34. Ngô
Tất Tố
(1893-1954)
Tài ba thằng mõ cỡ chuyên viên
Chia xôi chia thịt lại chia quyền
Việc làng việc nước là như vậy
Lộn xộn cho nên phải tắt đèn.
Xuân Sách
-Tắt đèn: tiểu thuyết 1937
-Việc làng: phóng sự 194o
-…
Bài tham khảo
Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố
bức xúc về quyền nhân thân
Vợ chồng con gái nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng sách “Lều
chõng” và “Việc làng”, do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, vi phạm quyền
nhân thân. Trong khi đơn vị thực hiện phủ nhận cáo buộc này.
- Phong Lê viết về 'thế hệ vàng' của văn chương Việt Nam / 'Việt Nam danh tác' tìm lại những tinh hoa văn học
Nhà văn Ngô
Tất Tố sinh năm 1894, mất năm 1954. Đến nay ông mất đã 60 năm, nên quyền tài
sản của ông đối với các tác phẩm không còn (Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy
định 50 năm). Tuy nhiên, quyền nhân thân được bảo hộ vĩnh viễn. Quyền nhân thân
cho phép tác giả: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa
chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại
đến danh dự và uy tín của tác phẩm”.
Sách
"Việc làng" do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành năm 2014.
|
Tác phẩm Lều
chõng xuất hiện lần đầu trên báo “Thời vụ” năm 1939, được Nhà xuất bản Mai
Lĩnh in thành sách năm 1941. Còn Việc làng đăng lần đầu trên báo “Hà Nội
tân văn”, được NXB Mai Lĩnh in thành sách năm 1940. Hai tác phẩm này
được nhiều nhà xuất bản in lại nhiều lần. Gần đây, con gái nhà văn - bà
Ngô Thị Thanh Lịch cùng chồng - ông Cao Đắc Điểm - lên tiếng về những bản in mà
theo họ là bị cắt xén nhiều đoạn. Cụ thể, đó là hai bản Lều chõng và Việc
làng do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành
năm 2014. Cả hai cuốn đều nằm trong bộ “Việt Nam danh tác” do Nhã Nam thực hiện.
Trong buổi
gặp với phóng viên VnExpress chiều 15/12, ông Cao Đắc Điểm cung cấp
nhiều tư liệu liên quan đến các bản in Lều chõng và Việc làng. Theo
ông, bản in Lều chõng 2014 của Nhã Nam đã cắt bỏ gần 1.000 chữ và dẫn
sai nội dung ở gần 20 chỗ so với bản đăng trên “Thời vụ” năm 1939. Ví dụ, bản
2014 của Nhã Nam cắt bỏ các đoạn: “Cô Nghè Thúy ngồi võng trong lễ vinh quy” -
79 chữ; đoạn “Bói Kiều” - 90 chữ; đoạn “xử phạt tội trai gái của một nho sĩ” -
196 chữ; đoạn “làm bài thuê ngay tại trường thi" - 282 chữ... Còn bản in Việc
làng của Nhã Nam đã cắt bỏ hai đoạn văn, một ở “Phần VI - Góc chiếu giữa
đình” và đoạn khác ở “Phần XII - Một tiệc ăn vạ”. Số chữ bị cắt là 789
chữ.
Đại diện gia
đình nhà văn Ngô Tất Tố còn chỉ ra nhiều chỗ trong sách in sai từ và cụm từ. Ví
dụ, “vặt diệt” in sai thành “vật diệc”, “tiêu trường hạ” in thành “tiêu tường
hạ”, “đãi dạ lai” in thành “đáo dạ lai”. Ngoài ra, ông Cao Đắc Điểm cho rằng
Nhã Nam đã quá lộng hành khi ghi lên bìa lót của sách Lều chõng và Việc
làng năm 2014 dòng chữ: “Ấn bản đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao
chụp, phân phối, dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát
tán trên mạng Internet mà không có sự cho phép văn bản của Nhà xuất bản là vi
phạm pháp luật…”.
Với những dẫn
chứng đưa ra, ông Cao Đắc Điểm rất bức xúc khi
cho rằng bản in 2014 của NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân,
được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ.
Hai công
trình khảo cứu, biên soạn của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm đã được bảo hộ (trên)
và bản photo báo Hà Nội tân văn.
|
Ông Cao Đắc
Điểm cho biết thêm từ hơn 10 năm nay, ông và vợ đã thực hiện các công trình
khảo cứu về văn bản nhằm khôi phục, giám định nguyên bản gốc và khảo cứu các
sai lệch khi tái bản các tác phẩm của Ngô Tất Tố. Các công trình này đã chính
thức đăng ký, được Cục bản quyền cấp chứng nhận “bản quyền tác giả biên soạn” và
“quyền chủ sở hữu”. Tuy nhiên, khi NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam in sách đã không
chịu tham khảo công trình khảo cứu của họ.
Trao đổi với
phóng viên sáng 16/12, ông Vũ Hoàng Giang - Phó
giám đốc công ty Nhã Nam - cho rằng họ không
hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả.
Theo ông
Giang, nhà xuất bản và nhóm thực hiện bộ sách “Việt Nam danh tác” đã ưu tiên in
lại sách theo bản mà họ cho là bản in đầu tiên. Cụ thể, cuốn Lều chõng
in theo bản của NXB Mai Lĩnh năm 1941, và Việc làng in theo bản của NXB
Mai Lĩnh năm 1940. “Tôi nghĩ văn bản mà nhóm làm sách dựa vào là bản khả tín
nhất. Ông Cao Đắc Điểm muốn nói bản nào giá trị hơn, thì có lẽ cũng cần phải
đưa ra tư liệu cụ thể” - ông Giang nói.
Các bản
"Lều chõng" và "Việc làng" in năm 2014 của Nhã Nam (trên)
và của NXB Mai Lĩnh (dưới)
.
|
Với ý kiến
của ông Cao Đắc Điểm cho rằng Nhã Nam tự ý cắt bỏ nhiều chỗ, ông Giang nói: “Ấn
bản Lều chõng và Việc làng của Nhã Nam và NXB Hội nhà văn không
tự ý cắt bỏ bất cứ đoạn văn nào so với hai bản in của NXB Mai Lĩnh. Nếu như ông
Điểm so với bản in trên báo thì đó là quan điểm nghiên cứu riêng của ông, không
thể coi là bắt buộc áp đặt cho cả giới nghiên cứu và xuất bản được”.
Về các lỗi
in sai từ, ông Giang cho biết: “Chúng tôi có biết ông Điểm thống kê những lỗi
morat do quá trình biên tập và chế bản ở hai cuốn sách. Ông nêu ra sáu lỗi
chính tả ở bản Việc làng và tám lỗi chính tả ở bản Lều chõng. Về
mặt làm nghề mà nói, sai lỗi chính tả là điều mà không một đơn vị xuất bản nào
mong muốn. Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì sẽ chỉnh
sửa khi tái bản”.
Không đồng ý
với ý kiến cho rằng nhóm làm sách đã lộng hành khi in dòng chữ trên bìa lót,
ông Giang nói: “Dòng chữ ‘Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ…’ chỉ là một mẫu
câu công thức, mà các đơn vị xuất bản trong và ngoài nước vẫn ghi, mang tinh
thần thượng tôn pháp luật nói chung, để cảnh báo ngăn cản việc làm sách giả,
sách lậu, in ấn và làm ebook trái phép… mà thôi. Đó chỉ là suy diễn do hiểu
nhầm, chứ dòng ghi nhận bản quyền đó không hàm ý gì đến việc xác lập quyền sở
hữu một tác phẩm cụ thể nào. Ai làm trong ngành xuất bản cũng đều rõ điều đó”.
Đại diện Nhã Nam cho rằng phía gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã quá suy diễn đối
với mẫu câu chuẩn mực này.
Nhà nghiên
cứu Lại Nguyên Ân là người đang nghiên cứu nhiều văn bản tác phẩm văn học cũ,
đồng thời tham gia cộng tác và viết lời giới thiêu cho tác phẩm này. Ông khẳng
định NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam không vi phạm quyền nhân thân của Ngô Tất Tố.
Ông nói: “Khi làm sách người ta có quyền chọn văn bản. Bản thân văn bản đó như
thế nào phụ thuộc vào trình độ ngành nghiên cứu văn bản của nước ta. Tôi biết
người nhà Ngô Tất Tố có căn cứ vào một văn bản để khẳng định đó là toàn vẹn.
Nhưng đó là một nghiên cứu riêng, giống như ý kiến của nhà chú giải này ở bên
cạnh nhà chú giải khác, chúng đứng cạnh nhau chứ không có ai vi phạm ai”.
Thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ Điêu Ngọc Tuấn sau khi xem xét sự việc đã cho
rằng: “chưa đủ cơ sở để khẳng định đơn vị làm sách có hành vi xâm phạm quyền
nhân thân của tác giả". "Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì việc sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc
tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mới bị coi là hành vi
xâm phạm quyền tác giả. Ở đây chưa thấy Nhã Nam có hành vi này”.
Ông Điêu
Ngọc Tuấn phân tích trên ba luận điểm chính:
Thứ nhất,
hai bản mà NXB Hội Nhà văn xuất bản (như khẳng định của Ông Vũ Hoàng Giang) là
nguyên vẹn từ bản in thành sách lần đầu của NXB Mai Lĩnh ấn hành (năm 1940,
1941) khi Ngô Tất Tố còn sống. Ngoại trừ những lỗi morat thì Nhã Nam không tự
thực hiện việc sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc nào đối với tác phẩm. Như vậy,
nếu nói là sửa chữa, cắt xén thì là từ bản in của NXB Mai Lĩnh chứ không phải
là do Nhã Nam.
Thứ hai,
chưa đủ cơ sở để nói hai ấn bản được nêu ra (bản in trên báo và bản in sách của
NXB Mai Lĩnh) đâu là bản chuẩn hoàn thiện của tác phẩm. Có thể bản in trên báo
(công bố trước) là bản gốc của tác phẩm nhưng bản in sách sau đó của Mai Lĩnh
hoàn toàn có thể đã được tác giả sửa chữa hoặc tác giả cho phép sửa chữa trước
khi in thành sách cho phù hợp mục đích hoặc bối cảnh xuất bản. Hiện nay, khi
tác giả đã mất thì, trừ khi có bằng chứng rõ ràng tác giả khẳng định đâu là bản
hoàn thiện của mình, không ai có thể thay tác giả để khẳng định đâu là bản
chuẩn.
Thứ ba, bản
in do Mai Lĩnh phát hành (năm 1940, 1941 khi tác giả vẫn còn sống) đã được sửa
chữa, cắt xén so với bản đăng trên báo trước đó nhưng không thấy có bằng chứng
thể hiện việc tác giả khiếu kiện, phàn nàn hay phản đối. Điều này cho thấy khi
đó tác giả không cho rằng đó là sự sửa chữa, cắt xén gây phương hại đến danh dự
và uy tín của mình.
Ông Điêu
Ngọc Tuấn cũng cho rằng việc cáo buộc Nhã Nam vi phạm quyền nhân thân của tác
giả có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng cũng có thể do sự thiếu thống nhất
trong quan điểm đâu là ấn phẩm chuẩn nhất của tác giả; cũng như sự thiếu thống
nhất về cách hiểu sửa chữa, cắt xén tác phẩm như thế nào là vi phạm quyền nhân
thân.
Lam Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét