Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Lượm lặt trong sổ ghi chép cũ 12


Côn Sơn

Côn Sơn thơm mùi hoa đại
Thơm từ thời Nguyễn Trãi đến thời ta
Giữa trưa nắng trắng ngời chân núi
Như oan khiên lọc rồi nay kết thành hoa.
                                     Chế Lan Viên

Một số ý kiến bàn về đọc văn, bình văn và dạy văn.

1. Một áng thơ hay là một con chim hót, bưỡm bay, cá lội. Việc phân tích không phải là để làm cho cá chết khô, bướm ép dẹp, chim nhồi rơm mà là để đưa vào  trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội.
                                                                              Xuân Diệu

2. Tôi thuộc người lớp trước, có những định kiến sai đúng thế nào không bàn, nhưng bám sâu như đỉa, sau phong trào đổi mới vẫn không sao dứt ra được. Một là, học văn tôi đặt nội dung trước hình thức. Nội dung là rượu, hình thức là bình. Người ta uống rượu, không ai uống bình. Tôi không muốn như người nước Tống trong chuyện ngụ ngôn, đi mua nhẫn mà lại đi tìm cái hộp đựng nhẫn đẹp mà mua ? Hai là, học văn học nước ngoài là để nghiên cứu văn học nước nhà. Ba là, dạy văn là truyền lại cho học sinh những gì học sinh có thể tiếp nhận được. Nghĩa là bồi bổ cho học sinh phần lý trí là những phần thày có thể truyền thụ được (Sư truyền). Còn phần “Tâm truyền”, cảm nhận bằng trực giác thì như tu đạo Phật, phải tọa thiền nhập định mà suy ngẫm, không truyền được. Tránh những cái bí hiểm, bí ẩn, tránh những cái làm cho người ta hiểu lầm, mặc đù có thể đó là những cái lung linh, huyền diệu.
                                                                          Trương Chính

3. Mỗi tác phẩm văn học đều ra đời của sự tận cùng im lặng, nơi tập trung tuyệt đối của tâm linh người viết. Vì vậy cần tạo ra được không khí tương tự khi tiếp thu nó. Rất cần rèn luyện sự im lặng, sự tập trung tuyệt đối trong tâm hồn học sinh. Điều này sẽ vô cùng hữu ích cho thế hệ trẻ khi họ bước vào đời. Phải biết im lặng, biết tập trung để lắng nghe những động cựa rất kẽ của các ngôn từ. Theo tôi nghĩ, thày giáo cần bỏ ra năm mười phút để tạo cho được cái không khí im lặng thiêng liêng đó. Cần đọc tác phẩm đó một cách nhỏ nhẹ và hấp dẫn. Khi còn học tối rất ghét những đại ý, dàn ý, ý chính, rối mù lên. Không còn nghe được tiếng nói tinh vi của nghệ thuật. Những thứ đó không có ích gì mà phải tập trung dậy cả tiếng đồng hồ ? Cứ đọc tác phẩm trong im lặng và theo dõi ánh mắt học trò thì biết nó có ngấm vào họ hay không. Nếu thấy không ổn thày mới đổi sang cách khác. Bằng những gợi ý tinh vi, những nhận xét thú vị, đắt giá, ít mà tinh. Tuổi học trò nhạy cảm lắm. Thấy gợi ý cho họ, phát hiện giúp họ, họ sẽ nhận biết những gì khuất lấp trong lời trong chữ, trong âm thanh, vần điệu, hình ảnh.
                                                                  Nguyễn Phong Nhã


4. Những câu hỏi đặt ra không chỉ đơn giản là những câu hỏi để có lời đáp tức thời làm náo động không khí trong lớp. Câu hỏi có khi chỉ tồn tại trong tâm trí học sinh như một nỗi dày vò trí tuệ, như một nỗi băn khoăn day dứt về tinh thần (…)Câu hỏi cần vừa sức nhưng đôi khi cũng cần đòi hỏi cao, “chọc tức” bản lĩnh cá nhân, đẩy học sinh vào bế tắc tạm thời để tạo ra những phản động lực và sức phản ứng tự nhiên, chân thực ở họ.
                                                                Nguyễn Thanh Hùng


15/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...