Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Điểm diện 32: Thanh Tịnh




32. Thanh Tịnh  (1911-1988)

Bao năm ngậm ngải tìm trầm
Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không
Mộng làm giọt nước ôm sông
Ôm sông chẳng được tơ lòng gió bay.
                         Xuân Sách

-Ngậm ngải tìm trầm : truyện ngắn 1943
-…

Bài tham khảo

Nhà thơ Thanh Tịnh 'giấu niềm đau vui sống với đời'
Rất nhiều câu chuyện và những kỷ niệm về nhà thơ Thanh Tịnh được đồng nghiệp, anh em bạn bè kể lại trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1911 - 2011) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nguyễn Xuân Thủy - 

“Gương mặt phôi pha” là từ mà nhà phê bình Hồng Diệu dùng để miêu tả về Thanh Tịnh. Vốn là quân của Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nên Hồng Diệu có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Thanh Tịnh. Thế nhưng, cũng giống như nhiều tác giả trẻ khác khi về công tác tại Nhà số 4, Hồng Diệu cũng rụt rè, thường đứng từ xa ngắm nhìn chứ không dám lại gần, cái khoảng cách cần thiết cho một sự kính trọng. Quả tình, nếu nhìn những bức chân dung ít ỏi còn lại của Thanh Tịnh với chất lượng không được tốt, ai cũng có thể cảm nhận giống như nhà phê bình Hồng Diệu.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường chưa từng được sống và làm việc cùng Thanh Tịnh dưới mái nhà số 4, bởi khi ông về công tác thì Thanh Tịnh đã thôi làm quản lý tại đây, nhưng có một chi tiết về Thanh Tịnh do nhà văn Nguyễn Khải kể lại khiến ông ám ảnh đến tận hôm nay. Nguyễn Khải kể với Nguyễn Khắc Trường rằng, bình thường Thanh Tịnh rất điềm đạm, ít luận bàn về văn chương của anh em, thậm chí là của các đàn em nhưng những lời ông nói ra đều khiến người khác phải nể phục. Ngày ấy, dù Nguyễn Khải đã viết rất nhiều và có dư luận tốt nhưng chưa khi nào thấy Thanh Tịnh nhận xét về văn của Nguyễn Khải. Cho đến một lần, khi Nguyễn Khải in truyện ngắn “Sự ra đi của người con” Thanh Tịnh mới bảo: “Khải đã bắt đầu thành nhà văn rồi đấy, nhà văn là phải có giọng riêng”. Câu trao đổi ngắn ấy đã khiến Nguyễn Khải nhớ cả đời và luôn kể lại với anh em viết văn mà Nguyễn Khắc Trường cũng là người được nghe. Nguyễn Khắc Trường nói rằng, “thời gian ở nhà số 4, bên những tên tuổi lớn, tôi nghiệm ra rằng mình đã học được từ các anh cách sống nhiều hơn là cách viết”.
Năm 1946, từ Huế, Thanh Tịnh ra Việt Bắc họp Đại hội Văn hóa, đúng thời điểm ấy diễn ra Toàn quốc kháng chiến, ông đi theo cách mạng, cũng từ đó, chiến tranh đã chia cắt ông với quê hương, gia đình. Năm 1954, miền Bắc hòa bình, ông về phụ trách tờ Văn nghệ Quân đội và gắn bó với mảnh đất Thủ đô đến cuối đời. Những bạn văn sống cùng thời, những anh em văn nghệ sĩ từng có dịp sống gần Thanh Tịnh đều hiểu hoàn cảnh của ông. Chuyện riêng của Thanh Tịnh còn buồn hơn bất cứ trang văn nào. Quê hương ở Huế, nhưng cả phần sau của cuộc đời ông sống trên đất Bắc. Huế trong ông gắn liền với những hoài niệm buồn thương day dứt. Năm 1975, đất nước thống nhất, bao gia đình, bao người con kháng chiến vui với niềm vui chung, vui với niềm vui sum họp thì Thanh Tịnh không còn nơi để trở về. Do hoàn cảnh chia cắt và điều kiện bất khả kháng của những năm tháng quê hương trong lòng địch, vợ ông đã sống cùng một sĩ quan cộng hòa.
Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) nói: “Đất nước 30 năm chiến tranh, bao con người phải chịu nỗi đau chia cắt, nhưng số phận Thanh Tịnh bi đát vào bậc nhất. Có gia đình vợ con từ sớm nhưng hầu như suốt đời ông chịu cảnh “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” (chữ của Thanh Tịnh). Chị ngậm ngùi chia sẻ, “trong số những người chịu ngang trái về mặt tình cảm phải chịu cảnh cô đơn trong giới văn nghệ sĩ thì trường hợp của Thanh Tịnh là kéo dài lặng lẽ và xót xa hơn cả”. Sau khi đất nước thống nhất, Thanh Tịnh chỉ về Huế duy nhất một lần, và việc làm duy nhất trong lần về Huế ấy là viết đơn xin bảo lãnh cho người chồng sau của vợ. Một đại tá cách mạng bảo lãnh cho một đại tá chế độ cũ vì một người phụ nữ mà họ yêu thương. Sau đó ông lại ra đi để lại sau lưng vợ con cùng một phần ký ức.
Nhà văn Hoàng Minh Châu, người có thời gian sống gần với Thanh Tịnh từ những năm trước cách mạng kể lại rằng, Thanh Tịnh lúc nào cũng vui vẻ, hài hước, ít khi để người khác thấy tâm trạng của ông. Có lần, sau một sự kiện rất vui vẻ, Thanh Tịnh nói với Hoàng Minh Châu, “Châu ơi, đừng tưởng mình cười nói vui vẻ thế là mình không có chuyện gì buồn nhé…”. Vốn kiệm lời và ít nói về mình, ông cũng chỉ dừng ở đấy. Hai bài học mà Hoàng Minh Châu rút ra từ cuộc đời Thanh Tịnh đó là niềm yêu đời, dù khó khăn mất mát, dù chuyện riêng tư có buồn đến thế nào thì Thanh Tịnh vẫn dành cho cuộc đời niềm lạc quan, vui sống; thứ hai, thơ văn của Thanh Tịnh trữ tình mà gần gũi như lời ăn tiếng nói của quần chúng, như hò vè ca dao, vì thế, đừng quên tiếng nói của công chúng.
Có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều giai thoại mà anh em văn nghệ Nhà số 4 đến nay vẫn lưu truyền về nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó có một kỷ niệm đến bây giờ nhớ lại vẫn khiến nhiều người rơi nước mắt. Những năm khó khăn, các nhà văn nhà thơ ở Nhà số 4 phải làm thêm bằng việc dán bìa các tông thành các hộp giấy, cuộc sống văn nghệ sĩ cơ cực muôn phần. Cuối năm ấy cơ quan được phân mỗi người một cân thịt lợn. Tất cả xì xụp ngồi rán phần của mình thành mỡ để mang về, đến lượt một nhà thơ trẻ, do đãng trí hay không có kinh nghiệm, nên khi rán xong đã đổ ngay mỡ đang sôi vào chiếc can nhựa, lúc sau quay lại thì thấy chiếc can đã nhũn ra, mỡ chảy hết. Cái Tết đã cận kề, nghĩ đến vợ con, vừa giận mình, vừa tủi, nhà thơ trẻ ngồi khóc. Thanh Tịnh đi qua nhìn thấy bèn mang suất của mình đưa cho nhà thơ trẻ. Rất nhiều năm sau, nhà thơ ấy vẫn kể lại và cứ ân hận mãi là “không hiểu sao lúc ấy tôi lại cầm suất thịt của Thanh Tịnh, tại sao tôi không nghĩ ra là tiêu chuẩn Tết thì ai cũng phải ăn, ai cũng phải sử dụng…”. Thanh Tịnh là thế, dù không nói nhưng nhìn vào cách cư xử của ông khiến người khác phải kính nể.
Cả cuộc đời Thanh Tịnh cống hiến cho văn nghệ cách mạng. Suốt một thời gian dài ông gắn bó với ngôi nhà số 4, gác gôn một trong những địa chỉ văn chương uy tín của đất nước, ông còn hết lòng tham gia công tác Hội Nhà văn. Thanh Tịnh đã sống đến những ngày cuối đời tại mảnh đất Thủ đô và mất vào ngày 17/7/1988. Đến năm 1991, ông đã được những anh em đồng đội ở Nhà số 4 đưa về an nghỉ dưới chân núi Thiên Thai, phía Tây thành phố Huế.
Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh, Đại tá nhà văn Ngô Vĩnh Bình - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi Thanh Tịnh đã có nhiều năm tháng gắn bó - đã bùi ngùi thông báo, trước đó một tuần, ông có điện cho con trai nhà thơ Thanh Tịnh là ông Trần Thanh Vệ đang sống ở Huế để mời ra dự lễ kỷ niệm nhưng vì một lý do khá đặc biệt ông Vệ không thể có mặt tại Hà Nội. Lý do ấy là, mẹ ông - người vợ duy nhất của nhà thơ Thanh Tịnh - vừa mất. Đó là một sự trùng hợp rất lạ, khi bà ra đi đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12/12/1911 tại xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Ông là tác giả của phong trào Thơ mới cùng với những nhà thơ mở đầu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Nhiều sáng tác thơ văn của ông được đưa vào sách giáo khoa, trong đó có bài “Tôi đi học” được nhiều thế hệ học sinh nhớ mãi. Sau Cách mạng tháng Tám, ông gia nhập Quân đội và trở thành nhà văn khoác áo lính. Thanh Tịnh nguyên là Đại tá, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, và là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI MUA...TÔI KHÔNG...?

                                         Ai mua , tôi bán tôi cho                               Giá mua chỉ một cánh cò chiều đông,   ...