Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Bàn qua về món “canh gà Thọ Xương”


          
Tôi chỉ theo dõi qua loa đại khái thôi vì còn mải theo dõi tình hình thời sự xã hội. Nhân bác gửi cho bài thơ chữ Hán có liên quan đến vụ “Canh gà Thọ Xương”, nên cũng tạm dịch chơi :
褭褭搖風竹
蒼蒼鎮武鍾
壽昌多故舊
同買燉鷄湯
烟梢西湖
杵驚安泰鄉
河城斯美景
最耐客思量
Phiên âm:
Niểu niểu dao phong trúc
Thương thương Trấn Vũ chung
Thọ Xương đa cố cựu
Đồng mãi đốn kê thang
Yên tiêu Tây Hồ Thủy
Xử kinh An Thái hương
Hà Thành tư mỹ cảnh
Tối nại khách tư lương.
Dịch thơ:
Cành trúc gió lung lay
Ngân nga chuông Trấn Vũ
Thọ Xương nhiều món cũ
Canh gà nhớ cùng mua
Khói phủ nước Tây Hồ
Chày rộn làng Yên Thái
Cảnh đẹp Hà Thành đây
Lòng khách còn nhớ mãi
          Đỗ Đình Tuân dịch
Ngày trước chúng ta đâu có biết đến bài thơ chữ Hán này. Chúng ta chỉ biết có bốn câu thơ lục bát tả cảnh đẹp Hồ Tây và tương truyền đó là thơ ca dân gian chứ cũng đâu có biết đó là thơ của cụ Dương Khuê. Bốn câu thơ mà chúng ta từng biết đó là:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khỏi tỏa cành sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Với bốn câu thơ cụ thể trên, thì cách hiểu truyền thống như chúng ta từng được học, và sau đó cũng từng giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò, theo tôi nghĩ là chuẩn xác. Thời chúng ta nếu ai hiểu đó là một “món canh gà hầm” thường được coi là một cách hiểu dung tục, nhắc đến chỉ để làm trò cười với nhau thôi. Bây giờ dù có phát hiện ra những câu thơ nói đây là “canh gà hầm” đi chăng nữa thì cũng chỉ ở văn cảnh cụ thể của các bài thơ ấy thôi, chứ thật khó chấp nhận để cho canh gà hầm vào bốn câu thơ trên được. Bởi vì, tuy rất có thể là dân gian đã dựa vào thơ của cụ Dương Khuê hay lấy tứ từ bài thơ chữ Hán nêu trên, nhưng khi đã  nhuận sắc và sáng tạo lại thành bốn câu thơ lục bát như đã dẫn thì hiển nhiên ý nghĩa của nó cũng đã đổi khác rồi. Tôi chấp nhận thực tế là trong văn chương luôn luôn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng trong những cách hiểu khác nhau ấy sẽ có cách hiểu đúng hơn, hay hơn, giầu sức thuyết phục hơn, và ngược lại… Nên ý kiến của tôi là nên bảo vệ cách hiểu truyền thống, nhưng có thể mở rộng và tham khảo thêm những cách hiểu khác. Cố nhiên là phải tham khảo đầy đủ cả những cơ sở của nó nữa.

20/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...