Đọc “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, đoạn nói về những ngày cuối đời của vua Mạc Mậu Hợp có đoạn kể nhà vua bị quân của Trịnh Tùng bắt tại một ngôi chùa có tên là chùa Mô Khuê, trên đất huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Nguyên văn đoạn kể ấy Lê Quý Đôn viết như sau:
“Khi quan Tiết chế 1 từ sông Tranh về kinh thành, nghe có người báo: “Mậu Hợp ẩn ở chùa Mô Khuê 2 huyện Phượng Nhỡn”. Bèn sai Trà quận công Nguyễn Đình Luân và Liêm quận công Lưu Chản, dẫn quân đi bắt. Dân địa phương cho biết: “ Hôm nọ Mậu Hợp giả làm sư ông, đến ẩn ở đây, đến nay đã 11 ngày”.. Quân sĩ bèn đến chùa, thấy Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp bằng bằng, gạn hỏi, thì Mậu Hợp ấm ớ đáp rằng:
“Bần tăng tu hành từ thời còn trẻ tuổi ở am mây này, chén muối đĩa rau, hằng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ phật, công đức chuyên làm”.
Quân sĩ thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp bèn bắt giữ. Mậu Hợp tự liệu không thể thoát được bèn thú thực, và nói rằng:
“Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn nấp ở trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã”.
Quân sĩ bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng:
“Nghiệp chướng quá sâu ! Nay cần làm một người dân thường, cũng không được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn”.
Các tướng bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp và hai tên kỹ nữ giải về kinh sư.
Khi giải Mậu Hợp đến trước hành doanh, phủ tiết chế sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến. Mậu Hợp lễ dập đầu phủ phục ở ngoài sân, phủ tiết chế truyền hỏi đến ba lần, mà Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, phủ tiết chế bèn sai dẫn ra ngoài cửa quân, giam tù tại đây.
Tất cả các quan văn võ đều bàn:
“Chiếu điều luật, những kẻ phạm tội thoán thí(giết vua cướp ngôi), thì xử theo luật “lăng trì”(tùng xẻo), để làm gương cho mọi người, và đúng phép nước; lại đem thủ cấp tế cáo nhà tôn miếu, để rửa sự sỉ nhục của tiên vương, và bớt cơn giận của thần nhân”.
Quan tiết chế không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mậu Hợp ba ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp hiến hoàng đế ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hoa, đóng đinh vào hai con mắt, rồi bêu ra ngoài chợ.
Con trai Mậu Hợp là Toàn, tiếm hiệu xưng là Vũ An, nhưng nhân tâm không quy phụ, thế cô, ngầm trốn, cũng bị quan quân bắt được, đem chém đầu tại bến Thảo Tân.
Mậu Hợp tiếm ngôi vua cộng 29 năm”
(Theo Lê Quý Đôn toàn tập, tập III-NXB khoa học xã hôi, Hà Nội-1978, trang 359-360)
Chữ “quan Tiết chế” 1 ở đây chỉ Trịnh Tùng, tổng chỉ huy quân Lê- Trịnh. Còn “chùa Mô Khuê” 2 thuộc huyện Phượng Nhỡn trước đây, sau này giải thể, chia nhập vào hai huyện Chí Linh(Hải Dương) và Yên Dũng(Bắc Giang) nhưng chưa rõ địa chỉ cụ thể ngày nay là ở đâu? Có nhiều khả năng chùa ấy thuộc địa phận huyện Chí Linh ngày nay, vì thấy Mậu Hợp nói “Mấy ngày trước đây tôi chạy trốn ẩn nấp ở trong rừng rậm, đã quá đói khát…”.
Tôi nghi thế nhưng đâu giám khẳng định, chép lại đoạn văn này để các bạn trong xóm Tri Ân cùng đọc lại một trang sách cổ. Mặt khác cũng muốn nhờ các Bloge trong xóm như Nguyễn Văn Dịp, và nhất là Nguyễn Văn Đức, có điều kiện tha thẩn nhiều trên miền đất Phượng Nhỡn cổ lưu tâm tìm kiếm giúp. Xin trân trọng cám ơn.
9/3/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét