Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Dịch thơ cổ: Nguyễn Trãi 19


Bài 16
崑山歌
Côn Sơn ca
崑山有泉
Côn Sơn hữu tuyền,
其聲冷冷然,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
吾以為琴弦。
Ngô dĩ vi cầm huyền.
崑山有石,
Côn Sơn hữu thạch,
雨洗苔鋪碧,
Vũ tẩy đài phô bích,
吾以為簞席。
Ngô dĩ vi đạm tịch.
岩中有松,
Nham trung hữu tùng,
萬里翠童童,
Vạn lí thuý đồng đồng (2),
吾於是乎偃息其中。
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
林中有竹,
Lâm trung hữu trúc,
千畝印寒綠,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
吾於是乎吟嘯其側。
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc.
問君何不歸去來,
Vấn quân hà bất quy khứ lai (3),
半生塵土長膠梏。
Bán sinh trần thổ trường giao cốc (4) ?
萬鐘九鼎何必然,
Vạn chung cửu đỉnh (5) hà tất nhiên,
飲水飯蔬隨分足。
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
君不見:董卓黃金盈一塢,
Quân bất kiến: Đổng Trác (6) hoàng kim doanh nhất ổ,
元載胡椒八百斛。
Nguyên Tái (7) hồ tiêu bát bách hộc.
又不見:伯夷與叔齊,
Hựu bất kiến: Bá Di (8) dữ Thúc Tề (9),
首陽餓死不食粟?
Thú Dương ngạ tự bất thực túc ?
賢愚兩者不相侔,
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
亦各自求其所欲。
Diệc các tự cầu kì sở dục (10).
人生百歲內,
Nhân sinh bách tuế nội,
畢竟同草木。
Tất cánh đồng thảo mộc
歡悲憂樂迭往來,
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
一榮一謝還相續。
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
丘山華屋亦偶然,
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
死後誰榮更誰辱。
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
人間箬有巢由徒,
Nhân gian nhược hữu Sào Do (11) đồ,
勸渠聽我山中曲。
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
                               阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.
Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng hồ Ngọc hác tập của Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.
2. Có sách chép: Côn Sơn hữu tùng, vạn cái thuý trùng trùng.
3. Bỏ đi về. Lấy theo ý của bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm đời Tấn, Trung Quốc.
4. Chất keo và cái còng tay. Ý nói sự ràng buộc.
5. Chung, vạc (chung ở đây là hộc lớn (gồm 6 hộc nhỏ 44 đấu), và vạc để nấu ăn, chỉ nhà giàu sang).
6.Người cuối đời Đông Hán (Trung Quốc), một đại thần gian ác. Khi vua Hán Linh đế chết, Đổng Trác ở chức Tiền tướng quân phế vua thiếu đế và giết Hà Thái Hậu, tự phong chức Thừa tướng, chuyên quyền giàu sang rất mực. Nhưng cuối cùng bị Lữ Bố theo mưu Vương Doãn giết chết, gia sản bị tịch thu.
7. người đời Đường (Trung Quốc) thời vua Đại Tông giữ chức Trung thư thị lang, cũng rất giàu, chứa hồ tiêu để buôn, chuyên quyền, tham nhũng, vua khuyên nhiều lần không được, bắt phải tự vẫn.
8+9 Bá Di, Thúc Tề: tương truyền là hai anh em con vua nước Tô Trúc đời nhà Thương. Khi Võ Vương nhà Chu diệt nhà Thương, hai anh em đã từng đón đường vua Chu Vũ Vương để can ngăn không được (lấy lẽ tôi không đánh vua) nên không phục, quyết không ăn thóc nhà Chu, bỏ vào núi Thú Dương, chịu ăn rau mà chết đói.
10.Lòng tham muốn riêng mình
11. Sào Phủ và Hứa Do, hai cao sĩ đời thượng cổ Trung Quốc và đều không ưa danh lợi, lên núi ở ẩn. Tương truyền vua Nghiêu hai lần mời Hứa Do, định nhường ngôi trị vì thiên hạ nhưng Hứa Do đều từ khước, lại còn ra bờ sông rửa lỗ tai! Sào Phủ dắt trâu xuống định cho trâu uống nước, nhưng khi nghe Hứa Do nói vì sao rửa tai bèn kéo trâu lên, sợ nước ấy sẽ làm bẩn miệng trâu! Sau vua Nghiêu mới truyền ngôi cho Thuấn.
Dịch nghĩa
Bài ca Côn Sơn
Côn Sơn có suối      
Tiếng nước chảy róc rách,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá.
Mưa rửa rêu phô biếc,
Ta lấy làm đệm chiếu.
Trong nuí có thông, 
Muôn chiếc lọng biếc um tùm,
Ta nằm nghỉ ngơi ở trong đó.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in màu xanh mát lạnh,
Ta ngâm nga ở bên cạnh.
Hỏi người sao chẳng về đi,
Nửa đời người còn trói buộc mãi trong đám cát bụi làm gì?
Muôn chung chín đỉnh có cần chi,
Uống nước lã ăn cơm rau tùy phận mình cũng đủ.
Người chẳng thấy Đổng Trác vàng chất đầy một ụ,
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di cùng Thúc Tề,
Chết đói ở núi Thú Dương không chịu ăn thóc?
Hiền ngu hai đàng không sánh nhau,
Cũng đều tự tìm cái thích của mình.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc rồi cũng nát với cỏ cây.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn nối nhau.
Ở nơi núi gò hay ở nhà cửa đẹp đẽ cũng là ngẫu nhiên,
Chết rồi còn ai vinh ai nhục?
Trên đời nếu có hạng Sào Phủ, Hứa Do  ,
Xin khuyên các người hãy nghe ta hát khúc ca trong núi.
Dịch thơ
Côn Sơn có suối đánh đàn
Ta nghe thánh thót bên ngàn thảnh thơi
Côn sơn có đá mưa trôi
Rêu phô sắc biếc ta ngồi chiếu êm
Trùng trùng thông mọc như nêm
Dù xanh vạn cái ta bên dưới nằm
Trong rừng nghìn mẫu trúc râm
Tha hồ bên gốc ta ngâm tháng ngày
Hỏi người sao chẳng về ngay
Nửa đời bó buộc chân tay làm gì ?
Muôn chung cửu đỉnh mà chi
Cơm rau nước lã ta tùy phận ta
Kim ngân Đổng Trác đầy nhà
Hồ tiêu Nguyên Tải hộc đà tám trăm
Di-Tề nhịn đói quanh năm
Thú Dương thà chết không thèm thóc Chu
Xưa nay khó sánh hiền ngu
Chung quy đều muốn sống như ý mình
Đời người trong cuộc nhân sinh
Trăm năm rồi cũng nát thành cỏ cây
Bi hoan ưu lạc vần xoay
Một tươi một héo đổi thay tuần hoàn
Lầu hoa gò núi ngẫu nhiên
Chết rồi ai nhục ai vinh hỡi người ?
Sào-Do còn có trên đời
Hãy nghe trong núi một bài ta ca.
                    Đỗ Đình Tuân dịch

8/6/2012
Đỗ Đình Tuân







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...