Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Chông chênh nỗi thơ, nỗi đời…



                                   
Tạ Anh Ngôi đã cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ. Mấy năm trước là tập Bến chờ và gần đây là Cánh đồng vàng. Về tuổi đời thì Tạ Anh Ngôi cũng không thua kém chúng tôi là mấy. Vẫn thuộc cùng một trang lứa cả. Nhưng về thơ thì Tạ Anh Ngôi trẻ hơn nhiều. Thế hệ chúng tôi, nếu viết thì thường hay thiên về phía chân, mộc, mực thước chứ ít ngả sang bên “tài tử”. Ấy cũng là nói chung chứ cá biệt thì không kể. Thế hệ nào mà chẳng có đủ loại tính nết, đủ loại phong cách?
Cũng như chúng tôi, Tạ Anh Ngôi vẫn làm thơ truyền thống và sở trường nhất vẫn là  lục bát và bát cú Đường Luật. Nhưng không hiểu sao đọc thơ Tạ Anh Ngôi tôi cứ có cái cảm giác chông chênh khó nắm bắt. Chẳng những khó định hình mà cũng rất khó phân định nông sâu nặng nhẹ:
Một lần ta chợt gặp ta
Sẻ đôi giọt lệ gánh qua cõi người
Em ngồi như giọt nắng rơi
Hong con tim lạnh cuối trời hoàng hôn.
                                                (Một lần)
Những câu thơ không trực tiếp tác động vào con tim khối óc ta, khiến cho ta phải rung động hay vỡ nhẽ ra một điều gì đó, để có thể dễ dàng chia sẻ cùng tác giả hay chí ít cũng  rõ ràng ra một thái độ. Trái lại, bằng những tìm tòi gọt rũa khá công phu, lạ lẫm trong dùng chữ, trong phép so sánh, nó chỉ đánh vào đầu óc ta một dấu hỏi rõ to, dẫn suy nghĩ của ta đến một cõi mơ hồ, mông lung rất  chông chênh. Những câu thơ thuộc loại này có thể gọi là tài hoa hay sáo rỗng cũng đều được. Nó hay ho thật nhưng chỉ là cơn gió thoảng qua chẳng để lại gì.
Nhưng khi Tạ Anh Ngôi nói về cái chông chênh nỗi đời thì khác. Thơ bỗng có sức nặng hơn nhiều. Đó là khi Tạ Anh Ngôi viết về cái bấp bênh của thân phận người nông dân trong thời buổi đô thị hóa. Họ “yêu quý ruộng đồng”, họ chịu thương chịu khó, họ sinh hoạt kham khổ, họ “bản tính thật thà”…Họ hai sương một nắng làm ra những sản phẩm nuôi sống xã hội, nhưng thân phận họ thì lại rất chông chênh:
Ở ăn có nghĩa có nghì
Cứ vô tư sống cả khi dập vùi
Bây giờ phố tiến đồng lùi
Người quê chả biết là vui hay buồn ?
                                                (Người quê)
Có thể xem cái “chông chênh nỗi đời” này là một chia sẻ lớn của Tạ Anh Ngôi với người dân quê thời nay vậy. Nhưng nhiều hơn là những cái chông chênh của thân phận con người “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Văn chiêu hồn-Nguyễn Du):
Nửa dòng nước mắt cho anh
Nửa dòng sẻ lại để dành phần em
Em về đối mặt với đêm
Nửa đêm nhớp nhúa nửa đêm bàng hoàng
Nửa anh chắc chẳng lỡ làng
Nửa trăng nhạt thếch đổ vàng xuống sông…
                                                (Một nửa)
Ở những câu thơ loại này dường như cái “chông chênh nỗi thơ” đã làm cho cái “chông chênh nỗi đời” luyễnh loãng ra tan chảy mất. Nó giống như một liều thuốc giảm đau vậy ? Thực ra thì thơ Tạ Anh Ngôi cũng không ít những bức chân dung khá hiện thực:
Lúc cầy đồng cạn lúc đồng sâu
Cặm cụi quanh năm lúa lại mầu
Mãn kiếp làm công hai thửa ruộng
Trọn đời là chủ mỗi con trâu
Bảo khôn bảo dại đều ưng bụng
Rằng đúng rằng sai cũng gật đầu
Ăn ở xuềnh xoàng sao cũng được
Lại lo nhà đổ tận...Đông Âu !
                                                (Bác Hai)
Trũ tình :
Em đi về phía ấy
Bóng đổ nhòe hoàng  hôn
Con đường dài hun hút
Nép mình vào cô thôn

Em đi về phía ấy
Tự dưng man mác buồn
Mây lửng lơ trở lại
Vật vờ trong cô đơn
                        (Em đi về phía ấy)
Và khác lạ :
Mặt trời say rượu tựa cành cây
Nhìn thấy dòng sông bỗng ngất ngây
Cởi hết áo quần òa xuống tắm
Nước bừng bừng thẹn mặt hồng hây.
                        (Hoàng hôn trên sông)
Nhưng âm hưởng chung của thơ Tạ Anh Ngôi vẫn thiên về hướng mông lung, nhòe mờ, chông chênh một nỗi thơ, nỗi đời :
Cánh đồng vàng sương rơi rơi
Con thuyền trăng trôi chơi vơi
Lúa chín. Hương mùa thơm đầy cơi
Anh ngồi bên em nỗi niềm đơn côi...
                        (Cánh đồng vàng)
Với một tâm hồn nhạy cảm, một công phu tìm tòi và nhất là một niềm đam mê hăm hở,  tôi tin rằng Tạ Anh Ngôi sẽ sớm định dạng cho mình một giọng điệu riêng không pha tạp nữa. Đến lúc đó Tạ Anh Ngôi sẽ có một vị trí vững chãi trong lòng bạn đọc.
        
3/3/2012
Đỗ Đình Tuân









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...