Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Bàn thêm về bốn chữ “Bắc môn tỏa thược” (北門鎖鑰)






Ở cổng vào các  đền thờ thường có ghi những chữ Hán mà ta quen gọi là “đại tự”. Chẳng hạn như cổng lên đền Hùng là bốn chữ “Cao sơn cảnh hành” (高山景行- tạm dịch: đường lớn lên cao); cổng giữa đền Kiếp Bạc là “dữ thiên vô cực” (與天無極-tạm dịch: sánh cùng trời đất). Ngẫm nghĩ về những dòng chữ ấy ta sẽ thấy chúng chứa đựng những ý nghĩa rất sâu xa. “Cao sơn cảnh hành” có cái nghĩa thực là chỉ con đường to đi lên núi Nghĩa Cương mà hàng năm các vua Hùng vẫn lên đây làm lễ tế cáo trời đất để cầu cho quốc thái dân an; nhưng vẫn ngầm chứa một niềm tin sâu xa vào tương lai trường tồn và sáng tươi của dân tộc. Ở “dữ thiên vô cực”, nghĩa trực tiếp chỉ là lời đánh giá công lao cứu nước lớn lao của Trần Hưng Đạo, nhưng qua đây cũng thấy rõ tấm lòng của nhân dân đối những anh hùng cứu nước…
Ở cổng vào đền thờ vua Đinh tại cố đô Hoa Lư lại là bốn chữ “Bắc môn tỏa thược” (北門鎖鑰 – tạm dịch: khóa chặt cửa Bắc). Có lẽ đã là người Việt Nam thì ai cũng hiểu ý nghĩa sâu xa của những chữ này chính là một lời cảnh báo phải đặc biệt cảnh giác với giặc phương Bắc. Bởi đó là một kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta. Nhớ lại thời Âu Lạc, sau sự xụp đổ của An Dương Vương, đất nước rơi vào thời Bắc thuộc, nhân dân ta đã cay đắng rút ra bài học này trong truyền thuyết “Mỵ Châu Trọng Thủy”. Trải hơn nghìn năm nô lệ, sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, lịch sử còn phải mất thêm 30 năm nữa, mãi đến năm 968, sau khi dẹp xong loạn 12 xứ quân, Đinh Bộ Lĩnh mới là người đầu tiên xây dựng được một nhà nước độc lập. Có thể nói tư tưởng “khóa chặt cửa Bắc” đã có trong tâm thức của người Việt Nam từ lâu, nhưng hiện lên thành câu chữ và đặt nó ở cổng đền thờ vua Đinh cũng là một lựa chọn đắc địa.

9/10/2012
Đỗ Đình Tuân

1 nhận xét:

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...