Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Điểm diện 35: Nam Cao





35. Nam Cao
     (1917-1951)

Anh còn đôi mắt ngây thơ
Sống mòn sao vẫn đợi chờ tương lai
Thương cho Thị Nở ngày nay
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo.
                                       Xuân Sách


-Chí Phèo: truyện ngăn 1941
-Sống mòn: tiểu thuyết 1944
-Đôi mắt: truyện ngắn 1948


Bài tham khảo

Vũ Bằng viết về Nam Cao
                                              Lê Hoài Nam
Trong bài Nam Cao: Nhà văn không biết khóc, in trên tờ Văn học số 95, ra ngày 15 tháng 10 tại Sài Gòn, văn Vũ Bằng đã viết “...Nhắc đến Nam Cao, bây giờ tôi có tiếc điều gì, ấy là tiếc đã không biết Nam Cao sớm hơn một chút...”

       Vũ Bằng

Sở dĩ Vũ Bằng có niềm tiếc như thế là bởi Vũ Bằng nhận ra khi gõ cửa làng văn, Nam Cao gặp không ít những trở ngại.
Vũ Bằng kể: “Ngay lúc Tiểu thuyết thứ bảy ra khổ lớn, Nam Cao đã có viết mấy truyện gửi về nhà báo, nhưng toà soạn cũ không đăng, tôi quả quyết không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện...”.
“...Không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện - là vì lúc đó Tiểu thuyết thứ bảy “ăn” về độc giả bình dân, đối tượng là đàn bà con gái, thích đọc truyện ướt át, lâm ly một chút mà ly kỳ một chút, chớ những truyện “tây” quá nghĩa là khô khan, không có thương nhớ, không “khóc được ”thì không “ăn tiền”.
Bởi vì nguyên tắc lựa truyện để được đăng tải đã được ấn định như thế, cho nên thí dụ thư ký toà soạn có đọc một truyện ngắn như loại truyện của Nam Cao thì Nam Cao cũng ít hy vọng được lưu ý và truyện của anh chưa chắc đã được may mắn đăng trên mặt báo...”.
Tuy nhiên,với một ngòi bút như Nam Cao thì người ta đâu có thờ ơ, ghẻ lạnh mãi được!
Vũ Bằng viết tiếp: “...Một sự ngẫu nhiên: Ngọc Giao có ý định muốn đi Nam để kinh doanh với một người bạn nhập cảng sắt cũ, ông Vũ Đình Long (chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy - LHN chú thích) có nhã ý bảo tôi làm thư ký toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy khổ lớn.
Bao nhiêu những bài lai cảo chất đống ở toà soạn, tôi khuân cả về nhà. Tình cờ một buổi chiều xấu trời, không đi chơi tếu được, tôi rút một vài bài ra coi thì trong số đó có một truyện của Nam Cao.
Chỉ đọc độ nửa trang đầu, tôi đã cảm thấy một truyện “đăng được”, đọc xong thì tôi bị Nam Cao cám dỗ. Ngay buổi tối hôm đó, tôi hì hụi dở hết cả chồng bài cũ ra kiểm thì thấy Nam Cao còn có hai truyện nữa (Trong đó có truyện người say rượu ngã ra như một cái bóng). 
Tôi đọc luôn một hơi và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ maket, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới...”.
Đọc đến đây và căn cứ vào tài liệu, chúng ta đã biết Vũ Bằng đang nói đến truyện Đôi lứa xứng đôi, hay Cái lò gạch cũ mà sau này đổi thành truyện Chí Phèo nổi tiếng.
Vũ Bằng kể tiếp:
“...Sau khi đăng được mươi truyện của anh ở trên mặt tờ Tiểu thuyết thứ bảy rồi, tôi mới biết Nam Cao bằng da bằng thịt. Anh đi thẳng vào nhà tôi ấp úng tự giới thiệu. Cảm giác đầu tiên của tôi sau buổi gặp gỡ này là Nam Cao là một người hiền lành,chân thật và nhũn nhặn...”.
“...Lúc đó Nam Cao độ hai mươi ba hai mươi bốn tuổi, nhưng nếu bảo là anh ba mươi lăm ba mươi sáu cũng có thể được vì anh có vẻ già trước tuổi, không ngây thơ, bụ bẫm như Tô Hoài...”.
Hình dáng Nam Cao qua ngòi bút mô tả của Vũ Bằng  rất gợi, rất chuẩn:
“...mặt dài, má hơi hóp, da đúng như màu dâu, nhưng mỗi khi nói một câu chuyện gì với ai thì ửng đỏ lên đủ để cho người ta thấy là anh thẹn. Tay chân anh dài lêu nghêu, lúc đi thì hơi đẩy cái đầu về phía trước.
Có ai đi bát ở các đường Tự Do Sài Gòn hay Đồng Khánh Chợ Lớn, vô công rồi nghề,nhìn vào các cửa hàng, đã thấy các con cò máy từ từ ngửng đầu lên rồi lại từ từ cúi xuống để mổ vào một chén nước không? Ấy đấy, Nam Cao đi đứng cũng từa tựa như con cò máy ấy...”.
Vũ Bằng mô tả tiếp:
‘’...Anh có vẻ tính toán từng cử động, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt lại mấy cái tóc xõa xuống mang tai.Đầu anh không bù theo kiểu Tô Hoài, mà cũng chẳng như Nguyễn Tuân, nhưng bờm vì thường thường tóc dài quá, có khi phủ cả gáy và che mất cả tai.
Tội nghiệp, đừng có ai tưởng anh để tóc kiểu hippy, tóc anh dài quá chỉ là vì anh lười hớt, mà nguyên nhân do lười hớt mười lần thì chín là vì không có tiền.
Mùa rét chỉ có trần một bộ màu đen sọc đỏ lợt, giầy không há mõm nhưng lúc nào cũng đầy bùn. Có lẽ tại vì từ nhà anh lên Hà Nội phải đi qua nhiều quãng đường đê lầy lội, mà anh lại là một tay ‘’kiết” không thèm mượn trẻ con đánh giầy - ‘’Cái tiền đánh giầy để dành cho con ăn quà còn thú hơn ‘’.
Ngày một ngày hai, đi sâu với Nam Cao hơn, tôi biết anh là một nhà văn nghèo túng còn hơn cả Vũ Trọng Phụng...’’.
Nghèo thế, nhưng Nam Cao không một lần để mất tư thế, làm nhoè nhân cách.
Vũ Bằng mô tả nhân cách Nam Cao như sau: ‘’...Trong suốt cả một thời kỳ đi lại thân mật với nhau, anh không cho tôi biết anh có mấy con cả thảy, nhưng anh đã nói như thế này: ’’Nhà thì nghèo chật, nền nhà thì là đất nện, mưa thì dơ, nắng thì bụi, mà một lũ con như dessins animée (phim hoạt hình - LHN chú thích) oánh nhau chí choé cả ngày... Không cố viết mà kiếm tiền nuôi chúng thì làm thế nào được hở anh \?’’.
Bắt đầu viết Tiểu thuyết thứ bảy, Nam Cao được mười lăm đồng một tháng; sau đó hình như tăng lên được hai mươi hay hai mươi lăm đồng.
Hình như Nam Cao cho như thế là tạm đủ. Ngô Hoan, Ngọc Giao, Thâm Tâm thường tỏ vẻ uất ức là bị bóc lột, riêng Nam Cao không thấy phàn nàn bao giờ về tiền nong...’’.
‘’...Hỏi ra thì trước khi viết báo như thế, tất cả sự sinh sống của gia đình anh dựa trên một giàn trầu. Cứ đến phiên chợ thì bà anh lại hái trầu đem bán. Nhưng bán trầu mà sống được cả nhà ư?
Tôi băn khoăn tự hỏi như thế nhiều lần, nhưng không tài nào biết được Nam Cao đã làm cách nào để sống dù là sống khổ ở một cái làng hẻo lánh nhất, nghèo khổ nhất tại một miền quê xa xôi nhất thành Nam. Nam Cao không hề cho ai biết sự thật trầm hùng đó...’’.
Nhận xét về giá trị tác phẩm của Nam Cao, Vũ Bằng viết: ‘’...Đặc điểm của Nam Cao theo tôi là ở sự giản dị chân phương. Cũng như người anh,văn anh không cầu kỳ, nhưng ’’đánh phát nào trúng phát ấy”, đi sâu vào tâm hồn người ta...’’.
Một lần tâm sự với Vũ Bằng, Nam Cao cũng nói về quan niệm sáng tác của mình: - Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm.đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn, khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết in như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt thêm ra làm gì.
Đây là một quan niệm hầu như đã quán xuyến toàn bộ đời văn của Nam Cao. Những chuyện buồn tủi, trớ trêu của cuộc đời giáo Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng sáng), Hộ (Đời thừa) đều được chắt ra từ chuyện của cuộc đời của chính nhà văn.
Còn những Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành... đều là những mẫu người thật ở cái làng Đại Hoàng nghèo, heo hút bên bờ sông Châu Giang, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn. Những tác phẩm đặc sắc nhất, căn cốt nhất làm nên tên tuổi, sự nghiệp của Nam Cao đều lấy bối cảnh, mẫu nhân vật trong cái làng Đại Hoàng ấy.
Nét đặc sắc nữa: Nam Cao ngồi ngay trong ngôi nhà gỗ ba gian hai chái, lợp mái rạ trong khu vườn chuối cạnh dòng sông Châu Giang mà viết. Ông viết trong âm thầm, thậm chí trong sự dửng dưng, ghẻ lạnh của người đời…
Vũ Bằng từng in tới hàng chục tập tiểu thuyết, truyện dài,truyện ngắn, tiểu luận, nhưng sở trường của ông vẫn là bút ký-tuỳ bút. Vị trí nhà văn của ông chẳng kém Nam Cao là mấy.
Tác phẩm ký Thương nhớ mười hai đặc sắc của ông có thể xếp ngang hàng với những tiểu thuyết,tập truyện đầu bảng của văn chương hiện đại Việt Nam.
Mặc dù có công phát hiện và làm ‘’bà đỡ mát tay’’ cho Nam Cao nhưng Vũ Băng không ứng xử với Nam Cao theo kiểu kẻ cả, ban ơn; trái lại,ông có thái độ bình đẳng, thân tình của những người đồng nghiệp với nhau và khi Nam Cao nổi tiếng ông còn công khai bộc lộ sự ngưỡng vọng, thèm khát muốn được như Nam Cao.
Ông viết: ‘’...Riêng tôi, được biết thêm Nam Cao, tôi rất lấy làm hãnh diện. Mỗi khi có bài của anh gửi về, tôi chưa đọc mà đã tin chắc là hay. Quả nhiên như thế: văn Nam Cao mỗi ngày viết mỗi chắc chắn và sâu sắc hơn lên.
Chừng một năm sau tôi thú thực là tôi đã buồn se sắt một thời gian vì tôi biết rằng Nam Cao còn tiến, và vẫn tiến, chắc chắn tôi không thể nào theo kịp...’’.
‘’...Thực tình như thế, bởi vì tôi thấy Nam Cao nổi lên dữ quá, văn anh hay quá, nhiều khi đọc xong một truyện của anh tôi lấy làm ‘’quái lạ’’ sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình như thế, sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ ‘’mả’’ thế, sao lại có thể tạo nên một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế...’’.
Về đời tư và những cá tính có liên quan đến văn chương Nam Cao, Vũ Bằng viết :
‘’...Nhân lúc ngà ngà (Nam Cao bị ép uống rượu chứ thực ra ông không biết uống-LHN chú thích) có một anh gạ chuyện thì biết thêm từ thủa bé anh không quen biết một người đàn bà nào khác, ngoài vợ ra.
Bảo là thực thà, người ta có thể nói Nam Cao là người thực thà, chân chỉ hạt bột nhất trong các văn nhân tiền chiến. Bây giờ trong các khách thính, trong các cuộc họp báo hay trong các cuộc đối diện đàm lãm, một số người vẫn yên trí nhà văn nhà báo là những người hư hỏng,uống uýt ky, hút thuốc phiện, trai gái bậy bạ và cho như thế văn mới hay, ý mới lạ.
Một lần nữa tôi lại bật cười vì thấy họ lầm. Nam Cao không những không chơi bời, trai gái lãng mạn, mà lại còn là một người hiền lành, giá đi làm thầy để làm gương cho thanh thiếu niên thì hợp...’’.
Rồi Vũ Bằng còn so sánh Nam Cao với những nhà văn nước ngoài :
‘’...Tôi vốn là một người nhút nhát và có mặc cảm. Từ lúc bước chân hẳn vào nghề văn bút, không có một lúc nào tôi dám nghĩ rằng văn chương Âu Mỹ, đó là một nhược điểm tôi biết như thế nhưng không có cách gì thoát ly được, nhưng có một lúc tôi đã nghĩ rằng những hạng văn sĩ như Deuc Lucien, Tom Kromer, Selina Layerloff nhứt định không thể ăn đứt Nam Cao.
Về sau này vào đây (tức vào Sài Gòn-LHN chú thích) nghe thấy nói nhiều sách mới truyện mới, trong đó có truyện của Nam Cao, được dịch ra nhiều thứ tiếng để phổ biến đi các nước, tôi ngờ ngợ là có lẽ tôi đã nghĩ đúng mà có rất nhiều người ngoại quốc bây giờ đã có một quan niệm khác về văn nghệ Việt Nam.
Riêng về Nam Cao theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì quả tôi chưa thấy có một nhà văn nào ‘’dớ dẩn mà ăn người’’ như thế...’’.
Còn đây là đoạn Vũ Bằng viết về cảnh loạn ly, chia đàn xẻ nghé của anh em bạn hữu văn nghệ Việt Nam giai đoạn đó:
‘’...Thế rồi đến những ngày tao loạn, khói lửa bốc lên, anh em tản mát mỗi người một ngả. Tôi về ở một cái nhà cỏ ở đầm Linh Đường trên đường về Hà Nam. Phần đông những người tản cư về phía đó đều ghé qua nhà tôi, nên căn nhà ấy được coi là ‘’trạm nghỉ chân’’ của nhiều anh em văn nghệ.
Hầu hết những anh em làm việc cho ba tờ Tiểu thuyết thứ bảy,Truyền báPhổ thông bán nguyệt san đều làm công việc của những người biết suy nghĩ là bỏ thành theo kháng chiến ‘’xếp bút nghiên theo việc cung đao’’...
‘’...Chính trong thời kỳ này, tôi được tin Nam Cao làm bí thư cho tướng Nguyễn Sơn. Thế rồi thì thôi. Tôi làm báo kháng chiến, lê chân đi trên nhiều nẻo đường đất nước và gặp hầu hết các anh em cũ, nhưng không có một lần nào gặp Nam Cao.
Thì một ngày mưa phùn giá rét căm căm, tôi thấy Nam Cao tóc phủ mang tai, đội nón lá, đi dép Bình-Trị-Thiên lắc lư cái đầu bước vào căn nhà tôi tạm trú, như thể đã ra vào quen thuộc lắm rồi...’’.
Rồi Vũ Bằng mô tả cái đêm tri ân ấy như sau:’’..Chúng tôi toàn nói chuyện lăng nhăng, y như không hề xa cách nhau bao giờ cả. Phần tôi, cũng không hỏi xem có phải anh làm bí thư cho Nguyễn Sơn không, anh làm việc ở khu nào,gia đình anh có chạy và có mang theo giàn trầu đi không...’’.
‘’...Quá giấc ngủ,chúng tôi dậy cùng uống nước, tình cờ Nam Cao thấy bộ Tam Quốc của Phan Kế Bính dịch mà tôi mang theo, anh mang vào mùng đọc.
Đến lúc ấy tôi mới biết Nam Cao chưa hề đọc Tam Quốc bao giờ. Đoạn anh mở ra đọc nói về Tào Tháo giết Lã Bá Sá. Anh mê ngay. Chúng tôi chia nhau ra một người đọc một người nằm nghe; một người nằm nghe thì người kia đọc.
Quả tình tôi chưa thấy Nam Cao cười sung sướng như thế bao giờ, anh vỗ tay vào đùi bôm bốp và thỉnh thoảng lại muốn nói to lên,nhưng kịp thời nghĩ rằng mình không nên làm mất giấc ngủ của những người xung quanh, anh lại bịt chặt mồm lại, nói khe khẽ: “Thánh thật. Cái thằng Tào Tháo này thánh thật!”.
Về sau này,buổi nói chuyện và đọc Tam Quốc đêm hôm ấy, Nam Cao thuật lại trong một tạp chí, bài trang nhất “văn nghệ” của kháng chiến...”.(Ở đây, Vũ Bằng muốn nói đến truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao-LHN chú thích).
Cái đêm tưởng chỉ là chia ly ấy ngờ đâu lại là đêm biệt ly mãi mãi. Nam Cao sau đó đi theo đoàn thuế nông nghiệp, hy sinh tại Gia Viễn, Ninh Bình. Còn Vũ Bằng thì vào tận Sài Gòn tiếp tục nghề văn.
Vũ Bằng đã viết những điều tiếc nuối,thương đau ấy: “...Chỉ đau có một điều là những nhà văn cỡ Nam Cao chết đi giữa lúc chiến tranh sôi động thật là một thiệt thòi rất lớn cho riêng phe văn nghệ.
Nếu trời mà bỏ quên đi mà cho anh được sống đến pha trót của chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh hiện nay, ai tôi không dám biết chứ riêng tôi thì tôi yên trí anh sẽ hiến cho văn nghệ rất nhiều cái mắt thấy tai nghe “gia rít” có thể thi đua với ngày trước và Larteguy bây giờ...”
                                                                                      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...