Dân trí Giai điệu bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” của nhạc sỹ Cầm Phong mỗi khi ngân lên lại khiến trái tim người lái đò ngày ấy xao xuyến, hồi tưởng lại một thời bom rơi, bão đạn mà nước mắt rưng rưng.
“Sống được đã là một anh hùng”Một ngày cuối năm 2016, tôi có dịp gặp lại Cụ Lê Xuân Miện (SN 1936, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Hiện cụ đang ở tại số nhà 21, đường 4, phố Nam Cao, TP Thanh Hóa)- người đã từng có nhiều năm lái con đò độc mộc trên dòng sông Pô Kô, vượt thác, vượt ghềnh dưới làn mưa bom đạn đưa hàng nghìn bộ đội ra Bắc vào Nam.
Đối với ông Miện thì sống giữa chiến trường ác liệt như vậy thì sống được để trở về đã là anh hùng rồi
Người lính cụ Hồ đã ngoài 80 tuổi, hơn 40 năm trôi qua, thế nhưng khi nhắc lại câu chuyện ngày ấy, ánh mắt cụ như sáng lên. Dường như lâu lắm rồi ông không có dịp nhắc lại những kỷ niệm của một thời đánh Mỹ vì vậy mà ông say sưa kể, thi thoảng giọng ông trầm xuống, có những khoảng im lặng để nhớ về những vui buồn trong những ngày chèo đò ấy.
Rồi ông kể, năm 1961-1963, ông chiến đấu trên chiến trường Lào, 2 năm sau ông trở về đi học. Đến tháng 6/1968, ông tái ngũ vào chiến trường, đơn vị C28 D2, trung đoàn 29B3, đường dây giao liên T2C07, mặt trận B3.
Nơi ông đóng quân là tuyến đường Tây Trường Sơn nối dài từ Bắc vào Nam vận chuyển vũ khí, lương thực và đường hành quân của bộ đội chi viện cho tiền tuyến lớn đi từ đất Việt Nam rồi vòng sang Lào và Campuchia sau đó vào trở lại Nam Bộ. Con đường khi đi qua Kon Tum và Gia Lai thì gặp dòng Pô Kô chặn lại.
Những đêm chở hàng chục chuyến bộ đội qua sông với người lính cụ Hồ ấy không bao giờ quên được
Tuy nhiên, đặc điểm về địa hình nên những con sông ở Tây Nguyên đều có chung hẹp, dốc, đáy nhiều đá, người dân nơi đây đã thiết kế những con thuyền được đục từ nguyên thân cây lớn gỗ lớn, gọi là thuyền độc mộc. Chỉ những con thuyền nhỏ, dài, chắc chắn như vậy mới có thể lên thác xuống ghềnh, chống chịu được những cú va đập với đá ngầm, sóng lớn, mỗi chuyến chở được 20 người.
Đoạn sông Pô Kô chảy qua Gia Lai được chia thành ba bến phà là phà 6, phà 8 và phà 10. Nhằm chủ động cho mỗi đợt hành quân, các bến phà phải bố trí cách nhau hơn 500m đề phòng địch đánh bất ngờ.
“Ban ngày thì ta cho dìm hết các con thuyền độc mộc xuống dòng nước để địch không phát hiện ra. Ban đêm, khi con gà tìm lên cây đi ngủ là lúc sang sông, cứ thế chuyến này qua thì chuyến sau lại thay người chèo, đến khi mặt trời ló sau rặng núi phía đông thì nghỉ. Tuy nhiên, cũng có lúc phải chèo cả ban ngày để bộ đội kịp tham gia các trận đánh lớn, đặc biệt là giai đoạn mùa khô từ 1964-1966” – cụ Miện kể lại.
Rồi cụ bảo để đưa bộ đội qua sông an toàn phải bố trí đến ba tiểu đội, ngoài tiểu đội chèo đò còn có một tiểu đội phụ trách phòng không đề phòng máy bay Mỹ thả bom, rồi một tiểu đội bảo vệ ở phía bờ bên kia đề phòng địch từ phía Campuchia tràn sang.
Giọng cụ chùng xuống, nước mắt rưng rưng khi nhớ lại: “Có những ngày máy bay địch bay trên đầu, bọn chúng còn biết được tên tôi, tên bố tôi, quê quán của tôi. Chúng nói trên loa rằng “Miện ơi, mày về đi, bố mày đang đợi mày về đấy, mày còn ở lại đây làm gì…Lúc đó, chỉ có lòng căm thù thì càng dâng lên cao hơn chứ tôi không hề bị lay động hay nao núng”.
Đôi mắt ông như ngân ngấn nước khi nhớ lại những trận đánh thảm khốc, người của ta chết như ngả rạ. Có một trận đánh mà cho đến giờ ông vẫn còn ám ảnh là trận địch dội bom xuống bệnh viện cách nơi dòng sông này không bao xa. Hàng nghìn người chết, ông bảo nhìn đâu cũng toàn thấy xác người nằm la liệt. Những cảnh tượng ấy chỉ khiến những người lính bộ đội cụ Hồ như ông thêm quyết tâm phục vụ kháng chiến cho đến hơi thở cuối cùng.
Năm 1972, đã có thuyền máy nên những người lái đò như cụ Miện lại mỗi người một nơi làm công việc khác.
Trăn trở của người lính cụ Hồ
Điều mà người lái đò trên dòng Pô Kô năm xưa cho đến giờ vẫn còn trăn trở đó là trạm lái đò của ông lúc đó có 12 người, có duy nhất mình ông người Thanh Hóa, bao nhiêu năm sau ngày loạn lạc, vẫn chưa có dịp nào hội ngộ, cũng không biết ai còn ai mất.
“Hơn 40 năm rồi, nếu những ai còn sống thì cũng nhiều tuổi rồi. Tôi chỉ mong có dịp nào đó được gặp lại, kết nối lại với những đồng đội của mình để cùng nhau ôn lại một thời sống dưới mưa bom bão đạn ác liệt mà vẫn có thể sống sót” – ông Miện tâm sự.
Người lính cụ Hồ cùng vợ bình dị giữa đời thường
Hòa bình lập lại, những người lái đò trên dòng Pô Kô và những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé, đã đi vào lịch sử trở thành nhân vật trong bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” nổi tiếng của nhạc sĩ Cẩm Phong, lời thơ Mai Trang.
Cuộc sống đã đổi thay nhưng huyền thoại Trường Sơn vẫn còn đó, còn cả những con người lái đò ngày xưa trên dòng Pô Kô đang sống bình dị giữa đời thường.
Nguyễn Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét