Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 13



                                   Vũ Phạm Hàm
                                      (1864-1906)                     

            Vũ Phạm Hàm, tự Mộng Hải, hiệu Th­ư Trì, ngư­ời làng Đôn Th­ư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc tỉnh Hà Nội. Ông thuộc dòng dõi nhà nho thanh bạch. Năm 13 tuổi đã đi thi nh­ưng không đỗ. Sau đó ông đ­ược quan đốc học tên là Vũ Nhự chú ý  và nhận nuôi dạy. Năm năm sau, ông đư­ợc vào làm quan trong kinh đô Huế, theo học quan Nam Ng­ư Phạm Hy Lư­ợng. Đến năm Kiến Phúc, ông vào thi hư­ơng đỗ Giải nguyên khoa Giáp Thân(1884). Năm sau thi hội lại hỏng. Mãi đến năm Thành Thái thứ 4, khi đang làm Giáo thụ ở Kiến Thụy (Hải Phòng ngày nay), ông lại đi thi Hội, đậu Hội nguyên khoa Nhâm Thìn; Sau đó vào thi Đình, ông lại đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ tam danh, tức Tam nguyên thám hoa. Sau khi đỗ đại khoa, ông lần l­ượt đư­ợc giữ các chức quan: Đốc học Hư­ng Hóa, Đốc học Hà Nội, sung Đồng văn quán, làm Đốc biện Đại Nam đồng văn nhật báo. Sau thăng đến An sát H­ưng Hóa rồi An sát Hải D­ương.
            Tư­ơng truyền khi làm án sát Hải Dư­ơng, có tên công sứ Pháp thích chơi hoành phi câu đối, vốn biết ông là bậc danh nho mới xin một bức làm kỷ niệm. Ông đã cho hắn 4 chữ : “Ôn kỳ nh­ư ngọc”, lấy chữ trong Kinh thi, thiên Tần phong:
                   Ngôn niệm quân tử ôn kỳ nh­ư ngọc
               (Mến ng­ười quân tử ôn hòa nh­ư ngọc quý)
            Chủ tâm ông Thám muốn lấy điển Tần phong là thơ khen người rợ phư­ơng tây để tặng công sứ Pháp. Thâm ý của ông thật là sâu sắc và kín đáo: ám chỉ bọn Pháp chỉ là mọi rợ như­ Tây Nhung khi x­ưa ở bên Tầu.Viên công sứ Pháp tất nhiên là chẳng hiểu gì. Hắn trịnh trọng treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng gi­ữa nhà khách. Nh­ưng không may cho ông Thám, có một viên quan vốn bất bình với ông, nhân một dịp vào yết kiến quan công sứ, đứng ngắm nhìn bức hoành phi, khen kiểu chữ đẹp chữ tốt, rồi trầm ngâm gật đầu nói khẽ:
            -Bốn chữ này tuy là khen tặng nh­ưng có bao hàm ý giễu cợt quan lớn thì phải.
            Viên công sứ ngạc nhiên bảo cắt nghĩa,viên quan đó nói:
            -Ngọc đây nói bóng là ngọc hành, mà ngọc hành là “cái ấy” quan lớn hiểu chư­a, không tin quan lớn cứ hỏi mọi ng­ười thì rõ.
            Sau đó, viên công sứ gặp ai cũng chỉ vào đũng quần hỏi: cái này là cái gì? Nh­ưng không ai dám nói thật ra cả.Viên công sứ giận sôi lên sùng sục. Hắn bèn cho trẻ đôi bức hoành phi và tìm ông Thám để trách cứ.Từ đó ông bị nó làm khó dễ trong công vụ. Ông cáo quan về nghỉ .Về quê, ông mở trư­ờng dậy học. Học trò các nơi về học rất đông và nhiều ngư­ời thành đạt. Năm 1906 ông bị bệnh và mất tại quê nhà.
            Vũ Phạm Hàm có để lại các tập thơ, văn chữ Hán nh­ư: Kinh sử thi tập, Tập Đ­ường thuật hoài, Thám hoa văn tập...và một bài Hư­ơng Sơn phong cảnh bằng chữ Nôm.
            Với Chí Linh, ông để lại đôi câu đối hết sức nổi tiếng ở đền Kiếp Bạc:
            萬刧有山皆剑氣                                   
            六頭無水不秋聲
            Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
            Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
            (Tất cả những núi ở Vạn Kiếp đều mang hơi kiếm;
            Nước sông Lục Đầu chỗ nào cũng có tiếng thu)
            Một lời dịch thường gặp của câu đối này là:
            Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng;
            Lục Đầu sông dậy tiếng quân reo.
                                                          (Không rõ dịch giả)
           Nhưng lời dịch này thật ra chưa ổn. Ở vế trên “Kiếm khí” sao lại có thể dịch là “hình kiếm dựng” ? Bởi “khí” tức là hơi, một thứ năng lượng vô hình như sức mạnh tinh thần, như uy thế toát ra chứ sao lại “dựng hình lên” . Vả lại, núi Vạn Kiếp đều là những ngọn đồi thấp chứ đâu có nhọn hoắt trùng điệp gì để gợi ra hình ảnh của những mũi kiếm? Chẳng qua đây chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng. Còn ở vế dưới “thu thanh” (tiếng mùa thu) mà dịch thành “tiếng quân reo” thì hơi xa chữ gốc, và nhất là dịch thế chưa chắc đã đủ nghĩa do hai chữ "tiếng thu" gợi ra.
            Vậy thì “thu thanh” (tiếng thu) phải hiểu như thế nào cho ổn? Chính vì hai chữ “thu thanh” khó giải mã này mà nhiều thức giả đã phải tranh cãi với nhau kéo dài đến hàng nửa thế kỷ mà cơ hồ vẫn chưa có hồi kết. Đại để cũng chia ra làm hai phái chính. Phái phản bác thì cho “thu thanh” là sai, mà đúng ra thì phải là “thung thanh” hoặc “trang thanh” ( tiếng đóng cọc gỗ, tiếng khua gươm giáo…). Cực đoan có người còn đề nghị đục bỏ chữ “thu” để đắp chữ “thung” hoặc chữ “trang” vào. Phái bênh vực thì vẫn tôn trọng nguyên trạng là “thu thanh”, nhưng hiểu “thu thanh” là tiếng mùa thu theo tinh thần của bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu bên Trung Quốc:
            Âu Dương Tu  ban đêm đọc sách
             Nghe tiếng kêu từ vách Tây Nam
             Lạ thay : thoạt mới rì rầm,
             Vi vu rồi chợt sầm sầm vang xa
             Như sóng nước bao la kinh động
              Ðêm gió mưa thổi lộng ngàn cây
              Tiếng vàng, tiếng sắt đâu đây
              Ðoàn quân lớp lớp bao vây đổ về
              Chẳng ai thấy ai nghe hiệu lệnh
              Vó ngựa phi khấp khểnh đường trường...
                                           (Theo bản dịch của Hà Thương Nhân)
            Những người thợ cày làng tôi, lớp tuổi bố tôi ngày trước, đôi khi cũng mang ra đàm đạo về câu đối này. Những buổi đi đón trâu, nghe lỏm chuyện các cụ tôi thấy các cụ lại hiểu “thu thanh” là “tiếng mùa thu”, với ý nghĩa là mùa thu trẩy hội đền Bạc. Bởi ngày xưa, giao thông cách nhỡ, thường chỉ có dân quanh vùng là đi lễ đền Bạc bằng đường bộ. Còn dân thập phương chủ yếu đi bằng thuyền. Vì thế cứ vào dịp hội đền tháng tám là dòng sông Lục Đầu nô nức, náo nhiệt hẳn lên. Ban ngày thì trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, ban đêm thì đèn đuốc như sao sa, thật là ấn tượng. Hình ảnh con sông Lục Đầu những mùa trẩy hội (Tháng tám giỗ cha) ấy vừa là biểu hiện cụ thể của lòng tri ân, lòng yêu nước của nhân dân ta, mà cũng rất gợi cái không khí những cánh quân ngày trước, từ khắp các nơi trong nước đổ về đây để chờ lệnh đi đánh giặc. Cái “tiếng thu” các cụ hiểu lại là như vậy. Rất có thể đây mới là cái "tiếng thu" của Lục Đầu, Vạn Kiếp chăng? Thế nên, với cặp câu đối trên, nếu cần dịch thì chỉ nên dịch là:
                 Núi Vạn Kiếp đều mang uy kiếm
                 Sông Lục đầu đâu chẳng tiếng thu.

27/10/2012
Đỗ Đình Tuân


Phụ chép:

                          Một chữ, nửa thế kỷ tranh cãi



Trong tâm thức người Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành bậc hiển thánh, được lập đền thờ nhiều nơi. Sớm nhất phải kế đến đền Kiếp Bạc ở xã Vạn Kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy. Đền được xây dựng từ năm 1300, ngay sau khi Trần Hưng Đạo tạ thế. Đến những năm đầu thế kỷ XX, hai bên cổng đền có khắc thêm đôi câu đối:
Vạn Kiếp  hữu sơn giai kiếm khí, 
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Dịch nghĩa:
Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm
Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh
Đôi câu đối này cũng đồng thời được khắc trước đền thờ Trần Hưng Đạo tại số 36, đường Võ Thị Sáu, Q.I, TP Hồ Chí Minh. Tác giả của đôi câu đối là Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, đậu Thám Hoa nhưng thực chất là Thủ khoa (Đình Nguyên), giành học vị đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ khoa thi Đình đời vua Thành Thái năm thứ tư (năm 1892, khoa thi này không lấy Trạng Nguyên và Bảng Nhãn). Đỗ đồng khoa, xếp danh liền sau Vũ Phạm Hàm là Nguyễn Thượng Hiền, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Chu Mạnh Trinh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Từ khi ra đời đến nay, đôi câu đối của bậc đại khoa vẫn được đánh giá là "ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược, còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn".
Thế nhưng, trong hơn nửa thế kỷ, kéo dài cho đến tận hôm nay, chữ "thu thanh" trong vế đối thứ hai vẫn là nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã đề nghị đổi chữ "thu thanh" thành "trang thanh" (tiếng đóng cọc), nhằm đối "chỉnh hơn" với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm) của vế thứ nhất. Chữ "trang thanh", về mặt nghĩa còn dụng ý nhắc lại dư âm trận chiến đóng cọc gỗ tiêu diệt đạo đại thủy binh Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại Vương. Tiếp đó, trong bài viết đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1987, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân cũng dè dặt hoài nghi chữ "thu thanh" và đưa ra đề nghị "đính chính" bằng chữ "thung thanh", cũng có  nghĩa là "âm vang cây cọc".
Ông cho rằng đôi câu đối, khi được khắc lên cổng đền đã bị ghi nhầm chữ "thung" ra chữ "thu". Lập luận chính của Nguyễn Quảng Tuân là: "Chữ "kiếm" đối với chữ "thung" chỉnh hơn là với chữ "thu", vì "kiếm" và "thung" đều là vật "cụ thể", còn "thu" chỉ là "trừu tượng" mà thôi". Ngoài ra, về âm đọc, chữ này được đọc bằng hai âm, đọc "thung" thì có nghĩa là đánh đập, đọc là "chang" thì có có nghĩa là cái cọc. Do đó, trong bài viết, Nguyễn Quảng Tuân đề xuất chọn cách đọc thành "chang thanh", sửa đôi câu đối thành:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất chang thanh
Bức xúc và gay gắt hơn, giữa năm 1995, trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Xứng đã thẳng thắn đề nghị "đục bỏ đôi câu đối của Vũ Phạm Hàm trên cổng đền Kiếp Bạc, ngõ hầu tránh được một sai lầm đáng tiếc". Lập luận mà ông đưa ra là "đoán rằng Thám Hoa Vũ Phạm Hàm thì không sai, nhưng khi đọc cho thợ ngõa đắp chữ lên cổng đền, người thợ có thể đã nghe sai".
Chữ dùng đúng, theo ông chỉ là một trong hai, hoặc là "thung thanh", hoặc là "trang thanh", đều hàm nghĩa "âm vang cọc gỗ". Do gần giống về mặt âm, có thể người thợ đắp chữ đã nghe nhầm nên đắp chữ "trang", hoặc chữ "thung" thành chữ "thu", vừa không chỉnh đối, vừa rất… lạc nghĩa. Lập luận "nghe nhầm" này, trước đó đã được đưa ra bởi một bậc thức giả khác là Giản Chi.
Ông cho rằng: "Nếu là "thu thanh" thì sông nào chẳng có "tiếng thu" khi gặp gió lớn sóng to. Nếu là "thung thanh" thì chỉ có sông Bạch Đằng (Lục Đầu) mới có tiếng đóng cọc mà thôi" (chỉ  sự kiện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 939 và Trần Hưng Đạo đại phá Nguyên Mông năm 1288). Vả chăng, hai chữ  "thung thanh" cũng không hoàn toàn do những người có ý kiến bài xích chữ "thu thanh" sau này tự nghĩ ra. Nó đã đã được tìm thấy trong bài văn tế bằng chữ Hán vẫn thường đọc ở các đền thờ Trần Hưng Đạo vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hằng năm:
Sinh tiền bất hủ chi tâm, giang thung thu ngật,
Tủ Hậu lẫm như chi khí, hạp kiếm lôi minh.
Dịch nghĩa:
Khi còn sống, trái tim bất hủ, cọc giữa dòng sừng sững dưới trời thu.
Lúc đã mất rồi, lẫm liệt khí thiêng, kiếm trong tráp khua vang như sấm dậy.
Nhưng ý kiến chọn chữ "trang", chữ "thung" thay cho chữ "thu" lại được rất  nhiều người ủng hộ, trong đó có học giả An Chi với bài trả lời, giải thích cho độc giả in trên Tạp chí Kiến thức thức ngày nay vào cùng năm 1995, được in lại trong sách "Chuyện Đông chuyện Tây" tái bản nhiều lần.
Xem ra, phái ủng hộ "thung thanh" (hoặc "trang thanh") và "chê" chữ "thu thanh", hơn nửa thế kỷ qua quy tụ toàn những bậc thức giả tên tuổi lẫy lừng. Trong khi đó, phái cương quyết giữ lại chữ "thu thanh", tuy cũng quy tụ không ít tên tuổi, song tiếng nói bảo vệ và phản bác đều có vẻ yếu ớt, mơ hồ  và ít thuyết phục hơn. Những phát biểu này thường đơn lẻ và chỉ dừng lại ở mức "bàn", chưa thật sự đưa ra được nhiều lập luận thuyết phục một cách có hệ thống.
PGS - TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đánh giá rằng nếu dùng chữ "thung thanh" thay cho chữ "thu thanh" thì đó "không còn là chữ nghĩa của bậc đại khoa" như cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm nữa. Tác giả Nguyễn Khắc Bảo, trong Thông báo Hán Nôm năm 1998 cho rằng từ "thu thanh" trong câu đối thì "thu" là mùa thu, với nghĩa hàm súc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc. Hiểu theo nghĩa này, "thu thanh" có thể hiểu là "tiếng đau thương, tang tóc", hoặc "tiếng binh đao" đối với "hơi gươm kiếm" ở vế trên tỏ ra khá chuẩn cả về chữ lẫn nghĩa.
Thực tế, chữ "thu thanh" hiểu theo nghĩa này cũng đã từng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, khá hiếm hoi, dường như chúng tôi thấy chỉ có hai người, nhà Hán học Tảo Trang Vũ Tuân Sán trong bài "Lại bàn về "thu thanh" hay "trang thanh" (Tạp chí Hán Nôm số 2/13-1992) và PGS Sử học Tạ Ngọc trong bài "Kiếm khí - Thu thanh" trên Tuần báo Văn nghệ số 387 ra ngày 17-9-2000 là có đề cập thẳng vấn đề cốt lõi: "Tiếng thu là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng: "Thu thanh phú" (Phú tiếng thu) của Âu Dương Tu đời Tống".
Năm 1995, trong bài "Trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Hữu Xứng" đăng trên Báo Văn nghệ, chúng tôi cũng đã đề cập đến và giải thích khá kỹ lưỡng điển cố "thu thanh" rút từ "Thu thanh phú" của Âu Dương Tu (1007-1072).
Chúng tôi cho rằng, dù sắc bén đến mấy, tác giả Hoàng Hữu Xứng (người gay gắt và bức xúc hơn cả) vẫn chưa chính xác khi dùng chữ "đoán rằng" trong một lập luận nghiên cứu. Việc "nghe nhầm", hiểu sai ý Vũ Phạm Hàm của người thợ ngõa mà dẫn đến đắp sai đôi câu đối, theo chúng tôi hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, rất có thể, người thợ không nhất thiết phải biết chữ. Họ chỉ việc ngõa chữ theo văn bản đã được Vũ Phạm Hàm hay bậc túc nho văn hay chữ đẹp nào đó viết chữ sẵn, không cần biết mình đang khắc, ngõa chữ gì.
Mặt khác, nôm na thì công trình nào cũng phải có nghiệm thu. Nếu người thợ khắc, ngõa chữ có nghe nhầm chữ "thung" thành chữ "thu" thì hẳn sau đó, khi nghiệm thu, sai sót này đã được phát hiện và sửa chữa. Sai sót đó không có lý do để tồn tại thêm hơn 100 năm. Như vậy, nếu chữ "thu thanh" đã tồn tại trên đôi câu đối trước đền Kiếp Bạc, trước án thờ đền Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh, thì đích thực đó là chữ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm với đầy đủ sự chính xác của nó.
Trong phần đầu bài "Thu thanh phú", Âu Dương Tu mô tả: "Dị tai! Sơ tích lịch dĩ tiêu táp, hốt bôn đằng nhi phanh vi; như ba đào dạ kinh, phong vũ sậu chí; kỳ xúc ư vật dã, thung thung tranh tranh, kim thiết giai minh; hựu như phó địch chi binh, hàm mai tật tẩu, bất văn hiệu lệnh, đãn văn nhân mã chi hành thanh".
Trần Trọng San dịch: "Lạ thay! Lúc đầu rì rầm, vi vu, rồi chợt sầm sập, mạnh mẽ, như sóng nước kinh động ban đêm, gió mưa thổi đến thình lình, chạm vào vật leng keng, loảng xoảng, tiếng vàng, tiếng sắt kêu vang, lại như đoàn quân tiến đến hàng ngũ địch, ngậm tăm chạy mau, không nghe thấy hiệu lệnh, chỉ nghe thấy tiếng người, ngựa đi".
Nghe những âm thanh đó, Âu Dương Tu chợt hiểu ra: "Dư viết: "Y hy! Bi tai! Thử thu thanh dã, hồ vi hồ lai tai! Tôi (Âu Dương Tu) nói rằng: "Than ôi! Thương thay! Đó là tiếng thu, sao lại vọng đến đây". Ở đoạn giữa bài Phú, Âu Dương Tu giải thích: "Phù thu, hình quan dã, ư thì vi âm; hựu binh tượng dã, ư hành vi kim. Thị vị thiên địa chi nghĩa khí, thường dĩ túc sát nhi vi tâm". Trần Trọng San dịch: "Thu là hình quan, nói về bốn mùa là âm; lại là binh tượng, nói về năm hành là kim. Đó là cái nghĩa khí của trời đất, thường lấy sự giết hại làm lòng".
Chúng tôi nghĩ rằng, vậy là đã rõ, chữ "thu thanh" không chỉ hiểu đơn thuần là "tiếng mùa thu", nhẹ và lạc nghĩa rất xa so với "hơi gươm kiếm". Trong cách luận của Âu Dương Tu thì "thu binh thỉ dã" (mùa thu tức là mùa binh vậy), chữ "thu thanh" điển cố rút từ "Thu thanh phú" cần được hiểu là "tiếng đao binh", đối rất sát với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm). Với một bậc đại khoa như Vũ Phạm Hàm, việc sử dụng nhuần nhuyễn một điển cố như chữ "thu thanh", hẳn nhiên không phải là quá khó, cũng không hề là việc xa lạ.
"Hơi gươm kiếm" đối với "tiếng đao binh", chữ nghĩa quá tuyệt vời. Một đôi câu đối đã tồn tại hơn trăm năm, đã góp phần tạo thêm một nét cảm thức dân tộc, thiết nghĩ không nhất thiết phải tốn giấy mực tranh luận, lại càng không nên vì sự suy diễn, phỏng đoán mà thay đổi hay đục bỏ. Đó cũng là cách "ngõ hầu tránh một sai lầm đáng tiếc" cho hậu thế vậy!         
                                      (Theo  Công An Nhân Dân)
 

2 nhận xét:

  1. Tôi ghé thăm trang của ngài vì muốn thỉnh giáo ngài một chữ trong câu đối ngài dẫn đề của Vũ Phạm Hàm hiện viết tại cổng chính đền Kiếp bạc. Đó là chữ "thu thanh" trong vế thứ hai. Có người dich "...chỗ nào cũng có tiền thu"!
    Lại có vị dịch là "... tiếng quân reo". Vậy cái tiếng thu là tiếng gì? và căn cứ từ nào mà dịch là quân reo? May lần được cuốn sách chữ nho trước các cụ nhà tôi học thấy chép : "Vạn kiếp hữu sơn giai kiếm khí /Lục đầu vô thủy bất thung thanh". Như vậy sẽ được dịch nghĩa là : ở Vạn kiếp núi nào cũng toát lên khí kiếm dựng . ở Lục đầu không có đoạn nước nào không có tiếng đóng cọc. Vì chữ thung là cọc, thung thanh là tiếng đóng cọc. Rõ ràng Cụ Hàm đã mô tả một nơi mà hào khí ngút trời sẵn sàng giết giặc. Trên đất liền thì quân chật đất, gươm giáo tuốt trần dụng san sát, toát lên cái "khí kiếm" báo trước sự diệt vong của kẻ thù. Còn dưới nước, ớ lúc đầu mênh mông thế mà không có đoạn nào là không vang tiếng đóng cọc. Những cọc gỗ được đóng xuỗng sông tạo thành ngàn vạn tịnh binh ẩn sẵn sàng dìm chết kẻ thù. Chứ cái tiếng thu kia vốn chẳng rõ nghĩa thì làm sao trong luật đối đối được với kiếm khí, chưa nói đến nó khập khiễng không mô tả được cái đặc hữu của thế trận Vạn Kiếp-Lục đầu. Lại càng đặc biệt vì chỉ có ở Việt Nam mới có. Người uyên thâm Nho học, Am tường lịch sử chắc chắn không thể viết thu thanh. Theo tôi lỗi là do hai chữ này có nét tựa giống nhau (đối với người không biết chữ nho) cho nên trong quá trình trùng tu viết sai, Vì là chốn linh thiêng nên không ai dám sửa nữa, lâu lần thành quen. Vì vốn chữ nghĩa rất hạn hẹp nên xin thỉnh giáo ý kiến của ngài mong có gì sơ xuất thì bỏ quá cho

    Trả lờiXóa
  2. Về mặt tự dạng chữ 秋 (thu) và chữ 舂 (thung)khác nhau rất xa. Chữ 舂 (thung) chỉ gần giống tự dạng của chữ 春(xuân) thôi. Vì thế cái giả thiết cho rằng chữ 秋 là do chữ 舂 viết lộn thành là không có cơ sở. Ông Vũ Phạm Hàm làm câu đối này hồi đầu thé kỷ XX và từ đó đến nay chưa thấy có lần nào trùng tu tam quan đền kiếp bạc cả. Như vậy thì cũng không có cơ hội để viết lại câu đối ấy để mà nhầm lẫn.
    Về luật đối thì chữ kiếm khí (剑气) với thu thanh (秋声) là đối nhau rất chuẩn. Vấn đề là phải giải mã ý nghĩa của hai chữ “tiếng thu” sao cho hợp lý và có sức thuyết phục mà thôi.

    Trả lờiXóa

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...