Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Lớp cũ

 

























Lớp cũ 

Bởi chưng có tuổi học trò
Ba năm chung một chuyến đò sang ngang
Mà nay bóng xế chiều tàn
Nhớ nhau ta lại tìm đàng gặp nhau
Bạn bè chia sẻ đôi câu
Thỏa lòng mong mỏi bấy lâu là mừng
Ước gì có phép thần thông
Kiếp sau mình lại đi chung một đò
Lại về lớp cũ trường xưa
Lại thanh xuân tuổi mộng mơ năm nào.
                               18/10/2009






















Ngẫu hứng 16/10

Tiết trời thu mát mẻ 
Bạn bè về đông vui 
Tâm hồn đang quạnh quẽ 
Bỗng nở đầy hoa tươi 
                                16/10/2010


Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Hai kiểu dịch thơ

王維

江上逢友人

故國歸人酒一杯,
暫停欄棹共裴回.
村連參峽暮雲起,
朝送玖江寒雨來.
以作相如投賦計,
還馮殷浩寄書回.
到時若見東籬菊,
為問經霜幾度開?

Phiên âm:

Vương Duy

Giang thượng phùng hữu nhân


Cố quốc quy nhân tửu nhất bôi
Tạm đình lan trạo cộng bồi hồi
Thôn liên Tam Hiệp mộ vân khởi
Triêu tống Cửu Giang hàn vũ lai
Dĩ tác Tương Như đầu phú kế
Hoàn bằng Ân Hạo ký thư hồi
Đáo thời nhược kiến đông ly cúc
Vị vấn kinh sương kỷ độ khai.


Dịch Nghĩa:

Đi thuyền trên sông gặp bạn

Đã là cùng quê, người lại trên đường về quê hãy cùng nhau uống một chén rượu
Tạm thời hãy dừng mái chèo gỗ lan cùng nhau khề khà hàn huyên đã
Những thôn làng liên tiếp ven hai bờ vùng Tam Hiệp về chiều mây nổi thật hoàng tráng
Những đợt sóng mạnh mẽ đưa mưa lạnh đến vùng Cửu Giang này
Ta cũng đã từng học Tương Như dâng phú để tính toán kiếm một chức quan
Những vần nhờ Ân Hạo nhắn lời về quê nhà thay cho một lá thư
Khi về đến quê hương rồi, nếu như trông thấy những hàng cúc bên dậu phía đông
Hãy thya ta hỏi một lời rắng đã trải bao nhiêu sương tuyết mới nở hoa được đây?

Dịch thơ:

*Kiểu thư nhất: Vừa chuyển ngữ vừa chuyển thể thơ (chẳng hạn: một câu thất ngôn = một cặp lục bát):

Đi thuyền trên sông gặp bạn

Đồng hương lại gặp đồng hương,
Cùng thuyền, xuôi mái trên đường về quê.
Dừng chèo nâng chén cạn li,
Khề khà ta hãy vân vi đôi lời.
Bên sông chiều xuống bồi hồi,
Mênh mang nước chẩy mây trôi mịt mờ.
Cửu Giang mưa lạnh sóng xô,
Ta từng học Mã Tương Như một thời.
Từng dâng phú tấu để rồi,
Kiếm chức quan nhỏ lấy nơi nương chờ.
Vẫn nhờ Ân Hạo thay thư,
Gửi về quê cũ coi như gửi lời.
Đã về tới cố hương rồi,
Thấy hàng dậu cúc bên trời phía đông.
Thay ta bày tỏ nỗi lòng,
Hỏi giùm hoa trải mấy đông nở đầy ?
NNS dịch

* Kiểu thứ hai: Chỉ chuyển ngữ không chuyển thể (chẳng hạn: 1 câu thất ngôn chữ Hán = một câu thất ngôn chữ Việt)

Trên sông gặp bạn

Cố quốc cùng về gặp bạn đây
Chèo lan tạm gác hãy vui say
Nối làng Tam Hiệp chiều mây nổi
Đón gió Cửu Giang sớm tuyết dầy
Đã học Tương như dâng kế sách
Lại như Ân Hạo gửi thư tay
Khi về nếu gặp đông li cúc
Hỏi giúp bao sương mới nở đây?
ĐĐT dịch

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Thơ nằm trong cõi ấy...

Cái tên Dương Thị Tình, nếu nghe bằng tai thôi, chỉ là một cái tên rất bình thường. Ngày xưa, thời còn công tác, tôi đã có lần tiếp nhận một cô giáo  mới, có cái tên nghe cực hay: Dương Tú Thanh. Không hiểu bố mẹ cô ấy có phải là nhạc sĩ hay không mà đặt tên con lại có cái nhạc điệu “vút bay” đến thế. Thú thật là chỉ mới nghe cái tên cô ấy thôi mà tôi đã mê mẩn cả người và cứ đinh ninh rằng nhất định cô ấy phải đẹp, nhất định cô ấy phải có cái giọng nói nghe rất véo von…Bởi cái tên Dương Tú Thanh là sự kết hợp rất cân đối hài hòa của ba âm tiết đều mang thanh nổi cả. Cho nên chúng cứ nương tựa vào nhau mà nâng nhau lên tạo cho ta cái cảm giác “vút bay”. Lúc ấy tôi lại đang làm một bài thơ có tựa đề là “Tiếng ai”. Mỗi thày, mỗi cô trong tổ văn của trường cấp 3 Chí Linh, tôi đều dùng một cặp lục bát để miêu tả. Chẳng hạn như giọng thày Bính, tổ trưởng công đoàn, thường nói vừa to lại vừa đanh, nghe hơi chói, thì tôi viết: “Tiếng ai nói cứ choang choang, nghe như sắp sửa có hàng bốc thăm”. Còn giọng của thày Tuân đã trầm đục lại pha chút dè dè nghe cứ thấy hôi hôi, khê khê, thì tôi viết: “ Tiếng ai nghe giọng đục trầm, như tiếng điếu bát nửa năm không dùng”…Mỗi người một giọng, đa dạng thì có đa dạng thật, nhưng theo tôi nghĩ lúc bấy giờ thì chưa ai có được một cái giọng xứng đáng với nghề dạy văn cả:
Mỗi người một giọng tôi nghe
Phần “tỉnh” đã cạn phần “ mê” càng gầy
Hỏi bao tâm sự vơi đầy
Hỏi bao kỷ niệm tháng ngày để đâu
Kiếp người bãi bể nương dâu
Không buồn thế sự, chẳng đau nhân tình
Tội cho cái giọng chúng mình
Dở thương, dở nhớ, dở tình… chơi vơi
Giữa lúc bài thơ đang nhăn nhó thế thì nghe có tổ viên mới Dương Tú Thanh về. Lòng tôi bỗng háo hức lên ngay và bài thơ của tôi cũng nhờ thế mà tươi tỉnh lại:
Lòng đang “đa sự” bời bời
Tú Thanh nghe một tên người rất trong.
Còn tên Dương Thị Tình thì không thế. Trong ba âm tiết đã có đến hai âm tiết mang thanh chìm. Cho nên cái tên Dương Thị Tình lại gợi ra trong trí tưởng tượng bệnh hoạn của tôi hình ảnh một người đàn bà sắp chìm nghỉm, chỉ còn thấy có cái đầu rũ rượi tóc và một cánh tay chới với đang vẫy vẫy xin cầu cứu … Nhưng nếu “bẻ chữ” ra thì đó lại là một cái tên hay, rất hay. Hay vì có thể suy diễn ra được rất nhiều nghĩa.“Dương” có thể hiểu là “cõi dương gian”, tức là cõi đời chúng ta đang sống. Cũng có thể hiểu là “biển cả rộng lớn”. “Thị” ngòai nghĩa chỉ “đàn bà con gái”, còn có thể hiểu đến nghĩa “một cái chợ ồn ào”, hay một sự khẳng định dứt khoát “đúng là, chính là”. Còn chữ “TÌNH” thì nghĩa nó rộng lắm. Người xưa khái quát thành “thất tình”, tức là bảy thứ tình cảm của con người gồm: vui, buồn, yêu, ghét, mừng, giận, mong muốn. Nhưng cái nghĩa phổ biến được dùng trong đời thường lại là cái nghĩa “sự ăn ở đầy đặn, thủy chung”. Như vậy sống “có tình” với nhau chính là một lối sống đẹp, giầu chất nhân văn và rất có văn hóa. Những người biết sống như vậy thường được người đời khen là “chí tình, chí nghĩa” đấy.
Tên đã hay thế, người càng đẹp hơn. Sáu mươi, sáu mốt tuổi rồi mà trông dáng vẻ cứ con cón, con cón. Những đường cong, nét mềm hầu như vẫn còn nguyên  như một cô gái trẻ. Nhưng đẹp nhất vẫn là ở gương mặt. Một chiếc núm đồng tiền và một nụ cười duyên đã làm cho cái gương mặt ấy luôn luôn tươi tỉnh và rạng rỡ. Ở ngoài đời thế, ra sân khấu cũng thế, mà lên phim lên ảnh lại càng thế. Chỉ tiếc là Dương Thị Tình sinh ra hơi sớm nên bị “nhỡ thời” không được tham dự một cuộc thi hoa hậu nào, kể cả hoa hậu quý bà, chứ nếu không thì…
Nhưng người xưa đã đúc kết rồi “bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. Đọc thơ Dương Thị Tình mới thấy bao nhiêu là “cái duyên” của thơ “người đẹp” đã để bong ra ngoài cả. Chỗ thì nó bong ra thành thơ Bác Hồ, Chỗ thì nó bong ra thành thơ Tố Hữu,…Rồi thành thơ  Đỗ Đình Tuân, thơ Bùi Trác Trường, thơ Đào Văn Đắc, thơ Kim Cúc…Những câu thơ, những bài thơ lêu lổng kiểu này, tác giả nên gọi chúng về, đét cho chúng một trận và bắt  phải ở nhà mà tự sửa mình.
Trong đời thực, ở những cặp vợ chồng vô sinh, người ta có quyền xin con nuôi hoặc nhận con nhận. Nhưng trong việc viết văn, làm thơ, tức là trong việc sinh nở ra những đứa con tinh thần thì không thế được; cứ phải vắt gan, vắt ruột của mình mà tự đẻ ra, thậm chí đến cả chồng, cả vợ  cũng không được chung đụng vào. Cho nên tối kỵ nhất trong việc “sáng tác” là sự vay mượn và bắt chước. Rất nhiều người bắt chước làm theo kiểu thơ Hồ Xuân Hương. Cũng rất nhiều người bắt chước làm theo lối thơ Bút Tre. Không ai cấm cả, cứ thoải mái mà bắt chước. Nhưng khi anh đã viết ra rồi, đã được lưu truyền trong đời rồi, thì xin phép, hãy gỡ cái tên của anh ra và gắn tên Hồ Xuân Hương hoặc Bút Tre vào. Bởi lẽ người đời đã mặc nhiên thừa nhận trong kiểu thơ ấy, lối thơ ấy thì Hồ xuân Hương là bà chúa và Bút Tre là ông trùm , sau họ không ai có quyền được mang tên nữa. Cho dù anh có cố tình ghi tên tuổi của anh to  bắng cái mẹt, bằng mực tầu, bằng sơn tây, thậm chí là chạm đồng khắc đá, thì người đời vẫn cứ bóc cái tên của anh ra khỏi trí nhớ của họ.
Dương Thị Tình lại hay đi vào những đề tài chung chung mang tính cộng đồng, tính thời sự:  Đội văn nghệ Nguyễn Trãi 2, Dàn nhạc chèo…, Hội người cao tuổi khu phố, Hội diễn văn nghệ, Đại hội TDTT thị trấn, mừng Chí Linh lên thị xã, Việt nam phóng vệ tinh Vi na sat, Kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám, đến với Choyang…
Thực chất đây chỉ là những bài vè, một kiểu viết tin, kể việc… bằng văn vần. Nhưng từ khi có báo viết, người ta đã bỏ vè từ lâu rồi. Ngày nay trong rất nhiều các câu lạc bộ  của các Hội Hưu trí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức…người ta cũng đang làm vè mà cứ ngộ nhận là thơ. Nhưng đó là quyền của các cụ, quyền của mọi người. Không ai có quyền cấm các cụ, cấm mọi người viết thế, gọi thế. Tôi cho rằng đời sống xã hội càng cởi mở thì lối “thơ lộn vè” hay lối “vè lộn thơ” này sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng người viết có quyền của người viết, thì người đọc cũng có quyền của người đọc. Trong việc đọc thơ bây giờ đã có người hài hước khuyên tôi rằng “ông nên có cái mũi thính để mà đánh hơi thì mới biết cái gì nên đọc và cái gì không nên đọc”. Nhưng khổ cho tôi là cái mũi của tôi nó điếc, nó có ngửi thấy gì đâu. Nhà tôi ở ngay cạnh một khu chuồng lợn. Khách đến chơi  thấy ai cũng cứ nhăn nhó, bưng mồm bịt mũi. Riêng ông chủ, nhờ ơn cái mũi, mặt vẫn cứ tươi tỉnh và hơn hớn cười. Mùi phân lợn tôi còn chẳng nhận ra thì khuyên tôi “đánh hơi thơ” làm sao được. Cho nên cứ “dớ” được thơ là tôi đọc. Mà bây giờ thì hay “dớ” được thơ lắm. Thơ hội viên gửi lên, thơ bạn bè tri âm tặng… Có những pho thơ dày hàng gang, nặng hàng ký. Người ta phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để được in vào. Khi sách in xong, người ta lại phải bỏ thêm ra hàng trăm nghìn đồng nữa để ỳ ạch khênh thơ về. Có lần tôi đến thăm một ông bạn dưới quê vừa mới khênh về  một tập thơ như thế. Anh ta vác ra khoe. Có rất nhiều các “nhà thơ” được in trong đó. Anh ta cũng là một "nhà thơ" có trong tuyển tập. Có chân dung, có trích ngang và có thơ in đàng hoàng. Nhưng tôi thấy tập thơ dày quá, nặng quá, tôi hỏi thực anh ta: “Thế bác có đọc hết được tập thơ này không?”. Anh ta lắc đầu: “Đọc làm sao hết được, chỉ thỉnh thoảng mở thơ mình ra xem và xem của mấy người quen quen”. Nhưng với những tập thơ sang trọng và cao giá thế, ít khi người ta khuân đi tặng. Người ta chỉ để ngồi trễm trệ trên giá sách, trên mặt tủ, mặt bàn cho oai thôi. Nhưng thế cũng là một điều may mắn lớn cho thiên hạ rồi!
Có rất nhiều lý do để nhiều khi không thích đọc vẫn phải đọc. Cố nhiên là không thể đọc hết được thơ bây giờ. Nhưng cái gì tôi đã trót đọc thì tôi cũng xin phép được nói thật ra những suy nghĩ của mình. Cho là hay thì khen, cho là dở thì chê. Những khen chê của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng, cũng có thể còn sai. Nhưng dù đúng, dù sai, cũng đều thành thật cả, rất nên tham khảo.
Đọc thơ Dương Thị Tình, tôi dừng lại khá lâu ở những bài viết về đời sống riêng tư, về quê hương, về chồng, về con…bởi đây vốn là địa hạt sở trường của nhiều cây bút nữ, họ viết thường dễ hay. Trần Thị yên đã có những bài thơ viết về quê cũ, tình xưa khá xúc động. Kim Cúc cũng có những câu thơ viết về chồng, về mẹ khá thấm thía. Nhưng ở Dương Thị Tình thì chưa được thế. Ngay cả trong lĩnh vực sở trường của phụ nữ này, thơ Dương Thị Tình câu chữ cũng cứ bong ra ngoài cảm xúc, ra ngoài những rung động của con tim. Có lẽ là vì Dương Thị Tình mới chỉ gọi tên những tình cảm, cảm xúc ra thôi chứ chưa hề diễn tả nó, biểu hiện nó nên người đọc  không hề cảm nhận được cái “tình của TÌNH” qua thơ. Chẳng hạn như bài Nhớ quê hương, trong 18 câu thơ thì có đến 10 câu có những chữ gọi tên tình cảm cảm xúc: nhớ quê hương, yêu quê ta, nhớ lắm, nhớ sao quên, nhớ quê hương, nhớ bao điều, yêu dấu, ta nhớ lắm, vẫn nhớ đến, lắng đọng trong tim, ta yêu lắm, yêu dấu, mong một ngày kia, sung sướng tràn trề. Cả một đội quân hùng hậu chữ thế mà vẫn chưa khênh nổi một “nỗi nhớ quê” của Dương Thị Tình sang lòng người đọc. Trong khi ấy cũng viết về nỗi nhớ quê, Trần Phao chưa động đến chữ nhớ, mà “nỗi nhớ” đã  tràn ngay sang lòng người đọc:
Tìm cô đò cũ không còn lái
Hỏi lão chài xưa đã giải nghề
Vắng cánh buồm nâu xao xuyến bến
Thiếu đàn trâu mộng trống trơ đê
Cũng có thể tham khảo thêm bài Phố Đêm  của Đỗ Đình Tuân. Cả bài thơ chả có một chữ “thương vợ” nào, mà lòng thương vợ cứ hiện lộ. Nó ẩn chứa trong cái ngẫm nghĩ sẻ chia, nó ẩn chứa trong cái nhêch mép cười tự trách, nó dấu gói trong cái hình ảnh người vợ nhỏ bé mà lam lũ đến tội nghiệp:
Em ngồi bán ổi bán na
Bóng em nhỏ tối như là chấm đêm…
Dưới một bầu trời đầy sao “chi chit sáng trên sông Ngân Hà”, Hình ảnh của người vợ như càng thêm bé nhỏ. Nhưng bé nhỏ là bé nhỏ trước thiên nhiên vũ trụ, trước cái phố đêm vắng vẻ của cái thị trấn Sao Đỏ này thôi. Còn riêng với lòng tác giả, cái “chấm đêm” ấy lại là điểm quan tâm duy nhất, lại là cái điểm tìm đến duy nhất.
Thực ra thì trong thơ người ta vẫn có thể sử dụng những chữ dùng để gọi những tình cảm cảm xúc, nhưng cùng với nó phải có sự diễn tả đi kèm: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa như ngồi đống than” (ca dao). “Nhớ” là chữ gọi tên tình cảm cảm xúc. Còn “Bổi hổi bồi hồi”, “Đứng đống lửa”, “ngồi đống than” là những chữ, những hình ảnh diễn tả nỗi nhớ. Rõ ràng đây là một nỗi nhớ bồn chồn bức xúc của những cặp tình nhân trẻ nhớ nhau. Hoặc nữa:“Chắc gì anh đến hôm nay / Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm”(Vũ Thị Khương). “Đợi” trong trường hợp cụ thể này chỉ là chữ gọi tên cái tình cảm mong đợi. Còn “tàn ngày trắng đêm” là cái hình ảnh diễn tả sự mong đợi. Chao ôi ! Cái sự mong đợi ở đây sao mà khắc khoải và quằn quại đến thế. Đâu chỉ có hết ngày này sang đêm khác mà còn có cả sự tàn lụi, hao gầy thân xác nữa.
Nhưng không phải là Dương Thị Tình không biết làm thơ. Ngay trong tập thơ này thôi, Dương Thị Tình cũng đã có những đoạn, những bài khá thành công. Chẳng hạn như bài Nhớ xưa có đoạn:
Nhớ xưa thời bao cấp
Nửa nước còn chiến tranh
Cơm ít hơn rau xanh
Khổ chung cùng đất nước
Nhà mình con còn nhỏ
Em, anh vất vả hoài
Nhưng ta vẫn vui cười
Hàng ngày đi dạy trẻ
Những khi em sinh đẻ
Anh cháo mỳ thành quen
Nhường toàn cơm cho em
Lấy sữa cho con bú
Tinh mơ anh giặt giũ
Phơi kín cả dây nhà
Và thổi cơm bỏ muối
Em ăn mà mặn môi.
Theo chân từng con chữ, các chi tiết của đời sống thật đã hiện ra. Những chi tiết ấy lại góp nhau lại tạo nên một bức tranh về đời sống gia đình trong thời bao cấp, thời chiến tranh khá chân thực và sinh động. Cái câu thơ “Em ăn mà mặn môi” là một câu thơ rất “nặng” và rất “gợi”. Trong cái mặn của cơm bỏ muối, còn có cả cái mặn của tình chồng thương vợ. Và sau chữ “mặn môi” còn thấy ngân ngấn lệ của tấm lòng người vợ. Những giọt lệ của lòng cảm động ấy đã là lời cảm ơn âm thầm nhưng sâu nặng rồi, không cần phải nói ra bằng lời làm gì nữa. Thành thừa. Mà trong thơ thì không cho phép thừa, chỉ được quyền thiếu thôi. Cố nhiên là phải biết cách thiếu. Thiếu là để cho mạch thơ kìm nén lại, nhưng tình thơ và ý thơ phải ngân lên, bay cao và lan xa…chứ không phải thiếu để mà hụt hẫng.
Em gái tôi cũng là một bài thơ hay. Hay ở chỗ, nó đã vẽ ra được hình ảnh một người phụ nữ khá hoàn hảo: đẹp người, đẹp nết, biết đường ăn nhẽ ở, giỏi việc nước, đảm việc nhà:
Bây giờ duyên dáng càng ưa
Nhìn em ai cũng tưởng chưa có chồng.
Chỉ tiếc là Dương Thị Tình vẫn chưa biết gói bài. Cứ đến phần kết thúc là lại làm cho bài thơ nhẹ bẫng đi:
Em như một đóa hoa hồng
Xinh tươi đằm thắm mặn nồng đáng yêu.
          Cái cô gái miêu tả trên kia đẹp lắm, giòn lắm, sức trẻ bền dai lắm. Một đóa hoa hồng sớm nở tối tàn tương xứng làm sao được. Cho nên hai câu thơ này nếu muốn dùng thì ít nhất cũng phải sửa lại câu tám. Chẳng hạn:
Em như một đóa hoa hồng
Ngỡ thu phai thắm lại nồng màu xuân.
Bông hoa hồng bây giờ chỉ còn là hình ảnh biểu tượng, một cách gọi, một lối hóa thân của cô gái đã được miêu tả ở trên kia mà thôi. Như thế nó mới tương xứng với người đẹp được.                            
Bỏ công phu ra, viết bài giới thiệu cho tập Mặn môi này, tôi không mong để được một bữa nhuận mồm như viết cho tập Gió Lành. Sau những lời chê ủng chê eo nhiều thế, tôi chỉ mong tác giả đừng có tức tiết lên mà vả vỡ mồm tôi ra là tốt lắm rồi. Đó là điều tôi mong cho tôi. Còn với tác giả tôi chỉ mong sau Mặn môi sẽ viết được nhiều bài thơ mặn lòng hơn nữa. Muốn thế Dương Thị Tình phải trở về với những gì gắn bó, lắng đọng nhất trong cõi riêng của mình. Bởi thơ nằm trong cõi ấy và chỉ nằm trong cõi ấy.
                                                                                                            Thị xã chí Linh 29/10/2010
                                                                                                       Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Chí linh bát cổ (kỳ VI)

其六

拋山古城

明胡持鬥日
黎莫戰爭秋
南度永樂寺
東還慶祐修
至今皆陳跡
此地一名區
感慨重豋眺
高山與水流

Phiên âm:

Kỳ lục

Phao sơn Cổ Thành

Minh - Hồ trì đấu nguyệt
Lê - Mạc chiến tranh thu
Nam độ Vĩnh Lạc tự
Đông hoàn Khánh Hựu tu
Chí kim giai trần tích
Thử địa nhất danh khu
Cảm khái trùng đăng diểu
Cao sơn dữ thủy lưu.

Dịch nghĩa:

Bài sáu

Thành cổ Phao Sơn

Thành này là nơi xưa nhà Minh-nhà Hồ giành giật nhau mãi
Cũng là nơi nhà Lê- nhà Mạc  đánh nhau hoài
Ở bến đò phía nam là chùa Vĩnh Lạc
Phía đông là chùa Khánh Hựu
Đến nay đều thành dấu tích cổ xưa
Vùng đất này thành nổi tiếng
Cảm khái leo lên cao và nhìn ra xa
Chỉ thấy có núi cao bên dòng nước chảy.

Dịch thơ:

Minh-Hổ mãi giành giật
Lê-Mạc hoài chiến tranh
Bến nam chùa Vĩnh Lạc
Khánh Hựu phía đông thành
Đều còn lưu dấu cũ
Đất này thành nổi danh
Cảm khái lên trông ngắm
Núi cao dòng nước quanh
                      Đỗ Đình Tuân dịch

Cảm tạ bạn tri âm

Tng bn tri âm  

Tri âm gi tng bn tri â
T tuyt ba vn ngu hng ngâm   
Tp viết nhiu khi không đúng lut
Thi nhân c đọc ch cười thm.

Thnh Tú chào anh Đỗ Thu Uân.

Cm t bn tri âm

Tri âm cm t bn tri âm
Đã chat cho mình mt khúc ngâm
T tuyt ba vn hay đáo để
Ngâm to chưa thuc li ngâm thm.

Đỗ Thu Uân chào anh Thnh Tú

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Mấy bài thơ viết về nhà giáo Chu Văn An

Bái biệt kinh đô

Bái biệt kinh đô rộn trống cờ
Trở về núi Phượng cảnh nguyên sơ
Hôm mai trước cửa hoa chào đón
Sớm tối bên hiên nguyệt sẵn chờ
Tím ruột không dung phường lại nhũng
Bền lòng trông đợi cõi thiên cơ
Trên bàn gió khẽ lay trang sách
Thơm một âu trà mấy cuốn thơ.
                                  10/2010
                              Đỗ Đình Tuân





















Cây quế giưa rừng
                
                   Lão quế tuỳ phong hương thạch lộ
                                               Chu Văn An

Muốn cho biển lặng sóng yên
Giúp nhà vua vững con thuyền an dân
Thày dâng “thất trảm sớ” văn
Xin vua chém bảy nịnh thần hại nguy
Nhà vua không ngó ngàng chi
Bèn treo mũ áo thày đi về làng
Trong triều ngoài quận bàng hoàng
Lời thày như tiếng sấm vang động trời.

Phượng Hoàng ơi ! Phượng Hoàng ơi !
Bảy trăm năm ấy bao thời đổi thay
Ngày nào thày trở về đây
Hoá thân làm một áng mây bên đèo
Núi xa thành bức tranh thêu
Suối rừng hoa nở chim kêu bốn mùa
Nhà tranh vách đất đơn sơ
Một phên cửa liếp khép hờ quanh năm
Bóng hoè xanh mát trước sân
Hương sen hương quế như gần như xa
Ve kêu én liệng quanh nhà
Ngày xuân trời cũng la đà như say…

Thân nhàn nhẹ áng mây bay
Chén trà trang sách vui vầy sớm trưa
Đời nghèo đạm bạc muối dưa
Lòng thày đâu tạnh gió mưa nỗi đời
Nhớ Tiên hoàng giọt lệ rơi
Thương dân bạc tóc thày ngồi ngẫm suy
Mừng khi vận nước lại về
Tiếc thân già có ích chi bấy giờ
Gửi lòng vào những câu thơ
Nỗi niềm cho đến bây giờ vẫn thương !...

Phượng Hoàng gửi lại nắm xương
Danh thày mãi mãi thành hương núi rừng
Thày như cây quế ngát lừng
Đã thơm thì quế giữa rừng…càng thơm.
                                    Tháng 1/2006
                                    Đỗ Đình Tuân

chí linh bát cổ (kỳ V)

其五

上宰古宅

我縣河之北
河東砦之西
昔人居鼎鼎
今日留山溪
杏杏傍石穿
籣帆靠岸低
村翁尋我道
石跡故門溪

Phiên âm:

Kỳ ngũ

Thượng tể cổ trạch

Ngã huyện hà chi bắc
Hà Đông trại chi tê
Tích nhân cư đỉnh đỉnh
Kim nhật lưu sơn khê
Hạnh hạnh bang thạch xuyên
Lan phàm kháo ngạn đê
Thôn ông tầm ngã đạo
Thạch tích cố môn khê

Dịch nghĩa:

Bài 5

Nhà cổ của quan Thượng tể

Nhà cổ của tể tướng ở địa phận Hà bắc của huyện
Ở phía tây trại Hà Đông
Tể tướng xưa vốn ở chốn chung đỉnh
Về sau mới về ở nơi núi khe
Cây hạnh mọc xiên qua đá
Cột buồm gỗ lan đậu sát bờ đê
Một ông già trong thôn tìm tôi mach bảo
Dấu tích trên đá chính là cửa nhà cũ ở bên suối

Dịch thơ:

Nhà ở phía bắc huyện
Phía tây một trại quê
Trước ở chốn đô hội
Sau về cùng núi khe
Cây hạnh rễ xiên đá
Buồm lan sát bờ đê
Ông già tìm tôi chỉ
Dấu đá nhà cũ kia
               Đỗ Đình Tuân dịch

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Sướng tai ghê

THÀY GIÁO CỦA EM
           Vui tặng thày Đỗ Đình Tuân

Thày gầy như que củi
Chân như hai que tăm
Má tóp như lạc lép
Gió thổi thân đong đưa…
Dưng mà thày rất giỏi,
Đánh máy được chữ tàu
Dịch thơ Hán sang ta
Gọi là hay phải biết
Thày làm thơ lục bát,
Đọc ngọt như mía lùi
Thơ Đường cũng chẳng thua
Vừa hay vừa đúng luật.
Nhất là khi viết bài,
Giới thiệu hay phê bình
Thì thật là tuyệt chiêu
Tận chân tơ kẽ tóc.
Nhưng khi thày kê kích
Tủ đứng phải dịch ngang
Eo ôi! hi hi hi…
24/10/2010

Bài thơ phúc đáp


Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê
Chúng bảo gì thày cũng miễn chê
Bình luận, dịch thơ thì đã thích
Luật Đường, lục bát lại thêm mê
Chân dài, thân mảnh như ông khỉ
Miệng móm, lưng cong tựa chú hề
Ngày hội các thày đang sắp sửa
Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê.
25/10/2010

Chỉ buông rèm

Không vào được xóm Tri Ân
Nhưng vì nhà gần nên chẳng cần sang
Viết thơ mời xóm mời làng
Ai qua thì nhớ ghé sang thăm nhà
Thày Tuân sức yếu tuổi già
Nên hay lẩn thẩn như là ngẩn ngơ
Được bài văn được câu thơ
Lại lên blog đợi chờ người xem
Cửa không khóa chỉ buông rèm
Mong luôn có bạn đến xem là mừng.

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Xin cứ là thơ

Thơ ơi xin cứ là thơ
Cứ hồng hoang, cứ nguyên sơ, nhiệm mầu...
Bồng bềnh mây gió đâu đâu
Vẫn mênh mang những thẳm sâu...Hồn người
Thoáng bâng khuâng, chút ngậm ngùi:
Rủi may, tan hợp, đầy vơi, mất còn...
Mong manh một mảnh linh hồn
Hóa thân như cánh chuồn chuồn nhẹ bay
Cho lòng một chút men say
Cho đời một thoáng hương bay...ngạt ngào...
                                                        2003
               

Nối vần cùng bạn

Vâng thì lấy sống làm vui,
Bao nhiêu cay đắng thiệt thòi cho qua.
Và bao cay đắng xót xa.
Tung hê cho gió cuốn ba tầng trời.
Vần thơ gửi lại cho đời,
Tặng con, tặng cháu, tặng người ...tri âm.

Thân ái NNS

Tin rằng cứ sống có tâm
Bao nhiêu gió bắc mưa dầm cũng qua
Tin rằng cứ sống tà ma
Bao nhiêu gác tía lầu hoa cũng tàn
Tin rằng sau cõi trần gian
Sẽ phân chia rõ thiên đàng-âm ty

Bạn ơi xin cứ vui đi

Thân ái ĐĐT

NNS nối thêm:

Bạn ơi xin cứ vui đi
Tri âm đã dậy dậy thì phải vâng !

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Mái ghẹ đáp lời


Chỉ còn mề

Kê già, mái ghẹ, vịt sề
Mổ ra cũng chỉ còn mề mà thôi.
Dạ thưa, trứng đã hết rồi.
Mà chồng chẳng chịu cho thôi ngày nào.

Hỏi gà mái ghẹ

Có còn cái trứng nào không
Mà kêu mái ghẹ cho chồng nó mê
Gà gì gà chẳng giống kê
Hệt như một ả vịt sề toan bay?

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Chí Linh bát cổ (kỳ IV)


其四

雁灣古渡

龜爪鵝毛雲水路
將暈炭筏成名渡
漁郎垂釣笛歌閒
舟子濟人衰笠古
江中光景長如此
風月清秋今幾渡
客船閒泛古江秋
追記前朝一奇遇.

Phiên âm:

Kỳ IV

Nhạn loan cổ độ

Quy trảo nga mao vân thủy lộ
Tướng quân than phiệt thành danh độ
Ngư lang thùy điếu địch nga nhàn
Chu tử tế nhân thoa lạp cổ
Giang trung quang cảnh trường như thử
Thu nguyệt thanh thu kim kỷ độ
Khách thuyền nhàn phiếm cổ giang thu
Truy ký tiền triều nhất kỳ ngộ

Dịch nghĩa:
Bài 4
Bến đò cổ Nhạn loan

Móng rùa lông ngỗng theo đường thủy này
Bè chở than của tướng quân ở đây làm bến đò thành nổi tiếng
Chàng câu cá buông câu, tiếng sáo tiếng ca nhàn tản
Chú lái đò chở người qua sông khoác áo tơi nón lá
Quang cảnh trên sông mãi mãi vẫn như thế
Đã trài qua biết bao năm tháng gió trăng rồi
Khách thuyền nhàn tản du chơi mùa thu trên bến cũ
Lại nhớ đến câu chuyện gặp gỡ kỳ ngộ của triều trước

Dịch thơ:

Móng rùa lông ngỗng đường mây nước
Danh tướng bán than ngày lỡ bước
Câu cá ông chài tiếng sáo bay
Chở đò chú lái  nón tơi khoác
Trên sông quang cảnh mãi như rày
Trăng gió thu qua bao độ khác
Khách thuyền nhàn chơi trên bến xưa
Nhớ cuộc vua tôi kỳ ngộ trước.
                           Đỗ Đình Tuân dịch




Mấy ý đáp từ...



Cảm tưởng
đọc bloger của DodinhTuan

 Bạn + tôi, đa cảm đa tình,
(Cái thời khốn khổ, chúng mình giống nhau)
Muốn yên phận có được đâu,
Cái nghèo cái khó cái sầu cái thương.
Cứ là dằng dịt vấn vương,
Mảnh như tơ nhện nó thường quấn quanh.
Dứt ra không được, không đành,
Thì thôi chịu vậy mới thành hôm nay.
May sao lại có được  ngày,
Chúng mình mở mặt mở mày thế ni.

Bạn ơi xin cứ vui đi...

Thân ái NNS


Mấy ý đáp từ

Cám ơn bác đã cảm thông
Những ngày khó nhọc vợ chồng Tuân-Thu
Kiếm từng bát gạo, đồng xu
Buôn xuôi bán ngược xe thồ, gánh rong…
Bây giờ mới tạm thong dong
Coi như cái đận long đong qua cầu
Mặt nào đã mở được đâu
Cái mày thì rúm, cái râu lại còi
Vẫn chưa oách được như người
Dám đâu vểnh mặt đua đòi cùng ai
Dưng mà lấy sống là vui
Bao nhiêu cay đắng thiệt thòi cho qua
Trời tây hửng nắng chiều tà
Buồn vui sẽ nở thành hoa trong lòng.

Thân ái ĐĐT

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Chí Linh bát cổ (kỳ III)

其三

藥嶺古園

白藤江口度千艘
青嶺林園留一蔟
半是溪泉半是山
兼有漁樵兼有牧
主人已在元陳史
谁謂天南國誌讀
萬古餘威人見聞
園林風鶴園林木

Phiên âm:

Kỳ III

Dược lĩnh cổ viên

Bạch Đằng hải khẩu độ thiên sưu
Thanh lĩnh lâm viên lưu nhất thốc
Bán thị khê tuyền bán thị sơn
Kiêm hữu ngư tiều kiêm hữu mục
Chủ nhân dĩ tại Nguyên -Trần sử
Thùy vị thiên nam quốc chí độc
Vạn cổ dư uy nhân kiến văn
Viên lâm phong hạc viên lâm mộc


Dịch nghĩa:
Bài 3
Vườn cổ núi Dược Sơn

Cửa sông bạch Đằng đậu ngàn con tầu
Núi xanh rừng cây thành một chòm chụm lại
Nửa là khe suối nửa là núi
Gồm cả thú đánh cá, kiếm củi và chăn trâu
Chủ nhân đã được ghi chép trong sử nhà Trần, nhà Nguyên
Chỉ đọc sử ta sao rõ hết được
Dư uy muôn thưở người còn nghe thấy
Trong gió của vườn rừng, trong cây của vườn rừng..

Dịch thơ:

Nghìn tầu đậu cửa Bạch Đằng giang
Trên đỉnh non xanh vườn một khóm
Bên là khe suối bên sườn non
Kiếm củi chăn trâu cả chài vạn
Chủ Nhân tên chép sử Trần-Nguyên
Đọc ta, sao hiểu hết công trạng
Dư uy lừng lẫy từng bao phen
Giặc đến nghe hơi đã khiếp đảm.
                        Đỗ Đình Tuân dịch

Chí Linh bát cổ (kỳ II)

其二

樵隱古碧

鳳凰山上寂村墟
樵隱先生古壁餘
片石光芒明月斧
半墙漂渺白雲鑪
芳從自古魂無在
勝景于今盡不如
凜烈英風千古在
重山容步訪幽居

Phiên âm:


Kỳ II
Tiều Ẩn cổ bích

Phượng Hoàng sơn thượng tịch thôn khư
Tiều Ẩn tiên sinh cổ bích dư
Phiến thạch quang mang minh nguyệt phủ
Bán tường phiếu diểu bạch vân lư
Phương tung tự cổ hồn vô tại
Thắng cảnh vu kim tận bất như
Lẫm liệt anh phong thiên cổ tại
Trùng sơn dong bộ phỏng u cư

Dịch nghĩa:
Bài 2

Bức tường cổ của Tiều Ẩn
 
Trên núi Phượng hoàng thôn xóm vắng vẻ
Nhà của Tiều Ẩn tiên sinh còn sót lại bức tường cũ
Ánh trăng vằng vặc như lưỡi búa soi vào phiến đá
Mây trắng vần vụ như khói hương vây bọc bức tường
Dấu thơm từ xưa giờ chẳng còn gì
Thắng cảnh đến nay cũng không như cũ
Anh phong lẫm liệt muôn thưở vẫn còn
Thư thả bước nhẹ trên các sườn núi tìm hỏi nơi ở cũ của tiên sinh

Dịch thơ:

Trên núi Phượng Hoàng vắng vẻ thay
Nhà xưa Tiều Ẩn dấu còn đây
Trơ vơ phiến đá nằm phơi nguyệt
Mờ mịt nửa tường ẩn khói mây
Hiu quạnh dấu xưa bên hốc núi
Hoang sơ nền cũ dưới rừng cây
Anh phong lẫm liệt còn lưu mãi
Dạo bước sườn non tưởng nhớ thày
                                  Đỗ Đình Tuân dịch



Chí Linh bát cổ (kỳ I)

至靈八古

其一

狀元古堂
狀元西席記何年
幾度荒墟幾度禪
南岸橘林地不改
東阿木鐸人相傳
詩書重煥斯文统
星日長爲後学天
五百年来魁鼎蹐
無窮道體老山川


Phiên âm Hán-Việt:


Kỳ I


Trạng nguyên cổ đường

Trạng nguyên tây tịch ký hà niên
Kỷ độ hoang khư kỷ độ thiền
Nam ngạn quất lâm địa bất cải
Đông A mộc đạc nhân tương truyền
Thi thư trùng hoán tư văn thống
Tinh nhật trường vi hậu học thiên
Ngũ bách niên lai khôi đỉnh tích
Vô cùng đạo thể lão sơn xuyên.

Dịch nghĩa:

Bài I

Nhà dạy học cổ của trạng nguyên

Nơi trạng nguyên ngồi chiếu phía tây  đã bao năm rồi
Mấy độ là gò hoang mấy độ lạnh lẽo.
Rừng quất ở bờ nam vùng đất đó không thay đổi
Cái mõ của nhà Trần 3 vẫn được người đời truyền tụng
Thi thư lại làm rạng rỡ truyền thống của văn học
Như mặt trời như sao sáng trên bầu trời của sĩ tử đời sau
Năm trăm năm qua vẫn là là dấu tích số một
Bản thể vô cùng của đạo Nho sống mãi với non song.

Dịch thơ:

Chiếu tây quan trạng trải bao niên
Mấy độ gò hoang mấy độ thiền
Rừng quất bờ Nam nay chẳng đổi
Đông A tiếng mõ vẫn tương truyền
Thi thư tô rạng dòng văn học
Nhật nguyệt soi chung đám sĩ hiền
Dấu tích năm trăm năm vẫn đó
Mãi cùng sông núi cõi nam thiên
                             Đỗ Đình Tuân dịch

      





ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...