Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Bài ca quê hương của một nông dân*

                           
                    Gửi nhân tình 2

Lại đây anh giải nhân tình,
Hải Dương là tỉnh, Chí Linh huyện nhà.
Kiệt Đặc là đất tổng ta,
Quê anh ở đó gọi là Cùa Sơn.3
Đầu làng có cây đa trơn,4
Có cái quán Bảng 5 nhơn nhơn bên đàng.
Có bà ngũ đại đồng đường,6
Sắc phong choi chói bảng vàng vua ban.
Có đèo tên gọi Hủng Than,7
Có cầu Mả Cối 8, Gia Quan 9, Gia Bàng. 10
Mả Sặt 11 có quán bán hàng,
Có ngôi chùa Sáo 12 bên đàng cái đi.
Vào chùa sư nữ sư ni,
Trông ra chùa Khám 13, chùa Bi 14 rõ ràng.
Làng anh có đất quan sang,
Giai nhân, tài tử ở làng chúng anh.
Núi cao cao tựa bức thành,
Ở giữa là núi xung quanh là đồng.
Muốn cho em vợ, anh chồng,
Làng anh có giếng mắt Rồng 15, ao Đa.16
Kết đường phong cảnh còn xa,
Ao Miễu, Đống Dứa gọi là gần sông.
Cửa đình có ba cây thông,
Bên ngoài nghè Vũ, bên trong là chùa.
Chợ Lạc 17 kẻ bán người mua,
Ở trên Tam Bảo thờ vua Đức Bà.
Đình cả 18 có ba cây đa,
Chùa Bi có miếu Phật Bà anh linh.
Lại đây anh giảng nhân tình,
Làng anh phân biệt ba đình bốn thôn.
Ở giữa có một cái đồn (?)
Có chùa Mặt Nạ 19 tế tôn hội cờ.
Vô tình nào có ai ngờ,
Đỉnh núi Náo 20, có bàn cờ của tiên.
Cô mình muốn kết nhân duyên,
Lại đây anh kể cho nên bạn bè.
Có nghe đứng lại mà nghe,
Đường cái Hủng Mạch 21 suối khe xuyên thành (?)
Nước thì nửa biếc nửa xanh,
Khách đi bộ hành cởi áo tắm chơi.
Vào hàng dầu nước nghỉ ngơi,
Rồi ra kể ngược người xuôi mặc người.
Làng anh anh đã kể rồi,
Làng em em họa một bài anh nghe!

Chú thích:
       *-Người nông dân đó tên là Vũ Văn Tục, người thôn Thanh Chung, trước đây thuộc xã Cùa Sơn (xã ngày trước chỉ tương đương với một làng), nay thuộc phướng Chí minh, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Không rõ cụ sinh và mất năm nào, chỉ biết sinh thời cụ hay làm thơ và đây là bài thơ duy nhất còn lại nhờ trí nhớ của một số cụ già trong xã.
        2-Gửi nhân tình: tên bài thơ do các cụ già lưu giữ bài thơ đặt, vì căn cứ vào thực tế cụ Tục làm bài thơ này gửi cho người bạn gái chắc là nhân tình của cụ. Người bạn gái này cũng có phúc đáp lại một bài họa (như câu cuối bài thơ của cụ yêu cầu), nhưng bài thơ ấy nay không còn.
        3-Cùa Sơn: tên một xã ngày xưa gồm có bốn thôn: Nhân Hậu, Văn Giai, Khang Thọ và Thanh Chung. Các thôn này nay đều thuộc xã Chí Minh, huyện Chí Linh (Nay là phường Chí Minh, thị xã Chí Linh. Các văn bản chữ Hán Ghi là Cù Sơn (vì chữ Hán không có âm cùa nên phải dùng âm cù là gần với cùa hơn cả).
        4-Đa trơn : một loại đa có lá nhẵn và xanh, phân biệt với loại đa lá màu nhạt hơn và mặt lá thường có lông tơ nên gọi là “đa lông”.
        5+6-Quán Bảng, miếu thờ bà “Ngũ đại đồng đường” đều ở đầu làng Thanh Chung xưa, gần vị trí với cây đa trơn.
        7-Hủng Than: con đèo nối hai thôn Khang Thọ với Thanh Chung.
       8-Mả Cối : tên một cây cầu cổ làm bằng đá ghép.
       9-Gia Quan: một bãi đất làm nơi tập kết các kiệu rước của các thôn.Từ đây các kiệu rước phải đi theo đúng thứ tự của mình để vào đình Cả.
      10-Gia Bàng: Ngã rẽ vào đình Cả.
      11-Mả Sặt: tên một khu đống thuộc làng Văn Giai.
      12-Chùa Sáo: chùa làng Văn Giai.
      13-Chùa Khám: Chùa của thôn Khang Thọ, chùa tọa lạc trên núi Hổ Tây. Chữ Hán ghi là Khâm Tự.
      14-Chùa Bi: Chùa chung của hai làng Nhân Hậu và thôn An Hưng, cũng là một thôn thuộc xã Chí Minh ngày nay (Nay thành các khu dân cư thuộc phường Chí minh, thị xã Chí Linh.
      15+16: Giếng Mắt Rồng, Ao Đa: đều thuộc thôn Thanh Chung, nay không còn.
      17-Chợ Lạc: chợ ở vị trí ngã rẽ đường 183 (nay đã nhập vào thánh đường 37 với đường Chùa Vần  đi Miễu Sơn. Có thể hiểu đây là chợ Ninh Chấp cũ.
      18-Đình cả: Các cụ giải thích đây là đình chung của cả bốn làng Cùa (Nhân Hậu, Văn Giai, Khang Thọ và Thanh Chung).
      19-Chùa Mặt Nạ: chùa ở chân núi Chỏng, thuộc địa phận thôn Văn Giai, chùa nay không còn, đất chùa đã thành đất thổ cư và bãi trồng sắn.
      20-Núi Náo: tên quả núi thuộc địa phận thôn Thanh Chung.
      21-Hủng Mạch: trước thuộc địa phận thôn Thanh Chung, nay thuộc địa phận thôn Chùa Vần, cũng là một thôn thuộc xã Chí Minh (nay đã thành các khu dân cư thuộc phường Chí Minh).
                

10/6/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...