Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Trích đọc và chợt nghĩ


1.“ Người viết cần có phong cách riêng, tính cách riêng nhưng theo tôi không được tách ra khỏi cuộc sống nhân dân” (Vũ Cao). Núi đôi là một minh chứng quá rõ ràng. Lần đầu đọc Núi đôi mình cứ nghĩ đó phải là câu chuyện tình của chính tác giả. Sau này mới biết ông chỉ nói hộ cho anh bộ đội Trịnh Khanh và cô du kích liệt sĩ Trần Thị Bắc. Nhưng phải gắn bó lắm, phải hóa thân và hòa nhập vào với nguyên mẫu thì mới viết xúc động được đến như vậy.
2. “Không phải lao vào cõi vô tận để tìm cái mới mà là vào cái hữu hạn để tìm cái trường tồn” ( Hoàng Minh Châu).Nhiều người đã nói cái ý này rồi. Hình như cụ Nguyễn Tuân cũng đã từng nói ? Nhưng Hoàng Minh Châu nói giản dị và dễ hiểu hơn. Hình như đây là một nguyên tắc của tư duy nghệ thuật nói chung và tư duy thơ nói riêng ? Cho nên ngay từ thời Nguyễn Trãi, người đầu tiên còn  để lại thơ quốc âm cũng đã làm rồi: “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” chẳng hạn.
3. “Cái hay nếu không đồng nghĩa với cái có ích thì ít nhất cũng gắn liền với cái có ích. Cái hay nhất thiết phải là cái có ích” (Lưu Trùng Dương). Dù cao siêu đến đâu thì rút lại nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng cũng chỉ là một món ăn tinh thần. Mà đã là món ăn thì vừa cần ngon vừa cần bổ. Chỉ bổ mà không ngon cũng khó xài. Chỉ ngon mà không bổ cũng không thể xơi mãi được. Phải vừa ngon vừa bổ thì mới tỳ tỳ xơi thôi. Nhưng đó thường lại là những bữa cơm thường chứ không cần phải là những bữa yến tiệc linh đình đâu. Hôm nay nhà mình chia nhau đi hai đám cưới. Mình cùng ăn với một chú ở trường cấp ba, chú ấy “khoe”: “Nhà em hôm nay 7 đám”. Còn một ông ở Chí Minh thì kêu: “Độ này tôi ốm vì cỗ”!!!???
4. “Dù không có tài sáng tạo nghệ thuật, dù văn chương chưa sắc bén…tôi vẫn viết theo khả năng của mình để truyền bá những gì mình “yêu, ghét”, những gì mình tâm đắc” (Bảo Định Giang) Mình tin Bảo Định Giang nói thật. Mình thấy ông ấy cũng mờ mờ không có gì nổi trội. Chỉ nhớ nhất có hai câu “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Mà ngay cả hai câu ấy hình như ông ấy cũng “xung công” vào kho tàng dân gian rồi. Tuy thế vẫn phải nhận rằng ông ấy là người có tâm. Mà theo Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
5. “Thơ trữ tình dù ngắn, cũng mang hơi thở, tia nắng và tiếng vọng của một nét chuyện đời, sự đời có thật” (Xuân Thiêm). Tia nắng của chuyện đời, sự đời có thật là cái gì vậy? Là bản thân sự lấp lánh của chuyện đời, sự đời có thật hay là thứ tia sáng phát ra từ sự va đập giữa tâm hồn người viết với hiện thực cuộc đời ? Có thể hiểu theo cả hai góc nhìn đều đúng được chăng ?
6. “Hãy ghi lại thật ngắn những việc đời, lẽ đời đã gây cho mình những xúc động để được hòa nhập và chia sẻ  với con người bằng một giọng điệu riêng mình” (Trần Ninh Hồ). Rõ nhất cho quan niệm này của Trần Ninh Hồ chính là bài Viếng chồng. Đó là một ghi chép ngắn gọn mà vô cùng xúc động mà mình đã từng phân tích. Nhưng đâu phải ai cũng ghi chép được như thế ? Muốn xúc động được trước cuộc đời thì phải có tâm. Muốn chuyển được cái xúc động từ trong lòng mình sang lòng bạn đọc thì phải có tài. Cho nên nghe thì dễ nhưng làm thì không dễ.
7. “Thơ tạo mùa xuân vĩnh hằng, trẻ hóa con tim, đổi mới tư tưởng, nghệ thuật chống lão hóa con người và tác phẩm” ( Đoàn Văn Cừ). Cụ viết văn có vẻ không rành. Nghe hơi đơn giản, ít độ sắc sảo. Nhưng đọc thơ cụ thì quả là ta sẽ gặp một mùa xuân vĩnh hằng. Câu thơ cụ hình như câu nào cũng tươi mới, sinh động và ngộ nghĩnh nữa. Nó làm ta vui và thích thú vô cùng.
8. “ Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang” (Chính Hữu). Chính Hữu không những thích thơ hàm súc, cô đọng mà còn làm được thơ hàm súc cô đọng. Ông ấy chính là người thợ đúc chuông đồng trong thơ đấy. Nhưng hàm súc cũng có lắm kiểu hàm súc. Kiểu hàm súc cổ xưa thường dựa vào lối dùng điển tích. Mỗi bài thơ lại phải có thêm những chú thích ở bên dưới thì đọc cũng mệt và dễ mất hứng. Lối hàm súc theo kiểu “phu chữ” thì cũng nặng nề gò gẫm lắm. Rất mất tự nhiên. Chỉ có lối hàm súc do sự khơi gợi của hình ảnh ngôn ngữ và tính đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật thì mới tạo ra được sự ngân vang… “Tiếc công rày xuống mai lên / Mòn đường đứt cỏ không nên tại trời” (Ca dao). Cái hình ảnh “mòn đường đứt cỏ” kể nhiều chuyện lắm. Câu chữ chỉ ngắn gọn có thế, nhưng đọc đến đây, trí tưởng tượng và kinh nghiệm sống của mỗi người sẽ nối dài câu thơ ra đến độ nào có thể. Nói “tưởng tượng lan xa”,  nói “dài ở sự ngân vang” là như thế chăng ?
9. “Viết ngắn những phải chuẩn bị dài, suy nghĩ lâu, tích lũy nhiều, hiểu biết rộng…biết nhiều để nói ít” (Thanh Tịnh). Trong thực tế tư tưởng chỉ nảy sinh, câu chữ chỉ xuất hiện và ngòi bút chỉ chuyển động trên trang giấy khi quá trình tích lũy và sự nung nấu nghĩ suy đã đủ độ chín. Nếu không thì hãy đọc lại, nghĩ lại cái đã rồi hãy viết.
10. “Lúc đầu tôi viết cái tôi thấy bằng mắt. Sau dần tôi viết cái tôi thấy bằng hồi ức và chiêm nghiệm. Cái không thấy bằng mắt càng ngày càng quan trọng hơn. Chân lý nghệ thuật xét cho cùng  là chân lý “không trực tiếp”. Ở mức độ thẩm mỹ cao” (Hoàng Yến). Từ hiện thực cuộc sống trực tiếp vào câu chữ ngay đó là những bài báo. Nó có thể rất hay, rất quý và có tác dụng to lớn trong đời sống xã hội nhưng nó chưa phải là tác phẩm  nghệ thuật.  Còn một áng văn chương với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật thì khác. Hiện thực cuộc sống đã được ngâm ủ kỹ càng trong tâm hồn người viết rồi. Khi nó đã lên men, thành vang, thành rượu, thành “hồi ức và chiêm nghiệm” thì người viết mới đem chưng cất, pha chế theo những cách thức và tiêu chuẩn riêng để làm ra tác phẩm. Nói “chân lý không trực tiếp” là nghĩa như vậy chăng? Đây quả là một chiêm nghiệm rất sâu sắc.

12/3/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...