Cái tên Dương Thị Tình, nếu nghe bằng tai thôi, chỉ là một cái tên rất bình thường. Ngày xưa, thời còn công tác, tôi đã có lần tiếp nhận một cô giáo mới, có cái tên nghe cực hay: Dương Tú Thanh. Không hiểu bố mẹ cô ấy có phải là nhạc sĩ hay không mà đặt tên con lại có cái nhạc điệu “vút bay” đến thế. Thú thật là chỉ mới nghe cái tên cô ấy thôi mà tôi đã mê mẩn cả người và cứ đinh ninh rằng nhất định cô ấy phải đẹp, nhất định cô ấy phải có cái giọng nói nghe rất véo von…Bởi cái tên Dương Tú Thanh là sự kết hợp rất cân đối hài hòa của ba âm tiết đều mang thanh nổi cả. Cho nên chúng cứ nương tựa vào nhau mà nâng nhau lên tạo cho ta cái cảm giác “vút bay”. Lúc ấy tôi lại đang làm một bài thơ có tựa đề là “Tiếng ai”. Mỗi thày, mỗi cô trong tổ văn của trường cấp 3 Chí Linh, tôi đều dùng một cặp lục bát để miêu tả. Chẳng hạn như giọng thày Bính, tổ trưởng công đoàn, thường nói vừa to lại vừa đanh, nghe hơi chói, thì tôi viết: “Tiếng ai nói cứ choang choang, nghe như sắp sửa có hàng bốc thăm”. Còn giọng của thày Tuân đã trầm đục lại pha chút dè dè nghe cứ thấy hôi hôi, khê khê, thì tôi viết: “ Tiếng ai nghe giọng đục trầm, như tiếng điếu bát nửa năm không dùng”…Mỗi người một giọng, đa dạng thì có đa dạng thật, nhưng theo tôi nghĩ lúc bấy giờ thì chưa ai có được một cái giọng xứng đáng với nghề dạy văn cả:
Mỗi người một giọng tôi nghe
Phần “tỉnh” đã cạn phần “ mê” càng gầy
Hỏi bao tâm sự vơi đầy
Hỏi bao kỷ niệm tháng ngày để đâu
Kiếp người bãi bể nương dâu
Không buồn thế sự, chẳng đau nhân tình
Tội cho cái giọng chúng mình
Dở thương, dở nhớ, dở tình… chơi vơi
Giữa lúc bài thơ đang nhăn nhó thế thì nghe có tổ viên mới Dương Tú Thanh về. Lòng tôi bỗng háo hức lên ngay và bài thơ của tôi cũng nhờ thế mà tươi tỉnh lại:
Lòng đang “đa sự” bời bời
Tú Thanh nghe một tên người rất trong.
Còn tên Dương Thị Tình thì không thế. Trong ba âm tiết đã có đến hai âm tiết mang thanh chìm. Cho nên cái tên Dương Thị Tình lại gợi ra trong trí tưởng tượng bệnh hoạn của tôi hình ảnh một người đàn bà sắp chìm nghỉm, chỉ còn thấy có cái đầu rũ rượi tóc và một cánh tay chới với đang vẫy vẫy xin cầu cứu … Nhưng nếu “bẻ chữ” ra thì đó lại là một cái tên hay, rất hay. Hay vì có thể suy diễn ra được rất nhiều nghĩa.“Dương” có thể hiểu là “cõi dương gian”, tức là cõi đời chúng ta đang sống. Cũng có thể hiểu là “biển cả rộng lớn”. “Thị” ngòai nghĩa chỉ “đàn bà con gái”, còn có thể hiểu đến nghĩa “một cái chợ ồn ào”, hay một sự khẳng định dứt khoát “đúng là, chính là”. Còn chữ “TÌNH” thì nghĩa nó rộng lắm. Người xưa khái quát thành “thất tình”, tức là bảy thứ tình cảm của con người gồm: vui, buồn, yêu, ghét, mừng, giận, mong muốn. Nhưng cái nghĩa phổ biến được dùng trong đời thường lại là cái nghĩa “sự ăn ở đầy đặn, thủy chung”. Như vậy sống “có tình” với nhau chính là một lối sống đẹp, giầu chất nhân văn và rất có văn hóa. Những người biết sống như vậy thường được người đời khen là “chí tình, chí nghĩa” đấy.
Tên đã hay thế, người càng đẹp hơn. Sáu mươi, sáu mốt tuổi rồi mà trông dáng vẻ cứ con cón, con cón. Những đường cong, nét mềm hầu như vẫn còn nguyên như một cô gái trẻ. Nhưng đẹp nhất vẫn là ở gương mặt. Một chiếc núm đồng tiền và một nụ cười duyên đã làm cho cái gương mặt ấy luôn luôn tươi tỉnh và rạng rỡ. Ở ngoài đời thế, ra sân khấu cũng thế, mà lên phim lên ảnh lại càng thế. Chỉ tiếc là Dương Thị Tình sinh ra hơi sớm nên bị “nhỡ thời” không được tham dự một cuộc thi hoa hậu nào, kể cả hoa hậu quý bà, chứ nếu không thì…
Nhưng người xưa đã đúc kết rồi “bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. Đọc thơ Dương Thị Tình mới thấy bao nhiêu là “cái duyên” của thơ “người đẹp” đã để bong ra ngoài cả. Chỗ thì nó bong ra thành thơ Bác Hồ, Chỗ thì nó bong ra thành thơ Tố Hữu,…Rồi thành thơ Đỗ Đình Tuân, thơ Bùi Trác Trường, thơ Đào Văn Đắc, thơ Kim Cúc…Những câu thơ, những bài thơ lêu lổng kiểu này, tác giả nên gọi chúng về, đét cho chúng một trận và bắt phải ở nhà mà tự sửa mình.
Trong đời thực, ở những cặp vợ chồng vô sinh, người ta có quyền xin con nuôi hoặc nhận con nhận. Nhưng trong việc viết văn, làm thơ, tức là trong việc sinh nở ra những đứa con tinh thần thì không thế được; cứ phải vắt gan, vắt ruột của mình mà tự đẻ ra, thậm chí đến cả chồng, cả vợ cũng không được chung đụng vào. Cho nên tối kỵ nhất trong việc “sáng tác” là sự vay mượn và bắt chước. Rất nhiều người bắt chước làm theo kiểu thơ Hồ Xuân Hương. Cũng rất nhiều người bắt chước làm theo lối thơ Bút Tre. Không ai cấm cả, cứ thoải mái mà bắt chước. Nhưng khi anh đã viết ra rồi, đã được lưu truyền trong đời rồi, thì xin phép, hãy gỡ cái tên của anh ra và gắn tên Hồ Xuân Hương hoặc Bút Tre vào. Bởi lẽ người đời đã mặc nhiên thừa nhận trong kiểu thơ ấy, lối thơ ấy thì Hồ xuân Hương là bà chúa và Bút Tre là ông trùm , sau họ không ai có quyền được mang tên nữa. Cho dù anh có cố tình ghi tên tuổi của anh to bắng cái mẹt, bằng mực tầu, bằng sơn tây, thậm chí là chạm đồng khắc đá, thì người đời vẫn cứ bóc cái tên của anh ra khỏi trí nhớ của họ.
Dương Thị Tình lại hay đi vào những đề tài chung chung mang tính cộng đồng, tính thời sự: Đội văn nghệ Nguyễn Trãi 2, Dàn nhạc chèo…, Hội người cao tuổi khu phố, Hội diễn văn nghệ, Đại hội TDTT thị trấn, mừng Chí Linh lên thị xã, Việt nam phóng vệ tinh Vi na sat, Kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám, đến với Choyang…
Dương Thị Tình lại hay đi vào những đề tài chung chung mang tính cộng đồng, tính thời sự: Đội văn nghệ Nguyễn Trãi 2, Dàn nhạc chèo…, Hội người cao tuổi khu phố, Hội diễn văn nghệ, Đại hội TDTT thị trấn, mừng Chí Linh lên thị xã, Việt nam phóng vệ tinh Vi na sat, Kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám, đến với Choyang…
Thực chất đây chỉ là những bài vè, một kiểu viết tin, kể việc… bằng văn vần. Nhưng từ khi có báo viết, người ta đã bỏ vè từ lâu rồi. Ngày nay trong rất nhiều các câu lạc bộ của các Hội Hưu trí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức…người ta cũng đang làm vè mà cứ ngộ nhận là thơ. Nhưng đó là quyền của các cụ, quyền của mọi người. Không ai có quyền cấm các cụ, cấm mọi người viết thế, gọi thế. Tôi cho rằng đời sống xã hội càng cởi mở thì lối “thơ lộn vè” hay lối “vè lộn thơ” này sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng người viết có quyền của người viết, thì người đọc cũng có quyền của người đọc. Trong việc đọc thơ bây giờ đã có người hài hước khuyên tôi rằng “ông nên có cái mũi thính để mà đánh hơi thì mới biết cái gì nên đọc và cái gì không nên đọc”. Nhưng khổ cho tôi là cái mũi của tôi nó điếc, nó có ngửi thấy gì đâu. Nhà tôi ở ngay cạnh một khu chuồng lợn. Khách đến chơi thấy ai cũng cứ nhăn nhó, bưng mồm bịt mũi. Riêng ông chủ, nhờ ơn cái mũi, mặt vẫn cứ tươi tỉnh và hơn hớn cười. Mùi phân lợn tôi còn chẳng nhận ra thì khuyên tôi “đánh hơi thơ” làm sao được. Cho nên cứ “dớ” được thơ là tôi đọc. Mà bây giờ thì hay “dớ” được thơ lắm. Thơ hội viên gửi lên, thơ bạn bè tri âm tặng… Có những pho thơ dày hàng gang, nặng hàng ký. Người ta phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để được in vào. Khi sách in xong, người ta lại phải bỏ thêm ra hàng trăm nghìn đồng nữa để ỳ ạch khênh thơ về. Có lần tôi đến thăm một ông bạn dưới quê vừa mới khênh về một tập thơ như thế. Anh ta vác ra khoe. Có rất nhiều các “nhà thơ” được in trong đó. Anh ta cũng là một "nhà thơ" có trong tuyển tập. Có chân dung, có trích ngang và có thơ in đàng hoàng. Nhưng tôi thấy tập thơ dày quá, nặng quá, tôi hỏi thực anh ta: “Thế bác có đọc hết được tập thơ này không?”. Anh ta lắc đầu: “Đọc làm sao hết được, chỉ thỉnh thoảng mở thơ mình ra xem và xem của mấy người quen quen”. Nhưng với những tập thơ sang trọng và cao giá thế, ít khi người ta khuân đi tặng. Người ta chỉ để ngồi trễm trệ trên giá sách, trên mặt tủ, mặt bàn cho oai thôi. Nhưng thế cũng là một điều may mắn lớn cho thiên hạ rồi!
Có rất nhiều lý do để nhiều khi không thích đọc vẫn phải đọc. Cố nhiên là không thể đọc hết được thơ bây giờ. Nhưng cái gì tôi đã trót đọc thì tôi cũng xin phép được nói thật ra những suy nghĩ của mình. Cho là hay thì khen, cho là dở thì chê. Những khen chê của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng, cũng có thể còn sai. Nhưng dù đúng, dù sai, cũng đều thành thật cả, rất nên tham khảo.
Đọc thơ Dương Thị Tình, tôi dừng lại khá lâu ở những bài viết về đời sống riêng tư, về quê hương, về chồng, về con…bởi đây vốn là địa hạt sở trường của nhiều cây bút nữ, họ viết thường dễ hay. Trần Thị yên đã có những bài thơ viết về quê cũ, tình xưa khá xúc động. Kim Cúc cũng có những câu thơ viết về chồng, về mẹ khá thấm thía. Nhưng ở Dương Thị Tình thì chưa được thế. Ngay cả trong lĩnh vực sở trường của phụ nữ này, thơ Dương Thị Tình câu chữ cũng cứ bong ra ngoài cảm xúc, ra ngoài những rung động của con tim. Có lẽ là vì Dương Thị Tình mới chỉ gọi tên những tình cảm, cảm xúc ra thôi chứ chưa hề diễn tả nó, biểu hiện nó nên người đọc không hề cảm nhận được cái “tình của TÌNH” qua thơ. Chẳng hạn như bài Nhớ quê hương, trong 18 câu thơ thì có đến 10 câu có những chữ gọi tên tình cảm cảm xúc: nhớ quê hương, yêu quê ta, nhớ lắm, nhớ sao quên, nhớ quê hương, nhớ bao điều, yêu dấu, ta nhớ lắm, vẫn nhớ đến, lắng đọng trong tim, ta yêu lắm, yêu dấu, mong một ngày kia, sung sướng tràn trề. Cả một đội quân hùng hậu chữ thế mà vẫn chưa khênh nổi một “nỗi nhớ quê” của Dương Thị Tình sang lòng người đọc. Trong khi ấy cũng viết về nỗi nhớ quê, Trần Phao chưa động đến chữ nhớ, mà “nỗi nhớ” đã tràn ngay sang lòng người đọc:
Tìm cô đò cũ không còn lái
Hỏi lão chài xưa đã giải nghề
Vắng cánh buồm nâu xao xuyến bến
Thiếu đàn trâu mộng trống trơ đê
Cũng có thể tham khảo thêm bài Phố Đêm của Đỗ Đình Tuân. Cả bài thơ chả có một chữ “thương vợ” nào, mà lòng thương vợ cứ hiện lộ. Nó ẩn chứa trong cái ngẫm nghĩ sẻ chia, nó ẩn chứa trong cái nhêch mép cười tự trách, nó dấu gói trong cái hình ảnh người vợ nhỏ bé mà lam lũ đến tội nghiệp:
Em ngồi bán ổi bán na
Bóng em nhỏ tối như là chấm đêm…
Dưới một bầu trời đầy sao “chi chit sáng trên sông Ngân Hà”, Hình ảnh của người vợ như càng thêm bé nhỏ. Nhưng bé nhỏ là bé nhỏ trước thiên nhiên vũ trụ, trước cái phố đêm vắng vẻ của cái thị trấn Sao Đỏ này thôi. Còn riêng với lòng tác giả, cái “chấm đêm” ấy lại là điểm quan tâm duy nhất, lại là cái điểm tìm đến duy nhất.
Thực ra thì trong thơ người ta vẫn có thể sử dụng những chữ dùng để gọi những tình cảm cảm xúc, nhưng cùng với nó phải có sự diễn tả đi kèm: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa như ngồi đống than” (ca dao). “Nhớ” là chữ gọi tên tình cảm cảm xúc. Còn “Bổi hổi bồi hồi”, “Đứng đống lửa”, “ngồi đống than” là những chữ, những hình ảnh diễn tả nỗi nhớ. Rõ ràng đây là một nỗi nhớ bồn chồn bức xúc của những cặp tình nhân trẻ nhớ nhau. Hoặc nữa:“Chắc gì anh đến hôm nay / Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm”(Vũ Thị Khương). “Đợi” trong trường hợp cụ thể này chỉ là chữ gọi tên cái tình cảm mong đợi. Còn “tàn ngày trắng đêm” là cái hình ảnh diễn tả sự mong đợi. Chao ôi ! Cái sự mong đợi ở đây sao mà khắc khoải và quằn quại đến thế. Đâu chỉ có hết ngày này sang đêm khác mà còn có cả sự tàn lụi, hao gầy thân xác nữa.
Nhưng không phải là Dương Thị Tình không biết làm thơ. Ngay trong tập thơ này thôi, Dương Thị Tình cũng đã có những đoạn, những bài khá thành công. Chẳng hạn như bài Nhớ xưa có đoạn:
Nhớ xưa thời bao cấp
Nửa nước còn chiến tranh
Cơm ít hơn rau xanh
Khổ chung cùng đất nước
Nhà mình con còn nhỏ
Em, anh vất vả hoài
Nhưng ta vẫn vui cười
Hàng ngày đi dạy trẻ
Những khi em sinh đẻ
Anh cháo mỳ thành quen
Nhường toàn cơm cho em
Lấy sữa cho con bú
Tinh mơ anh giặt giũ
Phơi kín cả dây nhà
Và thổi cơm bỏ muối
Em ăn mà mặn môi.
Theo chân từng con chữ, các chi tiết của đời sống thật đã hiện ra. Những chi tiết ấy lại góp nhau lại tạo nên một bức tranh về đời sống gia đình trong thời bao cấp, thời chiến tranh khá chân thực và sinh động. Cái câu thơ “Em ăn mà mặn môi” là một câu thơ rất “nặng” và rất “gợi”. Trong cái mặn của cơm bỏ muối, còn có cả cái mặn của tình chồng thương vợ. Và sau chữ “mặn môi” còn thấy ngân ngấn lệ của tấm lòng người vợ. Những giọt lệ của lòng cảm động ấy đã là lời cảm ơn âm thầm nhưng sâu nặng rồi, không cần phải nói ra bằng lời làm gì nữa. Thành thừa. Mà trong thơ thì không cho phép thừa, chỉ được quyền thiếu thôi. Cố nhiên là phải biết cách thiếu. Thiếu là để cho mạch thơ kìm nén lại, nhưng tình thơ và ý thơ phải ngân lên, bay cao và lan xa…chứ không phải thiếu để mà hụt hẫng.
Em gái tôi cũng là một bài thơ hay. Hay ở chỗ, nó đã vẽ ra được hình ảnh một người phụ nữ khá hoàn hảo: đẹp người, đẹp nết, biết đường ăn nhẽ ở, giỏi việc nước, đảm việc nhà:
Bây giờ duyên dáng càng ưa
Nhìn em ai cũng tưởng chưa có chồng.
Chỉ tiếc là Dương Thị Tình vẫn chưa biết gói bài. Cứ đến phần kết thúc là lại làm cho bài thơ nhẹ bẫng đi:
Em như một đóa hoa hồng
Xinh tươi đằm thắm mặn nồng đáng yêu.
Cái cô gái miêu tả trên kia đẹp lắm, giòn lắm, sức trẻ bền dai lắm. Một đóa hoa hồng sớm nở tối tàn tương xứng làm sao được. Cho nên hai câu thơ này nếu muốn dùng thì ít nhất cũng phải sửa lại câu tám. Chẳng hạn:
Em như một đóa hoa hồng
Ngỡ thu phai thắm lại nồng màu xuân.
Bông hoa hồng bây giờ chỉ còn là hình ảnh biểu tượng, một cách gọi, một lối hóa thân của cô gái đã được miêu tả ở trên kia mà thôi. Như thế nó mới tương xứng với người đẹp được.
Bỏ công phu ra, viết bài giới thiệu cho tập Mặn môi này, tôi không mong để được một bữa nhuận mồm như viết cho tập Gió Lành. Sau những lời chê ủng chê eo nhiều thế, tôi chỉ mong tác giả đừng có tức tiết lên mà vả vỡ mồm tôi ra là tốt lắm rồi. Đó là điều tôi mong cho tôi. Còn với tác giả tôi chỉ mong sau Mặn môi sẽ viết được nhiều bài thơ mặn lòng hơn nữa. Muốn thế Dương Thị Tình phải trở về với những gì gắn bó, lắng đọng nhất trong cõi riêng của mình. Bởi thơ nằm trong cõi ấy và chỉ nằm trong cõi ấy.
Thị xã chí Linh 29/10/2010
Thị xã chí Linh 29/10/2010
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét