trí của từng câu trong một bài thơ cụ thể nào đó.
Cố nhiên Luật nào thường cũng có những "ngoại lệ". Những chỗ "ngoại lệ" ấy có th gọi là "phá cách" chăng? Có những "phá cách hợp lý" thì  thường được suy tôn và ca ngợi. Bởi vì những phá cách như thế thường làm cho thơ hay hơn. Chẳng hạn như câu: "Một đèo một đèo lại một đèo" (Hồ Xuân Hương) chữ "một" thứ ba (vị trí thứ 6 trong câu) là "thất niêm". Nhưng nếu câu nệ theo luật mà viết cho đúng niêm thì phải viết chẳng hạn là "Một đèo hai đèo lại ba đèo" thì tự nhiên câu thơ sẽ "xoàng xĩnh" hẳn đi. Còn viết như Hồ Xuân Hương thì do có sự điệp từ "một" mà nhịp điệu câu thơ mạnh, gấp làm cho hình ảnh những ngọn núi cao như khép khít vào nhau trùng điệp... Cái hiểm trở cheo leo của "Đèo Ba Dội" như hiện ra ngay trước mắt người đọc. Cách xử lý nghệ thuật ngôn ngữ như thế đã làm tăng giá trị tạo hình cho câu thơ. Vì thế mà sự "phá cách" (thất niêm) ở đây là hợp lý. Còn nếu cứ đúng luật, thì ở trong trường hợp cụ thể này viết kiểu gì cũng dở.
Ở trường hợp cụ Nguyễn Khuyến cũng có một bài có thể liệt vào diện "phá cách". Đó là bài Hỏi thăm quan tuần mất cướp:
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Xương già da cóc có đau không
Bây giờ trót đã sầy da trán
Ngày trước đi đâu mất mảy lông
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kéo mang tiếng dại với phương ngông.
Sự "phá cách" của bài thơ nằm ở 2 câu thực. Theo luật thì đó phải là một cặp bình đối rất chặt chẽ, nghĩa là chữ đối chữ, thanh đối thanh, ý đối ý chan chát. Nhưng ở đây tác giả chỉ đảm bảo được hai yêu cầu là đối thanh và đối ý, còn yêu cầu đối chữ lại rất linh hoạt, cũng có thể gọi được là "phá cách". Chính sự phá cách ở đây đã làm cho câu tự nhiên, và lời hỏi thăm thành ra đầy ẩn ý. Trong lời trách bọn cướp thật ra lại ngầm chứa sự khích lệ và tán đồng. Ngược lại trong lời chia sẻ cảm thông với quan tuần lại ngầm ý quở trách "cho đáng đời đáng kiếp" nhà mi. Tạo ra và truyền tới người đọc được những ý mỉa mai này mới là khó và cần. Có lẽ với một một bậc thầy về "đi nôm" mà để một câu thơ "lỏng đối" như vậy chắc chắn phải có dụng ý.
Còn những "phá cách vô lý" thì chỉ là do thiếu hiu biết  về niêm luật thơ Đường nên phạm luật mà thôi. Cho nên muốn "phá cách" thì phải hiểu luật để biết thế nào là đúng, thế nào là sai; phải hiểu thơ để biết thế nào là dở, thế nào là hay thì mới “phá cách” được. Cho nên đã nói đến "phá cách" tức là nói đến “luật” rồi. Vì thế chắc cũng không có thể thơ nào, dù là biệt dạng, gọi là "thể thơ phá cách".
Còn nếu ý bác muốn hỏi về các thể biệt dạng của thơ ĐƯỜNG VIỆT NAM thì có người đã thống được đến trên ba trăm thể, khó mà biết hết được. Nhưng phổ biến và được vận dụng nhiều hơn cả là các thể như:  khoán thủ thi, thủ vĩ điệp đảo, thủ vĩ ngâm, tập danh, vĩ tam thanh, thuận nghịch độc...cho nên cũng rất có thể có một biệt dạng mang tên gọi là THƠ LỘC LƯ ? Nhưng thực tình thì tôi chưa biết và cũng mới được nghe đây là lần đầu tiên.
                                                                                           

16/10/2012
Đỗ Đình Tuân






2 nhận xét:

  1. THƠ LỘC LƯ - PHƯỢNG ! (BÙI NGIỆP)

    Thơ LỘC LƯ - PHƯỢNG ! (Bùi Ngiệp) 

    THƠ LỘC LƯ:

     


    Theo tôi, Lộc Lư là phát âm trại của từ ngữ Lộc lô 轆轤 (nghĩa là: con lăn, cái ròng rọc, puly dùng để kéo các đồ nặng.)
    Thơ Lộc Lư là thể thơ Đường luật, gồm 5 bài thất ngôn bát cú, lấy nguyên câu 1 lần lượt làm câu 2, 4, 6, 8 cho các bài kế tiếp, mà phải giữ nguyên ý chủ đề toàn 5 bài.

     

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét của anh Trần Hiếu, đồng quan điểm với mình, vậy xét cho cùng XA LUÂN hay LỘC LƯ cũng là 1

    Trả lờiXóa

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...