Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 7



                                    Nguyễn Bỉnh Khiêm
                                           (1491-1585)

                                      Đền thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại quê nhà

Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 dưới triều Lê Thánh Tông (1491), tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Cha ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên nổi tiếng hay chữ nhưng không thành đạt trên đường khoa cử. Mẹ ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan (triều Lê Thánh Tông). Bà Nhữ Thị Thục là một người phụ nữ khác thường, học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số, nên muốn chọn một người chồng tài giỏi để sinh con có thể làm nên đế nghiệp. Mãi đến khi đã luống tuổi bà mới đành phải nghe lời cha lấy ông Định tuy không thành đạt nhưng có tướng sinh quý tử.
Quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm là làng An Tử Hạ, huyên Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, chỉ cách quê nội ông có con sông hàn (Tuyết Giang). Sau khi sinh được Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại tiên đoán nhà Lê sắp suy vong, nên bà Thục có ý định “rèn cặp” Nguyễn Bỉnh Khiêm để sau này làm vua. Ý định này cùa bà không được ông Định tán thành. Bà chê ông Định là người không biết dậy con. Vì thế bà đã bỏ chồng và đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở bên quê ngoại. Tại đây Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được ông ngoại và mẹ đẻ hết lòng dậy dỗ.
Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đến tuổi trưởng thành, nghe ở làng Lạch Triều (Hoặng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) có Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh trong giới sỹ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cất công vào tận đây để tầm sư học đạo. Lương Đắc Bằng cũng từng giữ chức Thương thư ở thời Lê sơ, nhưng sau khi đề xuất một số kế sách nhằm ổn định triều chính không được nhà vua thi hành, ông đã cáo quan về quê dậy học(1509). Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn sáng dạ lại chăm chỉ say mê học hành nên đã trở thành người học trò xuất săc và được thầy Lương Đắc Bằng tin tưởng và yêu mến. Trước lúc qua đời ông đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học đó là bộ Thái Ất thần kinh và ủy thác người con trai Lương Hữu Khánh cho Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ.
Sống trong thời đại loạn, không muốn đi lại vết xe cũ của người thày dậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất đắn đo tính toán trong việc đi thi. Vì thế mãi đến năm 1535 khi nhà Mạc đã vào thế ổn định, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra ừ
ứng thí. Kỳ thi ấy ông đỗ Trạng nguyên ở tuổi 45. Ngay sau khi đỗ đạt ông được giao chức Đông các hiệu thư, một chức quan chuyên soạn thảo và sửa chữa văn thư của triều đình. Sau đó ông còn được cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Nhưng đến năm Đại Chính thứ 11, Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), đột ngột qua đời, thì triều chính lại nhiễu nhương. Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) còn nhỏ, quan lại chia bè kết phái thi nhau lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin chém 18 lộng thần nhưng không được vua Mạc chấp thuận. Bởi vậy năm 1542 ông xin về quê trí sĩ sau 8 năm làm quan cho nhà Mạc.
Tuy về trí sĩ nhưng triều đình nhà Mạc vẫn hết sức tôn trọng ông. Năm 1544, vua Mạc cho người về phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông; sau lại thăng lên Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Do vậy mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Từ khi về hư đến mãi năm 73 tuổi, tuy không tại triều nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, vua Mạc vẫn kính ông như một vị quân sư. Mãi sau 73 tuổi ông mới thực sự treo ấn từ quan.
Trong những năm trí sĩ và những năm quy ẩn tại quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm có cho dựng am Bạch Vân, quán Trung Tân, cầu Nghinh Phong, cầu Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dậy học tại sông Tuyết. Vì thế mà sau này môn sinh mới suy tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Học trò của ông nhiều người hiển đạt như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính (con giai trưởng của ông)…
Ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu , niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1585), ông tạ thế tại quê nhà, hưởng thọ 95 tuổi. Vua Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Ưng vương Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về cử hành lễ tang, lại sai cấp một trăm mẫu tự điền và 3000 quan tiền để dựng đền thờ ông ngay tại quê nhà và đích thân vua viết chữ lên biển gắn tại đền thờ “ Mạc Triều Trạng nguyên Tể tướng từ”
Nguyễn Bỉnh Khiêm có cả thảy ba vợ và 12 người con trong đó có 7 người con trai. Nhưng sau khi nhà Mạc mất con cái ông phải thay tên đổi họ li tán thập phương. Con tai cả vè Trường Yên Ninh Bình, con trai út sang An Tử Hạ để trong coi mộ phần và thờ phụng ông ngoại Nhữ Văn Lan và thân mẫu Nhữ Thị Thục…
Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác rất nhiều thơ văn cả bằng chữ Hán và chữ Nôm và đặc biệt nhất có một loại thơ ca tiên đoán tình hình thời cuộc thường được gọi là Sấm Trạng Trình được lưu hành rộng rãi trong dân gian khá ly kỳ và bí ẩn thu hút rất nhiều sự chú ý của người đời. Nhưng chưa rõ là đây có thực sự là của ông viết ra hay không (?) Với Chí Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm có soạn bài Vạn Kiếp từ tế văn. Dưới đây là bản dịch của bài văn tế:

                         VĂN TẾ ĐỀN VẠN KIẾP

(Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu Bạch Vân, Trạng nguyên khoa Ất Mùi năm Đại Chính thứ 6 (1535) triều Mạc, tước Trình Quốc Công, soạn)

Kính cáo trước thần vị của Đại Nguyên soái, Khâm sai tiết chế binh mã các quân doanh trong thiên hạ, Thái sư, Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, đước các triều đại ban sắc phong là Chí trung Đại nghĩa Mậu đức Hồng huân Trác vĩ Thượng Thượng đẳng thần.
Kính nghĩ:
Dòng dõi họ Trần phái sinh thế hệ; non nước phương Nam hun đúc linh thiêng.
Mộng ứng người hiền, lẫy lừng trời đất thi thố tài năng; lưng đeo kiếm ấn, lồng lộng tâm can chứa ngàn tinh tú.
Dụng võ phô văn, đảm đương cột rường đất nước; tôi trung con hiếu, tạo nên sự nghiệp thánh hiền.
Vững vàng trong hiểm nạn, phò nước như Quách Phần Dương 1; lỗi lạc tỏ quang minh, tận tụy dường Hán thừa tướng 2.
 Rút giáo tỏ chí ba quân hiên ngang trượng nghĩa; xăm tay “Sát Thát” 3 hai chữ hăng hái diệt thù.
Uy lừng trăm, hùng dũng đoạt giáo bến đò; bày trận Lục Hoa 4, thần diệu cọc ngầm mặt nước.
Tiết vàng cờ đỏ, thần binh răm rắp tuân theo mưu thánh; áo ngắn đai dài, vũ khố đầy đủ tề chỉnh quân uy.
Ba lần đánh đuổi giặc Nguyên cứu vớt sinh linh thoát ách man di; một phen khôi phục nhà Trần vãn hồi nước Nam ngời ngời phong hóa.
Thân kiêm văn võ bốn triều, bia thần rạng ngời muôn thuở; thanh danh lẫy lừng hai nước, ngựa đá hùng dũng ngàn năm.
Vua sáng tôi hiền gặp gỡ, thiên cổ kỳ duyên; công đức để lại muôn người, tràn trề xuân sắc.
Phú quý về quê, chốn thảo dã vẫn dự bàn quốc sự; cung đình xa cách, xe rước sứ vẫn tìm đón gót tiên.
Thu sầu lặng ngắm mảnh vườn cũ, mấy nẻo nào cúc nào tùng; ý nhạc im nghe chốn thiên cung, năm canh tiếng tiêu tiếng trống.
Quả vậy, danh phúc kiêm toàn, cõi trời Nam nào ai dám sánh; xem thế trung thành một dạ, ngọn bút sử cũng khó chép biên.
Một nhà sinh tướng tài mưu lược, lẫy lừng áo mũ vẻ vang; lịch triều đều phù hộ chiến công, rực rỡ sắc phong ban tặng.
Sao trời cùng sông núi trường tồn, cột rường cho muôn thuở; sử sách với cỏ cây còn mãi, trời đất vẫn sắt son.
Sách bí truyền 5 kinh hồn bầy giặc dữ, ánh kiếm át cả sao ngưu; bài hịch văn 6 vỡ mật lũ gian hùng, nghĩa khí bao trùm vũ trụ
Giúp nước cứu dân, Bạch Đằng chở dồi dào phúc trạch; trừ gian dẹp giặc, Dược Sơn còn khắc đá ghi công.
Nghi ngút khói hương không đứt, đền thiêng Vạn Kiếp trang nghiêm; thiêng liêng thờ phụng tôn sùng, sánh với thập phương Bồ tát.
Cán cân họa phúc thăng bằng, gương trời soi nào đâu xa cách;tấm lòng chân thành tôn kính, ngỏ lời cầu ắt được cảm thông.
Chúng tôi:
Từ lâu cung kính phụng thờ; luôn được đội ơn trời bể
Theo quốc điển Xuân Thu cúng tế; noi người xưa sớm tối đèn hương.
Ngước nhìn mây giăng đầu Yên Phụ, gần gang tấc tưởng lăng miếu thuở xưa; vọng ngắm bóng tà chốn trúc cung, nghìn vạn dặm cỏ cây đượm sắc.
Nguyện tỏ bày nỗi niềm thành kính; xin soi xét cho cho tấm lòng son.
Ban cho dồi dào ngũ phúc, vinh hạnh tắm gội ân quang; diệt trừ mọi nối tai ương thảy đều hưởng nhuần huệ vũ.
Nghìn năm sau vẫn hiển hiện về, linh thiêng khôn kể xiết; bốn phương trời chúng dân sùng phụng, nhờ cậy đến vô cùng.
Tế văn vụng soạn, khó mong kể hết công đức cao dày; cầu đảo tán dương, nguyện xin bề trên đèn trời soi xét.
     (Theo bản dịch của Di sản Hán Nôm, Ban Quản lý Côn Sơn Kiếp Bạc
                  Nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành năm 2006)

Ghi chú
1.Quách Phần Dương: tức Quách Tử Nghi, một tướng của vua Đường Huyền Tông, có nhiều công lao đánh dẹp Thổ Phiên, được phong Phần Dương Quận vương nên có tên gọi thế.
2.Hán Thừa tướng: chỉ Gia Cát Lượng, thừa tường của Lưu Bị thời Tam quốc.
3.”Sát Thát”: Sát là giết chết. Thát là Thát Đát tức quân Mông Cổ.
4. Lục Hoa: tên một thế trận trong phép dùng binh của Lý Vệ Công đời Đường
5.Sách bí truyền: Chỉ sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư  và Binh thư yếu lược
6.Bài hịch văn: tức bài Hịch tướng sĩ văn nổi tiếng của Trần Hưng Đạo.

3/10/2012
(18/8 âm lịch)
Đỗ Đình Tuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...