Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Vài nhận xét về một tập thơ Đường luật định xuất bản



    
          Lời bạch: Có một tác giả nọ, cũng vào hạng có tên tuổi của một CLB to muốn xuất bản một tập thơ Đường Luật. Họ nhờ tôi cho ý kiến. Quan hệ giữa tôi và tác giả cũng là chỗ quen biết gần gũi nên không thể từ chối. Mà muốn có ý kiến để “cho” được thì phải đọc cả, đọc kỹ, phải phân tích, mổ xẻ. Sau đây là những ý kiến thành thật của tôi về tập thơ này. Vì đã từ dăm sáu năm nay tôi không tham gia sinh hoạt CLB . Và cũng từ lâu không đọc thơ của tác giả này, nay đọc lại không thấy “lên tay” mà cứ tầm tầm như thơ CLB cả thôi. Vì thế,  tuy rất muốn khen nhưng cũng đành phải chê vậy.Ngoài mục đích để cho tác giả và những người như tác giả chưa hiểu rõ lắm về  hồn cốt và logic bên trong của những câu thơ Đường có thêm tài liệu tham khảo, tự rút kinh nghiệm mà viết chắc tay hơn khi làm thơ Đường Luật, tôi chả có mục đích nào khác. Nhưng làm thơ dở, thơ nhạt, thơ chưa hay hoặc chưa chắc tay…gì thì gì cũng chỉ là một non yếu thôi chứ không phải là tội lỗi. Tôi dấu tên tập thơ và tên tác giả lý do là như vậy.

Về ưu điểm tập thơ này không còn những vi phạm về niêm, về đối cũng ít thấy gò vần ép chữ. Nhìn chung là sạch nước cản. Nhược điểm lớn nhất của tập thơ là ít bám sát chủ đề, chưa nắm vững được chức năng của các câu thơ trong thơ  Đường luật, nên cấu trúc bài thơ thường lỏng lẻo, ý tứ bị tản loãng, chủ đề không rõ, nên không để lại được ấn tượng cho người đọc.
Chẳng hạn  ngay ở bài đầu tiên: Ơn Thầy:
Đường đời thật lắm nối chông gai
Bể khổ chúng sinh lặn ngụp hoài
Phước đủ có thầy tu đắc đạo
Duyên lành đọng lại phúc như lai
Trả vay nhân quả tùy nhiều ít
Ân oán nghiệp duyên có ngắn dài
Như lý con thường xuyên tác ý
Ngưỡng mong sáng sủa hướng tương lai.
Với một cái tựa đề là ƠN THÀY thì hướng khai thác tự nhiên phải nói đến công lao của một ông thày cụ thể nào đó trong một lĩnh vực cụ thế nào đó. Công lao ấy đã giúp cho đời, hoặc cho mình được điều gì mà mọi người hoặc bản thân mình còn mãi ghi ơn ?
Nhưng ở hai câu đề lại nêu ra vấn đề khác chứ không phải là “Ơn thày”. Đó là cuộc sống đau khổ trầm luân trong bể khổ của chúng sinh. Đến lượt hai câu thực đáng lẽ phải nói cụ thể cái “ơn của thày” là những gì, thì hai câu thơ ấy lại đi bình luận về sự may mắn, nhờ có “phước đủ” “duyên lành” mà tu hành đắc đạo, của một “thầy” rất chung chung chẳng biết rõ là ai  ? Đến hai câu luận cũng vậy, đáng lẽ phải bình luận đánh giá về cái “Ơn thày”. Thì câu thơ lại nêu ra một lý thuyết rất chung chung của nhà Phật Đó là thuyết nhân quả:
Trả vay nhân quả tùy nhiều ít
Ân oán nghiệp duyên có ngắn dài..
Đến hai câu kết thì tác giả cũng chạy làng luôn cả cái ơn thày. Tác giả sẽ theo những lý thuyết của nhà Phật để mong tìm một tương lai sáng sủa:
Như lý con thường xuyên tác ý
Ngưỡng mong sáng sủa hướng tương lai.
Nói tóm lại là giữa tựa đề với bài thơ, và giữa những câu thơ trong bài với nhau chẳng có gì là gắn bó tự nhiên cả. Đó là những câu thơ đứng cạnh nhau rất tùy tiện. Bài thơ thành đầu Ngô mình Sở chả nói lên được điều cần nói. Vì người viết chưa nói được điều mình muốn nói thì người đọc cũng đành phải “bó tay chấm com” vậy.
Trong thơ Đương Luật cũng còn một lốí kết cấu khá phổ biến nữa là “Tiền giải-hậu giải”. Trong lối kết cấu này bài thơ thường chia ra thành hai phần: 4 câu đầu gọi là phần “Tiền giải” thường là tả cảnh, 4 câu sau gọi là “Hậu giải” thường bộc lộ tâm trạng của nhà thơ. Chẳng hạn như như bài Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Ở bài này,trên đại thể ta có thể xem 4 câu đầu là cảnh Đèo Ngang, còn 4 câu sau là tâm trạng tác giả. Nhưng cấu trúc của bài thơ vẫn rất tự nhiên và chặt chẽ. Các câu thơ vẫn gắn bó với nhau để tạo ra một bức tranh tổng thể trong một khoảnh khắc nhất định, rất cụ thể của Đèo Ngang, trước con mắt của tác giả. Ở đây 4 chữ đầu câu 1 “Bước tới Đèo Ngang”có thể xem là thay cho những câu Đề. Từ 3 chữ cuối câu đầu đến hết câu 4 làm chức phận của hai câu thực. Hai câu 5 và 6  có thể xem là hai câu luận “ Phong cảnh đẹp vậy nhưng sao lại gợi thương gợi nhớ thế, ta không sao cầm lòng được”. Hai câu cuối vẫn làm nhiệm vụ gói bức tranh lại bằng một cái nhìn toàn cảnh khi bước tới đỉnh đèo “Dừng chân ngoảnh lại trời non nước” thật là bao la và bát ngát mông lung… Trước toàn cảnh bao la bát ngát ấy tác giả càng cảm thấy mình thêm cô đơn hiu quạnh. Câu cuối bài thơ cũng là câu thơ gói lại phần tâm trạng.
Khi làm thơ Đường luật ta có thể theo lối kết cấu “Đề - Thực - Luận - Kết”. Cũng có thể theo lối “Tiền giải – Hậu giải” hoặc sáng tạo ra một kiểu kết cấu nào khác hoàn toàn mới mẻ…Nhưng dù thế nào thì những câu thơ vẫn cứ phải gắn bó với nhau một cách tự nhiên. Và mỗi chữ, mỗi câu đều phải chung vai gánh vác một phần trách nhiệm trong việc chuyển tải một chủ đề nhất định, một thông điệp nhất định vào tâm trí người đọc.
Ngay cả ở những bài kha khá trong tập, thì cấu trúc vẫn cứ  lỏng lẻo, chưa thật là ăn khớp với nhau. Chẳng hạn như bài Mảnh đời cơ nhỡ:
Cháu bê chồng báo đẫm hơi sương
Dấn bước chân đo khắp phố phường
Mời chú xem đây tin thế giới
Mong cô đọc đó chuyện đời thường
Vai gầy phiêu bạt bao hè phố
Áo mỏng lang thang mấy đoạn đường.
Miêu tả như thế này thì làm sao rõ ra được cái sự “cơ nhỡ” của em bé ? Lẽ ra nó phải có hai câu đề làm nhiệm vụ giới thiệu hoàn cảnh của em bé, do bị bỏ rơi hay mồ côi cha mẹ mà phải tự kiếm sống bằng nghề bán báo này. Và đáng lẽ hai câu 5 và 6 phải để ở vị trí hai câu thực thì tình cảnh “cơ nhỡ” mới rõ ra được. Rất tiếc là ở hai câu thực trong bài này lại bị để ngồi nhầm chỗ. Còn vị trí của nó thì lại bị hai câu thơ chả có gì gọi là “cơ nhỡ”chen vào. Câu 3 và câu 4 của bài thơ này chỉ miêu tả một em bé bán báo rất bình thường, không có gì là “cơ nhõ” cả:
Mời chú xem đây tin thế giới
Mong cô đọc đó chuyện đời thường.
Mà hai câu thơ này thì chả có gì là hay ho. Nó chỉ làm được mỗi nhiệm vụ là tranh mất chỗ của hai câu thực đáng ra phải có “Vai gầy phiêu bạt bao hè phố; Áo mỏng lang thang mấy đoạn đường”
Đến hai câu kết:
Thăm thẳm biển khơi trong ánh mắt
Mong đời ban phát chút yêu thương
Thì em bé bán báo lại giống hệt như một em bé ăn xin rất tội nghiệp. Thực ra nếu biết cấu trúc bài thơ thì 4 câu thơ cuối bài này có thể trở thành những câu thơ rất hay. Nhưng vì đặt không đúng chỗ trong một cấu trúc lỏng lẻo nên hiệu quả của nó chẳng còn là mấy…
 Những bài có luận đề xã hội thì quá xu thời. Chẳng hạn như bài Di chúc Bác Hồ sau đây:
Di chúc thiêng liêng tỏa sáng ngời
Việt Nam đổi mới khắp nơi nơi
Chiến tranh tăm tối đâu còn nữa
Nghèo khó khổ đau đã hết rồi
Xã hội phồn vinh ươm lộc biếc
Gia đình hạnh phúc nẩy chồi tươi
Vinh quang có Đảng trao lời Bác
Nước mạnh dân giầu sống thành thơi.
Đúng là so với thời chiến tranh và thời bao cấp, thì đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện một bước đáng kể. Tuy nhiên sau 40 năm chiến tranh chấm dứt và 30 năm đổi mới, khoảng thời gian ấy cũng không còn là ít nữa. Với nhiều nước Châu Á khác thì đã đủ để họ “hóa rồng”. Nhưng ở Việt Nam ta tình hình ngược lại. So với nhiều nước lân bang kinh tế xã hội  nước ta ngày càng tụt hậu. Hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động và sức cạnh tranh…đều kém. Các nguy cơ và tệ nạn càng ngày càng lộ rõ: tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, tham nhũng hối lộ tràn lan, khoảng cách giầu nghèo nới rộng, bất công xã hội gia tăng…văn hóa giáo dục và đạo đức xã hội đều xuống cấp, rồi nguy cơ lệ thuộc nước ngoài, mất dần biển đảo.v…v…Vì thế mà lòng người cũng nhiều bất an, trăn trở…Hiện thực ấy với những chúng sinh đang phải “ngụp lặn hoài” làm sao mà chẳng biết. Ấy vậy nhưng khi làm thơ thì lại bỏ qua hết. Lại toàn dùng những từ ngữ tuyệt vời nhất để ngợi ca. Nào là “Xã hội phồn vinh”, “Gia đình hạnh phúc”, “nước mạnh dân giầu”, “sống thảnh thơi” …? Không có cách nào hiểu khác hơn đây chỉ là những câu thơ dối lòng, xu thời, nịnh đời, nịnh Đảng. Bằng chứng là, ở một nơi khác, cũng ngay trong tập thơ này, tác giả có một bài Cầu mưa. Nội dung đại khái của bài thơ ấy là cầu mong Thượng Đế hãy cho hạ giới một trận mưa có phép mầu để quét sạch bọn tham quan ở dưới này đi…?
Bên cạnh nhiều bài thơ còn bất cập như thế, tập thơ vẫn rải rác những câu thơ hay, thậm chỉ cả những bài thơ thật hay, thật đẹp đến không ngờ. Chẳng hạn như bài Gót độc hành dưới đây:
Thấp thoáng kìa ai gót độc hành
Bồng bềnh suối tóc thoảng hương chanh
Đào vừa e ấp thua làn thắm
Liễu đã thẹn thùng kém nét thanh
Đường rộng thênh thang làn gió mát
Trời quang bát ngát ánh trăng lành
Tứ thơ bắt gặp hồn nhiên quá
Thấp thoáng kìa ai gót độc hành.
Thực ra thì ở bài thơ này tác giả vẫn làm theo cái tạng của mình, không Đề - Thực – Luận – Kết gì hết. Nhưng bức tranh mà bài thơ vẽ ra lại rất tự nhiên, sinh động và đẹp đến mê hồn. Hình như đây là một cô gái đang đi bộ thể dục buổi sớm thì phải ? Nàng thoăn thoắt gót chân độc hành và buông một mái tóc thơm bay trước gió. Chỉ vài nét phác thảo vậy thôi mà “người đẹp” đã hiện ra làm ngơ ngác cả đường cây hoa cỏ, nhất là nó làm ngơ ngác những cặp mắt tình cờ chợt thấy:
Tứ thơ bắt gặp hồn nhiên quá
Thấp thoáng kìa ai gót độc hành.
Câu thơ đúng là một tiếng kêu sửng sốt, sửng sốt trước một vẻ đẹp không ngờ. Ở đây dường như tất cả các yếu tố ngôn ngữ, hình ảnh, vần điệu…đến cả cái thể thơ thủ vĩ ngâm đều đã kết hợp với nhau một cách  hài hòa để cùng tôn vinh “người đẹp”. Có lẽ cũng nhờ thế mà “người đẹp” đã gây cảm hứng và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc chăng ?
Đọc xong tập thơ này tự nhiên tôi nảy ra một câu tự hỏi mình: Tại sao lại có tình trạng có những người đã từng viết được những bài thơ rất hay như thế lại vẫn cứ viết rất nhiều những bài thơ quá bình thường và nhạt nhẽo ? Có  lẽ  là vì cái công việc làm thơ không thể “theo đàn” được. Lối chơi thơ xướng họa tràn lan, một người xướng , bốn năm chục người họa, rất dễ tạo ra kiểu “làm thơ theo đàn” này. Bởi vì tất cả đều nương theo cùng một vần, nói cùng về một đề tài,  làm theo cùng một thể loại…thì tất yêu dẫn đến tình trạng ra đời cùng một loại sản phẩm thơ trứng gà trứng vịt, anh em cùng nhà của một cặp vợ chồng nghèo túng nhưng mắn đẻ ?

                                                       20/12/2015
                                                     Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...