Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Mấy bông hoa còi tặng "bà ráo" vợ

Thế hệ chúng tôi đa phần chưa biết tặng hoa. Phần vì thời ấy còn “đóng cửa” chưa tiếp cận được với văn minh, văn hóa bên ngoài. Nhưng lý do chính là vì nghèo, kiếm đồng tiền bát gạo để nuôi sống người khó khăn lắm còn đầu óc đâu mà nghĩ đến hoa “Nhìn về quá khứ xa xa / Ngày tôi yêu bà đã tặng gì đâu…” (Bùi Trác Trường).Trong trường hợp bắt buộc phải mua hoa thì mặt cũng méo xệch đi không nhận ra mình nữa: “Tiếng là vui thú điền viên / Thực ra lo gạo lo tiền bở hơi / Ngày mai chum hết gạo rồi / Lại thêm mấy đứa con vòi tiền hoa / Tiêu nhiều mà kiếm không ra / Mặt mình cứ ngỡ như là mặt ai” (Đỗ Đình Tuân). Mình đã vậy, các bà ấy còn lo hơn thế: “ Chiều hôm nhẹ gánh vai gầy / Lại lo tiền lãi hôm nay ít nhiều / Bần thần chả được bao nhiêu / Mà bao nhiêu khoản cần tiêu cần dùng / Gạo ngày mai hết chưa đong / Tiền con nộp học chưa xong còn vòi / Lại thêm mấy chiếc thiếp mời / Lại còn đám héo của người xóm bên / Bời bời gan ruột rối lên…” (Vũ Thị Song Thu).
Nhưng chỉ cần trông thấy những đứa con hồn nhiên hớn hở, một ít phút đắm mình trong đời sống gia đình yên ấm, họ sẽ lấy lại được thăng bằng, lại có đủ sức mạnh để tiếp tục đi giành giật lấy bát cơm manh áo: “Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào / Hai con bỏ nghịch reo chào / Mình đang vun tưới ngoắt vào ngừng tay / Rì rào khóm trúc lung lay / Gà con lích tích quất đầy quả tươi / Hai con nét mặt rạng ngời / Con ơi mẹ muốn suốt đời được lo” (Vũ Thị Song thu).
Ngày nay điều kiện kinh tế có khấm khá hơn. Kể ra cũng có thể mua hoa để tặng nhau trong những dịp này dịp nọ. Nhưng chúng tôi lại quen “mất nết đi rồi”. Tặng hoa không quen nghe nó ngượng nghịu thế nào ấy. Mà thật ra nếu có mua hoa tặng thì không khéo các bà ấy cũng mắng cho. Ấy vậy nhưng đôi khi trong cái “bụng thối” của chúng tôi cũng nảy ra được những bông hoa còi. Thế là bốc máu lên lại ngắt ra đem tặng. Xem chừng các mụ ấy lại thích. Khi thì rơm rớm lệ, lúc lại toe toét cười, hỉ hả lắm. Lại sắp sửa đến ngày 20 tháng 10 rồi. Theo thông lệ bây giờ các ông chồng lại chuẩn bị phải mua hoa để tặng cho các bà xã . Nhưng chúng tôi thì cứ xin “ngựa quen đường cũ”. Chúng tôi lại đi lục lọi trong cái “bụng thối” của mình xem có còn sót được những bông hoa còi nào nữa không?
Nhưng tâm hồn người già cũng giống như một khu vườn hoang cằn cỗi, hoa nào còn nở được. Chỉ sẵn cành khô, lá úa và quả rụng thôi. Nhưng y hi, đây rồi, giữa những ngổn ngang tàn héo ấy, cũng lấp lánh vài bông hoa cũ, còi cọc thôi, nhưng vẫn còn tươi nguyên như vừa nở vậy. Xin cứ ngắt ra đây, trưng ra đây, xem như một bó hoa thừa, tặng xóm Tri Ân , tặng Cánh Phượng cùng ngắm nghía cho vui.
Bông thứ nhất có niên đại vào khoảng những năm tám mươi (80) của thế kỷ trước. Lúc ấy các hắn còn đang là một cặp “vợ chồng son, đẻ một con thành bốn”. Chồng hắn ở nhà ẵm con, đổ vườn “xây dựng căn cứ địa cách mạng”. Còn vợ hắn thì cố nhiên là phải ra “tiền tuyến” giành giật lấy bát cơm manh áo ngoài đường, ngoài chợ. Cái công cuộc “cướp giật” này cũng thật sự gian nan “Mở mắt ra đã phải lo / Mua sao táo đẹp cam to quất vàng / Mua rồi lại lo bán hàng / Gánh rong khắp cả phố phường, bến xe / Nắng mưa gió rét dám nề / Chân đi vai gánh tai nghe mắt nhìn…Đằng kia xe đỗ nhanh lên / Lại đây người gọi có liền dám lâu / Suốt ngày xuôi trước ngược sau / Gánh hàng rồi cũng dần lâu bớt đầy / Chiều hôm nhẹ gánh vai gầy…” (Vũ thị Song Thu). Nhưng cũng có hôm hắn ế hàng. Hắn phải ráng ngồi lại bán thêm cả buổi tối nữa. Đó là những hôm chồng hắn ở nhà ruột gan như lửa đốt. Có hôm thì con khát sữa quấy khóc, hắn phải vừa dỗ con vừa mong vợ về. Cũng có hôm con ngủ ngoan, hắn lại bồn chồn không biết tình hình vợ hắn thế nào. Hắn đi tìm vợ. Nhưng chỉ nửa đường thôi, hắn lại lo con bé ở nhà nhỡ nó dậy thì sao? Thế là có một đoạn đường phố hắn cứ phải dùng dằng đi đi lại lại trong cái tâm trạng bồn chồn ấy. Lâu dần tích tụ lại, rồi một hôm nó bật ra cái bài Phố Đêm:

Áo cơm em một gánh hàng
Thơ anh chỉ đổi được tràng vỗ tay
Phố đêm không rộn như ngày
Người thưa đèn sáng thoảng bay hương đồng
Bầu trời cao đến mông lung
Sao chi chít sáng đầy sông ngân hà
Em ngồi bán ổi bán na
Bóng em nhỏ tối như là chấm đêm
Chờ khuya anh phaỉ đi tìm
Đường khuya… xa thấy dáng em…chợt mừng !

Bông thứ hai có niên đại vào khoảng nửa cuối những năm chín mươi(90) của thế kỷ trước. Lúc này, vợ hắn đã vào dạy ở Trường Quân sự Quân khu ba rồi. Cũng là rất tình cờ thôi. Năm 1995, Trường Văn hóa - Kỹ thuật quân đôi ở Hưng Yên giải thể. Chỉ co lại còn một khoa chuyển về Trường Quân chính ở Chí Linh. Nhân dịp này một ông giáo dạy Văn xin chuyển về quê. Khoa văn hóa khuyết mất một biên chế. Nhà trường phải chạy hoắng lên để kiếm người. Vợ hắn được mời dạy hợp đồng. Hắn dạy được, dạy hay nên chỉ nửa năm sau thì tái tuyển chính thức. Vợ hắn vốn là người nghiêm túc lại tận tình nên năm nào thường cũng được khen. Rồi có một năm hắn thấy vợ hắn vác về một cái bằng khen to lắm, lại kèm thêm một cái giấy chứng nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hắn ngắm nghía một lúc lâu rồi bỗng bật cười. Không phải cười vì coi thường vợ mà là cười vì trong “bụng thối” của hắn vừa nảy ra một ý vui vui Đùa vợ:

Việc chợ việc trường thảy giỏi giang
Nét xoàng nhưng nết lại không xoàng
Tóc mềm hơi giống lông cò lửa
Da trắng gần như đít chảo gang
Tiếng nói véo von y vịt đực
Thân hình thon thả hệt cây nhang
Người ta hiện đại tây đầm cả
Mình vẫn chân quê một gái làng.
















Bông thứ ba lại nảy ra hết sức tình cờ. Ấy là vào dịp đầu năm mới 2010 này, dĩ nhiên là phải làm thơ mừng xuân rồi. Mà có cái gì khổ bằng làm thơ mừng xuân đâu? Ai ai cũng mừng, năm nào cũng mừng, khiến cho cái đề tài mừng xuân trở thành quá nhàm chán, không còn biết lách bút vào chỗ nào mà viết nữa. Chẳng lẽ lại cứ gào mãi cái điệp khúc “hoa tươi đua nở, lòng vui phơi phới” thì chán ngắt. Lẩm cẩm thế nào hắn lại đem so tên hắn (TUÂN) với mùa xuân(XUÂN) và hắn phát hiện ra hai chữ này có chung một cái đuôi UÂN. Chỉ khác nhau có cái phụ âm đầu mà TUÂN và XUÂN khác nhau quá lắm. XUÂN thì đẹp ơi là đẹp mà TUÂN thì xấu ơi là xấu. Cái ý đầu tiên đến vốn chỉ là một ý “tự trào”, vậy mà càng viết bài thơ càng vượt ra ngoài khuôn khổ và trở thành một bài thơ “nịnh vợ có hạng”: Bài Chung đuôi (Cánh Phượng dùng tựa đề Ngỡ là xuân):

“Tuân” – “Xuân” chung một cái đuôi “uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng “cốc vũ” đà nên nhạc
Tuân mãi “sang thu” mới ghép vần
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân.

Cốc vũ chính là tiết mưa rào, sau tiết thanh minh và trước tiết lập hạ, khoảng trung tuần tháng tư dương lịch. Lúc đó trời thường hay có mưa rào và sấm chớp nổi lên , tưc là mùa xuân “nên nhạc”. Còn “sang thu” tức là tiết lập thu, khoảng đầu tháng tám dương lịch. Trời bắt đầu dịu hơn, bớt nóng hơn. Các bậc “thi nhân”, “chí sĩ” mới không ngại “ghép vần” nữa. Từ đó mới bắt đầu là “mùa xuân sang tạo”của họ. Ô hô ! Y hi !
Những bông hoa còi cọc trên, có cái độ mở miệng rất khác nhau. Bông thì mắm môi bậm miệng để ủ hương vào bên trong. Bông lại chúm chím cho bốc mùi thum thủm, thoang thoảng ra bên ngoài. Nhưng xem ra những bông chúm chím ấy lại dễ làm cho người ta “ngộ độc” hơn. Nó cũng giống như những ly rượu mạnh, chỉ uống vào một lúc là thấy bụng dạ cồn cào và lử lả ngay.

Thị xã Chí linh 13/10/2010
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...