Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 10

                                       

                                        Phan Huy Chú
                                           (1782-1840)

            Phan Huy Chú, nguyên tên là Hạo, sau vì tránh tên húy ở triều Minh Mạng mới đổi tên là Chú, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, là con Phan Huy Ích- tiến sĩ triều Lê. Quê gốc của Phan Huy Chú ở huyện Can Lộc, trấn Nghệ An, nhưng đã dời ra lập quê ở làng Thầy(Sài Sơn),phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam(nay thuộc tỉnh Hà Tây).
            Phan Huy Chú  nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, nhưng đi thi chỉ đỗ hai lần Tú tài. Năm 1821(Minh Mệnh năm thứ 2), nhà vua biét tiếng ông, cho vời vào kinh, bổ chức Biên tu ở Viện hàn lâm. Cũng năm ấy ông dâng sách Lịch triều hiến chương loại chí mà ông đã dầy công biên soạn suốt 10 năm trước đó. Năm 1828 được cử giữ chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm sau(1829) thăng Hiệp Trấn Quảng Nam. Sau đó ông lại bị giáng chức gọi về Huế làm Thị độc ở Viện hàn lâm. Năm 1824 và năm 1832, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Năm 1833 lại được cử đi hiệu lực(phục dịch một đoàn công cán) sang Giang lưu ba(tức Jakarta Inđônếia sau này). Sau chuyến ấy về nước ông được phục chức Tư vụ bộ Công.Ít lâu sau, mượn cớ đau chân, ông xin từ quan về nhà dạy học. Năm 1840 ông mất tại quê nhà.
           Phan Huy Chú vừa là nhà thơ, nhà văn nhà viết sử...nhưng ông nổi tiếng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu biên khảo. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chính là bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Sách gồm 49 tập, chia làm 10 chí: Dư địa chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí.
            Dưới đây chúng tôi xin trích một số đoạn trong cuốn sách nói về địa chí và nhân vật lịch sử ở Chí Linh.

                                      DƯ  ĐỊA CHÍ

            *...Huyện Chí Linh phía bắc gần huyện Phượng Nhỡn, có núi cao chót vót, phía tây giáp huyện Thanh Lâm. Một dải sông lớn chảy đến Vạn Giang, rẽ sang phía đông, đến chỗ đối ngạn với huyện Giáp Sơn thì chia một chi chảy thẳng đến huyện Đông Triều, một chi sang phía nam thông với huyện Thanh Hà. Thuộc huyện có 4 tổng ở phía bắc sông lớn, ba tổng ở phía nam sông lớn nên có tên gọi là Hà Bắc, Hà Nam. Trong huyện này(Chí Linh) có nhiều núi đẹp, cảnh lạ như núi Côn, cảnh vật thanh vắng âm u, là nơi Băng Hồ, người đời Trần về hưu trí ở đấy, núi hang rất đẹp.
            Núi Côn ở xã Chi Ngại, trước thuộc về huyện Phượng Nhỡn, trấn Kinh Bắc, hình như con kỳ lân. Trên núi có động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc. Cây và đá xanh um, thật là một cảnh đẹp ở nhân gian. Về triều Trần, sư Pháp Loa làm nhà tu ở đấy, sư Huyền Quang cũng thường đến tu ở núi này. Đến cuối Trần Băng Hồ về hưu, khi uống rượu, khi ngâm thơ ung dung thích chí, cháu ngoại là Ức Trai có làm  bài thơ dể tả cảnh:
                   Côn Sơn hữu tuyền,
                   Kỳ thanh linh linh nhiên.
                   Ngô dĩ vi cầm huyền.
                   Côn Sơn hữu thạch,
                   Vũ tẩy đài phô bích.
                   Ngô dĩ vi đạm tịch.
                   Côn Sơn hữu tùng
                   Vạn cái thúy đồng đồng.
                   Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
                   Côn Sơn hữu trúc,
                   Thiên mẫu ấn hàn lục.
                   Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc...
            Nghĩa là: Côn Sơn có suối, tiếng suối chảy róc rách, ta lấy đó làm tiếng đàn. Côn Sơn có đá, mưa xuống rửa sạch rêu, phơi ra mầu đá xanh, ta lấy đó làm chiếu đệm. Côn Sơn có cây trúc, nghìn mẫu in mầu xanh ngắt, ta ngâm vịnh ở ngay bên cạnh.
            Núi Phượng Hoàng phong cảnh cũng âm u tịch mịch, có những nền cũ của cung điện nhà Trần. Văn Trinh Chu (An) ẩn ở đây di tích hãy còn.
            Núi Phượng Hoàng ở xã Kiệt Đặc, trước thuộc huyện Phượng Nhỡn, ngọn núi hơi ngả xuống, hai bên sườn núi mở rộng ra, hình như chim phượng múa. Thời nhà Trần có làm ra cung Tử Cực, diện Lưu Quang ở đấy, Băng Hồ có thơ:
                   Song phượng du du vọng diểu minh,
                   Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.
                   Lân phong tháp liệt như hồng ảnh,
                   Miết thủy tuyền minh tác vũ thanh.
                   Nguy đắng kinh niên thương tiển hợp,
                   Tân kiều đới lộ hắc chi sinh.
                   Tùng phong nhật noãn huyền không ưởng,
                   Tương tự lai nghi tấu cửu thành.
            Dịch:
               Hình núi xa tông giống như hai con phượng,
                        Muôn đời vẫn còn tên núi đẹp đẽ là núi Phượng Hoàng.
                        Tháp trên núi kỳ lân bày ra, bóng chiếu như hình cầu vồng,
                        Nước suối Miết Thủy chảy xuống, tiếng reo như trời đổ mưa.
                        Bậc đá cao đã lâu năm rêu xanh phủ kín,
                        Chỗ cầu mới đượm sương, cỏ chi mọc xanh rì.
                        Buổi nắng ấm gió thổi vào cây tùng tiếng reo vang trong bầu trời,
                        Hình như khi xưa ca song chín khúc nhạc(tiêu thiều), có chim
                                                                                    phượng hoàng đến chầu múa.
               Lại có bài thơ nữa:
                   Xuân nhật tảo di hoa ảnh động,
                   Thu phong vãn tống hạc thanh lai.
                   Lưu Quang điện hạ tùng thiên thụ,
                   Tận thị kình thiên nhất thủ tài.
            Dịch:
                   Bóng mặt trời mùa xuân buổi sớm chiếu lên, bóng hoa lay động,
                              Gió thu buổi chiều đưa tiếng hạc đến.
                              Dưới điện Lưu Quang có hangd ngàn cây tùng,
                              Đều là những cây cao ngất trời, do một tay trồng ra.
                              Hai bài trên đều là ngợi khen cảnh đẹp chỗ ấy
          Dưới núi thì đáy giếng có ngọc châu quý, mềm như bùn, phơi khô thì thành ngọc. Bên núi có cái ao gọi là Miết Trì, lưng núi có chùa Lệ Kỳ. Đầu đời Trần có đạo sĩ là Huyền Vân ẩn ở đấy, luyện thuốc tiên nên gọi là động Huyền Vân. Trong đời Trần, Văn Trinh Chu (An), bỏ quan về, thích phong cảnh huyện Chí Linh, đến ở đấy, có thơ rằng:
                   Vạn điệp thương sơn thốc họa bình,
                   Tà dương đảo quái bán khê minh.
                   Lục la kinh lý vô nhân đáo,
                   Sơn hạc đề yên chỉ nhất thanh.
          Dịch:
               Muôn trùng núi xanh tụ lại như bức tranh vẽ,
                        Ánh mặt trời buổi chiều chiếu xuống, làm cho một nửa khe nước sáng.
                        Lối đi trong đám dây leo xanh um, không người nào đến,
                        Khi có khói bay con hạc núi chỉ kêu lên một tiếng.
          Cuối đời Lê, hành Tham tụng Bùi (huy)Bích có lập bia Văn Trinh Công  ở bên cạnh núi ấy.
          Lại còn như núi Phao Sơn, núi Dược Sơn, núi Thanh Lương, sông Triền Dương, cũng có nhiều cảnh đẹp đáng thưởng lãm.
          Núi Phao Sơn có thành cổ, đời Vĩnh Lạc nhà Minh đắp ra. Nhà Mạc đắp thêm rộng, chân thành cũ vẫn còn. Cạnh núi có một ngôi chùa có tiếng. Đối ngạn bên kia sông là chùa Phả Lại, thuộc trấn Kinh Bắc, khi có tiếng chuông, tiếng trống đều cùng nghe thấy. Phía trước núi trông ra bãi Đại Than ở sông Lục Đầu, lửa của thuyền chài và ánh sáng mặt trăng cảnh rất đáng yêu. Về phía đông nam bên dưới núi, nổi lên một bãi cát trông như hình con nhạn, dài mười trượng, cao vài mươi thước, trông gần thì như bạc, trông xa thì như nước. Người Trung Quốc nói về chỗ đất này có câu: “Bạch Nhạn vô mao, sơn tận anh hào”, nghĩa là: “ bao giờ chim nhạn trắng không mọc lông thì không sinh ra người anh hào nữa”. Mộ tổ họ Nguyễn ở làng Kim Đôi, lấy bái cát ấy làm án, đời nọ đời kia nối nhau, phát đỗ tới 13 tiến sĩ. Nay những cỏ mọc ở bãi Nhạn Trắng đó, mười phần chỉ còn ba bốn phần. Bãi hình chim nhạn gần với chùa Sùng Nghiêm, thuộc xã Nam Giản. Trong sách nói về kiểu đất của người Trung Quốc, cho Cổ Bi làm chi giữa, Thăng Long làm chi tả, Nam giản làm chi hữu.
          Núi Dược Sơn giáp với làng Vạn Kiếp, thuộc huyện Phượng Nhỡn. Nổi lên hai ngọn núi gọi là núi Nam Tào, núi Bắc Đẩu, đứng đối nhau, đằng trước trông ra vụng sông Thiên Đức.
          Núi Thanh Lương , ở xã Mặc Động, giữa đồng bằng mọc lên một ngọn núi. Dưới núi có bến đò gọi là bến Vạn. Trên núi có chùa cổ. Lên núi mà trông thì núi sông  bảy huyện thuuộc phủ Kinh Môn đều thấy rõ cả. Văn Trinh có thơ rằng:
                   Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành,
                   Lưỡng lưỡng ngư chu ngạn bạn hành.
                   Độc lập Thanh Lương giang thượng vọng,
                   Hàn phong táp táp nộ triều sinh.
          Dịch:
               Bóng mặt trời buổi chiều in vach ngang vào lưng núi,
                        Thuyền đánh cá hai chiếc song song theo ven bờ sông mà đi.
                        Một mình đứng trên sông Thanh Lương mà trông,
                        Gió lạnh hây hẩy đưa đến thì  thủy triều dâng lên.
            Sông Triều Dương đời cổ gọi là vụng Lão Nhạn, sông rộng lớn, trên từ sông Lục Đầu, giáp địa giới các huyện Phượng Nhỡn, Quế Dương, Yên Dũng, Gia Định thuộc trấn Kinh Bắc. Giữa sông có một bãi cát, gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thủy cho là kiểu đất sáu con rồng tranh nhau ngọc châu.

8/10/2012
Đỗ Đình Tuân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...